Góc đọc sách

Tác phẩm Alain nói về hạnh phúc

 

TÁC PHẨM ALAIN NÓI VỀ HẠNH PHÚC

TRẦN MỸ LINH

(Sinh viên, Đại học Hoa Sen)

 

Có lẽ trong cuộc đời của mỗi người, không ai không mang cho mình một câu hỏi “Hạnh phúc là gì?” Hạnh phúc tưởng chừng rất đơn giản nhưng để chạm được hạnh phúc thì ta phải làm chủ được chính cảm xúc của mình. Đến với môn “Triết học trong cuộc sống” ở trường đại học, lần đầu tiên được tiếp cận môn học này tôi cảm thấy rất mới mẻ, và giảng viên đã giới thiệu cho chúng tôi những quyển sách hữu ích, trong đó có quyển Alain nói về hạnh phúc của Émile Chartier. Quyển sách triết học đặc sắc này đã mang đến cho tôi những trải nghiệm của chính tác giả trong cuộc sống, trong suy nghĩ.

Alain tên thật là Émile Chartier (1868-1951), là triết gia, nhà giáo kiêm nhà báo người Pháp. Ông dạy triết học ở trường trung học và những bài giảng của ông đã để lại dấu ấn sâu sắc lên một lớp tri thức Pháp dấn thân. Alain nói về hạnh phúc là những “trao đổi” về đề tài hạnh phúc và bất hạnh được Alain tập hợp lại thành quyển sách Propos sur le Bonheur, có tên tiếng Anh là “Alain on happiness”. Quyển sách này do Hồ Thanh Vân, Cao Việt Dũng, Nguyễn Ỉ Long dịch và được Nhà Xuất Bản Trẻ phát hành năm 2013.

Khi đọc quyển sách này, ở những chương đầu tiên, tôi đã cảm thấy nó rất gần gũi và hữu dụng. Quyển sách tập hợp những điều thường nhật xảy ra trong mỗi chúng ta, Alain viết về thái độ của mỗi người đối với hạnh phúc và bất hạnh, ông phân tích tại sao người ta không biết hạnh phúc với hạnh phúc của mình và đã tự làm cho sự bất hạnh nhân lên nhiều lần.[1] Giải thích về hạnh phúc, Alain bắt nguồn bằng những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống như những chứng phiền muộn, suy nhược thần kinh, tai nạn, thảm kịch, v.v., đến các nụ cười, tính cách, hành động, v.v., hay những cảm xúc trong gia đình, đôi lứa, bạn bè, v.v. Tất cả những điều trên đã được Alain đưa vào quyển sách , ông đã đề cập đến thái độ và cách giải quyết của chúng ta.

Ở chương 3, ông viết về “hội chứng “sầu thương” và “hoan hỉ” như một chứng bệnh điên theo chu kỳ của nhân vật Marie trong bài “Marie sầu thương”. Cô gái ấy sẽ rất vui vào lúc này nhưng chỉ một tuần sau đó mọi thái độ và hành động lại khác biệt hoàn toàn. Cô ấy làm cho bệnh tình mỗi lúc một nặng hơn vì những suy nghĩ tiêu cực của mình. Một lời khen dành cho cô cũng như sự chế nhạo, mọi cử chỉ đều chỉ muốn hạ nhục cô.Có lẽ cô ấy đã quá tuyệt vọng về cuộc sống. Alain đã chỉ ra phương pháp chữa chứng bệnh này chính là không để cảm xúc lấn át lí trí của mình và ngay cả thuốc an thần. Tôi thật sự rất thích lời văn của ông, rất thực tế và khiến ta phải suy nghĩ “Chính sự suy diễn làm ta  đau hơn nỗi đau, giống như khi tay ta không ngừng táy máy vọc vào vết thương còn chưa lành của mình” (tr. 24).

 Hạnh phúc ở rất gần mỗi người, nếu ta cứ mãi sống trong nỗi lo lắng và sự sợ hãi thì mãi mãi ta không vượt qua được chính bản thân mình. Con người nên sống cho hiện tại và tương lai, không nên vì những ảo tưởng mà tuyệt vọng về chính bản thân mình. Tương lai là do chính ta quyết định, không do “phù thủy”. Ở chương 24 của quyển sách, Alain đã phân tích rất dễ hiểu “Trước hết là nỗi sợ, nó thường xuyên đẩy ta vào sự bất hạnh mà chúng ta sẵn lòng chờ đợi. Nếu có người báo trước rằng tôi sẽ bị xe ô to chẹt chết,và nếu như tôi nhớ ra điều này vào một thời điểm tệ hại, nó sẽ khiến tôi hành động không đúng với thường tình.” Sự mê tín tạo nên sự đề phòng, song song đó cũng là nỗi sợ hãi về một điều tồi tệ sẽ xảy đến với ta. Chính mỗi người cần phải có niềm tin vào bản thân minh, không được lệ thuộc vào những điều thần thánh huyễn hoặc.

Cuộc sống đầy lo toan cùng với những thăng trầm nên những lời than vãn của mỗi người cũng muôn màu muôn vẻ, từ đó, con người cần phải có những biện pháp để giải quyết những vấn đề của mình và đem lại niềm hạnh phúc cho riêng mình. Alain đã khuyên ta “đừng tuyệt vọng”, luôn phải “thả lỏng”, và “kiên nhẫn”, hạnh phúc sẽ mỉm cười khi ta “vui vẻ”, lời “chửi rủa” sẽ tạo ra những sát thương dù cho đó là những lời vô nghĩa, bật ra chỉ là do bản năng. Alain viết “Ở đời đã có sẵn quá nhiều khổ sở rồi, thế mà điều này vẫn chẳng ngăn người ta lấy trí tưởng tượng của mình để bồi thêm khổ sở” (tr. 266), điều ông viết không hề sai. Dưới một cơn mưa, thay vì ta than vãn “cái cơn mưa chết giẫm chết bầm”, sao ta không nghĩ là “cơn mưa mang lại sự mát mẻ, tôi yêu nó!!” Hạnh phúc xuất hiện dựa trên cách giải quyết của chính cá nhân, tôi thấy nó đẹp thì nó đẹp, còn nếu nó xấu mà tôi bảo nó đẹp, thì lòng tôi cũng thấy vui. Cứ xem như cơn mưa là một người bạn, chính nụ cười sẽ mang lại sự phấn chấn cho chính ta, mà còn giúp người bạn của ta vượt qua được nỗi buồn bã, chán nản.

Alain đã đề cập đến các công việc, sự lao động của mọi người cũng là một chất xúc tác tạo ra hạnh phúc. Hạnh phúc không trốn chạy như một cái bóng.Hạnh phúc tạo ra được không phải là một hạnh phúc tưởng tượng. Những kẻ lười biếng sẽ khó tìm thấy hạnh phúc vì họ cứ mãi ảo tưởng về một kết thúc tốt đẹp mà không bắt tay vào làm việc. Một người thành công sẽ nói “Tôi làm”, còn kẻ biếng nhác thì nói “Tôi sẽ làm”, đã có sự khác biệt quá lớn ở đây. “Do đó thật hạnh phúc cho những ai nhìn thấy trong những việc làm được ngày hôm qua dấu hiệu ý chí của bản thân mình”(tr. 182)

Quyển sách đã mang đến cho tôi nhiều mới lạ, thú vị, đôi khi tôi cảm giác dường như chính mình đang ở trong câu chuyện của tác giả.Tôi thích quyển sách này. Thực chất là một quyển sách triết học nhưng lại mang đậm phong cách văn học, ông viết rất dễ hiểu và rõ ràng, mỗi chương là một câu chuyện, một bài học từ thực tế. Alain nói về hạnh phúc chắc chắn không phải là một chương trình nghiên cứu khoa học mà chính là sự trải nghiệm thực tế của ông. Tôi yêu những câu chuyện mà tác giả đã kể, nó không phải là lý thuyết suông hay quá khô khan, những chia sẻ của tác giả đã làm tôi phải nhìn nhận lại bản thân mình, liệu tôi đã biết cách tạo ra hạnh phúc? Có một chút tiếc nuối về thời gian đã qua, tôi đã lãng phí quá nhiều vào những việc không xứng đáng và trong một số trường hợp đã than phiền vô vọng. Đọc Alain nói về hạnh phúc, tôi hiểu được thế nào là hạnh phúc, tôi thấy yêu cuộc sống này hơn, tôi biết cách sống vừa lòng mọi người hơn, và hơn nữa là tôi biết tôi phải biết yêu chính mình hơn. Đây là quyển sách dành cho tôi, và cũng dành cho bạn, hiện tại dù bạn có đang hạnh phúc hay không.

 



[1] Xem “Lời giới thiệu” của Ngô Bảo Châu cho sách này.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Cao Thanh Bắc - 15:57 29/04/2014
Mình thích học triết và mình cũng đang phải làm một bài luận với chủ đề hạnh phúc của Aristote. Nếu bạn có thông tin và tài liệu gì xin chia sẻ với mình với nhe. Cám ơn bạn nhiều.
tú ân - 15:43 16/11/2018
cho tôi hỏi: phải chăng lao động dẫn con người ta đến hạnh phúc? , theo cái nhìn của các triết gia và bài viết được viết theo cách luận triết
xin chân thành cám ơn.
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt