LƯỠI KHÔNG XƯƠNG…
BÙI VĂN NAM SƠN
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
Trăng lặn. Mặt trời mọc… Cách nói quen thuộc và đầy hình tượng ấy thật ra… không đúng. Mặt trời chẳng từ đâu mọc lên và mặt trăng chẳng lặn đi đâu hết! Những “sai lầm” mang lại sự linh hoạt, hấp dẫn cho ngôn ngữ và văn chương nghệ thuật sẽ không còn vô hại khi đi vào thế giới khoa học. Hiểu ngôn ngữ như là phương tiện truyền thông, Francis Bacon yêu cầu sự chính xác và gọi những sai lầm ấy là ngẫu tượng cái Chợ. Từ gợi ý của Bacon, thế kỷ 20 còn nhận ra rằng ngôn ngữ không chỉ là phương tiện truyền thông mà còn là không gian hành động xã hội tạo nên sự cảm thông, đoàn kết cũng như gây ra bao thị phi, xung đột và áp bức. Ngôn ngữ ẩn giấu nguy cơ to lớn: khả năng xuyên tạc, lừa dối và thống trị.
TRONG GỌNG KỀM NGÔN NGỮ
Tư duy của chúng ta gắn liền với việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, hầu như rất khó thoát khỏi những ảo tượng và những chiếc bẫy rập có nguồn gốc sâu xa trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ngôn ngữ là những quy ước và là một bộ phận cấu thành của văn hóa tư duy. Khi đầy rẫy khiếm khuyết, chúng là các rào cản tinh thần thật khó vượt qua để đi đến chân tướng của sự vật. Ta rất muốn tin rằng chính tư duy của ta là kẻ làm chủ ngôn ngữ. Khổ nỗi, sự thật thường ngược lại.
Việc sử dụng ngôn ngữ bắt nguồn từ lời nói thường ngày, vốn có xu hướng giản lược. Những ngộ nhận nằm ngay trong cấu trúc và nội dung định nghĩa của những ngôn từ. Có thể nói ngôn ngữ là một loại “phần cứng” quy định ranh giới cho “phần mềm” là những tư tưởng của ta. Ta chỉ có thể suy nghĩ những gì ngôn ngữ chúng ta cho phép, và ta khó đi đến những sự phân loại và phân biệt nào không nằm sẵn trong cấu trúc của ngôn ngữ chúng ta.
Theo Bacon, ngôn ngữ dẫn dắt ta đến sai lầm chủ yếu bằng hai con đường:
- Ta đặt tên cho những sự vật không hề có thực, nhưng những tên gọi này lại có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư và cách hành xử của ta. Không chỉ… “Ông Địa”, “Ông Thần Tài” mới mang lại bao niềm vui và nỗi buồn cho những vị… ham đánh đề, mà cả những khái niệm có vẻ rất “khoa học” cũng đã không ngừng đánh lừa những đầu óc khoa học. Chẳng hạn, hàng thế kỷ, nhiều nhà khoa học tin vào một chất “ether” nào đó như là môi trường vận động của vật chất, trước khi tỉnh ngộ rằng nó chỉ là một sản phẩm hoang đường của đầu óc.
- Mặt khác, ta lại có rất nhiều từ ngữ để đặt tên cho những sự vật có thực, nhưng do sự trừu tượng hóa vụng về hay diễn dịch vội vã từ thực tại, các từ ngữ ấy rất mơ hồ, bất định, không chính xác. Ngẫm nghĩ xem, bạn sẽ dễ dàng phát hiện vô số những từ ngữ thuộc loại ấy. Thêm vào đó, ta thường sử dụng nhiều từ ngữ theo quán tính mà ít khi tiến hành quan sát và phân tích nội dung thực sự của chúng. Chẳng hạn, ta dễ nhận ra một nhà lãnh đạo có tài, nhưng không dễ dàng chút nào để xác định một cách khách quan những phẩm chất lãnh đạo để thực sự hiểu những gì đã tạo nên một nhà lãnh đạo như thế, và xét xem, liệu những phẩm chất, năng lực ấy có thể truyền đạt hay huấn luyện được hay không. Ta cũng dễ dàng cả tin vào những “huyền thoại” chỉ vì chúng được phát biểu hay trình bày một cách hào nhoáng. Xu hướng này bắt nguồn từ ảo tưởng rằng sự vật hay công việc nhất định sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp chỉ nhờ chúng được khoác lớp vỏ ngôn ngữ trịnh trọng, khả tín.
Ngẫu tượng cái Chợ dựa trên lòng tin sai lầm rằng những gì mọi người xem là đúng thì cũng tự động là đúng! Giống như ở giữa chợ, ta “mua” những từ ngữ và ý tưởng của người khác, và “bán” cho họ những từ ngữ và ý tưởng của ta. Bao lâu mọi người đều hài lòng thì mọi việc đều ổn thỏa. Những quy ước ngôn ngữ có sức mạnh khủng khiếp, mặc dù không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực tại. Chính vì thế, ở vào buổi bình minh của nền khoa học hiện đại, Francis Bacon là người đầu tiên nhấn mạnh đến yêu cầu phải làm cho ngôn ngữ được trong sạch và chính xác. Theo ý nghĩa đó, ngẫu tượng cái Chợ là một ẩn dụ quan trọng khác trong lịch sử của tư duy phản biện, vì nó minh họa sự cần thiết của việc làm cho tư tưởng được trong sáng, điều kiện tiên quyết cho tư duy khoa học.
“BƯỚC NGOẶT NGÔN NGỮ HỌC”
Ngẫu tượng cái Chợ còn gợi ý nhiều khía cạnh hệ trọng khác nữa của ngôn ngữ. Chúng có nguồn gốc xa xưa từ cuộc tranh luận triết học sôi nổi nhất ở thời trung cổ, rồi được đào sâu và phát triển trong triết học hiện đại. Từ chỗ xem tư duy đi trước ngôn ngữ, xem khái niệm (như là sản phẩm của tư duy và là bản chất bền vững của sự vật) đi trước từ ngữ (như cái vỏ quy ước nhất thời của khái niệm), triết học hiện đại hầu như có cách nhìn ngược hẳn lại. Chính cách nhìn mới mẻ ấy đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong triết học: từ nền triết học lấy ý thức làm trung tâm (với tư duy là hình thức cao cấp nhất của nó) chuyển sang nền triết học lấy ngôn ngữ làm trung tâm. Cuộc cách mạng ấy được gọi là “bước ngoặt ngôn ngữ học” trong triết học đương đại. Ta sẽ còn có dịp đề cập những vấn đề rất phức tạp và thú vị này. Ở đây, tiếp theo mạch suy nghĩ của Bacon, chỉ xin nhấn mạnh thêm hai điểm liên quan đến ngẫu tượng cái Chợ.
“THƠN THỚT NÓI CƯỜI”…
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao (Kiều)
Sở Khanh dùng lời đường mật để đưa Kiều vào bẫy. Khi họ Sở cam kết “Nàng đà biết đến ta chăng, bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi!” và hẹn hò giờ giấc cụ thể để dẫn Kiều “trốn thoát”, những lời nói ấy không đơn thuần truyền đạt thông tin mà còn thực hiện một hành động lừa bịp đầy ác ý. Triết học hiện đại dành cho hiện tượng này một thuật ngữ chuyên môn: “hành vi ngôn ngữ”. Cam kết, hứa hẹn, tuyên bố, ra lệnh…, ngôn ngữ còn là hành vi gây ra hậu quả, chứ đâu phải chỉ là lời nói gió bay! Kể sao hết bao nhiêu tội ác và bao nhiêu nạn nhân của trò chơi ngôn ngữ, của việc đánh tráo và lạm dụng khái niệm. Thêm nữa, ngôn ngữ càng có sức biểu cảm bao nhiêu, càng dễ mang tính bạo lực bấy nhiêu. Ca tụng lên tận mây xanh hoặc vùi dập xuống bùn đen, ngôn ngữ đều phô bày tính bạo lực của nó: gây ảo tưởng và khổ đau cho người khác. Xin cảnh giác: tiếng Việt đẹp đẽ và thâm thúy của chúng ta cũng là một ngôn ngữ… rất giàu tính biểu cảm!
|
Ngôn ngữ càng có sức biểu cảm bao nhiêu, càng dễ mang tính bạo lực bấy nhiêu… Xin cảnh giác: tiếng Việt đẹp đẽ và thâm thúy của chúng ta cũng là một ngôn ngữ… rất giàu tính biểu cảm! |
Nguồn: do tác giả Bùi Văn Nam Sơn gửi cho triethoc.edu.vn
Ý KIẾN BẠN ĐỌC