ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TƯ TƯỞNG LUẬN
CHƯƠNG THỨ TƯ ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO TỪ SAU THỜI ĐẠI LONG THỤ ĐẾN THỜI ĐẠI VÔ TRƯỚC VÀ THẾ THÂN
Tiết thứ nhất : Ý NGHĨA SỰ KẾT TẬP NHỮNG KINH ĐIỂN CHỦ YẾU CỦA ĐẠI THỪA ĐƯƠNG THỜI
KIMURA TAIKEN
Kimura Taiken. Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận. Thiên thứ nhất "Lịch sử tư tưởng của Đại thừa Phật giáo". Thích Quảng Độ dịch. Viện Đại học Vạn Hạnh. 1969. | Phiên bản điện tử: thuvienhoasen.org
Nhờ có Long thụ ra đời để chỉnh đốn và chú giải các kinh điển Đại Thừa, nên Đại Thừa đã có hệ thống và biểu hiện thành Giáo hội. Song, đứng về phương diện lý luận mà khảo sát thì trong các kinh điển Đại Thừa, ít nhất còn có một số điểm thiếu sót. Điểm thứ nhất là căn cứ tối hậu của thuyết "Chân Không Diệu Hữu" chưa được giải thích một cách ổn thỏa. Như trên đã nói, Chân Không là kết luận của vọng tâm duyên sinh quan, còn Diệu Hữu là cái cảnh giới đã diệt trừ vọng tâm mà làm sáng tỏ thể tướng của tịnh tâm. Trong các kinh điển Đại Thừa từ trước đặc biệt giữa cái vọng tâm và tịnh tâm ấy như thế nào? Làm thế nào để phân biệt được vọng tâm duyên sinh quan và tịnh tâm duyên sinh quan? Điều đó trong các kinh Đại Thừa từ xưa vẫn chưa nói rõ. Điểm thứ hai là vấn đề hết thảy chúng sinh thành Phật, trên căn cứ luận lý, điểm này vẫn chưa được rõ ràng. Cái gọi là Tam-thừa sai khác, gọi là chỉ có Nhất-thừa, tuy có nhiều cách thuyết pháp nhưng tại sao lại như thế? Điều đó trong kinh điển vẫn chưa đá động đến. Kinh Pháp Hoa tuy đã nêu lên ý nghĩa hết thảy đều quy về một Phật-Thừa và lấy thuyết Tân-huân-chủng-tử (kinh nghiệm) làm căn cứ, nghĩa là trải qua nhiều kiếp luân hồi ở quá khứ, ít nhất mỗi người cũng đã từng nghe Kinh Pháp Hoa một lần, nhưng đó chỉ dựa vào một lý do thần thoại mà thôi, chủ ý Kinh Pháp Hoa muốn nêu lên thuyết "hết thảy chúng sinh đều có Phật tính" nhưng vẫn chưa nói rõ ra. Điểm thứ ba là luận về Phật đà còn nhiều chổ khuyết điểm, nhất là quan niệm về pháp thân chưa được hoàn toàn. Như trước đã nói tư tưởng pháp thân trong Tiểu Thừa Phật Giáo, đặc biệt đến thời đại Long thụ, tư tưởng ấy đã rất quen thuộc, song khái niệm về Pháp thân, Ứng thân ngoài Tấn-pháp-giới-tụng (nếu thật là tác phẩm của Long thụ) ra, cũng vẫn chưa được giải thích một cách minh bạch. Song, đã từ nhân thân của Phật (Ứng thân), hoặc từ kết quả của sự tu hành đạt đến Phật lý tưởng (Báo thân), thì Phật sở dĩ có cái bản tính Phật tất phải có một Pháp-thân, và Pháp-thân ấy phải có một ý nghĩa nhất định để nêu rõ giới hạn và quan hệ với hai thân kia, đó là điều tất yếu . Như thế, chủ yếu muốn giải quyết ba điểm đó, cho nên sau Long thụ đã có nhiều kinh điển mới được kết tập. Đó là các kinh điển liên quan đến những vấn đề: Như-lai-tạng, A-lại-gia-thức, Phật-tính và Pháp-thân-thường-trụ .v.v. Tuy lúc đó là Hoa Nghiêm, nhưng cũng lại là Bát Nhã, Tịnh-độ-giáo-hệ và Thiền-hệ, và những kinh điển từ trước thời Long thụ tiếp tục đến bây giờ cũng được thêm bớt và bổ chính nhiều. Nhưng dù sao, nếu nói nhữg kinh điển sau thời Long thụ có đặc sắc gì đi nữa chẳng qua cũng chỉ bao hàm những tư tưởng kể trên đây mà thôi . Song, nếu đối với Bộ-phái-Phật Giáo mà nói thì những kinh điển ấy đem tư tưởng "Tâm-tính-bản-tịnh-khách-trần-phiền-não" của Đại-chúng-bộ-hệ hay "Sinh-mệnh-quan-sinh-cơ-luận" của Thượng-tọa-bộ-hệ mà Đại Thừa hóa thêm. Còn nếu đối với ngoại đạo mà nói, những kinh điển ấy, không nhiều thì ít, là nhu cầu cần đáp ứng với chủ trương Phệ-đàn-đà (Vedanta) hoặc chủ trương Số-luận (Sàmkhyà) vậy . Chính vì những lý do ấy mà kinh mới xuất hiện .
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC