PHÊ PHÁN TÍNH HIỆN ĐẠI
ĐINH HỒNG PHÚC (*)
Nhà xã hội học người Pháp Alain Touraine (1925- ), cha đẻ của thuật ngữ “xã hội hậu-công nghiệp”(société post-industrielle), là một gương mặt tiêu biểu cho những suy tư đương đại về hành động xã hội (action sociale) và các phong trào xã hội mới (nouveaux mouvements sociaux) từ đầu những năm 1970 cho đến nay. Cuốn Phê phán tính hiện đại (Critique de la modernité, 1992) là một trong những công trình mang tính tổng kết về tính hiện đại của hệ tư tưởng phương Tây, trong đó các phân tích triển khai một cách sắc sảo và có sức khái quát của một tầm vóc triết học. Sách được Huyền Giang dịch một cách trung thành với nguyên tác, sáng rõ về văn phong, do Nxb. Thế giới xuất bản năm 2003. Dưới đây tôi cố gắng giới thiệu một số nội dung cơ bản của sách này.
Trong phần I, tác giả bắt đầu từ sự chiến thắng của lý trí, mà từ nền tảng, nó được các nhà triết học Ánh sáng trang bị rất vững chắc. Lý trí đẩy lùi mọi uy quyền truyền thống vào dĩ vãng, hất tôn giáo ra khỏi các không gian công cộng, quét sạch những hình thức tổ chức xã hội và chính trị không dựa trên sự chứng minh nào. Thế giới giờ đây bị vỡ mộng, như cách nói của Weber, và con người bị đánh mất Chủ thể. Lý trí tuyên bố rằng con người thuộc về một thế giới được cai quản bởi các quy luật tự nhiên mà nó khám phá được, và bản thân nó cũng phải phục tùng các quy luật ấy.
Từ viễn tượng chủ nghĩa duy lý, tính hiện đại được quan niệm như thế nào? Alain Touraine phác thảo một lịch sử các quan niệm cổ điển về tính hiện đại qua những truyền thống lớn với các tên tuổi: Descartes, Hobbes, Rousseau, Locke, Comte, Marx, Weber, Nietzsche, Freud, Horkheimer, Foucault, v.v.. và dựng lại cái chân dung đích thực của nó. Các quan niệm này cốt yếu là sự cấu tạo một hình ảnh duy lý về thế giới, đặt con người vào tự nhiên, và từ bỏ tất cả những hình thức nhị nguyên của thân thể và linh hồn, của thế giới con người và sự siêu việt. Ông viết: “Hệ tư tưởng hiện đại chủ nghĩa là hình thức cuối cùng của lòng tin vào sự gắn bó của con người và tự nhiên. Tính hiện đại được đồng nhất với thắng lợi của lý trí, là hình thức cuối cùng của sự tìm kiếm cái Một, Thực thể theo truyền thống. Sau thế kỷ Ánh Sáng, ý chí siêu hình ấy trở thành một sự tiếc nuối hay một sự nổi loạn; và con người bên trong sẽ ngày càng tách rời khỏi tự nhiên bên ngoài.”(tr. 48). Theo ông, các quan niệm như thế chỉ cổ vũ cho các cuộc đấu tranh chống xã hội truyền thống hơn là soi sáng các cơ chế vận hành của một xã hội mới; cho nên điều diễn ra bên trong tính hiện đại là sự suy kiệt đồng hành cùng sự chiến thắng của lý trí. Tính hiện đại từng bước bị phá vỡ.
Điều gì còn lại trong tư tưởng hiện đại chủ nghĩa hiện nay? Đó là “một sự phê phán, một sự hủy hoại, một sự vỡ mộng.” (tr. 61). Về vấn đề này, tác giả dành phần II cuốn sách để dựng lại toàn cảnh bức tranh tính hiện đại đang khủng hoảng. Tính hiện đại thế kỷ XX trở nên là “một công cụ kiểm soát, hợp nhất và đàn áp” (tr. 164); đồng thời, cái mô hình tổng thể văn hóa và xã hội của nó đang tan ra thành các mảnh vỡ rời rạc: tính dục, tiêu dùng, doanh nghiệp và dân tộc; và cũng không còn một nguyên lý trung tâm nào để thống nhất chúng được nữa. Mọi phản ứng chống lại tính hiện đại rốt cuộc cũng chỉ là tính hiện đại một cách khác.
Lối ra nào cho tính hiện đại? Lối ra chỉ tìm được khi xác định đúng tính hiện đại, mà theo tác giả đó là “yêu cầu tự do và sự bảo vệ của nó chống lại tất cả những gì đang biến con người thành công cụ, thành đối tượng hay thành kẻ xa lạ tuyệt đối” (tr. 386).
Alain Touraine dành phần III cuốn sách để suy tư về Chủ thể như là khả thể của tính hiện đại. Không phải là cái Tôi (le Moi), không phải là Nhân cách, cũng không phải là cái Mình (le Soi), vốn là những sản phẩm thuần túy của xã hội, do môi trường quy định, trái lại, Chủ thể chính yếu là “ý chí cá nhân được hành động và được thừa nhận như tác nhân.” (tr. 346). Quan niệm cổ điển về tính hiện đại đã sai lầm khi khi coi thường và do đó đánh mất chủ thể; trái lại, quan niệm mới đòi hỏi sự trùng phục lại nó với một thái độ tôn trọng, bởi tôn trọng chủ thể là xác định cái thiện: “không một cá nhân hay nhóm nào bị coi là một công cụ phục vụ cho sức mạnh và khoái lạc” (tr. 383). Theo ông, đạo đức hiện đại coi tự do như một phương tiện để biến con người thành một cứu cánh chứ không phải thành một phương tiện. Do đó yêu sách cho hành động là: “Trở về với Chủ thể” (tr. 491).
Luận điểm đáng chú ý của A. Touraine ở đây là: vì chủ thể có gốc rễ từ tôn giáo nên trở về với chủ thể cũng có nghĩa là con người phải trở lại với cái tôn giáo. Tuy nhiên vì trong thời hiện đại, thế tục hóa đã được thiết lập vững chắc nên sự trở về này không dẫn đến khôi phục lại ảnh hưởng của Giáo hội hay trở về với những tín ngưỡng thuần túy tôn giáo mà chủ yếu là tìm lại trong truyền thống tôn giáo một chỗ dựa vững chắc cho chủ thể để có thể chống lại quyền lực của bộ máy kinh tế, chính trị hay truyền thông, và bản thân đạo đức cũng phải “tìm thấy những chỗ dựa trong những truyền thống tôn giáo mà nền văn hóa thế tục của chúng ta [văn hóa phương Tây – ĐHP] không được bỏ qua” (tr. 357).
Để tiến tới xóa bỏ các quan hệ căng bức và tạo dựng một mối liên minh bình đẳng thì chủ thể cần được hợp nhất với lý trí. Tác nhân thúc đẩy cho sự hợp nhất ấy không gì khác hơn là “phong trào xã hội, nghĩa là biến việc bảo vệ Chủ thể về mặt cá nhân và văn hóa thành hành động tập thể nhằm chống lại quyền lực từng bắt lý trí phục tùng những lợi ích của nó” (tr. 604). Như vậy, “tính hiện đại là sự đối thoại giữa lý trí và Chủ thể, mà Chủ thể thì không thể tự phá bỏ nó, cũng không thể kết thúc, nó làm cho con đường của tự do luôn luôn mở ra” (tr. 604).
Sách có giá trị gợi mở cho sự đổi mới tư duy chúng ta trong công cuộc tạo dựng một xã hội hiện đại.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội, số 06 (130), 2009, tr 101-102.
(*) Thạc sĩ, Nghiên cứu viên. Trung tâm nghiên cứu Dân tộc và Tôn giáo. Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
Ý KIẾN BẠN ĐỌC