Triết học Đông phương

Những kinh điển kể trên với Tiểu thừa Phật giáo

ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN

 

ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TỪ SAU THỜI ĐẠI LONG THỤ  

ĐẾN THỜI ĐẠI VÔ TRƯỚC VÀ THẾ THÂN

1 2 3 4

 

Tiết thứ tư :  

NHỮNG KINH ĐIỂN KỂ TRÊN VỚI TIỂU THỪA PHẬT GIÁO

 

KIMURA TAIKEN

 


Kimura Taiken. Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận. Thiên thứ nhất "Lịch sử tư tưởng của Đại thừa Phật giáo". Thích Quảng Độ dịch. Viện Đại học Vạn Hạnh. 1969. | Phiên bản điện tử: thuvienhoasen.org


 

 

Trở lên, chúng tôi đã trình bày một cách khái quát lập trường chủ yếu của những kinh điển thuộc Như-lai-tạng-hệ. Dưới đây để có được một nhận xét rõ ràng hơn, chúng tôi lại xin đưa ra những điểm cộng thông với các kinh điển đó. 

Trước hết, ta hãy nhận xét theo phương diện lịch sử: dù là Như-lai-tạng-quan hay A-lại-gia-thức-quan đều đã được thành lập sau Long thụ, nhưng ta cũng có thể thấy những tư tưởng ấy đã manh nha ngay từ các kinh Tiểu Thừa, Tựu trung, Như-lai-tạng-quan chủ yếu đã phát xuất từ thuyết "Tâm-tính-bản-tịnh" của Đại-chúng-bộ; A-lại-gia-thức-quan có rất nhiều điểm chịu ảnh hưởng của thuyết "Sinh-cơ-sinh-mệnh" của Thượng-tọa-bộ-hệ; thêm vào đó từ thời Long Thụ, giữa lúc phái Số-Luận và Phệ-Đàn-Đa dần dần nắm được thế lực, thì không nhiều thì ít, tư tưởng cũng có ảnh hưởng quan hệ điều đó không thể phủ nhận được. Nhưng nhận xét theo lập trường Đại Thừa thì hai tư tưởng này đều là nhân trào lưu Đại Thừa mà đặc biệt phát huy nguyên-lý-diệu-hữu trong "chân-không-diệu-hữu-quan" đã được thành lập trước thời Long Thụ để quyết định một trình độ nhận thức thỏa đáng đối với hiện tượng và thành lập"Không-quan" để làm cơ sở phát huy, đó là một sự thật không thể hoài nghi được. 

Thứ đến, nhận xét theo lập trường lý luận thì sở dĩ tư tưởng Như-lai-tạng được thành lập là vì muốn thuyết minh cái khả năng tính căn bản (bản giácthành Phật, và đặc biệt đem hình nhi thượng hóa tất cả nhu cầu của sinh mệnh, cái đó được gọi là "bản giác bản vị". Còn tư tưởng A-lại-gia-thức chủ yếu thuyết minh cái xu hướng trở về cảnh "ngộ" cái đó được gọi là "thuỷ giác bản thể". Vậy hai tư tưởng trên có quan hệ với nhau như thế nào? Điều này phải lấy kinh Lăng Già và kinh Mật Nghiêm làm trung tâmđiểm của những cố gắng của các bậc luận sư từ Thế-Thân trở xuống để trả lời

Thứ ba, nhận xét theo Phật-đà luận thì Pháp-thân-quan, Báo-thân-quan và Ứng-thân-quan tuy cũng đã được đề cập đến trong nhữnh kinh điển Đại Thừa trước thời Long thụ nhưng về Pháp-thân-quan vẫn chưa được thuyết minh một cách rõ ràng. Từ như-lai-tạng-thường-trụ-quan để rồi biến thành Tam-thân-quan (có khi nói là Tứ-thân-quan), thì ít nhất những tài liệu của những tư tưởng đó như đã nói trong các kinh điển kể trên cũng đã dần dần khai triển lắm rồi, và đó cũng chính là đặc chất giáo lý đã phát đạt sau thời Long Thụ

Như vậy là những kinh điển kể trên, đối với lập trường căn bản của Phật Giáo, đã xây thêm nền tảng của một quan niệm mới. Nhưng đứng trên phương diện thực tiễn mà nhìn nhận thì cơ sở mới đó đã được khai thác như thế nào? Thật ra về điểm này chưa đề ra được nhiều nhận xét mới. Về những mục tu hành có phần tinh tế, ngoài sáu pháp Ba-la-mật ra, đặc biệt còn thêm: phương tiệnnguyện lực và trí, để tạo thành mười pháp Ba-la-mật. Tóm lại, tuy có thêm những phần tỉ mỉ ấy nhưng đối với vấn đề xã hộicá nhân, vẫn chưa thấy dấu hiệu mới được đề ra để giải quyết những vấn đề đó. 

Duy đối với vấn đề Giáo Hội, thì Tam Thừa (Thanh Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát) hay Ngũ Thừa (Thanh Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát, Bất-Định, Nhất-Xiển-Đề) về phương diện khả năng tính căn bản có chổ khác nhau hay cuối cùng có con đường dung thông lẫn nhau? Tuy vấn đề này đã được nói đến trong kinh Pháp Hoa với tư tưởng Tam Thừa Khai Hội hoặc trong kinh Hoa Nghiêm với tư tưởng Biệt Giáo nhất thừa v.v. nếu nghiên cứu một cách tỉ mỉ, lấy xã hội thực tiễn làm mục tiêu, thì theo một ý nghĩa nào đó,vấn đề này có thể được coi là một vấn đề mới. Lại nữa, trong số những kinh điển kể trên, tuy không phải tất cả, nhưng vài ba bộ như kinh Niết Bàn, kinh Thắng Mạn, kinh Lăng Già v.v. đặc biệt lập nên phẩm đoạn mục đề xướng ra thuyết ăn chay, chưa hẳn là theo cái kết luận tất nhiên của thuyết Như-lai-tạng, mà trái lại đã chịu ảnh hưởng của xã hội Bà-la-môn thời bấy giờ. Tuy nhiên, trong các kinh điển thuộc Như-lai-tạng ấy, đặc biệt thấy chủ trương thuyết "thực tịnh nhục" của Giáo hội Tiểu Thừa như thế có thể nói đó là một cuộc tân vận động . Lại nữa, đối với cái trạng thái lý tưởng tối cao của sự tu hành thì những kinh điển kể trên tuy cũng nhận "Vô dư niết bàn" là trạng thái cao nhất nhưng vì quan niệmThường Lạc Ngã Tịnh, được nảy sinh đồng thời Niết Bàn được giải thích một cách tích cực nên kết quả là quan niệm về Ứng-thân đã được phát đạt, vĩnh viễn không bao giờ nhập diệt, vì muốn tế độ hết thảy chúng sinh nên lúc nào cũng ở trong trạng thái hoạt động và trạng thái được gọi là "Vô trụ niết bàn". tư tưởng này đã manh nha ngay từ thời kỷ đầu trong các kinh điển Đại Thừa, cho nên ta có thể nói đó là một đặc chất phát triển trong các kinh điển kể trên. 

Sau hết, các kinh điển kể trên đã được thành lập tại địa phương nào? Về điểm này, bất luận là kinh Đại Thừa Niết Bàn hay kinh Đại Pháp Cổ, kinh Vô Tưởng, đều nói rằng những kinh điển đó đã được lưu hành ở phương Nam, nhất là đến kinh Lăng Già thì lấy bờ biển Nam Hải làm địa điểm thuyết pháp. Căn cứ và nhận xét theo điều đó người ta thấy rằng những kinh điển nói trên và kinh Bát Nhã đều có thể đã được thành lập ở Nam Ấn Độ. Song, lúc đầu những tư tưởng có thể đã bị ảnh hưởng rất nhiều của Đại Thừa Hệ Phương Nam, đó có thể cũng là một sự thật. Nhưng nếu căn cứ vào những chứng tích mà nhận xét một cách tỉ mỉ thì trái lại các kinh điển kể trên đã được thành lập ở Trung Ấn hoặc Bắc Ấn, đều này có vẻ xác đáng hơn. Trong kinh Niết Bàn nói rằng, kinh này từ pương Nam tiến về nước Kế Tân rồi được lưu hành tại đó; còn đối với kinh Lăng Già nếu lấy phương Nam làm địa lý để khảo sát thì thật không chính xác; kinh Thắng Mạn lấy A Du Xà (Ayodhya) thuộc Trung Ấn làm trung tâm để phát động phong trào Đại ThừaKiểm điểm lại những sự thật đó rồi đem đặt trung tâm điểm vào miền Trung Ấn, theo tôi đó là điểm xác đáng hơn cả. Duy có điều ta nên nhớ là những kinh điển này đã được sản sinh bởi nến văn hóa dưới triều vua Cấp Đa (khỏang từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ sau Tây lịch) và cũng do đó mà A Du Xà được nhận làm trung tâm. Đến cuối thế kỷ thứ tư, Chiên Đà Cấp Đa (Chandragupta) Đệ nhị rời kinh đô về A Du Xà, thì A Du Xà nghiễm nhiên đã trở thành trung tâm văn hóa chính trị vậy.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt