Triết học Đông phương

Dẫn vào Duy thức học. 1. Thức là gí?

 

DẪN VÀO DUY THỨC HỌC


TUỆ SỸ

1 2 3 4 5

 

1. THỨC LÀ GÌ?

Thành duy thức (Skt. Vijñaptimatratāsiddhi) là tên gọi chung cho hai tác phẩm của Thế Thân (Vasubandhu): Nhị thập luận (Skt. Viṃśatikā) và Tam thập luận (Skt. Triṃśatikā), trong đó tác giả chứng minh tất cả tồn tại duy chỉ là thức. Từ Sanskrit được dùng ở đây là vijñapti mà Hán dịch là thức, thay cho từ được dùng trong kinh điển nguyên thủy là vijñāna, chỉ cho sáu thức, mà Hán cũng dịch là thức. Cả hai từ chỉ chung cho một sự thể, hay thể tính, nhưng được biết đến dưới hai hoạt dụng khác nhau. Sự thể đó nói chung là thức.

Chính trong ý nghĩa các đối tượng xuất hiện trước thức hay cho thức, nên nói tất cả duy chỉ là thức. Hiểu theo cách hiểu thông tục, nói duy thức là nói rằng tất cả tồn tại ngoại giới thảy đều là sự biến hiện của thức, được sáng tạo bởi thức. Cảnh được thấy trong chiêm bao là những thứ được sáng tác tùy ý bởi thức, tuy có bị tác động bởi những biến cố nào đó trong lúc thức trước đó. Nhưng, nếu hiểu theo cách hiểu kinh điển, cảnh vật trong chiêm bao tuy nói là thức biến hay biến thái của thức, nhưng không phải là những thứ được tưởng tượng hay sáng tác tùy ý bởi thức. Chúng là những kinh nghiệm quá khứ được tích lũy, được lưu trữ như là những dữ liệu trong kho chứa thức. Sau đó chúng được biến thái, qua quá trình xử lý, nghĩa là qua những quan hệ tương tác giữa các dữ liệu, để rồi chúng xuất hiện như là đối tượng của ý thức. Duy nhất chỉ là đối tượng của ý thức, mặc dù trong chiêm bao cái vẻ như được thấy bởi mắt, được nghe bởi tai. Ý thức cũng không tùy tiện sáng tác cảnh chiêm bao. Cảnh vật chiêm bao xuất hiện, và ý thức vin vào đó để xuất hiện và hoạt động, quá trình xử lý tùy thuộc một số điều kiện, tùy thuộc các duyên.

Cảnh xuất hiện trong chiêm bao được dùng để mô tả ý nghĩa duy thức, như vậy không phải vì chúng là sản phẩm được sáng chế tùy tiện bởi thức; mà nói là duy thức, vì chúng không xuất hiện bên ngoài thức. Thật vậy, cảnh vật trong chiêm bao là những thứ chỉ xuất hiện bên trong thức. Tương tự, trong khi thức tỉnh, cảnh vật được thấy không tồn tại ngoài thức, điều này có nghĩa rằng thức chỉ nhận thức, chỉ bắt nắm cái xuất hiện bên trong nó do tác động bởi cảnh ngoại tại, bên ngoài nó. Vậy thì, cảnh vật ngoại tại ấy tồn tại thực hay bất thực? Chính đấy là điểm tranh luận giữa các nhà Đại thừa.

Điểm thừa nhận chung, theo đó, tồn tại khi trở thành đối tượng được nhận thức, tồn tại ấy không xuất hiện trong thức nó như là nó, mà xuất hiện qua ảnh tượng được xử lý, hay được tái cấu trúc bởi thức. Quá trình xử lý đối tượng nhận thức này, tức quá trình tái cấu trúc thực hiện bởi thức này, kinh điển gọi là vikalpaphân biệt, hay parikalpa: Biến kế phân biệt. Luận Madhyānta nói, abhūtaparikalpo’sti:(1) hư vọng phân biệt hữu, cái tồn tại là cái phân bố cấu trúc một cách không hiện thực.(2) Cái phân bố cấu trúc bất thực ấy – cái hư vọng phân biệt ấy, được chỉ định là thức. Nói cách khác, thức không bao giờ nhận thức được tự thân của sự vật, nghĩa là nó không thể vươn đến hay đạt đến chân như hay như tính (tathatā) của tồn tại, mà chỉ nắm bắt được những gì sau khi chúng đã được tái cấu trúc. Duy chỉ trí vô phân biệt của Như Lai mới đạt đến Chân như hay Như tính (tathatā), hay Như thực tính (yathābhūtatā). Cũng như một khách hàng bình thường nhìn lên màn hình vi tính, nhìn thấy những hình ảnh xuất hiện trong đó, rồi vui, mừng, buồn, giận, theo tác động của chúng, nhưng người đó không thể nhận thức được bản chất hay tự thể của chúng. Duy chỉ kỹ sư lập trình, hay người có kiến thức về các nguyên tắc lập trình, mới thông hiểu được các dữ liệu đã được lưu trữ như thế nào và được xử lý như thế nào để cho xuất hiện những hình ảnh ấy.

Vậy, câu hỏi căn bản để dẫn đến những giải thích bất đồng là, bản chất của tồn tại là gì? Các môn đệ truyền thừa của Vô Trước và Thế Thân cho rằng – hoặc giả thiết được cho rằng, bản chất của tất cả tồn tại chính là thức. Từ đây, một câu hỏi khác cần được nêu lên: Thức ấy là gì? Cũng nên nói thêm rằng, thức được nêu ở đây chỉ cho thức thể, bao hàm cả hai hình thái xuất hiện, hoặc như là công cụ hay hành vi nhận thức (vijñāna), hoặc như là thông tín viên (vijñapti).

Khi nhắc đến từ thức, phổ thông có cảm tưởng rằng ta đã biết nó là cái gì rồi, cũng như ta biết tai, mắt là cái gì vậy. Nhưng khi cần chỉ vào nội dung cụ thể của nó, trỏ vào đích xác tự thể của nó, thì hầu như các nhà bác học thảy đều bối rối.(3) Song, ở đây chúng ta không nhất thiết phải đề cập đến sự bối rối ấy, mà chỉ cần đọc lại đoạn kinh Lăng nghiêm cũng sẽ thấy rõ sự bối rối của A-nan.(4)

Đức Phật hỏi A-nan: Ông lấy cái gì để thấy thân Phật? A-nan đáp: Lấy tâm và mắt. Phật lại hỏi: Tâm và mắt ở đâu? A-nan đáp: Mắt tức phù trần căn gồm bốn đại chủng, nó ở trên mặt. Thức tâm thì ở trong thân. Phật lại hỏi: Nếu thức tâm ở trong thân, tại sao nó không thấy ruột, gan, tim, phổi các thứ?

Đoạn dẫn tóm tắt trên mở đầu cho chuỗi bảy lớp gạn hỏi tâm của Phật để khai ngộ A-nan. Đoạn kinh này được đánh giá rất cao trong truyền thống Phật học Trung Quốc và nhiều người do đoạn kinh này mà tìm đến nghiên cứu Phật học. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm A-tì-đàm, không những các câu trả lời của A-nan có vẻ ngớ ngẩn, mà cả đến những câu hỏi được cho là nêu lên bởi Phật cũng vô nghĩa. Truyền thống A-tì-đàm, căn cứ trên kinh điển nguyên thủy, tức các bộ A-hàm, mỗi khi nêu lên vấn đề nhận thức, thường dẫn đoạn kinh Phật nói: “Sau khi duyên đến mắt và các sắc, nhận thức mắt phát sinh.”(5) Không riêng các Luận sư A-tì-đàm, mà cả đến các Luận sư Trung quán khi đề cập đến sự xuất hiện của thức cũng thường xuyên dẫn chứng đoạn kinh này.(6)

Đoạn kinh khác cũng nói: “Nếu mắt nội xứ không bị hư hoại; sắc ngoại giới không lọt vào tầm nhìn, không có sự chú ý thích đáng, thức tương ứng không phát sinh…”(7)

Ý nghĩa của đoạn kinh nói rằng, bất cứ khi nào và nơi nào mà có sự tụ hội của căn và cảnh, thì khi ấy và nơi ấy thức xuất hiện. Như vậy, không thể nói thức ở trong hay ở ngoài thân. Câu trả lời được gán cho A-nan liên hệ đến quan niệm về tự ngã của một số học phái Ấn Độ, theo đó, tự ngã là một jīva cực tiểu,(8) tồn tại trong thân; khi nó xuất hiện nơi con mắt thì mắt thấy cảnh vật bên ngoài; khi nó xuất hiện nơi tai thì nó nghe các thứ âm thanh. Hoặc cho rằng nó lớn bằng thân lượng.(9) A-nan tất nhiên biết rõ đoạn kinh Phật nói vừa dẫn, nên chắc chắn không khi nào lại trả lời nó ở trong thân hay ở ngoài thân. Tất nhiên, Phật không xác nhận tồn tại một tự ngã dù lớn hay nhỏ để nói nó ở trong hay ngoài thân, nên cũng không hỏi A-nan những câu hỏi như vậy. Song, người soạn kinh Lăng nghiêm, gán những điều không tìm thấy trong kinh điển nguyên thủy, và cả trong các kinh điển Đại thừa, cho Phật và A-nan, có thể ông muốn dẫn đạo người sơ cơ đi từ những câu hỏi ngớ ngẩn để tiến đến thông hiểu những vấn đề cao siêu. Nếu vậy, đây là điều mà soạn giả Lăng nghiêm đã thành công.

Xem thế đủ thấy rằng mặc dù trong các kinh điển nguyên thủy cũng như Đại thừa đề cập đến thức rất nhiều, và cũng có nhiều đoạn kinh mô tả sự xuất hiện của thức và những điều điện cần hội đủ để xuất hiện; tuy vậy, nếu cần chỉ thẳng vào cái gì để biết nó là thức, thì điều này không đơn giản. Chính vì vậy mà khi nói đến từ “duy thức”, dù hiểu thức biến theo cách nào, nhưng vì chưa thể xác định được thức là cái gì, nên những giải thích thường trở thành vô nghĩa.

Khi ta thấy một vật, sự thấy này được thực hiện bởi mắt? Hay bởi thức? Hay bởi một cái tôi nào đó làm chủ nhận thức? Những câu hỏi như vậy không thể trả lời trong một vài dòng chữ, mà cần phải qua một quá trình chiêm nghiệm nghiêm túc và lâu dài mới có thể mong đi đến một kết luận dứt khoát. Trong trình độ nghiên cứu hiện đại của các ngành học thuật, tâm lý học, sinh lý học, vật lý học, v.v., chưa có đâu đề xuất giải đáp được chấp nhận phổ biến. Các luận điển của Du-già hành tông, và của Duy thức học, cũng không đề xuất giải đáp thỏa mãn, mà chỉ cung cấp những phương pháp tư duy để mỗi cá nhân tự chiêm nghiệm và tự thể nghiệm. Duy thức học, cũng như các tông phái Đại thừa Phật giáo khác, không chỉ thẳng cho mọi người chân lý là cái gì, nó như thế nào, mà chỉ con đường dẫn đến đó, để mọi người tự nhìn, tự thấy và hiểu.

Dù vậy, để có thể tiếp cận con đường dẫn đến sự thật ấy, ở đây chúng ta cũng cần tìm hiểu ý nghĩa thức là gì trong phạm vi chân lý ước lệ.

Nguyên thủy, Đức Phật chỉ đề cập sáu thức. Ai cũng có thể nhận biết được sáu thức này qua các hoạt động của nó. Nghĩa là, ta chỉ có thể biết được rằng thức tồn tại hay xuất hiện khi nào biết được hoạt động của nó. Định nghĩa được nêu như là công thức hay định đề như sau, trong các kinh điển Pāli: vijānāti vijānātīti kho, āvuso, tasmā viññāṇanti vuccatī’’ti.(10) Vì nó nhận thức, nên gọi nó là thức. Abhidharmasamuccaya cũng định nghĩa tương tự: kiṁlakṣaṇaṁ vijñānam| vijānanālakṣaṇaṁ vijñānam| vijñānaṁ yena rūpaśabdagandharasasparśadharmān nānā viṣayān vijānāti||(11) , “Đặc điểm của thức là gì? Nó thức nhận thức các đối tượng sai biệt, như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.” Nói nôm na, thức là cái biết, hay cái để biết. Khi nó nhận biết sắc do bởi mắt, nó được gọi là thức của mắt, hay thức ở nơi mắt; thức y nơi mắt mà hoạt động. Khi nó nhận biết âm thanh do bởi tai, nó được gọi là thức của tai hay thức nơi tai; thức y nơi tai mà hoạt động.

Kinh cũng nói, các hành là vô thường; chúng xuất hiện rồi biến mất. Các Luận sư A-tì-đàm diễn giải thêm: cái gì vô thường, cái đó xuất hiện và biến mất trong từng sát-na. Nếu một pháp mà có thể tồn tại kéo dài trong hai sát-na, nó cũng có thể kéo dài thêm nhiều sát-na, và cũng có thể kéo dài vĩnh viễn. Cho nên, nói vô thường, nên hiểu là sát-na vô thường. Khi áp dụng quy luật này vào quá trình nhận thức, lúc bấy giờ căn sở y của thức và cảnh đối tượng của thức, tất cả cũng đều là các hành chịu chi phối bởi vô thường, nên chúng chỉ tồn tại trong mỗi sát-na. Khi căn và cảnh diệt thì thức cũng diệt. Vậy, trong quá trình nhận thức, căn, cảnh và thức đồng xuất hiện trong sát-na thứ nhất, và diệt ngay sau đó. Sang sát-na thứ hai, căn, cảnh, thức khác xuất hiện. Cái gì đồng nhất tất cả những yếu tố xuất hiện trong sát-na thứ nhất với những cái xuất hiện trong sát-na thứ hai, và nhiều sát-na sau tiếp theo, để nói rằng chúng đồng là một căn, một cảnh, và một thức? Ở đây, ta có thể cho một thí dụ hình ảnh. Một người ghé mắt nhìn qua một khe cửa, đọc được từng mẫu tự đi qua. Vì khe hẹp, mỗi lần y chỉ nhận được một chữ cái. Loạt chữ cái liên tục tiếp nối nhau xuất hiện. Sau một lúc, người ấy nhận được một thông điệp nào đó qua các mẫu tự lần lượt xuất hiện ấy. Nhận thức này đạt được do từng ký tự được tiếp nhận và được lưu trữ đâu đó, trong ý thức chẳng hạn hay trong óc não, và ngay sau đó chúng được xử lý, tức được nối kết theo một quy luật định sẵn, theo một khung ngữ pháp nào đó, tiếng Việt, hay tiếng Hoa, hay tiếng Nhật. Nói cách khác, từng mẫu tự hay ký tự riêng biệt, nếu không được xử lý, hay được tái cấu trúc theo quy luật định sẵn, những thứ ấy không có ý nghĩa gì, chỉ như đá sỏi ngoài kia vậy thôi. Cũng vậy, do bị chi phối bởi định luật vô thường, pháp sinh rồi diệt trong từng sát-na. Chúng được nhận biết là cái gì, do bởi mắt hay tai, hay các thứ, đều được tái cấu trúc trong quá trình nhận thức.

Do ý nghĩa này, Thức thân túc luận nói: Thức con mắt có thể nhận biết được màu xanh, nhưng không nhận biết được rằng “đây là màu xanh.”(12) Theo đó, trong từng sát-na, từng đối tượng cá biệt xuất hiện và được thức nắm bắt. Nhưng chỉ khi nào có sự tổng hợp và đồng nhất tất cả những gì đã xuất hiện và biến mất trong nhiều sát-na, bấy giờ nhận thức mới đạt đến phán đoán, biết rằng cái đó là cái gì. Quá trình nhận thức như vậy được phân tích thành hai giai đoạn: giai đoạn đối tượng chưa được cấu trúc, và giai đoạn đã được tái cấu trúc. Thuật ngữ nói chung gọi là vô phân biệt, và phân biệt. Tất cả mọi nhận thức, nơi phàm phu cũng như nơi Thánh giả, đều bắt đầu bằng quá trình không cấu trúc.(13) Nhận thức này thuật ngữ gọi là pratyakṣa: hiện lượng, thấy trực tiếp bằng chính con mắt của mình, không qua trung gian con mắt của ai khác (aparokṣa). Trong từ ngữ thường dùng ngày nay, ta có thể gọi nó là nhận thức trực giác, tuy nói như thế chưa hẳn chính xác.

Định nghĩa về hiện lượng (pratyakṣa), Trần-na nói: “Hiện lượng, trừ phân biệt.(14) Định nghĩa này cũng được lặp lại trong Chính lý trích luận,(15) với một chi tiết được thêm: Nhận thức trực quan hay hiện lượng là nhận thức loại trừ sự cấu trúc và không sai lầm.(16) Nhận thức có thể trực tiếp, nhưng sai lầm, như các trường hợp thấy cây trên bờ di chuyển thay vì thấy thuyền ta đứng trong đó di chuyển; hoặc giả thấy hai mặt trăng do khuyết điểm nào đó nơi con mắt. Những sai làm này được phán đoán từ nhận thức thông tục của phàm phu, chứ đối với Thánh giả, ngay chính hiện lượng không phân biệt của phàm phu vẫn là nhận thức sai lầm, không bắt nắm được bản chất hay như tính của thực tại.

Sự vật xuất hiện trong sát-na thứ nhất, rồi biến mất; ấn tượng của nó được lưu lại để sau đó căn cứ(17) trên ấn tượng được lưu trữ này để nhận dạng ảnh tượng xuất hiện trong sát-na kế tiếp. Ảnh tượng xuất hiện trong sát-na thứ hai này rồi cũng biến mất ngay, ấn tượng của nó cùng được lưu trữ để làm cơ sở nhận dạng cái xuất hiện tiếp theo nữa. Quá trình xuất hiện, biến mất, rồi tái hiện để nhận dạng và đồng hóa chuỗi ấn tượng liên tục, dẫn đến phán đoán về đối tượng xuất hiện đó là cái gì. Vì thế nói, thức con mắt mắt nhận biết màu xanh nhưng nó không thể đưa ngay ra phán đoán “đây là màu xanh.” Phán đoán là kết quả của quá trình cấu trúc.

Như vậy, định nghĩa kinh điển nói, vijānāti vijānātīti kho, āvuso, tasmā viññāṇanti vuccatī’ ti, gọi nó là thức vì nó nhận thức, định nghĩa này đề cập thức trong nhận thức thuần túy, tổng quát, chung cho cả Thánh trí và tục thức phàm phu, không phân biệt và có phân biệt. Thức trong định nghĩa này, mà nguyên ngữ Sanskrit là vijñāna, là cái biết, hay cái nhờ đó mà có sự nhận biết, chỉ cho kết quả nhận thức, hay công cụ để nhận thức. Thức chỉ có thể nhận biết được qua hoạt động của nó, cũng như hành vi chặt được nhận biết qua công cụ của nó là cái búa.(18) Một vật như vậy, mà hoạt động của nó không được quy định cho một mục đích nào đó với đối tượng nào đó, nó cũng không thể được xác định đó là cái búa hay là cái gì khác.(19) Hoạt động với đối tượng và công cụ của nó được xác nhận do bởi kết quả của nó. Cũng vậy, nói rằng thức được nhận biết do bởi hoạt động của nó, tức nói rằng kết quả hoạt động của nó được xác nhận. Đây có thể được xem là định nghĩa tổng quát của Trần-na về nhận thức, như được nêu trong Tập lượng luận.(20) Theo đó, giả sử đối tượng ngoại giới tồn tại, như vật xanh chẳng hạn; khi một cá nhân nhận biết sự hiện diện này, phán đoán đạt được ở đây là “nó nhận biết rằng nó nhận biết (thấy) vật xanh.” Trong phát biểu “nó nhận biết” thứ nhất bao hàm cả chủ thể và đối tượng nhận thức. Trong đây có thể giả thiết rằng đối tượng là tồn tại ngoại giới, và chủ thể là thức nội giới. Trong phát biểu “nó nhận biết” thứ hai, đối tượng chính là cái “nó nhận biết” thứ nhất.(21) Cái đó là một cấu trúc bao gồm chủ thể và đối tượng được dựng lên chính bên trong thức. Chỉ khi phán đoán như vậy đạt được, bấy giờ mới có thể nói nhận thức đã đạt được kết quả. Vậy thì, cái mà thức nắm được như là kết quả ở đây không hoàn toàn là tự thân của vật xanh ngoại giới, mà là ảnh tượng được cấu trúc bên trong thức. Qua kết quả đó, thức, vijñāna, là từ ngữ có nội hàm là công cụ nhận thức; đồng thời chính nó cũng là kết quả đạt được qua quá trình nhận thức. Như vậy, khi nói “thức con mắt”, cakṣur-vijñāna, là hàm ngụ rằng kết quả nhận thức đạt được do bởi thức hoạt động y trên con mắt.(22)

Nếu dẫn lui về một định nghĩa tổng quát hơn nữa về thức, ta phải nhắc đến định nghĩa bởi Thế Thân(23) : vijñānaṃ prativijñaptiḥ: viṣayaṃ viṣayaṃ prati vijñaptir upalabdhir vijñānaskandha ity ucyate/ Thức, là sự thông tri cá biệt: sự thông tri, sự nắm bắt từng đối tượng cá biệt, đó là thức uẩn. Trong định nghĩa này, thức được nhận biết bởi hoạt động của nó qua hai hình thái, nói theo Sanskrit: prati-vijñapti và upalabdhi. Trong từ đầu, tiếp đầu ngữ prati- như là trạng ngữ chỉ sự phân bố (vīpsārtha); vì hoạt động của thức hướng đến từng đối tượng cá biệt.(24) Hoạt động của thức được nói bằng hợp từ thứ nhất này là vijñapti: sự thông tri, hay hoạt động thông tri. Đây là danh từ phái sinh của động từ căn vi-jñā (vi-jānāti: nó nhận biết) qua thể sai khiến (causative) vi-jñapayati: nó thông tri hay báo cho biết. Long Thọ, trong Hồi tránh luận,(25) nêu thí dụ khá rõ về cách dùng của động từ này, như nói: asaṃbhavaṃ gṛhe Devadattasya jñapayati, nó thông báo cho biết sự vắng của Devadatta trong nhà. Áp dụng cho trường hợp vijñapti, đó là hành vi thông báo cho biết sự hiện hữu của đối tượng. Kết quả nhận thức đạt được ở đây là sự hiện diện của Devadatta, có hay không có, trong nhà; nhưng bản thân của Devadatta không trực tiếp xuất hiện cho nhận thức, mà nó được biết đến qua sự thông báo. Từ vijñapti như vậy có xu hướng dẫn đến kết luận rằng đối tượng ngoại giới – giả thiết nó thực sự tồn tại – mà ta biết được, tự thân đối tượng ấy không trực tiếp xuất hiện trong kết quả của nhận thức. Vậy, tồn tại của nó chỉ được xác nhận qua nguồn thông tin: vijñaptimatratā. Song, nói thế không nhất quyết nói rằng không có pháp gì tồn tại như là thực hữu bên ngoài thức.

Từ vijñapti cũng được tìm thấy xuất hiện trong ngữ cảnh khác nữa, liên hệ đến hành vi của thân và ngữ. Đó là thân biểu (kāya-vijñapti) và ngữ biểu (vāg-vijñapti). Vijñapti ở đây Hán dịch là biểu, theo nghĩa, nó biểu hiện ra bên ngoài cho người khác thấy và do đó nhận biết. Một người vung gươm lên múa; người khác nhìn thấy và có thể phán đoán, nó vung gươm với ý định giết người, hay chỉ để múa biểu diễn mà chơi. Vậy, thân biểu có nghĩa là sự thông tri cho biết động tác của thân được thấy ấy có ý nghĩa gì, nhắm mục đích gì. Ý nghĩa hay mục này là những điều ẩn kín trong thức mà người ngoài không thể biết được nếu chúng không được biểu hiện ra bên ngoài thông qua thân hay ngữ.

Về cơ bản, từ vijñapti có nội hàm chung là sự thông tri, nhưng trong ngữ cảnh, không nên lẫn lộn giữa hai trường hợp. Thân biểu và ngữ biểu, hay sự thông tri bởi thân và ngữ, là những thứ thuộc sắc pháp (rūpa-dharma). Nói cách khác, đó là vijñapti được liệt kê trong sắc uẩn (rūpa-skandha). Nhưng trong hợp từ vijñpati-matratā, trong đó vijñapti là yếu tố thuộc tâm pháp, được liệt kê trong thức uẩn. Trong hai ngữ cảnh, một từ vijñapti chỉ cho hai loại pháp khác nhau.(26)

(Đạo Phật ngày nay | thuvienhoasen.org)



(1) k. i. 22. Hán, Huyền Trang, Biện trung biên 1, T31n1600, tr. 464b15: 虛妄分別有

(2) Kalpa, vikalpa, parikalpa, những từ thường dùng như đồng nghĩa. Stcherbatsky, Buddhist logic, dịch Anh là construction: sự cấu trúc; trong Madhyānta-vibhaṅga, parikalpa được ông dịch Anh là “the Universal Constructor of phenomena”: Vị (tác viên) Cấu trúc phổ quát của các hiện tượng. Hattori, trong Pramāṇasamuccaya, từ kalpanā, dịch Anh là conceptual construction, cấu trúc mang tính khái niệm; và chú thích, kalpanā = vikalpa. Lê Mạnh Thát, The Philosophy of Vasubandhu, 2003, tr. 284, vikalpa, dịch Anh là verbal construction: Cấu trúc mang tính ngôn ngữ.

(3) Cách gọi tên thời danh của Thomas Nagel ("What is it Like to Be a Bat?" - 1974): what it is like: nó giống như cái gì đó. Chủ nghĩa duy vật lý (physicalism; cf. Contemporary debates in phylosophy of mind, 2007) cho rằng tất cả phát sinh phụ tùy theo vật lý (everything supervenes on physical). Chủ nghĩa nhị nguyên xem tâm và vật là hai thực thể song song (substance dualism), hoặc các đặc chất tâm thức là những thành tố căn của thực tại cũng năng bằng các thành tố vật lý (fundamental property dualism), hoặc thức là những đặc chất đột xuất từ các tổ chức phức hợp vật lý nhưng không tùy thuộc vật lý (emergent property dualism), v.v… Các nhà vật lý lượng tử thì cho thức cũng là lượng tử (quantum mind: David Bohm, Gustva Benroider, David Chalmers, Roger Penrose, Evan Harris Walker, Henry Stapp, v.v…). Các lý thuyết này không hoàn toàn đồng ý nhau để chỉ thức (consciousness) là cái gì.

(4) Cf. Lữ Trừng, Lăng nghiêm bách ngụy, Lữ Trừng Phật học luận trước tuyển tập, tập I, 1996.

(5) Pāli, định cú: cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṃ.

(6) Cf. dẫn bởi Candrakīrti, Prasannapadā, tr. 6.3: cakṣuḥ pratītya rūpāṇi cotpadyate cakṣurvijñānam.

(7) M. 28. Hatthipadopama: ajjhattikañceva cakkhuṃ aparibhinnaṃ hoti, bāhirā ca rūpā na āpāthaṃ āgacchanti, no ca tajjo samannāhāro hoti, neva tāva tajjassa viññāṇabhāgassa pātubhāvo hoti. Hán, Trung A-hàm 7, kinh số 30: Tượng tích dụ kinh: 若內眼處不壞者。外色便為光明所照。而便有念。眼識得生。Cf. dẫn bởi Tì-bà-sa 12, tr. 58c19: 如象跡喻。契經中說。舍利子言。若內意處不壞外法處。現前及能生作意正起。爾時意識生。

(8) Chủ trương của các phái Paśupati (Thú chủ ngoại đạo) và Parivrajaka (Biến xuất ngoại đạo). Xem Ch. i bản Việt, cht. 33.

(9) Trong Kỳ-na giáo, nó là jīvāstikāya, lớn bằng thân lượng tùy theo voi hay muỗi. Cf. S. Dasgupta, A history of Indian philosophy, vol. I, tr. 189; 1973.

(10) M. I. 449, dẫn bởi Visuddhimagga, tr.452.

(11) Abhidharmasamuccaya, Pradhan p. 3, 1.

(12) Thức thân túc luận 6, T 26, tr. 559b27: 有六識身。謂眼識耳鼻舌身意識。眼識唯能了別青色。不能了別此是青色。 Câu-xá 10, tr. 52c6: 如說眼識但能了青不了是青。Xem, dẫn bởi Dignāga (Trần-na), Praṃāṇasamuccaya, Hattori, tr. 2.20: abhidharme’py uktam - cakṣurvijñānasamaṅgī nīlaṃ vijānāti no tu nīlam iti.

(13) Nhận thức trực tiếp, hay tri giác trực tiếp (direct perception). Nyāyabindu, có bốn loại: 1. Nhận thức bởi giác quan (indriyajñānam, căn thức hay thức y trên căn); 2. Ý thức (manovijñānam) trực tiếp theo sau thức bởi căn; 3. Tâm và tâm sở tự chứng (cittacaittānam ātmasaṃvedanam); 4. Quán trí (yogijñānam), nhận thức với đối tượng chân thực (bhūtārtha) khi đạt đến mức cực biên tế tu định.

(14) Dignāga, Pramāṇasmuccaya 1.3: pratyakṣaṃ kalpanāpoḍham/ Hán, Cf. Chính lý môn luận, Huyền Trang, T32n1628: 現量除分別.

(15) Cf. Dharmakīrti, Nyāyabindu, i. 4: tatra pratyakṣaṃ kalpanāpoḍham abhrāntam, hiện lượng, trừ phân biệt, thêm yếu tố không lầm lạc.

(16) Nyāyabindu 1.4: tatra pratyakṣaṃ kalpanāpoḍham abhrāntam/

(17) Căn cứ này, Thế Thân, trong Câu-xá, gọi là ý căn (mana-indriya). Kośa i. k. 17: ṣaṇṇām anatarātītaṃ vijñānaṃ yaddhi tan manas, thức nào trong sáu thức thuộc quá khứ trực tiếp (một sát-na trước); thức ấy chính là ý. Câu-xá 1: Do tức lục thức thân vô gián diệt vi ý由即六識身無間滅為意.

(18) paraśunā chinatti, ngữ pháp Pāṇini i. 4. 42, Bhartṛhari (iii.2: 258): karaṇena hi sarveṣāṃ vyāpāro vyavadhīyate, mọi hành động được hoàn tất bởi công cụ.

(19) Đuôi –ana trong từ vijñāna được thêm vào động từ căn để lập thành danh từ chỉ phương tiện. Cf. Hattori, Pramāṇasmuccaya, Anh dịch, Section 1, notes 1. 55-57.

(20) Dignāga, Pramāṇasamuccayayadabhāsaṃ prameyaṃ tat pramāṇaphale punaḥ/ grāhakākarasaṃvittyos trayaṃ mātaḥ pṛthak kṛtaḥ//10/ Masaaki Hattori, bản dịch Anh, k.1. 10 tr. 29. Cf. Lữ Trừng, Tập lượng luận lược sao; Lữ Từng Phật học luận trước tuyển tập, quyển 1, tr. 186: 所量彼顯現/量及量果者/彼取自證故/此三無有異。Dẫn bởi Thành duy thức, xem dịch Việt, Ch. II, tiết 3.

(21) Hattori, ibid., ký hiệu hóa ý nghĩa này như sau: S: thức (vijñāna), O: đối tượng (viṣaya), C1: nhận thức 1 (nīlaṃ jānāti: nó biết màu xanh), C2: nhận thức 2 (nīlaṃ jānāti iti: nó biết rằng nó biết màu xanh). Ta có: C1 = S1 – O1; C2 = S2 – O2; O2 = S1 – O1; suy ra: C2 = (S2 – (S1 – O1)).

(22) Cf. R. N. Sharma. The Aṣṭādhyāyī of Pāṇini, vol. ii, tr. 251: Sở y cách cũng hàm nghĩa công cụ cách. Vd. devadattaḥ sthālyām odanaṃ pacati, “Devadatta nấu cơm trong cái nồi”; đồng ý nghĩa với câu: sthālyā odanaṃ pacati, “nó nấu cơm bằng cái nồi.”

(23) Kośa, k i. 16a.

(24) Yaśomitra: prati-vīpsārthaḥ, viṣayaṃ viṣayaṃ pratīty arthaḥ.

(25) Vigrahavyāvartanī (K. Bhattacharya, 1998), k. 64, tr. 80.

(26) Có lẽ để tránh nhầm lẫn, Huyền Trang đã dịch vijñapti trong kāya- hay vāg-vijñapti là biểu (nghiệp) để chỉ rõ bản chất thuộc sắc pháp, trong khi đó, trong hợp từ vijñapti-matratā nó được dịch là thức hay liễu biệt để chỉ rõ nó thuộc tâm pháp hay thức uẩn. Điều này giải thích lý do tại sao ngài Huyền Trang không dịch là duy biểu, mà dịch là duy thức.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt