Góc đọc sách

Triết học Tây phương hiện đại của J. N. Bochenski

 

J. M. BOCHENSKI

TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG HIỆN ĐẠI

CONTEMPORARY EUROPEAN PHILOSOPHY

(Tuệ Sỹ dịch, Nxb. Ca Dao, 1969)

J. M. BOCHENSKI

 

Tập sách này hy vọng hoàn thành hai chủ đích. Thứ nhất, nó nhằm cung cấp một hướng dẫn tổng quát trong lĩnh vực triết học hiện đại cho những độc giả không chuyên môn về vấn đề này; thứ hai, mong rằng những vị đã hoàn tất đại cương này sẽ tìm thấy ở đây những hứng khởi cho những nghiên cứu của mình có hệ thống hơn.

MỤC LỤC

TỰA

NGUỒN GỐC TRIẾT HỌC CẬN ĐẠI

  1. Thế kỷ thứ XIX
  2. Khủng hoảng
  3. Mở đầu thế kỷ XX
  4. Những trào lưu chính của triết học hiện đại

TRIẾT HỌC VỀ VẬT CHẤT

  1. Bertrand Russell
  2. Tân thực chứng luận
  3. Duy vật biện chứng

TRIẾT HỌC VỀ Ý THỂ

  1. Benedetto Croce
  2. Léon Brunschig
  3. Tân chủ Kant

TRIẾT HỌC VỀ NHÂN SINH

  1. Henri Bergson
  2. Thực dụng chủ nghĩa và phái Bergson
  3. Phái sử quan và triết học nhân sinh Đức

TRIẾT HỌC VỀ YẾU TÍNH THỂ

  1. Edmund Husserl
  2. Max Scheler

TRIẾT HỌC VỀ HIỆN HỮU

  1. Đặc điểm tổng quát của chủ nghĩa hiện sinh
  2. Martin Heidegger
  3. Jean-Paul Sartre
  4. Gabriel Marcel
  5. Karl Jaspers

TRIẾT HỌC VỀ THỂ TÍNH

  1. Siêu hình học
  2. Nicolai Hartmann
  3. Alfred North Whitehead
  4. Chủ thuyết Thomas

PHỤ LỤC

  1. Luận lý toán học  

Một công việc với hai chủ đích như thế thật là cấp thiết. Ngoại trừ tác phẩm bằng tiếng Ý của M. F. Sciacca, thực sự chúng ta không có một cương lĩnh nào nói đến dòng phát triển hiện hành của những kiến thức và những tiến bộ mới mẻ của tư tưởng hiện đại. Tôi nghĩ rằng tác phẩm giới thiệu này thỏa mãn hoàn toàn chủ đích thứ hai của tôi mà quyển sách rất hay của Sciacca lại không có.

Đó là những nhận định đã khiến tác giả bắt tay vào công việc khó nhọc cho tác phẩm này; khó nhọc bởi ba lý do. Thứ nhất, vì thời gian dành cho biên soạn lâu dài nên tác giả phải bỏ qua những khảo cứu chỉ chuyên về một triết gia và sử gia của triết học. Kế đó, tác giả đã thấy rõ rằng một tác phẩm như thế không thể nào đầy đủ được. Giới hạn này đã được một trong những triết gia lỗi lạc nhất của thời đại chúng ta, Bertrand Russell, bộc lộ trong Lịch sử triết học Tây phương của ông, khi ông đề cập đến điều đó mà chính ông cũng đã bận tâm; và điều ông nói rất đúng cho trường hợp của tập sách này. Cái kiến thức mà cả một đời nghiên cứu cần thiết để hiểu sâu một triết gia không phải là một mối khích lệ để viết một tác phẩm loại này.

Sau hết, những tác phẩm như thế đòi hỏi phải làm công việc đại cương và cắt xén một cách bất nhẫn. Tuy nhiên, không thể làm khác đi được vì số trang dành cho mỗi triết gia rất có hạn. Cho nên, độc giả sẽ thấy rõ triết học của một Whitehead , một Bergson hay một Husserl phải chịu những số phận như thế nào. Mong các tư tưởng gia đó khoan thứ cho tác giả!

Dù chủ đích của tập sách này như một tường trình, nó vẫn có chiều hướng nhất định của nó, chiều hướng ấy phải được giới thuyết ngay từ bắt đầu.

Tôi không nghĩ là có thể tránh khỏi những nhận định giản lược đối với những hệ thống khác nhau được trình bày. Ai cũng nghĩ rằng sử gia của tư tưởng phải giữ một lập trường trung dung đối với những tư tưởng gia mà ông bàn đến. Điều này chỉ dùng đúng một phần. Khi nào nó đòi hỏi tính chất rất là khách quan trong việc tuyển lựa và giải thích các hệ thống thì luận đề mới có giá trị và đó là thái độ mà tôi phải hết sức y theo; nhưng nó không đúng, nếu thái độ ấy có nghĩa rằng ta phải nhận định các hệ thống triết học như là chứa đựng một phần chân lý như nhau. Tin tưởng như vậy là chúng ta sẽ thiếu sót sự quan tâm dành riêng cho các triết gia; bởi vì nếu các hệ thống mâu thuẫn lẫn nhau – và đó là sự thực – nhưng tất cả đều có cùng giá trị như nhau, thì tất cả đều sai lầm và chỉ có thể đáng được coi như là những tác phẩm nghệ thuật.  Điều này sẽ là một ngộ nhận lớn nhất đối với tư tưởng của những triết gia chính hiệu, vì họ thảy đều là những kẻ phụng sự cho một chân lý duy nhất và ta phải xét họ theo tiêu chuẩn đó. Như thế, song song với những trình bày của tôi về các tư tưởng gia khác nhau, sự diễn tiến của những chủ trương chính yếu của họ và thẩm định những cống hiến thiết thực và lâu dài của họ, tôi cũng đưa ra những khía cạnh khiếm khuyết và phiến diện của họ, theo quan điểm của tôi; đó chỉ là một việc làm phát xuất từ chỗ quan tâm. Những phê bình này – thực ra chỉ là những ghi chú ngoài lề - được đưa ra từ lập trường của một nền siêu hình học duy thực và duy linh.

Tuy nhiên, vấn đề lập trường ấy là phụ; điều quan trọng là chúng ta phải nhấn mạnh trên hai quan điểm chỉ đạo chi phối việc làm của chúng tôi. Như vậy, ngay đây ta phải bàn về những điểm ấy để tác giả có thể khởi sự một cách chí lý.

Trước hết là vấn đề thẩm định đúng mức toàn thể nỗ lực triết học trong lòng lịch sử. Người ta thường đánh giá quá thấp tầm mức của nó. Họ cho rằng triết học chỉ là một thứ tư biện trừu tượng về cái không quan trọng đối với sự sống, và chỉ cần nghiên cứu những khoa học thực tiễn như xã hội học, kinh tế học và chính trị học cũng đủ và chúng là tinh hoa của những tiến bộ kỹ thuật (kể cả giáo dục và kỹ nghệ). Bởi vì, sống đã rồi hãy triết lý (Primnum vivere, deinde philosophari), “làm triết lý” (philosophari) không thêm gì cho sự sống. Ý kiến này, rất phổ thông ở ngày nay, tôi cho là sai lầm và là một thố ngộ tinh thần tai hại. Bởi lẽ, nếu khoa học và kiến giải được giới hạn vào những khía cạnh kỹ thuật và thực tiễn của chúng, người ta chỉ cần biết nên thực hành điều này hay điều nọ như thế nào. Nhưng vấn đề tại sao đi trước vấn đề như thế nào, và giải đáp thì rút cuộc phải tìm trong triết học hay tôn giáo. Không thể trả lời rằng hiểu biết thường thức của con người cũng đã đủ, vì lịch sử đã thường cho thấy cái gọi là thường thức ấy chỉ là di sản của tư biện triết học thưa trước. Con người là một con vật có lý tính, nên nó không thể làm khác hơn là sử dụng lý tính của mình, và khi nó không sử dụng lý tính một cách có ý thức và có triết lý thì nó sẽ dùng lý tính ấy một cách vô ý thức và hời hợt. Điều đó đúng cho tất cả mọi người không có ngoại lệ, ngay cả những người tự cho là đã thoát khỏi triết lý; họ chỉ là những triết gia tài tử dựng lên những hệ thống vô bổ và hời hợt bằng thái độ khinh thị công trình hiểu biết của những người cao hơn họ quá mức về sức mạnh tinh thần. Khi nào người ta bàn đến tôn giáo bất chấp sự biệt lập của nó đối với triết học, chúng ta phải công nhận rằng phải giải thích và thuyết minh nó phù hợp với bản chất có lý tính của con người. Ở đây, như trong những bình diện khác, sự kiện là nếu ta không thực hành một thuyết minh thiết yếu như thế bằng cách triết lý trên căn bản lý tính ta sẽ trở thành nô lệ của thành kiến.

Không có gì sai lầm hơn là từ chối tầm quan trọng của triết học đối với sự sống. Một triết gia chắc chắn không luôn luôn chiếm một vị trí lớn trong thực tại thường nhật; số phận của ông thường chỉ được hiểu biết sau khi chết. Dĩ nhiên, một vài triết gia đã thừa hưởng sự vinh hạnh ngay buổi sinh tiền – Người ta nhớ lại Plotinus, Thomas Aquinas, Hegel và Bergson – những cái mà họ hưởng được đã là một thứ thời trang hơn là một lãnh hội thực thụ về tư tưởng của họ. Một triết gia không đếm xỉa đến những nhu cầu của thời đại và những đòi hỏi hằng ngày. Như vậy có đáng bị khiển trách chăng? Phải chăng con người, con người thực sự, vượt qua những cái hoàn toàn thuộc thời đại? Phải chăng chúng ta không liều lĩnh hạ con người xuống mức một con thú khi lấy những công chuyện có hạn thời làm đối tượng của tri thức? Ai sống đời sống của lý tính và theo những niềm xác tín triết học của mình đều biết rõ ràng rằng triết học vượt qua cái bây giờ và ở đây (hic et nune) và không đưa ra một họa đồ nào về hoạt động trực tiếp, và biết rằng triết học là yếu tố có thế lực nhất cho phép chúng ta duy trì nhân tính của mình, càng lúc càng trở thành người hơn, và ngăn chúng ta khỏi rơi trở lại man rợ.

Nhưng thế chưa phải là hết. Dù có vẻ như vô dụng, triết học là cả một thế lực mạnh mẽ trong lịch sử. Whitehead có lý, khi so sánh những công trình của một Alexander, một Cesar và một Napoleon với những thành quả thoáng vẻ vô nghĩa của triết học, ông bình luận rằng chính tư tưởng đã thay đổi bộ mặt của nhân loại. Tuy nhiên, ta không cần phải lui xa đến Pythagore, như Whitehead đã làm, để nhấn mạnh điều đó. Ta chỉ phải nhớ lại những con đường ghê sợ của số phận mà Hegel, một triết gia khó hiểu và không dễ gì điều hòa với thời đại chúng ta, đã mở ra. Những chủ nghĩa phát xít, Xã hội Quốc gia, Cộng sản đều hay coi ông như là kẻ tiên phong của chúng. Ông là một trong những thế lực làm thay đổi thế giới. Dân chúng hay chế giễu triết gia là một kẻ đắm mình trong những tư tưởng vô hại của ông, dù thực sự ông ta có là một thế lực khủng khiếp và tư tưởng của ông có một hậu quả của chất nổ. Ông đi con đường của mình, chinh phục từng người và sau hết, cả khối đông. Bây giờ là lúc ông chiến thắng tất cả những trở ngại và tự do xác định số phận của loài người – hay mở nắp quan tài trên những sụp đổ của nó. Do đó, những người muốn biết mình đang đi trong chiều hướng nào họ thường đặt tất cả chú tâm vào các triết gia chứ không phải chính trị gia, bởi vì cái mà các triết gia công bố ngày nay sẽ là niềm tin tưởng của ngày mai.

Ngoài điểm thứ nhất về sự quan trọng của triết học trên, luận đề thứ hai làm nền tảng cho tập sách này chúng tôi cho rằng không phải là không quan trọng.

Có người nghĩ rằng, nghĩ một cách rất đơn giản, không có triết học hiện tại. Theo ý kiến ngây thơ nhưng lại rất phổ biến, chỉ có một nền triết học duy nhất thắng thế và coi như là triết học (thực thụ) của thời đại chúng ta, còn tất cả những trường phái khác nhất định bị thay thế. Đó là vị trí mà cùng lúc người ta muốn gán cho thực chứng luận, duy vật luận, duy tâm luận và hiện sinh luận. Không có gì sai lầm hơn: tư tưởng triết học hiện tại, trong sự phong phú của nó, không thể bị đóng khung trong khuôn khổ hật hẹp này. Ngày nay, cũng như trong trường kỳ lịch sử, và có lẽ hơn cả thế kỷ vừa qua, một cuộc tranh chấp mãnh liệt đang diễn ra những khái niệm chống đối nhau về thế giới. Hiếm lắm mới có một cường độ như thế, với những quan điểm đối nghịch nhiều như thế và được bộc lộ trong những khuôn mẫu khái niệm vừa tinh tế vừa bác học như thế. Thực sự, có một nền triết học hiện tại theo nghĩa hết thảy các tư tưởng gia đều phải đối diện với những vấn đề nhất định của thời đại và tất cả phải lưu tâm đến một số những lập trường mới mẻ. Nhưng căn cứ theo đó mà nói rằng chỉ có một trường phái hay một khuynh hướng duy nhất thì thật là quá xa vời. Triết học ngày nay rất đa dạng và phong phú lạ thường.

Sau hết, là một ghi chú về cách sử dụng tác phẩm này. Người ta đã từng nói rằng một quyển sách về lịch sử triết học giống như một kim chỉ nam: cũng như kim chỉ nam không thay thế cho những cuộc du lịch, cũng thế, lịch sử triết học không miễn trừ việc nghiên cứu ngay những nguyên văn. Nếu tác phẩm này gợi dậy cho người đọc cái hứng thú nghiên cứu cặn kẽ triết học thời đại chúng ta, thì mục đích của nó đã đạt được rồi vậy.

PHƯƠNG PHÁP TRÌNH BÀY

Những nguyên tắc sau đây đã hướng dẫn sự tuyển chọn của chúng tôi trong đống tài liệu dồi dào về triêt học hiện đại.

1.       Chúng ta chỉ bàn đến triết học Anh, Pháp, Đức. Chỉ có những ngoại lệ trong trường hợp đặc biệt quan trọng (duy vật biện chứng, Croce, James, Dewey).

2.       Ngay trong những giới hạn này, chúng ta cũng không thể cố gắng đưa ra một đồ biểu đầy đủ về những nền triết học của mỗi nước, mà chỉ phải bàn đến những trường phái cũng như những triết gia được coi là điển hình nhất. Như thế, đây không phải là một biểu nhất lãm về tất cả những trào lưu triết học hiện đại, và về những triết gia còn lại ít hơn, nhưng chỉ là những đường nét lớn về tư tưởng của thời đại chúng ta.

3.       Từ ngữ “hiện đại” (contemporain) khó mà xác định, nó gồm cả những tư tưởng gia đã cho xuất bản các tác phẩm quan trọng sau thế chiến thứ nhất. Tỉ dụ như Bergson và Scheler được kể đến, nhưng Bradley thì không. Như thế, những giới hạn này không được coi trọng lắm, nhất là đối với những triết gia đã có ảnh hưởng sâu đậm trên thời đại chúng ta. Với Kierkegaard, vấn đề được đặt ra là có nên liệt ông vào nhóm này hay không. Dù sao, không thể không kể đến James và Dilthey.

4.       Sau hết, chúng ta không thể hy vọng trình bày những hệ thống của các triết gia và các trường phái mà không bỏ sót điểm nào, nhưng chỉ trình bày những bộ phận căn bản của chúng ta và những gì có tầm quan trọng bậc nhất đối với triết học hiện đại. Chính yếu, đó là những vấn đề về thể tính học, nhân loại học, đạo đức học và phương pháp căn bản. Ta cũng phải bỏ qua, hầu như hoàn toàn mặc nhiên, những vấn đề rất chuyên biệt, như phương pháp khoa học, xã hội học, triết học lịch sử, thẩm mỹ học và triết học tôn giáo. Trái lại, trong phần phụ lục, chúng ta đề cập đến những khái niệm căn bản và một vài vấn đề chính yếu của luận lý toán học, dù là tính cách triết học của nó bị khước từ, nhưng nó đã có một ảnh hưởng lớn trên tư tưởng của một số những triết gia hiện đại.

Sự trình bày nhằm, nếu có thể, đưa ra mối nhất trí trong những bộ phận khác nhau của những tác phẩm của tác giả được nghiên cứu. Ngoài việc trình bày học thuyết, chúng ta đặc biệt lưu tâm đưa ra phương pháp của tác giả, cách diễn đạt và sự phát triển của ông ta. Trung thành với ngôn ngữ của mỗi tác phẩm, đó là điểm trọng yếu. Điều này đòi hỏi một thuật ngữ rất sai biệt cho mỗi chương. Như thế, có vẻ như không thể, và cũng không thích hợp, nếu cắt bỏ hình ảnh phong phú của Bergson và Marcel trong khi phải lặp lại thể cách khô khan của Heidegger trong tất cả sự khúc mắc của nó. Do đó, từng mỗi chương đều có một khó khăn hoàn toàn khác nhau. Người sơ cơ, khi đọc lần đầu, nên lướt qua những chương về Tân chủ Kant, Husserl, Heidegger, và Whitehead; đó là những chương khó, và hãy bằng lòng bắt đầu đọc những đoạn dẫn nhập và kết luận.

I.M.B

 


Nguồn: J. M. Bochenski. Triết học Tây phương hiện đại. Tuệ Sỹ dịch. Nxb. Ca Dao, 1969. Phiên bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao, sinh viên khoa Triết trường Đại học Huế, thực hiện.


 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt