Triết học lịch sử

"Bút ký sử học" của Mác (II)

 

“BÚT KÝ SỬ HỌC” CỦA MÁC:

 NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA NÓ

TRONG HỆ THỐNG LÝ LUẬN MÁC XÍT

 

II. KHỞI ĐIỂM LỊCH SỬ VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TẬP THỨ NHẤT “BÚT KÝ SỬ HỌC”

 

PHÙNG CẢNH NGUYÊN

 TỪ CHU

 


Trang Phúc Linh (chủ biên). Lịch sử chủ nghĩa Mác, tập 1. Chương XV: “Bút ký sử học” của Mác: Nội dung cơ bản và vai trò quan trọng của nó trong hệ thống lý luận Mácxít”. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 1065-1132). | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Việt Anh gửi.


 

 

Mục lục

1. Niên đại viết, phương pháp nghiên cứu và thời kỳ lịch sử

2. "Bút ký sử học" - tập thứ nhất

3. "Bút ký sử học" - tập thứ hai

4. "Bút ký sử học" - tập thứ ba

5. "Bút ký sử học" - tập thứ tư

 

Trong bộ Bút ký sử học, tập thứ nhất giữ vai trò quan trọng. Theo trình tự biên niên, tập này bắt đầu từ thế kỷ I TCN đến thế kỷ XIV, gồm hơn 1000 năm. Về nội dung, chủ yếu là lịch sử từ chế độ nô lệ thời đế quốc La Mã tới thế kỷ XIV, thời kỳ hình thành chế độ phong kiến ở Italia. Xét ở góc độ lịch sử thế giới, thì tập thứ nhất bao gồm các sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra trong thời kỳ này tại các quốc gia và dân tộc ở châu Âu, châu Á, châu Phi, trong đó sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất là cuộc Thập tự quân đông tiến của các chúa phong kiến Pháp, Đức, Italia, Anh do giáo hội Thiên chúa giáo La Mã kích động, xúi bẩy. Sự kiện lịch sử trọng đại này diễn ra liên tục gần 200 năm (1096-1291), có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lịch sử của các quốc gia và dân tộc phương Đông và phương Tây. Giai đoạn này chiếm khá nhiều trang trong tập thứ nhất Bút ký sử học.

1. Vai trò của khởi điểm lịch sử trong tập thứ nhất đối với “Bút ký sử học”

Khi nghiên cứu tạp thứ nhất, khởi điểm lịch sử có ý nghĩa quan trọng. Bởi vì, nó có quan hệ chặt chẽ với bộ Bút ký sử học của Mác. Nói một cách cụ thể, khởi điểm lịch sử sớm nhất của tập thứ nhất được Mác ghi là “năm thứ 30 TCN đến năm thứ 14  CN, sự thống trị Ôgúyxtơ[1]. “Từ năm thứ 30 TCN đến năm 14 CN là thời gian Ốctavian (năm thứ 63 TCN đến năm thứ 14 CN), người sáng lập đế quốc La Mã theo chế độ nô lệ, đánh bại kẻ địch, trở thành độc tài quân sự của đế quốc La Mã. Năm thứ 27 TCN, viện nguyên lão tôn Ốctavian làm Ôgúyxtơ” (tiếng Latinh có nghĩa là “thần thánh, đấng tối cao”). Chế độ La Mã chia làm hai thời kỳ, thời kỳ đầu gọi là nước Cộng hòa La Mã (Cuối thế kỷ IV TCN đến nửa sau thế kỷ I TCN), người cầm quyền cao nhất được bầu chọn ra từ tầng lớp quý tộc. Thời kỳ sau gọi là Đế quốc La Mã (tức nhà nước nô lệ từ năm 27 TCN đến năm 476 CN), từ năm 27 TCN Ôgúyxtơ bắt đầu thi hành chế độ nguyên thủ. Nguyên thủ là người đứng đầu nhà nước, là công dân số một, đứng đầu danh sách viện nguyên lão, thực tế là hoàng đế đầu tiên của đế quốc La Mã. Từ đó, bắt đầu từ thời kỳ đế quốc trong lịch sử La Mã. Trong Bút ký dân tộc học, Mác vừa nghiên cứu chế độ công hữu ruộng đất của công xã nguyên thủy, vừa nghiên cứu sự giải thể chế độ công hữu ruộng đất, sự hình thành giai cấp và sự phát triển của chế độ nô lệ. Trong Bút ký sử học, Mác tiếp tục nghiên cứu xã hội nô lệ, nhưng lại có ý lược bỏ chế độ nô lệ thời kỳ “nước Cộng hòa La Mã”. Ngay phần mở đầu Bút ký sử học có một câu như sau: “Năm thứ 91 TCN. Đến năm thứ 91 TCN thì thành La Mã đã xây dựng được 665 năm”[2]. Theo sử liệu thì lúc đầu thành La Mã được hình thành theo phương thức liên hợp, sát nhập các thôn xóm và bộ lạc nguyên thủy lân cận. Căn cứ vào kết quả khảo chứng thì đầu thế kỷ thứ VI TCN, La Mã mới bắt đầu trở thành thành thị. Bấy giờ, người ta xây dựng bốn bức xung quanh nơi ở, tát cạn đầm nước, san thành các bãi rộng, xây dựng quảng trường. Về mặt phát triển xã hội, thành La Mã lúc khởi đầu ở vào thời kỳ quá độ từ xã hội nguyên thủy sang xã hội nô lệ. Các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới Chu Nhất Lương, Ngô Vu Cần cho rằng: “Bắt đầu từ thế kỷ VII TCN, Italia bước vào thời đại đồ sắt, thủ công nghiệp bắt đầu tách khỏi nông nghiệp, trao đổi cũng phát triển hơn trước. Lúc này công xã thị tộc đang tan rã, chế độ theo gia đình tộc trưởng ra đời. Tộc trưởng nắm giữ của cải, khống chế thành viên trong gia đình. Chế độ nô lệ dựa trên cơ sở chế độ tộc trưởng cũng đang hình thành, nô lệ được coi là thành viên trong gia đình, bị tộc trưởng bóc lột”[3]. Trong Bút ký dân tộc học, Mác đã nghiên cứu xã hội nguyên thủy và sự phát triển của nó lên chế độ nô lệ. Lịch sử 665 năm của thành La Mã mà Mác lược bỏ ở phần đầu bộ Bút ký sử học chính là thời kỳ đầu chế độ nô lệ, thời kỳ “nước Cộng hòa La Mã” trong lịch sử La Mã. Việc Mác lược bỏ giai đoạn lịch sử này càng chứng tỏ Bút ký dân tộc học và Bút ký sử học có quan hệ trình tự trước sau trong việc nghiên cứu của ông.

Câu đầu Lời nói đầu trong Bút ký sử học “Năm thứ 91 TCN” có ý nghĩa như thế nào trong lịch sử Italia? Tại sao khi lược bỏ một thời kỳ phát triển lâu dài lịch sử chế độ nô lệ La Mã, Mác ghi tiêu đề “Năm thứ 91 TCN”? Nắm được quan hệ giữa “năm thứ 91 TCN” với 665 năm lịch sử cổ La Mã mà Mác lược bỏ là điều có ý nghĩa quan trọng để lý giải tiếp tục việc Mác viết Bút ký sử học. Sau tiêu đề “Năm thứ 91 TCN” Mác chỉ ghi một lời thuyết minh hết sức ngắn gọn như sau: trao quyền công dân, tức là quyền công dân La Mã trước tiên cho những bạn đồng minh người Latinh, người Unbria vẫn còn trung thành; sau đó dần dần trao cho người khác[4]. Quyền công dân La Mã là tiêu chí các quyền về mặt kinh tế, chính trị dưới chế độ nô lệ La Mã, như quyền được chia ruộng đất, quyền bầu cử, quyền tham gia quân đội La Mã, quyền mang theo vũ khí, v.v… Thành La Mã nguyên là nơi mà chế độ nô lệ được xác lập khá vững mạnh, được xây dựng trên cơ sở mở rộng bộ lạc trên đất nước Italia. Nó thi hành chính sách bành trướng chinh phục các bộ lạc khác của Italia. Trong quá trình bành trướng chinh phục các bộ lạc khác, quyền công dân La Mã trở thành phương tiện có lợi cho kẻ thống trị ở La Mã áp dụng hình thức thống trị khác nhau đối với những vùng, những bộ lạc đã bị chinh phục. Thí dụ, dùng biện pháp di dân, đưa người La Mã đến sống ở các bộ lạc bị chinh phục để mở rộng quyền thống trị của La Mã, hoặc trao quyền tự trị cho các bộ lạc bị chinh phục, dân chúng của những bộ lạc này không được hưởng quyền công dân La Mã; có trường hợp còn cho người của bộ lạc bị chinh phục kết hôn với công dân La Mã, nhưng không cho họ đầy đủ quyền công dân La Mã, v.v… Người thống trị La Mã dùng nguyên tắc “chia để trị” để thống nhất nước Italia, khiến các nơi ở Italia khó liên kết với nhau chống lại La Mã. Bởi vậy, dưới sự thống trị của thành La Mã, nước Italia vẫn chưa phải là quốc gia thật sự thống nhất, các nơi chưa có chế độ thống nhất về chính trị. Việc mở rộng chế độ La Mã là một quá trình lâu dài. Quá trình này cũng tiềm ẩn mâu thuẫn giữa La Mã với các bộ lạc và dân cư ở các vùng bị chinh phục ở nước Italia. Tới năm 91 TCN, mâu thuẫn này dẫn đến việc người Italia đòi hỏi mạnh mẽ quyền công dân La Mã đối với vấn đề ruộng đất và các quyền lợi khác. Đòi hỏi này bị viện dưỡng lão và tầng lớp kỵ sĩ phản đối, do đó đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của người Italia, tức là “cuộc chiến tranh của những người đồng minh” [Với chính sách “chia để trị”, La Mã gọi người Italia là “người đồng minh”. Năm 91 TCN, người Italia liên kết rộng rãi với nhau tiến hành cuộc chiến tranh chống ách thống trị của La Mã.] nổi tiếng trong lịch sử La Mã. Cuộc chiến tranh đã thất bại, nhưng kết quả là người Italia dần dần được trao quyền công dân La Mã. Từ đó, “chủ nô lệ tại các nơi ở Italia bắt đầu đứng vào hành ngũ kỵ sĩ quyền quý của La Mã, dân tự do lớp dưới cũng dần dần đồng nhất với những người bình dân La Mã. Tuy đây là một quá trình khá dài, nhưng phương thức mà La Mã lợi dụng các nước cộng hòa phụ thuộc và việc lập đồng minh với người Italia ở các nơi để thống trị họ đã dần dần thay đổi. Các thành bang nhỏ hẹp đang đến quá độ đi đến một nhà nước thống nhất”[5].

Những phân tích trên cho thấy, năm thứ 91 TCN là năm quan trọng trong bước phát triển của đế quốc La Mã nô lệ từ giai đoạn thấp lên giai đoạn cao. Mác coi trọng mốc phân kỳ này chứng tỏ rằng, về phương pháp luận, khi nghiên cứu xã hội nô lệ và quy luật nội tại của nó trong bước quá độ lên xã hội phong kiến, giống như khi biên soạn bộ Tư bản ông chọn hình thái phát triển điển hình nhất cho đối tượng nghiên cứu. Trong bộ Tư bản, khi nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, Mác chọn chủ nghĩa tư bản Anh bấy giờ làm hình thái điển hình. Giờ đây, khi nghiên cứu quá trình lịch sử tự nhiên của xã hội nô lệ, Mác chọn hình thái điển hình của xã hội này không phải là “nước Cộng hòa La Mã” nô lệ, mà chính là “đế quốc La Mã” nô lệ, nhưng không phải là đế quốc La Mã nói chung, mà là hình thái phát triển nhất của nó. Việc đế quốc La Mã trở thành khởi điểm nghiên cứu của Bút ký sử học vừa thể hiện phương pháp nghiên cứu của Mác, vừa chứng tỏ thêm rằng, khi nghiên cứu lịch sử, Mác luôn luôn quán triệt nguyên tắc thông qua hình thái điển hình để tìm hiểu quá trình lịch sử tự nhiên của sự phát triển xã hội.

2. Sự tan rã của chế độ nô lệ La Mã cổ đại

Việc Mác lựa chọn hình thái phát triển điển hình của xã hội là điều có liên quan tới việc ông mong muốn nghiên cứu sự phát triển lịch sử xã hội. Trong tập thứ nhất Bút ký sử học, một trong những vấn đề mà Mác đi sâu nghiên cứu là vấn đề cơ chế nội tại của sự quá độ từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến. Phương pháp nghiên cứu trước đây thường là dựa trên cơ sở lý luận về quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để nặng về phân tích lôgíc, còn phương pháp nghiên cứu lúc này thì nặng về phân tích thực chứng lịch sử.

Đối với đế quốc La Mã, bằng phương pháp nghiên cứu thực chứng, trước hết Mác dựa trên cơ sở sự phân liệt của bản thân đế quốc này để phân tích chế độ xã hội và sự phát triển lịch sử của nó. Sự tan rã của chế độ nông nô có quan hệ hoặc có ý nghĩa điển hình đối với đế quốc Tây La Mã. Do đó, ngay tại phần mở đầu trong tập thứ nhất Bút ký sử học, Mác đã chú trọng nghiên cứu lịch sử đế quốc Tây La Mã. Đế quốc Tây La Mã. Đế quốc Tây La Mã tồn tại vào khoảng từ năm 284 đến năm 476 CN. Khi phân tích chế độ nô lệ La Mã và sự tan rã của nó, Mác tập trung phân tích những sự kiện lịch sử trong thời kỳ này.

Phân tích thực chứng lịch sử sự tan rã của chế độ nô lệ, Bút ký sử học chú trong phân tích các sự kiện lịch sử từ năm 91 TCN đến năm 493 CN. Trong tập thứ nhất Bút ký sử học, thời kỳ lịch sử này có tiêu đề là: “Từ thời kỳ đầu của đế quốc La Mã tới khi người Đông Gốt chiếm được nước Italia (năm 91 TCN đến năm 493 CN).”[6]

Năm 475 – 476 là cái mốc đánh dấu sự chấm dứt chế độ nô lệ ở đế quốc Tây La Mã. Muốn nghiên cứu chế độ nô lệ chấm dứt như thế nào, Mác đã thông qua các sự thật lịch sử để nghiên cứu cụ thể quá trình này.

Một là, trong Bút ký sử học ông đã ghi chép tư liệu về lịch sử phát triển của đế quốc La Mã năm 476 – 492. Các sự kiện lịch sử được mô tả ở thời kỳ này như sau: năm 776 thống lĩnh quân cận vệ đế quốc Tây La Mã, người Giécmanh, Ôđôacrơ phế truất hoàng đế Tây La Mã, giành được quyền thống trị nước Italia. Hành động này của Ôđôacrơ bị hoàng đế Đông La Mã phản đối. Vị hoàng đế này xúi dục quốc vương người Đông Gốt (một nhánh quan trọng của tộc người Giécmanh) là Têôđôrích tiến đánh và giết chết Ôđôacrơ, vợ con và toàn bộ người tùy tùng của ông ta. Mác ghi chép về thời kỳ lịch sử này như sau: “Mùa thu năm 488, Têôđôrích thống lĩnh người Gốt tiến quân … Ôđôacrơ thua trận lui về Ravenna; sau ba năm bị vây hãm, Ôđôacrơ quyết định đầu hàng; tại bữa tiệc ăn mừng hòa bình, Têôđôrích ngầm ra lệnh giết chết Ôđôacrơ, vợ con và toàn bộ người tùy tùng của ông ta (tháng 3 năm 493)”[7]

Hai là, dựa trên cơ sở những sự thật lịch sử nói trên, Mác phân tích tình hình kinh tế, chính trị xã hội Italia trước năm 476. Đối với sự tranh giành quyền lợi giữa những người thống trị đế quốc Tây La Mã trong năm 475, Mác ghi lời chú thích: “Tình hình đương thời ở Italia”, Mác trích nguyên văn những trang dài về tình hình chi tiết sự kiện này làm phụ lục dưới tiêu đề “nước Italia cuối thế kỷ thứ V”. Phụ lục này cho biết tỉ mỉ nguyên nhân bên trong sự diệt vong tất yếu của đế quốc Tây La Mã. Có thể tóm tắt những nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, do ảnh hưởng của sự di dân xáo trộn dân tộc trong gần 100 năm dưới thời đế quốc La Mã. Những cuộc thiên di lớn của các tộc người dã man mà sử liệu nhắc tới, gồm: từ phương Đông tới có người Hung nô, người Văngđăn ở Ba Lan; từ phương Tây tới có người Gốt, người Phrăngcơ, từ phương Bắc tới có người Lăngôbácđơ, v.v… họ xâm lấn lẫn nhau, có khi còn quấy rối, tiến công đế quốc La Mã. “Hàng đoàn người dã man tới cướp phá nước Italia, thậm chí có một bộ phận định cư lâu dài … họ nghiễm nhiên tự xưng là chủ nhân, lập ra nước riêng”[8]. Tình hình này đe dọa và làm suy yếu sự thống trị của đế quốc, là nguyên nhân bên ngoài quan trọng dẫn tới sự diệt vong của đế quốc La Mã nô lệ.

Thứ hai, sự thối nát, bạc nhược, bất lực của tầng lớp trên trong đế quốc La Mã. “Đảo chính cung đình nổ ra không ngớt, những kẻ thống trị liên tiếp bị mất quyền, bạc nhược, bất lực … những kẻ tai to mặt lớn nắm quyền ở các địa phương không tin giữ được chức vị lâu dài, thường lợi dụng quyền thế tranh thủ làm điều càn bậy để mưu lợi riêng”[9]. Đối với sự quấy nhiễu và xâm lấn của người dã man, các triều đại đế quốc nhu nhược “đều khéo léo ngấm ngầm cho họ xâm lấn những địa phương xa trung ương, bỏ mặc vùng biên cương chỉ cốt giữ lấy trái tim của đất nước”, “cái tấm gương đó khiến cho những bộ tộc thèm khát đất Italia cũng nảy sinh cách nghĩ tương tự. Đế quốc nhu nhược nhu vậy thì họ liền nhao nhao là thử xem sao”[10].

Thứ ba, mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp đan xen vào nhau, đẩy mạnh sự diệt vong của đế quốc La Mã. Đứng trước sự xâm lược của các tộc người dã man, hoàng đế đã “nhiều lần khuất phục bằng bạo lực”, “họ chẳng mấy quan tâm tới vận mệnh của nước Italia?”, “người bản địa ở Italia cũng không chống cự nổi, họ rất bất bình đối với người chấp chính cao nhất của đế quốc, vì đã không bảo vệ họ trước sự giày xéo của những người dã man”. Trong mâu thuẫn giai cấp thì bọn thống trị ở tầng lớp trên thối nát, tầng lớp dưới “từ quan to đến quan bé đều bất chấp lẽ phải, lòng tham vô đáy … bọn quan lại lớp dưới làm việc tắt trách, chiếu lệ, gian dối, quốc khố cạn kiệt, nhà nước buộc phải đặt ra sưu thế mới, thuế khóa chồng chất khiến dân chúng không thể chịu nổi”. Để trả quốc trái, “nạn cho vay nặng lãi ra đời, họ thu được lãi rất lớn. Những người có chức sắc dễ kiếm tiền hơn bất kỳ ai trong xã hội, cũng không cưỡng nổi sự cám dỗ, chạy theo lệ chung, đua nhau trở thành các chủ nợ”[11].

Ngoài mâu thuẫn giữa nhân dân với quan lại các cấp trong nhà nước của chủ nô lệ ra, mâu thuẫn của người giàu và người nghèo lại làm cho mâu thuẫn giai cấp sâu sắc thêm. “Để trả thù sự áp bức của nhà nước, người giàu cũng thường ức hiếp người nghèo trước tiên. Để khỏi nơm nớp lo sợ, để khỏi tiếp tục bị áp bức, người ta nối nhau rời bỏ nhà cửa, trốn tránh vào những thôn xóm hẻo lánh”[12].

Tình hình trên cho thấy, các thần dân của đế quốc, dù là ở Italia hay ở những địa phương mà chính quyền đế quốc có thể với tay tới, “đều trở thành nô lệ, đều rơi vào vực thẳm tai họa, họ chẳng sợ sự thống trị của người dã man, họ cảm thấy dù sao thì cũng tốt hơn nhiều so với cảnh ngộ hiện tại của họ … vì rằng họ sẽ có lợi, sau mỗi loạt thay người (chỉ người dã man), sự thống trị vững chắc của những dân tộc hiếu chiến này khiến họ rất hy vọng rồi đây sẽ quốc thái dân an. Đó là điều mà các chính phủ đế quốc nhu nhược, bất lực, nhiều phen lục đục không thể làm nổi”[13]. Đứng trước tình hình mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp chồng chéo, ngày càng sâu sắc ấy, đế quốc Tây La Mã nô lệ không thể tránh khỏi diệt vong.

3. Sự ra đời của chế độ phong kiến ở Italia

Một nội dung quan trọng khác về sự phát triển lịch sử được nghiên cứu trong tập thứ nhất Bút ký sử học là quá trình chuyển biến lịch sử tự nhiên về sự ra đời của xã hội phong kiến từ xã hội nô lệ đã diễn ra như thế nào. Theo Mác, hiểu được sự diệt vong của chế độ nô lệ không có nghĩa là đã hiểu được sự ra đời của xã hội phong kiến. Phương pháp nghiên cứu sự ra đời của xã hội phong kiến cũng giống như phương pháp nghiên cứu sự giải thể của chế độ nô lệ. Trước tiên là ghi chép các tư liệu về sự phát triển của các sự kiện lịch sử theo trình tự biên niên kèm theo các lời bình cho những vấn đề đáng quan tâm, tập hợp tư liệu dưới hình thức phụ lục, phân tích chi tiết những tư liệu ấy. Về nội dung ngiên cứu, chủ yếu cần đề cập ba vấn đề: 1) chế độ nô lệ và chế độ nông nô; 2) ý nghĩa của pháp luật đối với sự ra đời của chế độ phong kiến; 3) sự hoàn thiện và đặc trưng cơ bản của chế độ phong kiến. Đối với ba vấn đề này, Mác đều dẫn tư liệu gốc để phân tích tỉ mỉ ở phần phụ lục. Ở đây chỉ phân tích sơ qua các tư liệu nói trên.

Trong quá trình quá độ từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến, quan hệ giữa chế độ nô lệ với chế độ nông nô là khâu cực kỳ quan trọng. Trong phụ lục riêng: “Chế độ nô lệ và chế độ nông nô”, Mác nói về quan hệ giữa chúng với nhau. Quan hệ này chủ yếu là sự thay đổi quan hệ giữa người lao động – nô lệ – với ruộng đất. Trong chế độ nô lệ La Mã cổ đại chủ yếu có ba hạng người: quý tộc, bình dân và nô lệ. Trong đó, quý tộc có quyền lợi chính trị đặc biệt, nhưng về các mặt khác vẫn phải tuân theo pháp luật như những người bình dân. Nô lệ không có bất kỳ quyền gì, họ hoàn toàn bị chủ chi phối. Trong quá trình phát triển của chủ nô lệ, chế độ tư hữu có ý nghĩa quan trọng đối với quyền chiếm hữu và canh tác ruộng đất. Trong quá trình phát triển xã hội, cái bắt đầu lộ ra là “nô lệ hoàn toàn lệ thuộc vào cá nhân, nông nô phụ thuộc vào ruộng đất mà họ canh tác”, hơn nữa sự “phụ thuộc” này đan xen vào nhau “mọi điều đều hết sức phức tạp, ở đâu cũng có bất công và áp bức”[14].

Sự “lệ thuộc” và “phụ thuộc” nói trên được thừa nhận, phát triển và củng cố trong các mối quan hệ xã hội dưới đây. Một là, “có những kẻ có quyền thế không còn thỏa mãn trong việc buộc những người này làm nô lệ, chúng có quyền bắt họ và con cái họ mãi mãi lệ thuộc vào ruộng đất của chúng”[15]. Làm như vậy thì không những nông nô có thể trả được nợ, “hơn nữa còn trả được những khoản nợ mà bản thân các chủ phong kiến lớn phải trả”. Hai là, “những người có chức sắc … tuy cũng chỉ trích chế độ nô lệ, nhưng lại hoàn toàn chế độ nông nô, hơn nữa còn rất dễ chấp nhận chế độ này. Một khi đã chiếm hữu được những thửa ruông lớn, họ rất muốn khống chế những người làm ruộng, như vậy sẽ không mất công đi khắp nơi tìm người làm, cũng không phải trả công”[16]. Ba là, “những năm cuối của đế quốc Tây La Mã, chiến tranh xảy ra liên miên. Để bảo vệ ách thống trị của mình, quốc vương phải trông cậy vào các lãnh chúa phong kiến. Bởi vì, các quốc vương trong các triều đại vừa thiếu quân lính, lại thiếu quân lương, do vậy không cầu cứu các lãnh chúa phong kiến, mà thực tế thì họ đã cầu cứu rồi”[17]. Tình hình đó là một dang quan hệ mới trong chế độ nông nô dần dần phát triển trong điều kiện kinh tế, chính trị và quân sự “hết sức phức tạp”.

Về vai trò của pháp luật trong giai đoạn quá độ từ chế độ nô lệ lên chế độ phong kiến được Mác nói cụ thể trong phần phụ lục: “Sự thống trị và luật pháp của người Langôbácđơ tại Italia”. Người Langôbácđơ là một nhánh của người Giécmanh, thế kỷ V CN, họ vào Italia thành lập vương quốc Langôbácđơ. Thời kỳ thống trị Italia, “quốc vương Langôbácđơ bổ nhiệm một số công tước, từ đó tạo ra một hệ thống quan lại lớp trên của chế độ phong kiến[18]. Sau khi lập ra vương quốc, tỏ chức bộ lạc, thị tộc của họ càng phân hóa thêm. Quốc vương và những quý tộc quân sự trở thành những người sở hữu nhiều ruộng đất. Theo tư liệu lịch sử, vương quốc này thành lập trên đất Italia 30 công quốc[19], sử gọi là “Thành bang Langôbácđơ”. Để củng cố ách thống trị, họ rất coi trọng thi hành pháp luật. Mác đặc biệt chú ý đoạn tư liệu trong phụ lục: “Muốn thật sự hiểu biết tính cách của một dân tộc thì phải xem pháp luật, phong tục tập quán của họ được hình thành như thế nào, chứ không phải xem họ đánh trận như thế nào”. Mác rất tán thành ý kiến đánh giá của một nhà sử học đối với người Langôbácđơ, những người chú trọng ban hành và thi hành luật pháp. Ý kiến đánh giá ấy nói rằng: “Dẫu sao thì người Italia cũng khó quên được người Langôbácđơ, những người có công lao lớn và có tài sáng tạo”[20].

Khi phân tích luật pháp của người Langôbácđơ, Mác chú trọng so sánh với luật La Mã. Một là, họ đã để lại truyền thống rất tốt về trình tự ban hành luật. “Vua chúa của họ không chuyên quyền độc tài, khi cần soạn thảo, ban hành luật và điều chỉnh thể chế quản lý xã hội, các quốc vương Langôbácđơ đều mời các thân hào hiền sĩ và các trọng thần cùng tham gia. Điều đó chứng tỏ họ cố gắng tránh sai lầm”[21]. Về nội dung luật, “họ chỉ ban hành luật có lợi cho dân chúng”. Chính vì vậy mà những quốc vương được họ bầu ra (quốc vương được bầu ra theo chế độ bầu cử) “đều là người dốc lòng làm việc tốt. Hầu như họ đều muốn đời sau nhớ tới công trạng to lớn của mình vì lợi ích chung”[22]. Điều này khác xa với luật La Mã chỉ nhằm củng cố quyền lợi của kẻ thống trị. Hai là, trong vấn đề đối xử với nô lệ và nông nô, luật của người Langôbácđơ khác xa so với người La Mã. Luật của người Langôbácđơ cho phép nô lệ được kết hôn với nhau, cho phép nô lệ có quyền sở hữu (một phần nhỏ) thành quả lao động của họ và quyền thừa kế tài sản, “thậm chí có những người còn giàu có hơn chủ”. Luật này quy định chủ có thể “tùy ý có các hình phạt đối với thân thể” nô lệ, nhưng “không có quyền cướp, giết họ”. Tại vương quốc của người Langôbácđơ, nô lệ được nhà nước bảo vệ trong chừng mực nhất định. Để thu hút người ngoài, luật quy định: “Những người ngoại lai nếu đã phục vụ quân dịch thì được quyền như người tự do, được truyền tài sản cho con cái”[23]. Chế độ luật pháp của người Langôbácđơ có quan hệ với chế độ phân phong trong thời kỳ đầu chế độ phong kiến của họ. Khi phân tích nền sản xuất của xã hội phong kiến, Mác chọn chế độ phong kiến Italia làm cơ sở. Dưới tiêu đề “Chế độ phong kiến ở Italia”, trước tiên ông ghi chép tình hình “quốc vương Langôbácđơ tấn phong công tước và phân phong 30 công quốc”. Đồng thời ông nghiên cứu kỹ lưỡng chế độ luật pháp của họ. Chế độ luật pháp này thúc đẩy sự phát triển tự do thân thể và không ngừng làm tăng tài sản tư hữu, thúc đẩy bước quá độ từ chế độ nô lệ sang chế độ nông nô.

4. Sự xác lập và đặc trưng của chế độ phong kiến ở Italia

Trong Bút ký sử học, chế độ phong kiến được lấy tiêu đề là “Chế độ phong kiến ở Italia”[24]. Khi phân tích cụ thể, chế độ phong kiến được chỉ rõ là Sáclơ Đại đế [còn gọi là Sáclơmanhơ (Charlemagne), Carulus Magnus]. Do đó, trong Bút ký (sử học), Mác lại chú trong nghiên cứu thời kỳ “nước Italia do Sáclơ Đại đế cầm quyền (768 – 814)”. Việc xác lập chế độ phong kiến ở Tây Âu diễn ra trong một quá trình lịch sử lâu dài. Hình thái điển hình của chế độ phong kiến Italia mà Mác nghiên cứu trong Bút ký sử học kéo dài hơn 300 năm lịch sử, từ khi chế độ nô lệ Tây La Mã diệt vong tới triều đại Sáclơ Đại đế (768-814). Trong hơn 300 năm ấy, nước Italia trải qua 4 triều đại: Vương quốc Ôđôacrơ (475-493); vương quốc Ôxtơrôgốt (493-553); đế quốc Bidăngtin Đông La Mã của hoàng đế Giuxtinian (483-565); vương quốc Langôbácđơ (568-774), năm 774 vương quốc này bị Sáclơ Đại đế ghép vào vương quốc Phrăngcơ dướ sự thống trị của Sáclơ.

Lịch sử 300 năm này có đề cập tới vấn đề quan hệ của đế quốc Đông và Tây La Mã và vấn đề quan hệ giữa đế quốc La Mã và sự manh nha, xác lập chế độ phong kiến trên toàn nước Italia. Mác nghiên cứu sử học nhằm tìm hiểu sự phát triển và biến đổi của chế độ xã hội, do vậy ông phải kiểm tra chọn lọc từng tư liệu lịch sử chẳng khác nào mò kim đáy biển, chú ý đến các sự kiện và niên đại có liên quan tới những biến đổi lịch sử, làm rõ quan hệ giữa chúng với nhau. Khi phân tích những tư liệu lịch sử ấy, trước hết Mác làm sáng tỏ hai điểm trong lịch sử hơn 300 năm ấy. Một là, sự phân liệt thành Đông và Tây La Mã [Kinh đô của đế quốc Đông La Mã là Côngxtantinốplơ, vốn là Bidăngtin, là thành phố thuộc địa của Hy lạp cổ, án ngữ đường vào Biển đen, địa thế hiểm trở, kinh tế phát triển. Khi hoàng đế La Mã Côngxtantinốplơ (306-337) tại ngôi, do La Mã thường nổ ra chiến tranh, kinh tế lạc hậu, cho nên, năm thứ 300 rời cố đô La Mã tới Bidăngtin và đổi tên thành Côngxtantinốplơ. Về sau, trải qua nhiều năm chiến tranh, khi hoàng đế kế vị là Têôđôrích (379-395) qua đời, đế quốc La Mã được chia cho hai con ông trị vì. Đế quốc La Mã bị phân liệt thành phần Đông và phần Tây.], quan hệ giữa toàn quốc Italia với đế quốc Đông La Mã. Về vấn đề này, Bút ký sử học viết: “Italia trở thành một tỉnh của đế quốc Đông La Mã”[25]. Câu này có hai ý: 1) đế quốc La Mã bị phân liệt, Italia nằm dưới sự quản lý thống nhất của đế quốc Đông La Mã, bước đầu đã có hình thái phong kiến; 2) với tiền đề nêu ở điểm một ấy, Mác tiến tới nghiên cứu “nước Italia do Sáclơ đại đế cầm quyền” và “chế độ phong kiến ở Italia”.

Dựa trên cơ sở luật pháp của vương quốc Langôbácđơ mà chúng tôi đã nói ở trên, Mác nghiên cứu tiếp về chế độ phong kiến ở Italia. Sau khi làm rõ việc quốc vương Langôbácđơ phong một số công tước đã tạo ra một loạt nhân vật lớp trên của chế độ phong kiến, Mác tiếp tục làm rõ việc Sáclơ đại đế “phát triển chế độ phong kiến xuống bên dưới[26]. Vậy phát triển như thế nào?

Một là, phân phong theo địa lý. “Ông (Sáclơ Đại đế) triệu kiến các văn thân hiền sĩ của Langôbácđơ để bàn bạc, dựa theo địa giới tự nhiên (mạch núi, sông ngòi, rừng rậm) chia các lãnh địa mà bây giờ vẫn còn phức tạp chưa rõ cương giới thành một số bang tương ứng, giao quyền quản lý các thành lũy và thành phố trong bang cho những nhân vật quyền quý có tước bá hoặc hàm thống soái”, “Phàm là người làm công tác quản lý hành chính đều được phong là chúa phong kiến[27]. Nếu nói rằng chế độ phân phong hoặc đắng cấp phong kiến do vương quốc Langôbácđơ tạo ra đầu tiên thì Sáclơ Đại đế đã phát triển và hoàn thiện nó thành một chế độ, mở mang lãnh thổ rộng lớn của nước Italia.

Hai là, phân chia và thay đổi quyền quân sự và quyền hành chính. Lúc đầu, chế đô phân phong tách quyền quân sự và dân sự ra khỏi nhau, hoặc chúng độc lập đối với nhau, là các cấp khác nhau: chúa phong kiến và vua. Với đà phát triển của chế độ phong kiến, ở các cấp dưới, hai loại quyền lực này dần dần thống nhất làm một. “Lúc đầu, quyền quản lý của chúa phong kiến liên quan về mặt hành chính quân sự. Cơ quan dân chính vẫn giữ tính độc lập của nó”, “về sau, do chiến sự ở Italia diễn ra liên miên, những kẻ phong kiến đã dành cả quyền dân chính; dần dần dành cả quyền thống trị của vua và quyền của thần dân”[28]. Tại sao lại có những thay đổi như vậy? Trong Bút ký (sử học), Mác giải thích: “chiến tranh diễn ra liên miên từ năm này sang năm khác. Italia bị chia năm sẻ bảy, các chúa phong kiến nhận ra một cách rất tự nhiên vai trò của họ”[29]. Trong quá trình ấy, vua thì lười nhác, ru rú trong cung, để quyền hành rơi vào tay kẻ khác, dân luật im hơi lặng tiếng trước sự ngang tàng bạo ngược của quân nhân. Khi này, có những chúa phong kiến “đã bắt đầu chiếm cơ quan dân sự, kết quả là trước kia chỉ có quân quyền mới được cha truyền con nối, bây giờ ngành dân sự cũng vậy, hầu như nằm trong tay của những chúa phong kiến lớn, việc cất nhắc các quan chức dân sự cũng hoàn toàn do họ quyết định. Thế là vương quyền và quyền lực của các phiên thần không ngừng bị thoán đoạt, đó là chế độ phong kiến chính cống”[30].

 



[1] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb. Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr. 3.

[2] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb. Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.3.

[3] Chu Nhất Lương, Ngô Vu Cần: Thế giới thông sử phần thượng cổ), Nxb Nhân dân, 1973, tr.192.

[4] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr. 3.

[5] Chu Nhất Lương, Ngô Vu Cần: Thế giới thông sử (phần thượng cổ), Nxb Nhân dân, 1973, tr. 319.

[6] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr. 3.

[7] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr. 13.

[8] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.219.

[9] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr. 220.

[10] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr. 219.

[11] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr. 220.

[12] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.220.

[13] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.220.

[14] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.240

[15] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.240.

[16] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.240.

[17] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.240.

[18] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.21.

[19] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.230.

[20] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.234.

[21] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.234.

[22] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.234.

[23] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.249.

[24] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.21.

[25] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.16.

[26] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.21–22.

[27] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.22.

[28] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.22.

[29] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.238.

[30] Bút ký sử học của C.Mác, tiếng Trung Quốc, Nxb Hồng Kỳ, 1992, t.1, tr.238.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt