Logic học | Tư duy phản biện

Sự hình thành tam đoạn luận. Chương III

 

ARISTOTE

PHÂN TÍCH PHÁP THỨ NHẤT

QUYỂN I

PHẦN 1

SỰ HÌNH THÀNH TAM ĐOẠN LUẬN

 

CHƯƠNG III

Đảo các mệnh đề tình thái, nghĩa là, những mệnh đề trong đó sự tồn tại được biến đổi bởi một số đặc điểm của sự tất yếu hoặc ngẫu nhiên. - Các mệnh đề tất yếu, phủ định toàn bộ và khẳng định toàn bộ, khẳng định bộ phận và phủ định bộ phận. - Các mệnh đề ngẫu nhiên, khẳng định và phủ định.

 

1 Quy tắc cũng sẽ giống nhau đối với các mệnh đề tất yếu, nghĩa là mệnh đề phủ định toàn bộ [này] được đảo thành mệnh đề toàn bộ [khác], và cả hai mệnh đề khẳng định được đảo thành mệnh đề bộ phận. 2 Thực vậy, nếu A tất yếu không thuộc về bất cứ B nào, thì B cũng tất yếu không thuộc về bất cứ A nào, bởi vì, nếu B tất yếu thuộc về một số A, thì A cũng sẽ thuộc về một số B. 3 Nếu A tất yếu thuộc về mọi B hoặc một số B, thì B cũng sẽ tất yếu thuộc về một số A: bởi vì nếu không có sự tất yếu để B thuộc về A, thì A cũng sẽ không tất yếu thuộc về một số B. 4 Còn về mệnh đề phủ định bộ phận, nó cũng không thể đảo được ở đây, vì cùmg một lý do mà chúng ta đã nói ở trên.

5 Đối với các mệnh đề ngẫu nhiên, vì ngẫu nhiên được hiểu theo nhiều nghĩa, bởi chúng ta nói rằng cái tất yếu và cái không tất yếu và cái khả hữu là ngẫu nhiên, nên việc đảo tất cả các mệnh đề khẳng định ở đây sẽ diễn ra theo cùng một cách. Vậy nếu A có thể thuộc về mọi B hoặc một số B, thì B cũng có thể thuộc về một số A: vì nếu nó có thể không thuộc về bất cứ A nào, thì A cũng có thể không thuộc về bất cứ B nào. Đó là điều chúng ta đã chứng minh. 6 Quy tắc thay đổi đối với việc đảo các mệnh đề phủ định; nhưng nó vẫn giống nhau cho các mệnh đề trong đó mọi sự vật đều ngẫu nhiên, hoặc bởi vì tất yếu là chúng không phải [như vậy], hoặc bởi vì chúng không phải là tất yếu. Chẳng hạn, nếu người ta nói rằng con người có thể không phải là ngựa, và màu trắng có thể không thuộc về bất cứ quần áo nào, trong hai điều này, một điều tất yếu là không phải, điều kia là không tất yếu. Vì thế, ở đây việc đảo diễn ra theo cùng một cách. Thực vậy, nếu là ngựa có thể không thuộc về bất cứ người nào, và nếu màu trắng có thể không thuộc về bất cứ quần áo nào, thì quần áo cũng có thể không thuộc về bất cứ màu trắng nào. Trái lại, nếu tất yếu quần áo thuộc về một số màu trắng, thì màu trắng cũng sẽ tất yếu thuộc về một số quần áo. Đây là điều đã được chứng minh ở trên. Lập luận tương tự cũng áp dụng cho mệnh đề phủ định bộ phận. 7 Ngược lại, đối với những sự vật mà ta gọi là ngẫu nhiên, bởi vì chúng thường xuyên và tự nhiên xảy ra theo cách đó nhất, đó là định nghĩa mà chúng ta đã nói về ngẫu nhiên, thì sẽ không còn như vậy đối với việc đảo mệnh đề phủ định. Vì vậy, mệnh đề phủ định toàn bộ không được đảo, còn mệnh đề bộ phận thì được đảo. Điều này sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta xem xét mệnh đề ngẫu nhiên. Ở đây, chúng ta chỉ cần ghi nhận, sau tất cả những gì đã nói ở trên, rằng có thể không thuộc về bất cứ sự vật nào hoặc có thể không thuộc về một sự vật nào đó đều có hình thức là các khẳng định. Đó là vì động từ "có thể" (endekhetai / pouvoir) được đặt trong mệnh đề giống như là động từ "là" (estin / être); và động từ "là", với bất cứ thuộc tính nào mà người ta thêm vào, luôn luôn và tuyệt đối tạo thành một sự khẳng định: chẳng hạn, cái này là không tốt, cái này là không trắng; hoặc nói một cách hoàn toàn khái quát: cái này là không phải cái kia. Ngoài ra, lý thuyết này sẽ được nhắc lại và xác nhận thêm ở phần sau. Nhưng về các thao tác đảo, các mệnh đề ngẫu nhiên này sẽ giống như các mệnh đề khác.

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Nguồn: Aristote. Logique d'Aristote. Premiers Analytiques. Trad. par Jules Barthélemy Saint-Hilaire. Paris: Ladrange, 1866.


Chương II
Chương IV

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt