Triết học tinh thần

Vấn đề 3. Hạnh phúc là gì? Mục 6

 

VẤN ĐỀ 3

HẠNH PHÚC LÀ GÌ

 

THOMAS AQUINAS (1225-1274)

 


Thomas Aquinas. Tổng luận thần học: Về hạnh phúc của con người. Phần I-II, vấn đề 1-5. Joachim Nguyễn Văn Liêm và cộng tác viên phiên dịch và dẫn nhập. Tp. Hồ Chí Minh, 2003. | Xem thêm: Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

MỤC 6

Hạnh phúc có hệ tại việc nghiên cứu

các khoa học trừu tượng chăng?

 

NGHI VẤN. Hình như hạnh phúc của con người hệ tại việc nghiên cứu các khoa học trừu tượng.

1. Thực vậy, nhà Hiền triết viết trong Ethic. rằng hạnh phúc là hoạt động theo nhân đức hoàn bị. Và khi phân biệt các nhân đức, ông chỉ đưa ra ba nhân đức trừu tượng là: khoa học, sự thông tuệ và minh trí, tất cả các nhân đức ấy đều thuộc về sự nghiên cứu các khoa học trừu tượng. Cho nên, hạnh phúc tối hậu của con người hệ tại việc nghiên cứu các khoa học trừu tượng.

2. Vả lại, hình như điều được mọi người ước muốn vì chính nó là hạnh phúc tối hậu của con người. Mà điều được ước như thế là việc nghiên cứu khoa học trừu tượng: vì như đã trình bày trong cuốn I Metaphys.Cứ tự nhiên mọi người đều mong muốn hiểu biết. Sau đó ông thêm rằng, các khoa học trừu tượng thì được tìm kiếm vì chính chúng. Cho nên, hạnh phúc của con người hệ tại việc nghiên cứu các khoa học trừu tượng.

3. Vả lại, hạnh phúc là sự hoàn bị tối hậu của con người. Mà mỗi hữu thể được kiện toàn khi từ tiềm thể trở thành hiện thể. Nhưng trí khôn nhân loại được trở thành hiện thể bởi việc nghiên cứu các khoa học trừu tượng. Cho nên, hình như hạnh phúc tối hậu của con người hệ tại việc nghiên cứu các khoa học ấy.

NHƯNG. Trong sách Jeremias (Gr 9,22) chép: Kẻ thông thái đừng tự hào về sự thông thái của mình; và ngôn sứ nói về sự thông hiểu những khoa học trừu tượng. Cho nên, hạnh phúc tối hậu của con người không hệ tại việc nghiên cứu các khoa học ấy.

LUẬN GIẢI. Như đã trình bày trên đây (m.2, gđ.4), có hai thứ hạnh phúc của con người: một là hoàn bị, hai là khiếm khuyết. Nhưng phải hiểu hạnh phúc hoàn bị là hạnh phúc đạt tới lý tính đích thực của hạnh phúc: còn hạnh phúc khiếm khuyết thì không đạt tới, mà chỉ thông dự thứ hạnh phúc đặc thù giống như thế thôi. Như sự khôn ngoan hoàn bị có nơi người có ý niệm về những điều khả hành: còn sự khôn ngoan khiếm khuyết thì thấy nơi một số thú vật có bản năng để làm một số công việc giống như những công việc của sự khôn ngoan.

Do đó, hạnh phúc hoàn bị không thể cốt yếu hệ tại việc nghiên cứu các khoa học trừu tượng. Để hiểu rõ điều đó nên suy rằng, việc nghiên cứu khoa học trừu tượng không phổ đạt quá hiệu năng của các nguyên lý thuộc khoa học đó: vì toàn thể khoa học được hàm chứa trong hiệu năng của các nguyên lý khoa học. Mà những nguyên lý thủ yếu của các khoa học trừu tượng được thâu nhận bằng giác quan, như nhà Hiền triết đã viết ở đầu những cuốn Metaphys. và ở cuối những cuốn Poster..

Cho nên, toàn thể việc nghiên cứu khoa học trừu tượng không thể phổ đạt hơn lãnh vực mà sự nhận biết những điều khả giác có thể mở đường. Mà hạnh phúc tối hậu của con người, là sự hoàn bị tuyệt đỉnh của con người, không thể hệ tại sự nhận biết những điều khả giác. Vì không chi được hoàn chỉnh bởi điều kém hơn nó, đừng kể khi trong đó có điều cao hơn thông dự. Mà hiển nhiên là mô thể của hòn đá, hoặc của bất cứ vật khả giác nào, thì thua kém con người. Cho nên, trí khôn không được hoàn chỉnh bởi mô thể của hòn đá, xét như mô thể của hòn đá, nhưng vì nơi mô thể này có điều gì đó cao hơn trí khôn con người, tức là ánh sáng khả tri hay điều gì tương tự như thế. Nhưng phàm chi nhờ điều khác mà phát sinh đều được qui kết vào điều tự mình mà có. Cho nên, sự hoàn bị tối hậu của con người phải phát sinh bởi sự nhận biết một thực tại trổi vượt trên trí khôn con người. Nhưng chúng tôi đã chứng minh trên đây (I, vđ.88, m.2) rằng, nhờ những vật khả giác ta không thể vươn lên để nhận biết các bản thể phân lập, là những bản thể trổi vượt trên trí khôn nhân loại. Thành thử, hạnh phúc tối hậu của con người không thể hệ tại nghiên cứu các khoa học trừu tượng.- Nhưng như trong các mô thể khả giác có một sự tham dự nào đó vào các bản thể cao hơn, nên việc nghiên cứu các khoa học suy lý là một sự tham dự nào đó vào hạnh phúc thực sự và hoàn bị.

GIẢI ĐÁP1. Trong tác phẩm Ethica của mình, nhà Hiền triết bàn về hạnh phúc khiếm khuyết, như có thể có ở đời này, như đã trình bày ở trên (m.2, gđ.4).

2. Một cách tự nhiên, ta không những ước muốn hạnh phúc hoàn bị, mà còn ước muốn điều tương tự hoặc sự thông phần chính hạnh phúc ấy.

3. Do việc nghiên cứu các khoa học trừu tượng, trí khôn chúng ta được trở thành hiện thể một cách nào đó, nhưng không trở thành hiện thể tối hậu và hoàn bị.

 


Bài trước -- Bài tiếp theo

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt