Triết học tôn giáo

Vấn đề 10. Về sự hằng cửu của Thiên Chúa. Mục 1

 

VẤN ĐỀ 10

VỀ SỰ HẰNG CỬU CỦA THIÊN CHÚA

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học. "Về một Thiên Chúa", Tập 1. Phần I, Vấn đề 1-13. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng sự phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 1999. | Xem: Bản dịch Tiếng Anh ; bản dịch tiếng Pháp.


 

Bây giờ phải bàn về sự hằng cửu của Thiên Chúa. Và phải tìm hiểu sáu điều:

1. Hằng cửu là gì?

2. Phải chăng Thiên Chúa thì hằng cửu?

3. Phải chăng vĩnh cửu là thuộc tính riêng của Thiên Chúa? 

4. Phải chăng hằng cửu khác với thời gian?

5. Về sự khác biệt giữa trường cửu với thời gian.

6. Phải chăng chỉ có một trường cửu, cũng như chỉ có một thời gian và một hằng cửu?

 

MỤC 1

Phải chăng hằng cửu đã được định nghĩa

cách thích hợp  là “sự chiếm hữu sự sống bất tận 

cách toàn thể, một trật và hoàn bị”?

 

NGHI VẤN. Hình như định nghĩa của Boetio về sự hằng cửu không được thích hợp, khi ông nói: “hằng cửu là sự chiếm hữu sự sống bấn tận cách toàn thể, một trật và hoàn bị”.

1. Bất tận là hạn từ tiêu cực. Nhưng tiêu cực chỉ thuộc về lý tính của những vật khiếm khuyết, là điều không phù hợp với sự hằng cửu. Cho nên trong câu định nghĩa không nên dùng hạn từ bất tận.

2. Hằng cửu ám chỉ sự lâu dài nào đó. Mà sự lâu dài thì nhằm vào hiện hữu hơn là sự sống. Cho nên trong câu định nghĩa hằng cửu không nên dùng hạn từ sự sống, nhưng dùng hạn từ hiện hữu thì hơn.

3. Đã gọi là toàn thể thì phải có thành phần. Mà điều đó không thích hợp với hằng cửu, vì hằng cửu thì đơn thuần. Cho nên nói rằng toàn thể thì không thích hợp.

4. Không thể có nhiều ngày, nhiều thời gian, một trật. Nhưng trong hằng cửu ngày và thời gian được dùng ở số nhiều, như trong ngôn sứ Mi-kha: “Nguồn gốc của Người có từ ban đầu, từ những ngày thuở hằng cửu”; và trong thánh Phao-lô: “Tin Mừng đã được mặc khải từ những thời hằng cửu”. Cho nên hằng cửu không phải là toàn thể một trật.

5. Toàn thể và hoàn bị thì như nhau. Đã dùng hạn từ toàn thể mà còn thêm hoàn bị là thừa.

6. Sự chiếm hữu không thuộc về sự lâu dài. Mà hằng cửu là thứ lâu dài nào đó. Cho nên hằng cửu không phải là sự chiếm hữu.

LUẬN GIẢI. Như chúng ta phải nhờ những vật phức hợp để nhận biết những vật đơn, thì cũng phải nhờ thời gian để nhận biết sự hằng cửu: mà thời gian không là gì khác ngoài con số của chuyển dịch theo thứ tự trước sau. Vì trong mọi chuyển dịch đều có sự kế tiếp, có phần nọ sau phần kia, nên cứ đếm sự chuyển dịch trước sau là chúng ta nhận ra thời gian; vì thời gian không là gì khác ngoài những con số trước và sau trong chuyển dịch. Nhưng trong vật không chuyển dịch, lại luôn luôn nhất điệu, ta không phân biệt được trước và sau. Vậy như lý tính của thời gian hệ tại việc đếm trước và sau trong sự chuyển dịch, thì lý tính của sự hằng cửu cũng hệ tại nhận ra sự nhất điệu của vật, hoàn toàn ở ngoài mọi chuyển dịch.

Vả lại, những vật hữu thủy hữu chung trong thời gian thì được đo lường bằng thời gian, như nhà Hiền triết đã nói, sở dĩ như thế là vì trong mọi vật chuyển dịch phải ghi nhận lúc bắt đầu và lúc chấm dứt. Còn vật bất khả biến, vì không có kế tiếp, nên cũng không thể hữu thủy hữu chung.

Cho nên hằng cửu được nhận biết bằng hai điều. Thứ nhất là vì phàm chi ở trong hằng cửu thì bất tận, nghĩa là vô thủy vô chung (vì tận cùng chỉ về cả hai phía). Thứ hai là vì chính sự hằng cửu thì không có kế tiếp, vì toàn thể đều hiện hữu một trật.

GIẢI ĐÁP

1. Những vật đơn thuần thường được định nghĩa cách tiêu cực, chẳng hạn, điểm là cái không có thành phần. Sở dĩ như thế không phải vì tiêu cực là yếu tính của chúng, nhưng vì trí khôn cho hợp trước, nên chỉ có thể nhận biết những vật đơn bằng cách tháo gỡ sự phối hợp.

2. Phàm điều gì thực sự là hằng cửu thì chẳng những nó là hữu thể lại còn là vật sống nữa. Và việc sinh sống này, chứ không phải hiện hữu, trải rộng cách nào đó đến hoạt động nữa. Nhưng sự lâu dài vươn rộng ra phải được hiểu về phía hoạt động hơn là về phía hiện hữu. Cho nên cả thời gian cũng là con số của sự chuyển dịch.

3. Sự hằng cửu được coi là toàn thể, không phải vì có thành phần, mà vì không thiếu chi cả.

4. Như trong Thánh Kinh, Thiên Chúa, dù là vô hình, vẫn được gọi cách bóng bẩy bằng tên của những vật hữu hình, thì sự hằng cửu, dù hiện hữu toàn thể một trật, cũng được gọi cách bóng bẩy bằng những tên chỉ thời gian kế tiếp.

5. Trong thời gian có hai điều phải suy cứu: ấy là chính thời gian, có tính chất liên tiếp; và cái “hiện tại” của thời gian, có tính chất khiếm khuyết. Vì thế nói rằng toàn thể một trật để gạt bỏ thời gian và hoàn bị để gạt bỏ cái "hiện tại” của thời gian.

6. Vật sở hữu là vật ta có cách vững vàng và an thái. Vậy để chỉ sự không thể thay đổi và không thể thiếu, người ta đã dùng hạn từ chiếm hữu.

 


 MỤC 2
 VẤN ĐỀ 9

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt