Lời giới thiệu:
The End of History and the Last Man
FRANCIS FUKUYAMA
Francis Fukuyama, The End of History and the Last Man (London: Penguin, 1992), pp. xi–xxiii. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Huy Hoàng. Phiên bản điện tử: https://hoanghannom.com
Francis Fukuyama lớn lên ở thành phố New York, theo học Đại học Cornell và nhận bằng tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại Đại học Harvard. Ông hiện là giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển, và Pháp quyền thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli và giáo sư (by courtesy) ngành khoa học chính trị tại Viện Đại học Stanford. |
Nguồn gốc sâu xa của cuốn sách này nằm ở bài viết có nhan đề “The End of History?” mà tôi viết cho tạp chí The National Interest mùa hè năm 1989.[1] Trong đó, tôi lập luận rằng một sự đồng thuận đáng chú ý về tính chính danh của nền dân chủ tự do như một hệ thống chính phủ đã nổi lên trên khắp thế giới trong vài năm qua, do nó đã chinh phục các hệ tư tưởng đối đầu như chế độ quân chủ thế tập, chủ nghĩa phát xít, và gần đây nhất là chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, hơn thế nữa, tôi lập luận rằng nền dân chủ tự do có thể tạo nên “điểm kết thúc trong cuộc tiến hóa tư tưởng của nhân loại” và “hình thức cuối cùng của sự quản trị con người,” và như vậy tạo nên “sự kết thúc của lịch sử.” Tức là, trong khi các hình thức chính phủ trước đây được đặc trưng bởi những thiếu sót nghiêm trọng và những sự bất hợp lý đã dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của chúng, nền dân chủ tự do lại được cho là không có những mâu thuẫn nội bộ cơ bản như vậy. Điều này không có nghĩa là các nền dân chủ ổn định ngày nay, như Hoa Kỳ, Pháp, hay Thụy Sĩ, không có bất công hay những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Nhưng chúng là những vấn đề của việc thực hiện không đầy đủ hai nguyên tắc sinh đôi là tự do và bình đẳng vốn là nền tảng của nền dân chủ hiện đại, hơn là những vấn đề của khiếm khuyết trong bản thân những nguyên tắc đó. Dù một số quốc gia ngày nay có thể không đạt được nền dân chủ tự do ổn định, và những quốc gia khác có thể rơi trở lại các hình thức cai trị khác, nguyên thủy hơn, như chế độ thần quyền hay độc tài quân sự, lý tưởng về dân chủ tự do sẽ không thể được cải thiện.
Bài viết gốc đã kích thích số lượng bình luận và tranh cãi bất thường, ban đầu ở Hoa Kỳ, sau đó đến một loạt các nước khác như Anh, Pháp, Ý, Liên Xô, Brazil, Nam Phi, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Phê bình xuất hiện ở mọi hình thức có thể tưởng tượng được, một số dựa trên sự hiểu lầm đơn thuần về ý định ban đầu của tôi, và số khác thâm nhập rõ nét hơn đến cốt lõi của lập luận.[2] Nhiều người thoạt đầu đã bối rối trước cách tôi dùng từ “lịch sử.” Hiểu lịch sử theo nghĩa thông thường là sự xuất hiện của các sự kiện, người ta viện dẫn sự sụp đổ của Bức tường Berlin, cuộc đàn áp của cộng sản Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn, và cuộc xâm lược Kuwait của Iraq như những bằng chứng cho thấy “lịch sử đang tiếp diễn,” và chính vì lẽ đó tôi đã được chứng minh là sai lầm.
Nhưng điều mà tôi cho rằng đã đi đến kết thúc không phải là sự xuất hiện của các sự kiện, thậm chí các sự kiện lớn và quan trọng, mà là Lịch sử: tức là, lịch sử được hiểu như một tiến trình tiến hoá, thống nhất, duy nhất, khi tính đến trải nghiệm của mọi dân tộc ở mọi thời đại. Cách hiểu này về Lịch sử có liên quan chặt chẽ nhất với triết gia vĩ đại người Đức G. W. F. Hegel. Nó được đưa vào bầu không khí tri thức thường ngày của chúng ta nhờ Karl Marx, người vay mượn khái niệm Lịch sử này từ Hegel, và tiềm ẩn trong cách chúng ta sử dụng các từ ngữ như “nguyên thủy” hay “tiên tiến,” “truyền thống” hay “hiện đại,” khi nói về các dạng xã hội loài người khác nhau. Với cả hai nhà tư tưởng, các xã hội loài người đã có sự phát triển thống nhất từ các xã hội bộ lạc đơn giản dựa trên chế độ nô lệ và nền nông nghiệp tự cung tự cấp, qua nhiều chế độ thần quyền, quân chủ, và quý tộc phong kiến khác nhau, tiến lên nền dân chủ tự do hiện đại và chủ nghĩa tư bản được thúc đẩy bằng công nghệ. Quá trình tiến hóa này không ngẫu nhiên cũng không khó hiểu, ngay cả nếu nó không diễn ra theo một đường thẳng, và ngay cả nếu có thể đặt câu hỏi liệu loài người có hạnh phúc hơn hay giàu có hơn do “tiến trình” lịch sử này hay không.
Cả Hegel và Marx đều tin rằng sự tiến hóa của các xã hội loài người không có kết thúc mở, mà sẽ kết thúc khi nhân loại đạt được một hình thái xã hội thỏa mãn những khát vọng sâu xa và căn bản nhất của nó. Cả hai nhà tư tưởng do đó đều thừa nhận một “sự kết thúc của lịch sử”: với Hegel điều này là nhà nước tự do, trong khi với Marx nó là một xã hội cộng sản. Điều này không có nghĩa là chu kỳ tự nhiên sinh, sống, và chết sẽ kết thúc, là các sự kiện quan trọng sẽ không còn xảy ra, là báo chí đưa tin về chúng sẽ đình bản. Thay vào đó, nó có nghĩa là sẽ không có tiến bộ hơn nữa trong sự phát triển của các nguyên tắc và thể chế cơ bản, bởi vì mọi vấn đề thực sự lớn đã được giải quyết.
Cuốn sách này không phải nơi trình bày lại bài viết ban đầu của tôi, cũng không phải một nỗ lực nhằm tiếp tục thảo luận với nhiều nhà phê bình và bình luận về bài viết đó. Nó càng không phải một bài viết về sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, hay bất cứ chủ đề cấp bách nào khác trong nền chính trị đương đại. Trong khi cuốn sách này chịu ảnh hưởng của những sự kiện thế giới gần đây, chủ đề của nó lại quay trở về một câu hỏi rất cũ: Liệu, ở cuối thế kỷ 20, có hay không lý do để một lần nữa chúng ta nói về một Lịch sử thống nhất và có định hướng của nhân loại, thứ cuối cùng sẽ dẫn phần lớn nhân loại đến nền dân chủ tự do? Câu trả lời của tôi là có, vì hai lý do riêng biệt. Một có liên quan đến kinh tế, và một có liên quan đến những gì được gọi là “cuộc đấu tranh giành sự công nhận.”
Dĩ nhiên, lập luận từ thẩm quyền của Hegel, Marx, hay bất cứ tín đồ đương đại nào của họ cũng là chưa đủ để thiết lập tính hợp lệ của một Lịch sử có định hướng. Trong một thế kỷ rưỡi kể từ khi họ viết, di sản tri thức của họ đã bị tấn công không ngừng từ mọi hướng. Các nhà tư tưởng sâu sắc nhất của thế kỷ 20 đã tấn công trực tiếp vào ý tưởng cho rằng lịch sử là một tiến trình thống nhất hay có thể hiểu được; trên thực tế, họ đã phủ nhận khả năng là bất kỳ khía cạnh nào của đời sống con người cũng có thể hiểu được về mặt triết lý. Chúng ta ở phương Tây đã trở nên hoàn toàn bi quan về khả năng phát triển tổng thể trong các thể chế dân chủ. Sự bi quan sâu sắc này không phải là tình cờ, mà sinh ra từ những sự kiện chính trị thực sự kinh hoàng của nửa đầu thế kỷ 19 – hai cuộc thế chiến tàn phá, sự trỗi dậy của các hệ tư tưởng toàn trị, và bước ngoặt của khoa học chống lại loài người dưới hình thức vũ khí hạt nhân và hủy hoại môi trường. Trải nghiệm sống của những nạn nhân trong cuộc bạo lực chính trị của thế kỷ qua – từ những người sống sót sau chủ nghĩa Hitler và chủ nghĩa Stalin đến những nạn nhân của Pol Pot – sẽ phủ nhận việc tiến trình lịch sử có tồn tại. Quả thật, đến nay chúng ta đã trở nên quá quen với việc nghĩ rằng tương lai sẽ chứa đựng tin xấu cho tình trạng và sự an toàn của các thực tiễn chính trị dân chủ, tự do, đàng hoàng đến nỗi chúng ta khó mà nhận ra được tin tốt khi chúng tới.
Tuy nhiên, tin tốt đã tới. Bước phát triển đáng chú ý nhất của một phần tư cuối thế kỷ 20 là sự phơi bày các điểm yếu lớn ở cốt lõi của các nền độc tài có vẻ vững mạnh của thế giới, cho dù chúng là chế độ chuyên chế quân sự cánh Hữu, hay chế độ toàn trị cộng sản cánh Tả. Từ châu Mỹ Latin đến Đông Âu, từ Liên Xô đến Trung Đông và châu Á, các chính phủ mạnh đã thất bại trong hai thập niên qua. Và trong khi họ đã không nhường đường trong mọi trường hợp cho các nền dân chủ tự do ổn định, dân chủ tự do vẫn là khát vọng chính trị thống nhất duy nhất trải dài trên các khu vực và các nền văn hóa khác nhau trên toàn cầu. Ngoài ra, các nguyên tắc tự do trong kinh tế – “thị trường tự do” – đã lan rộng, và thành công trong việc tạo ra những mức độ thịnh vượng vật chất chưa từng có, ở cả các nước công nghiệp phát triển và các nước vốn là một phần của Thế giới thứ Ba nghèo khổ khi Thế chiến II suy tàn. Một cuộc cách mạng tự do trong tư duy kinh tế đôi khi đi trước, đôi khi theo sau, sự chuyển dịch về phía tự do chính trị trên toàn cầu.
Tất cả các bước phát triển này, rất nhiều bước mâu thuẫn với lịch sử kinh hoàng của nửa đầu thế kỷ khi các chính phủ toàn trị cánh Hữu và cánh Tả đang lớn mạnh, cho thấy sự cần thiết phải nhìn lại câu hỏi liệu có chủ đề nào liên kết sâu hơn nằm dưới chúng hay không, hay chúng chỉ đơn thuần là các ví dụ ngẫu nhiên của vận may. Bằng cách một lần nữa gợi lên câu hỏi liệu có hay không một Lịch sử Phổ quát của nhân loại, tôi đang nối lại một cuộc thảo luận khơi mào từ đầu thế kỷ 19, nhưng ít nhiều đã bị bỏ rơi trong thời đại của chúng ta do tầm cỡ của những sự kiện mà nhân loại đã trải qua kể từ đó. Trong khi dựa trên ý tưởng của các triết gia như Kant và Hegel, những người đã đề cập câu hỏi này trước đây, tôi hy vọng những lập luận được trình bày ở đây sẽ có thể đứng độc lập.
Cuốn sách này trình bày một cách rất cá nhân không phải một mà là hai nỗ lực riêng biệt nhằm phác thảo một Lịch sử Phổ quát như vậy. Sau khi thiết lập trong Phần I lý do chúng ta cần xét một lần nữa đến khả năng tồn tại của Lịch sử Phổ quát, tôi đề xuất câu trả lời ban đầu trong Phần II bằng cách cố gắng sử dụng khoa học tự nhiên hiện đại như một bộ điều tiết hay một cơ chế để giải thích tính định hướng và thống nhất của Lịch sử. Khoa học tự nhiên hiện đại là một điểm khởi đầu hữu ích do nó là hoạt động xã hội quan trọng duy nhất mà theo sự đồng thuận chung là vừa tích lũy vừa có hướng, ngay cả nếu tác động cuối cùng của nó lên hạnh phúc nhân loại là mơ hồ. Cuộc chinh phục tự nhiên liên tục, được cho phép với sự phát triển của phương pháp khoa học trong thế kỷ 16 và 17, đã được tiến hành theo những quy tắc xác định nhất định, không phải do con người mà do tự nhiên và các luật tự nhiên đặt ra.
Sự khai mở của khoa học tự nhiên hiện đại đã có một tác động đồng đều trên mọi xã hội từng trải nghiệm nó, vì hai lý do. Thứ nhất, công nghệ đem đến những lợi thế quân sự quyết định cho các quốc gia sở hữu nó, và với khả năng tiếp tục xảy ra chiến tranh trong hệ thống quốc tế của các nhà nước, không nhà nước nào coi trọng sự độc lập của mình lại có thể bỏ qua nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng. Thứ hai, khoa học tự nhiên hiện đại thiết lập một phạm vi đồng nhất về khả năng sản xuất kinh tế. Công nghệ cho phép khả năng tích lũy tài sản vô hạn, và kéo theo sự thỏa mãn một nhóm khát vọng ngày càng mở rộng của con người. Quá trình này đảm bảo sự đồng nhất hóa ngày càng cao của mọi xã hội loài người, bất kể nguồn gốc lịch sử hay di sản văn hoá của họ là gì. Mọi quốc gia trải qua quá trình hiện đại hóa kinh tế phải ngày càng giống nhau: họ phải thống nhất trên toàn quốc trên cơ sở một nhà nước tập trung hóa, đô thị hóa, thay thế các hình thức tổ chức xã hội truyền thống như bộ lạc, phái hệ, và gia đình bằng các hình thức duy lý về mặt kinh tế dựa trên chức năng và sự hiệu quả, và cung cấp giáo dục phổ thông cho công dân của họ. Những xã hội như vậy đã trở nên ngày càng liên kết với nhau thông qua các thị trường toàn cầu và sự lan rộng của một nền văn hóa tiêu dùng phổ quát. Hơn nữa, logic của khoa học tự nhiên hiện đại dường như chỉ đạo một cuộc tiến hóa phổ quát trong hướng đi của chủ nghĩa tư bản. Những kinh nghiệm của Liên Xô, Trung Quốc, và các nước xã hội chủ nghĩa khác cho thấy dù là đủ để đạt được mức độ công nghiệp hóa mà châu Âu thể hiện trong những năm 1950, các nền kinh tế tập trung cao độ lại rất không phù hợp để tạo ra cái gọi là các nền kinh tế “hậu công nghiệp” phức tạp, trong đó thông tin và cải tiến kỹ thuật có vai trò lớn hơn nhiều.
Nhưng trong khi cơ chế lịch sử mà khoa học tự nhiên hiện đại thể hiện là đủ để giải thích rất nhiều về đặc điểm của sự biến đổi lịch sử và tính đồng nhất ngày càng cao của các xã hội hiện đại, nó lại không đủ để giải thích hiện tượng dân chủ. Không phải nghi ngờ việc các nước phát triển nhất cũng là các nền dân chủ thành công nhất của thế giới. Nhưng trong khi khoa học tự nhiên hiện đại hướng dẫn chúng ta đến cánh cổng Miền đất Hứa của dân chủ tự do, nó lại không đưa chúng ta đến tận Miền đất Hứa, bởi lẽ không có lý do cần thiết về mặt kinh tế nào để quá trình công nghiệp hóa tiên tiến sản sinh tự do chính trị. Nền dân chủ ổn định có lúc xuất hiện trong các xã hội tiền công nghiệp, như ở Hoa Kỳ năm 1776. Mặt khác, có nhiều ví dụ lịch sử và đương đại về chủ nghĩa tư bản tiên tiến về mặt công nghệ cùng tồn tại với chế độ chuyên chế chính trị, từ Nhật Bản thời Minh Trị và nước Đức thời Bismarck đến Singapore và Thái Lan ngày nay. Trong nhiều trường hợp, các nhà nước chuyên chế có khả năng tạo ra tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có thể đạt được trong các xã hội dân chủ.
Do đó, nỗ lực đầu tiên của chúng ta nhằm thiết lập cơ sở cho một lịch sử có định hướng chỉ thành công một phần. Cái mà chúng ta gọi là “logic của khoa học tự nhiên hiện đại” về cơ bản là một cách diễn giải kinh tế về sự biến đổi lịch sử, nhưng là sự biến đổi (không như biến thể Marxist của nó) dẫn đến kết quả cuối cùng là chủ nghĩa tư bản thay vì chủ nghĩa cộng sản. Logic của khoa học hiện đại có thể giải thích rất nhiều về thế giới của chúng ta: tại sao chúng ta, cư dân của các nền dân chủ phát triển, là nhân viên văn phòng thay vì là nông dân kiếm sống trên đất đai, tại sao chúng ta là thành viên của các liên đoàn lao động hay tổ chức nghề nghiệp thay vì các bộ lạc hay thị tộc, tại sao chúng ta tuân theo thẩm quyền của một quan chức cấp trên hơn một linh mục, tại sao chúng ta biết chữ và nói một ngôn ngữ chung của dân tộc.
Nhưng các diễn giải kinh tế về lịch sử là không đầy đủ và không thỏa mãn, bởi vì con người không chỉ đơn giản là một loài vật kinh tế. Đặc biệt, những diễn giải như vậy không thể thực sự giải thích tại sao chúng ta là những nhà dân chủ, tức là, những người ủng hộ nguyên tắc chủ quyền nhân dân và việc đảm bảo các quyền cơ bản dưới một nền pháp quyền. Vì lý do này mà cuốn sách sẽ chuyển sang bản mô tả thứ hai, song song về tiến trình lịch sử trong Phần III, một mô tả tìm cách tìm lại toàn thể con người và không chỉ mặt kinh tế của anh ta. Để làm điều này, chúng ta quay trở lại Hegel và mô tả phi duy vật của Hegel về Lịch sử, dựa trên “cuộc đấu tranh giành sự công nhận.”
Theo Hegel, con người, cũng như động vật, có nhu cầu và mong muốn tự nhiên về các đối tượng bên ngoài bản thân như thực phẩm, đồ uống, chỗ ở, và trên tất cả là bảo vệ cơ thể mình. Tuy nhiên, con người khác biệt về căn bản với động vật, bởi lẽ ngoài ra anh ta còn muốn có mong muốn của người khác, tức là, anh ta muốn “được công nhận.” Đặc biệt, anh ta muốn được công nhận như một con người, tức là, một hữu thể có giá trị hay phẩm giá nhất định. Giá trị này ban đầu có liên quan đến sự sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của anh ta trong một cuộc đấu tranh giành uy danh thuần túy. Bởi chỉ con người mới có thể vượt qua hầu hết những bản năng động vật cơ bản nhất của mình – nổi bật nhất trong số đó là bản năng tự bảo vệ – vì lợi ích của những nguyên tắc và mục tiêu trừu tượng, cao cả hơn. Theo Hegel, mong muốn được công nhận ban đầu khiến hai chiến binh nguyên thủy tìm cách khiến người kia “công nhận” nhân tính của họ bằng cách đặt cược mạng sống vào một trận chiến sinh tử. Khi nỗi sợ tự nhiên trước cái chết khiến một chiến binh quy phục, mối quan hệ giữa chủ nô và nô lệ hình thành. Phần thưởng trong cuộc chiến đẫm máu ở khởi nguồn của lịch sử này không phải là thức ăn, chỗ ở, hay an ninh, mà là uy danh thuần túy. Và chính vì mục đích của cuộc chiến không được xác định bằng sinh học, Hegel thấy trong đó tia sáng le lói đầu tiên của tự do con người.
Ban đầu, mong muốn được công nhận có thể trông như một khái niệm xa lạ, nhưng nó đã xưa cũ như truyền thống của triết học chính trị phương Tây, và tạo nên một phần hoàn toàn quen thuộc của nhân cách con người. Nó được mô tả lần đầu trong cuốn Republic (Cộng hòa) của Plato, khi ông lưu ý rằng linh hồn có ba phần, một phần ham muốn, một phần lý trí, và một phần ông gọi là thymos, hay “tâm tính.” Phần lớn hành vi của con người có thể được giải thích là sự kết hợp của hai phần đầu, ham muốn và lý trí: ham muốn kích thích con người tìm kiếm những điều bên ngoài bản thân, trong khi lý trí hay tính toán chỉ cho họ cách tốt nhất để giành được chúng. Nhưng bên cạnh đó, con người còn tìm kiếm sự công nhận dành cho giá trị của riêng mình, hay cho những con người, sự vật, hoặc nguyên tắc mà họ đầu tư bằng giá trị. Thiên hướng đầu tư cho bản thân bằng một giá trị nhất định, và đòi hỏi sự công nhận dành cho giá trị đó, là cái mà trong ngôn ngữ phổ thông hiện nay chúng ta gọi là “tự tôn.” Thiên hướng cảm thấy tự tôn nảy sinh từ phần linh hồn gọi là thymos. Nó giống như một cảm giác bẩm sinh của con người về công lý. Con người tin rằng họ có một giá trị nhất định, và khi những người khác đối xử với họ như thể họ không giá trị như vậy, họ sẽ có cảm xúc tức giận. Ngược lại, khi không được tốt như cảm giác về giá trị của mình, con người sẽ thấy xấu hổ, và khi được đánh giá chính xác tương xứng với giá trị của họ, họ sẽ cảm thấy tự hào. Mong muốn được công nhận, cùng những cảm xúc tức giận, xấu hổ, và tự hào kèm theo, là những phần nhân cách rất quan trọng đối với đời sống chính trị. Theo Hegel, chúng là thứ thúc đẩy toàn bộ tiến trình lịch sử.
Bằng mô tả của Hegel, ở khởi nguồn của lịch sử, mong muốn được công nhận như một con người có phẩm giá đã thúc đẩy con người vào một trận chiến đẫm máu giành uy danh tới chết. Kết quả của trận chiến này là sự phân chia xã hội loài người thành một giai cấp chủ nô, những người sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của họ, và một giai cấp nô lệ, những người đầu hàng trong nỗi sợ tự nhiên trước cái chết. Nhưng quan hệ giữa lãnh địa và đầy tớ, dưới nhiều hình thức khác nhau ở mọi xã hội quý tộc, bất bình đẳng, đặc trưng của phần lớn lịch sử loài người, cuối cùng đã không thể đáp ứng mong muốn được công nhận của cả chủ nô hay nô lệ. Dĩ nhiên, nô lệ không được công nhận là con người theo bất cứ cách nào. Nhưng sự công nhận mà chủ nô nhận được cũng còn khiếm khuyết, do ông ta không được các chủ nô khác công nhận, mà chỉ được đám nô lệ có nhân tính không đầy đủ công nhận. Thái độ bất mãn với sự công nhận thiếu sót tồn tại trong các xã hội quý tộc đã tạo nên một “mâu thuẫn” đem lại các giai đoạn tiếp theo của lịch sử.
Hegel cho rằng “mâu thuẫn” cố hữu trong mối quan hệ giữa lãnh địa và đầy tớ cuối cùng đã được khắc phục như một kết quả của Cách mạng Pháp và phải thêm cả Cách mạng Mỹ. Các cuộc cách mạng dân chủ này đã xóa bỏ sự phân biệt giữa chủ nô và nô lệ bằng cách thiết lập các nguyên tắc về chủ quyền nhân dân và pháp quyền. Sự công nhận vốn bất bình đằng dành cho chủ nô và nô lệ được thay thế bằng sự công nhận phổ quát và đối ứng, nơi mỗi công dân đều công nhận phẩm giá và nhân tính của mọi công dân khác, và nơi phẩm giá đến lượt được nhà nước công nhận thông qua việc cấp quyền.
Cách hiểu kiểu Hegel về ý nghĩa của dân chủ tự do đương đại khác biệt đáng kể so với cách hiểu Anglo-Saxon vốn là cơ sở lý luận về chủ nghĩa tự do ở các nước như Anh và Hoa Kỳ. Trong truyền thống đó, hành trình kiêu hãnh tìm sự công nhận phải được đặt dưới tư lợi vị tha – ham muốn kết hợp với lý trí – và đặc biệt là mong muốn tự bảo vệ cơ thể. Trong khi Hobbes, Locke, và các nhà lập quốc Hoa Kỳ như Jefferson và Madison tin rằng phần lớn các quyền tồn tại như những phương tiện duy trì một không gian riêng tư nơi con người có thể làm giàu cho bản thân và đáp ứng những phần ham muốn của linh hồn,[3] Hegel lại xem quyền như chính mục đích, do cái thực sự thỏa mãn con người không hẳn là sự thịnh vượng vật chất mà là sự công nhận địa vị và phẩm giá của họ. Với các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp, Hegel khẳng định lịch sử đã đi đến kết thúc do sự khao khát vốn thúc đẩy tiến trình lịch sử – cuộc đấu tranh giành sự công nhận – nay đã được đáp ứng trong một xã hội được đặc trưng bởi sự công nhận phổ quát và đối ứng. Không cách sắp đặt các tổ chức xã hội loài người nào khác có thể đáp ứng khao khát này tốt hơn, do đó có khả năng sẽ không còn sự biến đổi lịch sử mang tính tiến bộ nào.
Khi đó, mong muốn được công nhận có thể cung cấp mối liên kết còn thiếu giữa kinh tế tự do và chính trị tự do trong cách mô tả kinh tế về Lịch sử trong Phần II. Ham muốn cùng lý trí là đủ để giải thích quá trình công nghiệp hóa, và một phần lớn của đời sống kinh tế nói chung. Nhưng chúng không thể giải thích sự phấn đấu cho nền dân chủ tự do, thứ cuối cùng phát sinh từ thymos, phần linh hồn đòi hỏi sự công nhận. Những thay đổi xã hội đi cùng quá trình công nghiệp hóa tiên tiến, đặc biệt trong giáo dục phổ thông, dường như đã giải phóng một nhu cầu được công nhận nhất định vốn không tồn tại trong những người nghèo hơn và ít giáo dục hơn. Khi mức sống gia tăng, khi người dân trở nên ngày càng quốc tế và được giáo dục tốt hơn, và khi toàn thể xã hội đạt được sự bình đẳng lớn hơn về điều kiện, người ta bắt đầu đòi hỏi không chỉ nhiều của cải hơn mà còn cả sự công nhận địa vị của họ. Nếu chỉ là ham muốn và lý trí, con người sẽ bằng lòng sống trong các nhà nước chuyên chế có định hướng thị trường như Tây Ban Nha của Franco, hay một Hàn Quốc hay một Brazil dưới chế độ quân sự. Nhưng họ cũng có lòng tự hào từ thymos trong sự tự giá trị của họ, và điều này dẫn họ đến việc đòi hỏi các chính phủ dân chủ đối xử với họ như người lớn thay vì như với trẻ con, công nhận quyền tự chủ của họ như các cá nhân tự do. Chủ nghĩa cộng sản đang được thay thế bằng dân chủ tự do trong thời đại của chúng ta do sự nhận thức rằng chế độ thứ nhất cung cấp một hình thức công nhận mang khiếm khuyết nghiêm trọng.
Sự hiểu biết về tầm quan trọng của mong muốn được công nhận trong vai trò là động lực của lịch sử cho phép chúng ta diễn giải lại nhiều hiện tượng có vẻ quen thuộc, như văn hóa, tôn giáo, công việc, chủ nghĩa dân tộc, và chiến tranh. Phần IV là một nỗ lực nhằm thực hiện chính xác điều này, và nhằm dự kiến trong tương lai một số cách khác nhau mà mong muốn được công nhận sẽ được thể hiện. Ví dụ, một tín đồ tôn giáo tìm sự công nhận cho những vị thần hay những nghi lễ thiêng liêng riêng của anh ta, trong khi một nhà dân tộc chủ nghĩa đòi hỏi sự công nhận cho nhóm ngôn ngữ, văn hóa, hoặc dân tộc riêng của anh ta. Cả hai hình thức công nhận này đều ít duy lý hơn sự công nhận phổ quát dành cho nhà nước tự do, bởi lẽ chúng dựa trên sự phân biệt tùy tiện giữa thiêng liêng và trần tục, hoặc giữa các nhóm xã hội loài người. Vì lý do này, tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc, và phức cảm của một người về các thói quen và phong tục đạo đức (rộng hơn là “văn hóa”) trong truyền thống được hiểu như những trở ngại đối với việc thành lập các tổ chức chính trị dân chủ và các nền kinh tế thị trường tự do thành công.
Nhưng sự thật lại phức tạp hơn đáng kể, do sự thành công của các nền chính trị tự do và các nền kinh tế tự do thường xuyên dựa vào các hình thức công nhận phi lý mà chủ nghĩa tự do được kỳ vọng là sẽ vượt qua. Để nền dân chủ hoạt động, công dân cần phát triển một niềm tự hào phi lý trong các thể chế dân chủ của họ, và cũng phải phát triển cái mà Tocqueville gọi là “nghệ thuật liên hiệp,” vốn dựa trên sự gắn kết kiêu hãnh với các cộng đồng nhỏ. Các cộng đồng này thường dựa vào tôn giáo, dân tộc, hoặc các hình thức công nhận khác vốn không nhận được sự công nhận phổ quát mà nhà nước tự do dựa vào. Điều này cũng đúng đối với các nền kinh tế tự do. Trong truyền thống, lao động được hiểu trong truyền thống kinh tế tự do phương Tây như một hoạt động căn bản là khó chịu, được thực hiện vì mục đích thỏa mãn những ham muốn và làm giảm cơn đau của con người. Nhưng trong các nền văn hóa nhất định có đạo đức nghề nghiệp vững chắc, như của các doanh nhân Tin Lành đã tạo ra chủ nghĩa tư bản châu Âu, hay của giới cầm quyền đã hiện đại hóa Nhật Bản sau thời kỳ Minh Trị, công việc cũng được thực hiện vì mục đích được công nhận. Cho đến ngày nay, đạo đức nghề nghiệp ở nhiều nước châu Á không được duy trì nhiều bằng những động cơ vật chất như bằng sự công nhận dành cho công việc của các nhóm xã hội chồng chéo, từ gia đình đến quốc gia, mà các xã hội này dựa vào. Điều này cho thấy các nền kinh tế tự do thành công không chỉ đơn giản trên cơ sở các nguyên tắc tự do, mà còn đòi hỏi cả các hình thức phi lý của thymos.
Cuộc đấu tranh giành sự công nhận cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về bản chất của chính trị quốc tế. Mong muốn được công nhận dẫn tới cuộc chiến đẫm máu giành uy danh giữa hai chiến binh ban đầu nay dẫn một cách hợp lý đến chủ nghĩa đế quốc và đế quốc thế giới. Mối quan hệ giữa lãnh chúa và đầy tớ trên cấp độ trong nước được tái tạo một cách tự nhiên trên cấp độ các nhà nước, nơi toàn thể các quốc gia tìm kiếm sự công nhận và bước vào những cuộc chiến đẫm máu giành uy quyền tối cao. Chủ nghĩa dân tộc, một hình thức công nhận hiện đại nhưng không hoàn toàn duy lý, là phương tiện đấu tranh giành sự công nhận trong hàng trăm năm qua, và là nguồn gốc của các cuộc xung đột dữ dội nhất của thế kỷ này. Đây là thế giới của “nền chính trị quyền lực,” theo mô tả của “các nhà hiện thực chủ nghĩa” về chính sách đối ngoại như Henry Kissinger.
Nhưng nếu chiến tranh về cơ bản được thúc đẩy bằng mong muốn được công nhận, thì hiển nhiên cuộc cách mạng tự do đã xóa bỏ mối quan hệ giữa lãnh chúa và đầy tớ bằng cách biến những nô lệ trước đây thành chủ nô của chính họ sẽ có tác động tương tự lên mối quan hệ giữa các nhà nước. Nền dân chủ tự do thay thế mong muốn phi lý là được công nhận là lớn hơn những nước khác bằng mong muốn duy lý là được công nhận là bình đẳng. Khi đó, một thế giới được tạo thành từ các nền dân chủ tự do sẽ có ít động lực chiến tranh hơn nhiều, do mọi quốc gia đều công nhận lẫn nhau tính chính danh của nhau. Và quả thật, đã có những bằng chứng thực nghiệm quan trọng từ vài trăm năm qua cho thấy các nền dân chủ tự do không hành xử kiểu đế quốc với nhau, ngay cả nếu họ hoàn toàn có khả năng tham chiến với các nhà nước phi dân chủ và không chia sẻ những giá trị cơ bản với họ. Chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy trong các khu vực như Đông Âu và Liên Xô, nơi các dân tộc từ lâu đã bị phủ nhận bản sắc dân tộc của họ, nhưng trong các quốc gia lâu đời nhất và an toàn nhất trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc đang trải qua một quá trình biến đổi. Nhu cầu về sự công nhận quốc gia ở Tây Âu đã được thuần dưỡng và làm cho tương thích với sự công nhận phổ quát, rất giống tôn giáo ba hoặc bốn thế kỷ trước.
Phần thứ năm và cuối cùng của cuốn sách này đề cập đến câu hỏi về “sự kết thúc của lịch sử,” và sinh vật xuất hiện ở cuối, “con người cuối cùng.” Trong quá trình tranh luận ban đầu về bài viết trên The National Interest, nhiều người cho rằng khả năng tồn tại sự kết thúc của lịch sử xoay quanh câu hỏi liệu có giải pháp thay thế khả thi nào cho nền dân chủ tự do như được thấy trên thế giới ngày nay hay không. Có rất nhiều tranh cãi về những câu hỏi như chủ nghĩa cộng sản đã thực sự chết hay chưa, tôn giáo hay chủ nghĩa siêu dân tộc có thể quay trở lại hay không, v.v. Nhưng câu hỏi sâu hơn và sâu sắc hơn lại liên quan đến sự tốt đẹp của chính nền dân chủ tự do, và không chỉ liệu nó có thành công trước các đối thủ hiện nay của mình hay không. Giả sử trong lúc này, nền dân chủ tự do được an toàn trước những kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể giả định rằng các xã hội dân chủ thành công có thể duy trì như vậy vô thời hạn hay không? Hay có phải tự do dân chủ là con mồi của những mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng, những mâu thuẫn nghiêm trọng đến nỗi cuối cùng chúng sẽ làm suy yếu nó như một hệ thống chính trị? Chắc chắn các nền dân chủ hiện đại phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, từ ma túy, người vô gia cư, và tội phạm đến thiệt hại về môi trường và sự phù phiếm của chủ nghĩa tiêu dùng. Nhưng những vấn đề này rõ ràng không phải là không giải quyết được trên cơ sở các nguyên tắc tự do, và cũng không quá nghiêm trọng đến nỗi chúng nhất thiết sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn thể xã hội, như chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ trong những năm 1980.
Viết trong thế kỷ 19, Alexandre Kojève, người thông dịch vĩ đại của Hegel, khẳng định dứt khoát rằng lịch sử đã kết thúc do cái ông gọi là “nhà nước phổ quát và đồng nhất” – mà chúng ta có thể hiểu là nền dân chủ tự do – đã giải quyết dứt điểm vấn đề về sự công nhận bằng cách thay thế mối quan hệ giữa lãnh chúa và đầy tớ bằng sự công nhận phổ quát và bình đẳng. Thứ con người tìm kiếm trong suốt dòng lịch sử – thứ thúc đẩy “các giai đoạn lịch sử” trước đây – là sự công nhận. Trong thế giới hiện đại, cuối cùng anh ta đã tìm thấy nó, và “hoàn toàn thỏa mãn.” Nhận định này được Kojève đưa ra một cách nghiêm túc, và nó xứng đáng được chúng ta xem xét một cách nghiêm túc. Bởi lẽ có thể hiểu vấn đề của chính trị trong hàng ngàn năm lịch sử nhân loại là nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề về sự công nhận. Sự công nhận là vấn đề trung tâm của chính trị do nó là nguồn gốc của bạo quyền, chủ nghĩa đế quốc, và mong muốn thống trị. Nhưng dù có mặt tối, nó không thể đơn giản là bị gạt bỏ khỏi đời sống chính trị, do nó đồng thời cũng là mặt bằng tâm lý cho những đức tính chính trị như can đảm, công tâm, và công lý. Mọi cộng đồng chính trị phải sử dụng mong muốn được công nhận, trong khi đồng thời bảo vệ mình khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Nếu thật sự đã tìm thấy một công thức sao cho tất cả đều được công nhận mà vẫn tránh được sự xuất hiện của chế độ bạo quyền, thì chính phủ hợp hiến hiện đại sẽ có quyền đặc biệt được tồn tại ổn định và bền bỉ giữa các chế độ đã xuất hiện trên trái đất này.
Nhưng sự công nhận sẵn có cho công dân của các nền dân chủ tự do đương đại có “hoàn toàn thỏa mãn?” Tương lai dài hạn của dân chủ tự do, và các lựa chọn thay thế cho nó mà có thể một ngày nào đó sẽ phát sinh, phụ thuộc trước hết vào câu trả lời cho câu hỏi này. Trong Phần V chúng ta tóm tắt hai phản ứng rộng, lần lượt từ cánh Tả và cánh Hữu. Cánh Tả sẽ nói rằng sự công nhận phổ quát trong dân chủ tự do tất yếu vẫn chưa đầy đủ, do chủ nghĩa tư bản tạo ra sự bất bình đẳng kinh tế và đòi hỏi một bộ phận lao động và chính vì lẽ đó nó ngụ ý công nhận sự bất bình đẳng. Về khía cạnh này, mức độ thịnh vượng tuyệt đối của một quốc gia sẽ không đem lại giải pháp, bởi lẽ sẽ tiếp tục có những người tương đối nghèo và do đó không được nhìn nhận như những con người trước đồng bào của họ. Nói cách khác, dân chủ tự do tiếp tục công nhận những người bình đẳng một cách bất bình đẳng.
Quan điểm phê bình sự công nhận phổ quát thứ hai, và theo tôi là mạnh hơn, đến từ cánh Hữu có liên quan sâu sắc đến những tác động trung hòa của lời hứa của Cách mạng Pháp với sự bình đẳng của con người. Cánh Hữu này tìm được người phát ngôn xuất sắc nhất trong triết gia Friedrich Nietzsche, người có những quan điểm trong một vài khía cạnh được nhà quan sát vĩ đại về các xã hội dân chủ, Alexis de Tocqueville, dự đoán từ trước. Nietzsche tin rằng nền dân chủ hiện đại không thể hiện sự tự làm chủ của các nô lệ cũ, mà thể hiện chiến thắng vô điều kiện của nô lệ và một loại đạo đức mù quáng. Công dân điển hình của một nền dân chủ tự do là một “con người cuối cùng,” được những nhà sáng lập chủ nghĩa tự do hiện đại dạy dỗ, đã từ bỏ niềm tin kiêu hãnh vào giá trị ưu việt của mình để lấy sự tự bảo vệ thoải mái. Dân chủ tự do sản sinh những “người không có ngực,” tạo nên từ ham muốn và lý trí nhưng thiếu thymos, khéo léo tìm ra những cách thức mới để đáp ứng một loạt ham muốn vụn vặt thông qua việc tính toán tư lợi dài hạn. Con người cuối cùng không có mong muốn được công nhận là vĩ đại hơn những người khác, và khi không có mong muốn như vậy thì không sự xuất sắc hay thành tích nào có thể tồn tại. Bằng lòng với hạnh phúc của mình và không thể cảm thấy bất cứ cảm giác xấu hổ nào khi không thể vượt qua những mong muốn đó, con người cuối cùng đã không còn là con người.
Theo dòng tư tưởng của Nietzsche, chúng ta buộc phải hỏi những câu hỏi sau đây: Có phải người nào hoàn toàn thỏa mãn chỉ với sự công nhận phổ quát và bình đẳng không phải thứ gì đó không bằng một con người đầy đủ, quả thật, một đối tượng của sự khinh miệt, một “con người cuối cùng” không phấn đấu cũng không khát vọng? Có phải không tồn tại một mặt của nhân cách con người cố tình tìm ra đấu tranh, nguy hiểm, rủi ro, và táo bạo, và chẳng phải mặt này sẽ không được toại nguyện với “nền hòa bình và thịnh vượng” của dân chủ tự do hiện đại? Có phải sự thoả mãn của một số người nhất định không phụ thuộc vào sự công nhận vốn không công bằng? Thật sự, có phải ham muốn sự công nhận bất bình đẳng không tạo cơ sở cho một cuộc đời đáng sống, không chỉ với các xã hội quý tộc đã qua, mà còn trong các nền dân chủ tự do hiện đại? Có phải sự tồn tại trong tương lai của họ không phụ thuộc, một phần nào đó, vào mức độ mà các công dân của họ tìm kiếm sự công nhận không chỉ là bình đẳng, mà còn ưu việt hơn những người khác? Và có phải nỗi sợ trở thành “con người cuối cùng” đáng khinh sẽ dẫn con người đến việc khẳng định mình theo những cách thức mới và không lường trước được, thậm chí đến mức một lần nữa trở thành “con người đầu tiên” thú tính tham gia vào trận chiến uy danh đẫm máu, lần này với những vũ khí hiện đại?
Cuốn sách này tìm cách giải quyết những câu hỏi trên. Chúng nảy sinh một cách tự nhiên khi chúng ta hỏi liệu có tồn tại sự tiến bộ, và liệu chúng ta có thể xây dựng một Lịch sử Phổ quát thống nhất và có định hướng của nhân loại hay không. Các chế độ toàn trị của cánh Hữu và cánh Tả đã giữ chúng ta quá bận rộn để xem xét câu hỏi thứ hai một cách nghiêm túc trong phần lớn thế kỷ này. Nhưng sự phai nhạt của các chế độ toàn trị đó, trong khi thế kỷ tiến đến hồi kết, đang mời gọi chúng ta gợi lên câu hỏi cũ này thêm một lần nữa.
[1] “The End of History?” The National Interest 16 (Summer 1989): 3–18.
[2] Về một nỗ lực ban đầu nhằm đáp lại một số bài phê bình trong số này, xem “Reply to My Critics,” The National Interest 18 (Winter 1989–90): 21–28.
[3] Locke và đặc biệt là Madison đã hiểu rằng một trong những mục đích của chính phủ cộng hòa là bảo vệ sự tự khẳng định đầy kiêu hãnh của công dân. Xem như trên, pp. 186-188 và cước chú số 15, pp. 160, 367.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC