ARISTOTE PHÂN TÍCH PHÁP THỨ NHẤT QUYỂN I
PHẦN 1 SỰ HÌNH THÀNH TAM ĐOẠN LUẬN CHƯƠNG II
1 Vì mọi mệnh đề đều biểu thị rằng sự vật chỉ đơn giản là, hoặc nó tất yếu là, hoặc nó có thể là; và trong mọi loại quy gán, các mệnh đề hoặc là khẳng định hoặc phủ định; hơn nữa, các mệnh đề khẳng định và phủ định khi thì toàn bộ, khi thì bộ phận, khi thì không xác định, 2 nên mệnh đề phủ định toàn bộ đơn giản cần thiết phải có thể đảo theo các hạn từ riêng của nó; ví dụ, nếu không có khoái lạc nào là một điều tốt, thì cũng tất yếu là không có điều tốt nào là sự khoái lạc. 3 Mệnh đề khẳng định cũng phải được đảo, không phải thành toàn bộ, mà thành bộ phận; ví dụ, nếu mọi khoái lạc đều là điều tốt, thì cũng tất yếu là một số điều tốt là khoái lạc. 4 Trong số các mệnh đề bộ phận, mệnh đề khẳng định tất yếu đảo thành bộ phận; vì nếu một số khoái lạc là điều tốt, thì cũng yếu là là một số điều tốt là khoái lạc. 5 Nhưng mệnh đề phủ định không đảo được; thực vậy, nếu con người không thể gán cho một số động vật, thì không đảo thành động vật không thể quy cho một số người. 6 Vậy trước hết, với mệnh đề phủ định toàn bộ AB; nếu A không thuộc về bất kỳ B nào, thì B cũng sẽ không thuộc về bất kỳ A nào; vì, nếu B thuộc về một A nào đó, ví dụ C, thì sẽ không còn đúng là A không thuộc về bất kỳ B nào, vì C được giả định là một trong các B. 7 Nhưng, nếu A thuộc về mọi B, thì B cũng sẽ thuộc về một số A; vì, nếu nó không thuộc về bất kỳ A nào, thì A cũng sẽ không thuộc về bất kỳ B nào; tuy nhiên, chúng ta đã giả định rằng nó thuộc về tất cả. 8 Đối với mệnh đề bộ phận cũng đảo tương tự; thực vậy, nếu A thuộc về một số B, thì B cũng tất yếu thuộc về một số A; vì, nếu nó không thuộc về bất kỳ A nào, thì A cũng sẽ không thuộc về bất kỳ B nào. 9 Cuối cùng, nếu A không thuộc về một số B, thì tất yếu không đảo thành B không thuộc về một số A: ví dụ, B là động vật, và A là con người; vì con người không thuộc về mọi động vật, nhưng động vật thuộc về mọi con người. Đinh Hồng Phúc dịch
Nguồn: Aristote. Logique d'Aristote. Premiers Analytiques. Trad. par Jules Barthélemy Saint-Hilaire. Paris: Ladrange, 1866.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC