Logic học | Tư duy phản biện

Sự hình thành tam đoạn luận. Chương I

 

ARISTOTE

PHÂN TÍCH PHÁP THỨ NHẤT

QUYỂN I

PHẦN 1

SỰ HÌNH THÀNH TAM ĐOẠN LUẬN

 

CHƯƠNG MỘT

Chủ đề và mục đích của Phân tích pháp. - Định nghĩa và các loại Mệnh đề, Hạn từ, Tam đoạn luận. - Định nghĩa một số hạn từ quan trọng khác.

 

1 Trước hết, chúng tôi sẽ nói về chủ đề và mục đích của nghiên cứu này: chủ đề là chứng minh; mục đích là khoa học về chứng minh. 2 Sau đó, chúng tôi sẽ định nghĩa các từ sau: mệnh đề, hạn từ, tam đoạn luận; và chúng tôi sẽ cho thấy thế nào là tam đoạn luận hoàn chỉnh và tam đoạn luận không hoàn chỉnh. 3 Tiếp theo, chúng tôi sẽ giải thích chúng tôi muối nói gì khi nói rằng vật này tồn tại hoặc không tồn tại trong toàn bộ vật kia, và nó được gán cho toàn bộ một vật nào đó hoặc tuyệt nhiên không được gán cho vật ấy.

4 Vì vậy, trước hết, mệnh đề (protasis) là một phát biểu khẳng định hoặc phủ định một điều gì đó của một vật khác. 5 Nó hoặc là toàn bộ (katholou), hoặc là bộ phận (merei) hoặc không xác định (adioristos). Tôi gọi nó là toàn bộ khi thuộc tính thuộc về toàn bộ sự vật hoặc không thuộc về bất cứ phần nào của sự vật; là bộ phận, khi thuộc tính được khẳng định hoặc phủ định về một phần của sự vật, hoặc nó không thuộc về toàn bộ sự vật; là không các định, khi thuộc tính được khẳng định hoặc phủ định về chủ từ, mà không cho biết là toàn bộ hay bộ phận; chẳng hạn như hai mệnh đề này: Khoa học (epistēmē) về các mặt đối lập là một và cùng một lkhoa học: Khoái lạc không phải là một điều tốt. 6 Giữa mệnh đề chứng minh và mệnh đề biện chứng, có sự khác biệt này: mệnh đề chứng minh đặt ra một trong hai phần của mâu thuẫn; bởi vì, để chứng minh, người ta không đặt câu hỏi, mà đặt ra một nguyên tắc; ngược lại, mệnh đề biện chứng bao gồm toàn bộ mâu thuẫn trong một câu hỏi. Tuy nhiên, sự khác biệt này không ảnh hưởng gì đến việc hình thành tam đoạn luận của cả hai loại mệnh đề. Thực vậy, dù chứng minh hay đặt câu hỏi, người ta luôn tạo ra tam đoạn luận bằng cách cho rằng một vật này tồn tại hoặc không tồn tại trong một vật khác. Vì vậy, nói chung, mệnh đề là mệnh đề tam đoạn luận khi nó khẳng định hoặc phủ định một điều gì đó của một vật khác, theo một trong các hình thức vừa được chỉ ra. Nó là chứng minh, khi nó đúng và xuất phát từ các điều kiện được đặt ra ban đầu. Nó là biện chứng, khi, dưới dạng câu hỏi, nó bao gồm cả hai phần của mâu thuẫn, hoặc khi, dưới dạng tam đoạn luận, nó chấp nhận cái hiển nhiên và cái có thể xảy ra, như đã nói trong Topiques. Các chương sau sẽ giúp hiểu chính xác bản chất của mệnh đề và sự khác biệt của nó, tùy theo nó là tam đoạn luận, chứng minh hay biện chứng; hiện tại, những gì chúng ta vừa nói về nó là đủ.

7 Tôi gọi yếu tố của mệnh đề là hạn từ (horon), nghĩa là, thuộc từ và chủ từ mà thuộc từ ấy được gán vào, dù người ta kết hợp hay tách rời ý niệm về tồn tại hay không tồn tại.

8 Tam đoạn luận (syllogismos) là một phát biểu, trong đó một số mệnh đề nhất định được đặt ra, từ đó suy ra một mệnh đề khác, khác với các mệnh đề đó, chỉ bởi vì các mệnh đề đó được đặt ra. Khi tôi nói chỉ bởi vì các mệnh đề đó được đặt ra, ý tôi là nhờ chúng mà mệnh đề khác được suy ra; và tôi hiểu theo cách diễn đạt cuối cùng này là không cần hạn từ ngoại lai để đi đến kết luận cần thiết. 9Vì vậy, tôi gọi tam đoạn luận hoàn chỉnh là tam đoạn luận không cần bất kỳ dữ liệu nào khác ngoài các dữ liệu đã được thừa nhận trước đó để mệnh đề cần thiết xuất hiện một cách hoàn toàn rõ ràng. 10 Tôi gọi tam đoạn luận không hoàn chỉnh là tam đoạn luận cần một hoặc nhiều dữ liệu khác, có thể là cần thiết theo các hạn từ đã đặt ra trước đó, nhưng chưa được công thức hóa chính xác trong các mệnh đề.

11 Khi người ta nói rằng một vật ở trong toàn bộ một vật khác, hoặc một vật được gán cho toàn bộ một vật khác, hai cách diễn đạt này có cùng một nghĩa. Nói rằng một vật được gán cho toàn bộ một vật khác, tức là nói rằng người ta không giả định bất kỳ phần nào của chủ từ mà vật kia không thể được nói đến: và cũng tương tự như thế đối với việc không được gán cho bất kỳ phần nào.

 

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Nguồn: Aristote. Logique d'Aristote. Premiers Analytiques. Trad. par Jules Barthélemy Saint-Hilaire. Paris: Ladrange, 1866.


Chương II

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt