Triết học lịch sử

Chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình

 

CHIẾN TRANH VÀ CHỦ NGHĨA HÒA BÌNH

BERTRAND RUSSELL (1872-1970)

 

Bertrand Russell. “Chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình”. Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại. Nguyễn Hiến Lê dịch. Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1996.

 

MỤC LỤC

  1. Triết lý là cái gì vậy?
  2. Tôn giáo
  3. Chiến tranh và chủ nghĩa hòa bình
  4. Xã hội chủ nghĩa và tư bản
  5. Luân lý “ta bu”
  6. Quyền hành
  7. Thế nào là hạnh phúc?
  8. Chủ nghĩa quốc gia
  9. Nhiệm vụ của cá nhân
  10. Cuồng tín và bao dung
  11. Bom H
  12. Tương lai nhân loại

Thưa Huân tước Russell, cụ có nghĩ rằng có những chiến tranh chính đáng không? Có nên dùng tiếng “chính đáng” đó không?

BERTRAND RUSSELL: Nên dùng lắm chứ, dĩ nhiên với điều kiện là phải định nghĩa thế nào là “chính đáng”. Người ta có thể nghĩ tới những chiến tranh được coi là hợp pháp. Đã có những chiến tranh mà một bên có thể tự hào rằng mình chiến đấu hợp pháp. Nhưng cũng có thể nói tới những chiến tranh có lợi hơn là có hại, và trong trường hợp này, sự phân loại khác hẳn đi.

Xin cụ cho chúng tôi vài thí dụ.

B.R: Việc đó không khó. Tôi cho rằng ra trận để chống kể xâm lăng thì là chính đáng. Chẳng hạn người Anh khi chống với hạm đội Y Pha Nho Armada (năm 1588) là chính đáng. Và người Hung Gia lợi cũng vậy khi họ chiến đấu cho tự do của họ. Người Anh đã thua (Y Pha Nho), người Hung đã thua (Nga Sô). Nhưng nếu xét đoán theo kết quả thì sự phân loại sẽ hoàn toàn khác hẳn. Ông tự hỏi chiến tranh có thể nào có lợi được không. Ông thí dụ một chiến tranh không hợp pháp chút nào cả, chẳng hạn trường hợp Da trắng xâm chiếm Bắc Mĩ. Tôi có thể nói rằng xét chung thì mặc dầu không hợp pháp, cuộc xâm lăng đó có ích lợi đấy.

Thế còn chiến tranh giành lại Độc lập của Hoa Kì?

B.R: Theo tôi, có hoàn toàn chính đáng. Nhưng tôi cho rằng nó không được hợp pháp. Có sự thực này là nếu ông qua Hoa Kì thì thế nào ông cũng ngầm chê George Washington; ông phải xác nhận rằng không ai được dùng sức mạnh hay bạo động để lật đổ một chính quyền đã được thành lập một cách hợp pháp. Dĩ nhiên, điều tôi nói đó là hoàn toàn có tính cách hồi cố.

Cụ có nghĩ rằng có những chiến tranh thành công, nếu xét theo dài hạn?

B.R: Có chứ. Chúng ta ngược dòng lịch sử, tới thời thượng cổ. Alexandre và Cesar là những nhà đại chinh phục. Những chiến tranh xâm lăng của họ không hợp pháp nhưng có hậu quả tốt. Alexandre truyền bá văn minh Hi Lạp khắp miền Cận Đông, truyền bá ngôn ngữ Hi Lạp và duy trì cho chúng ta di sản văn hóa của Hi Lạp. Nếu không có ông ta thì rất có thể rằng ngày nay không một người nào trong chúng ta được biết người Hi Lạp đã cống hiến những gì cho văn minh.

Còn Cesar?

B.R: Cesar đã xâm chiếm xứ Gaule, kết hợp xứ đó với thế giới văn minh; sau đó, Pháp ngữ - mà ngày nay chúng ta rất tán thưởng mới phát sinh được, đó là công của Cesar.

Chiến tranh do đâu mà sinh ra? Do những nguyên nhân kinh tế? Do sự điên khùng của các nhà cầm quyền? Do lòng nhiệt tình hăng hái của các dân tộc?

B.R: Có thể kiếm được thí dụ cho mỗi nguyên nhân đó. Có khi do nguyên nhân này, có khi do nguyên nhân khác. Khi Đại Vương Frederic (Phổ) tấn công Nữ hoàng Marie Therese (Áo) ở thế kỉ XVIII thì ông ta chỉ là dùng cái quyền quốc vương của ông thôi. Theo tôi chiến tranh đó không có nguyên nhân nào khác. Thế kỉ XVIII, chúng ta thấy nhiều ông vua xua quân ra chiến trường mà chẳng có lí do gì chính đáng cả, chỉ để tìm danh dự và quang vinh. Nhưng từ đó tới nay cái đó bớt nhiều rồi.

Ngày nay chúng ta đương chịu cái họa điên khùng của các nhà cầm quyền?

B.R: Phải. Nào bây giờ chúng ta xét tới những nguyên nhân kinh tế. Chắc chắn là những nguyên nhân đó đã đóng một vai trò lớn trong chiến tranh dai dẳng, bất tuyệt giữa Anh và Y Pha Nho. Về phía chúng ta (tức phía Anh), các yếu tố có tính cách tôn giáo hơn; Người Anh chiến đấu để cự tuyệt cái họ không muốn, người Y Pha Nho chiến đấu để cự tuyệt cái họ không muốn; thực là một vụ dằng dai mà nguyên nhân, về phía chúng ta, hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn thuộc về kinh tế. Vậy những nguyên nhân kinh tế quả có đóng một vai trò. Mà sự cuồng loạn của đám đông thì cũng vậy. Walpole làm thủ tướng rất lâu, sau bị lật đổ vì sự thác loạn của đám đông, vì có những kẻ cương quyết đòi đem quân đánh Y Pha Nho. Đánh Y Pha Nho là cái thói quen của người Anh chúng ta rồi; chúng ta hồi xưa thích thế. Mà Walpole thì không thích.

Trong thế chiến thứ nhất, cụ theo chủ nghĩa hòa bình. Rồi qua thế chiến thứ nhì, cụ không theo chủ nghĩa đó nữa, như vậy cụ có cho rằng cụ tự mâu thuẫn với cụ không?

B.R: Không một phút nào tôi có thể cho tôi là tự mâu thuẫn với tôi cả. Không khi nào tôi có thể nói rằng chiến tranh nào cũng chính đáng hết, hoặc chiến tranh cũng bất chính đáng hết. Tuyệt nhiên không. Tôi đã có cảm tưởng rằng một số chiến tranh nào đó chính đáng, một số khác không. Thế chiến thứ nhì chính đáng, thế chiến thứ nhất không.

Tại sao thế chiến thứ nhì lại chính đáng?

B.R: Vì tôi cho Hitler là một con người không sao chịu nổi. Trong các mục tiêu của chế độ Đức Quốc Xã, cái gì cũng ghê tởm, tôi cho rằng nếu bọn Đức Quốc Xã chiếm được thế giới-mà hiển nhiên là họ có ý đó- thì khắp thế giơi sẽ thành địa ngục. Chúng ta phải ngăn cản cái đó. Nhất định phải ngăn cản.

Và bây giờ cụ vẫn nghĩ rằng thế chiến thứ nhất là một lầm lỗi?

B.R: Phải. Theo tôi thì lúc đó Anh nên trung lập. Hồi đó tôi đã nói vậy và bây giờ tôi vẫn không thay đổi ý kiến. Nếu lúc đó chúng ta trung lập thì Thế chiến thứ nhất đã không kéo dài. Nước Đức sẽ thắng, mạnh hơn lên, phải, nhưng đâu phải là tuyệt mạnh. Mà nước Đức dưới triều vua thời đó, đâu tới nỗi xấu xa, tàn ác lắm, người ta cứ tuyên truyền cho dân chúng Anh tưởng lầm vậy đấy thôi. Hiện nay tôi thấy rất ít chính quyền bằng được triều đình Đức thời đó. Như vậy đấy: chúng ta tấn công một chính quyền xấu xa chỉ làm cho nó hóa ra tệ hại hơn. Chân lí đó không thể đem áp dụng vào chiến tranh chống bọn Đức Quốc Xã được vì không có gì mà lại tệ hại hơn họ được. Nhưng, đó là một chân lí. Và nếu năm 1914 chúng ta trung lập thì đã không có cái nạn Đức Quốc Xã và nạn phát xít. Phát xít là sản phẩm của một tình thế: sự tan rã của đạo quân Nga và sự hỗn loạn ở kháp Nga. Mà nếu Thế chiến thứu nhất không kéo dài như vậy thì những cái đó có thể tránh được.

Mà ở Nga sẽ ra sao?

B.R: Sẽ có một cuộc cách mạng tựa như cuộc cách mạng mà người Nga muốn làm 1905. Có thể gần chắc chắn rằng những người cách mạng xã hội sẽ nắm được chính quyền mà họ không phải cùng một giuộc với bọn phát xít. Có thể rằng họ sẽ cải thiện theo một cách dễ chịu.

Và cụ nghĩ rằng nước Đức sẽ không có chế độ Quốc Xã mà sẽ tiến lần lần tới một chế độ dân chủ phải chăng?

B.R: Đúng vậy. Đã xảy ra như vậy rồi đấy. Họ đã tiến bộ theo một nhịp kha khá nhanh không kém Anh thời xưa. Đức sẽ thành một mước dân chủ đại nghị dễ chịu. Đó là vấn đề thời gian. Mà cnhư vậy, chắc chắn là triết lí quốc xã sẽ không phát triển, vì triết lí này là một phản ứng lại tình trạng sụp đổ của Đức.

Nhưng thí dụ rằng hồi Thế chiến thứ nhất, chúng ta đứng ngoài, thì Đức sẽ thắng Pháp rồi quay về phía Anh mà bảo: “Này, còn nước Anh này nữa, phải quét sạch mới được”

B.R: Không có lí do gì để nhận định như vậy. Lúc đó người Đức có một số mục tiêu hạn chế, họ đòi cái quyền có một hải quân khá mạnh, họ muốn chiếm thêm thuộc địa, nhưng chúng ta không chấp nhận điều đó, họ muốn làm chủ miền Balkan hơn- sự thực họ muốn rằng Ao chỉ huy miền Balkan. Theo tôi nhận xét thì những mục tiêu đó của Hoàng đế Đức đã được định rõ, hạn chế. Tôi không nghĩ rằng ông ta muốn chinh phục thế giới.

Nhưng, đứng về quan điểm của Anh, thì thế chiến thứ nhất là một chiến tranh chính đáng, phải vậy không?

B.R: Về phương diện pháp luật, phải, nếu ông cho rằng chiến đấu để bênh vực nước Bỉ là điều hợp pháp; điểm đó dĩ nhiên có người chấp nhận, có người không; nhưng nếu ông chấp nhận lí do đó thì thế chiến thứ nhất quá là hợp pháp. Nhưng tôi không nghĩ rằng chiến tranh nào mà hợp pháp thì cũng bắt buộc mình phải lâm chiến.

Cụ có nghĩ rằng thiên hạ thích chiến tranh không?

B.R: Nói thực ra thì rất nhiều  kẻ thích cái đó. Năm 1914 điều đó là một trong những điều làm cho tôi ngạc nhiên. Y kiến của tất cả các bạn theo chủ nghĩa hòa bình và làm việc chung với tôi, là dân chúng không muốn chiến tranh, các chính quyền đã bắt họ ra trận. Nhưng trên các đường phố London, tôi đã nhìn vẻ mặt mọi người: không còn ngờ gì nữa, vẻ mặt nào cũng hớn hở hơn lúc chưa tuyên chiến. Tôi đã viết bài bày tỏ ý kiến đó và các bạn chủ bài báo của tôi mà người ta đã dò xét lòng nhiều người! Hiện nay tôi còn nghĩ rằng nhiều người thích chiến tranh lắm, miễn là bom đạn đừng nổ ngay trước cửa họ và họ đừng phải chịu thiệt hại, đau khổ nhiều quá. Dĩ nhiên, chiến tranh xảy ngay trên đất đai của ông thì bớt thú vị đi nhiều.

Đã có nhiều kẻ thích chiến tranh như vậy, thì thời bình họ biết dùng cái tinh thần hiếu chiến, hung hãn của họ vào cái gì được?

B.R: Không hẳn là tinh thần hiếu chiến, hung hãn mà lòng thích mạo hiểm. Theo tôi, cái phần dân chúng thích mạo hiểm, phải cho họ mọi cơ hội mạo hiểm, mọi cách mạo hiểm, mà cho thật nhiều vào. Miễn là đừng kém quá mức, phải cho họ leo các ngọn núi, lên Bắc cực, xuống Nam cực.

Cụ có nghĩ rằng người Scandinavie nói rõ ra: người Thụy Điển- vì đã lâu lắm không biết chiến tranh mà sung sướng hơn không?

B.R: Có chứ. Từ 1914 đến nay họ không biết chiến tranh, và theo tôi nhận xét thì xứ đó là một trong những xứ sung sướng nhất đấy. Dân chúng xứ đó tha hồ hưởng đời và tôi chưa thấy người Thụy Điển nào bất mãn vì không có chiến tranh.

Ở xứ đó có nhiều người tự tử quá?

B.R: Cái đó đúng. Sở dĩ vậy là vì người Thụy Điển không bị tôn giáo cấm tự tử. Dân tộc đó ít tín ngưỡng. Những người Thụy Điển nào mộ đạo đã di cư qua miền Trung Tây của Hoa Kì; những người ở lại trong nước thì vô tín ngưỡng.

Nhưng chẳng phải là bản tính loài người thích chiến tranh sao?

B.R: Bản tính loài người là cái gì, tôi không biết nữa. Một bản tính thì có thể nhồi nặn thế nào cũng được, người ta không nhận thấy điều đó. Nhưng ông có thể so sánh một con chó nhà với một con chó sói trong rừng: ông sẽ thấy sự luyện tập có sức mạnh ra sao. Con chó nhà không hung dữ mà dễ chịu, thỉnh thoảng nó sủa đấy, có lẽ nó cắn người đưa thư nữa đấy, nhưng xét chung thì đâu có vậy. Luyện tập cho loài người thì kết quả có thể y hệt vậy, có thể thay đổi hoàn toàn con người. Bảo không thể thay đổi được bản tính con người, là nói bậy với bạ!

B.R: Chúng ta đâu có rán thuyết phục họ. Có vài người rất hiếm, rất làm công việc đó, chứ đâu phải là đại đa số.

Cụ không nghĩ rằng giá có một chiến tranh làm cho Thụy Điển phấn khởi lên một chút, thì họ sẽ sung sướng hơn một chút ư?

B.R: Tôi không thấy có lí do gì để tin điều đó hiện nay, hầu hết các dân tộc đều đã nếm mùi chiến tranh, và tôi thấy các dân tộc đó đâu được sung sướng như dân tộc Thụy Điển, kém xa. Đó là cảm tưởng của tôi trong các cuộc du lịch đấy.

Theo cụ thì người ta không ưa thế chiến thứ nhì bằng thế chiến thứ nhất phải không?

B.R: Là vì thế chiến thứ nhì không có cái điều, cái tình trạng của Thế chiến thứ nhất. Dĩ nhiên, những người ra mặt trận năm 1914 không hân hoan gì đâu vì họ biết rằng phen này đi thì rất có thể là không trở về. Nhưng ở hậu phương người ta cho chiến tranh là hứng thú lắm. Qua thế chiến thứ nhì thì khác hẳn. Người ta chán ngấy tồi- hai mươi lăm năm trước người ta đã run lên vì chiến tranh rồi.

Lúc nãy cụ nói tới một chiến tranh Anh. Y Pha Nho xảy ra vì dân chúng Anh cuồng loạn đòi tuyên truyền, chứ thủ tướng Walpole không muốn. Cụ có tin rằng thời buổi này chúng ta có thể chống được sự cuồng loạn đó hơn thời trước không?

B.R: Không hơn được đâu. Dân chúng đã biết đọc và báo chí đã làm cho sự cuồng loạn của dân chúng đó tăng lên dữ dội. Nhưng đã bắt đầu thấy một xu hướng ngược lại, phần lớn là nhờ vô tuyến truyền hình; thiên hạ ngồi trong ghế bành tại nhà mình mà cũng được biết những tin tức thế giới. Không cần những phòng mênh mông nơi đó quần chúng tới la ó om sòm nữa. Những cuộc hội họp vĩ đại đó là nguyên nhân chính gây sự cuồng loạn. Những cuộc “mít tinh” mà bớt quan trọng đi sự cuồng loạn của dân chúng, theo tôi cũng giảm đi.

Cụ có cho rằng người ta sẽ ít thấy những cuộc hội họp ở công viên Trafalgar trong khi dân chúng chờ đợi tuyên chiến không?

B.R: Tôi nghĩ rằng người ta vẫn còn có thể thấy lại những cuộc hội họp đó. Trafalgar Square là một chỗ rất tiện lợi, người ta tới đó dễ dàng quá. Tôi cho rằng sẽ vẫn còn những cuộc họp ở đó- nhưng tôi có cảm tưởng rằng sẽ không còn quan trọng như trước nữa. Những đám đông vĩ đại tụ họp nhau ở công viện Trafalgar để hoan hô, tán thành một quyết định của chính phủ đưa họ ra đỡ đạn, thì quả thực là lạ đời. Có thể mong rằng bản tính con người khác vậy chứ. Thế là bản tính đó được đem ra dùng rồi đấy. Nhưng tôi nghĩ rằng cái đó sẽ giảm bớt đi.

 


Nguồn: Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt