Triết học tình yêu

Tình yêu

GIA ĐÌNH THẦN THÁNH – MỤC LỤC

 

CHƯƠNG IV

SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN VỚI

TÍNH CÁCH LÀ SỰ YÊN TĨNH CỦA NHẬN THỨC

 HAY LÀ SỰ PHÊ PHÁN CÓ TÍNH PHÊ PHÁN

THỂ HIỆN Ở ÔNG ÉT-GA

 


C. Mác và Ph. Ăng-ghen Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 26-27. | Nguyên văn tiếng Đức | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

3) TÌNH YÊU

 

Muốn đạt tới "sự yên tĩnh của nhận thức" hoàn mỹ thì trước hết sự phê phán có tính phê phán phải ra sức thoát khỏi tình yêu. Tình yêu là một thứ tình dục, mà đối với sự yên tĩnh của nhận thức thì chẳng có gì nguy hiểm hơn là tình dục. Cho nên ông Ét-ga đã nhờ vào những cuốn tiểu thuyết của bà Phôn Pa-li-xốp mà ông ta cam đoan "đã nghiên cứu đến nơi đến chốn", để khắc phục "cái hành động ấu trĩ mà người ta gọi là tình yêu". Tình yêu là nỗi kinh khủng và quái vật. Nó gây ra sự giận dữ, sự phẫn nộ, thậm chí sự điên cuồng của sự phê phán có tính phê phán.

"Tình yêu... là một hung thần; giống như tất cả các vị thần khác, nó muốn chi phối toàn bộ con người và chỉ thoả mãn khi nào người ta không những trao cho nó linh hồn mà còn trao cho nó cả "cái tôi" thể xác của mình nữa. Sự sùng bái tình yêu là sự đau khổ, đỉnh cao nhất của sự sùng bái đó là sự hy sinh, là sự tự sát".

Muốn biến tình yêu thành "Mô-lốc", thành hiện thân của ma quỷ, ông Ét-ga trước hết biến nó thành thần. Sau khi được biến thành thần, nghĩa là đối tượng của thần học thì dĩ nhiên là tình yêu sẽ phải chịu sự phê phán của thần học; mà như người ta đều biết, thần và ma quỷ cũng chẳng khác nhau mấy tí. Ông Ét-ga biến tình yêu thành "thần", hơn nữa thành "hung thần", bằng cách biến người đi yêu, biến tình yêu của con người, thành con người của tình yêu, - bằng cách tách "tình yêu", coi là một bản chất đặt biệt, khỏi con người và đem lại cho tình yêu với tính cách là tình yêu một sự tồn tại độc lập. Thông qua quá trình giản đơn như vậy, thông qua sự biến đổi tân từ thành chủ từ như vậy thì có thể cải tạo một cách phê phán mọi quy định và biểu hiện vốn có của con người thành những quái vật cá biệtsự tự tha hoá của bản chất con người. Chẳng hạn, sự phê phán có tính phê phán biến sự phê phán, coi là tân từ và hoạt động của con người, thành chủ từ đặc biệt, thành sự phê phán chĩa vào chính bản thân mình, do đó thành sự phê phán có tính phê phán, tức là thành "Mô-lốc" - mà sự sùng bái Mô-lốc là sự tự hy sinh, ở sự tự sát của con người, nhất là của năng lực tư duy của con người.

"Đối tượng" - sự yên tĩnh của nhận thức kêu lên như vậy - "đối tượng là một từ thích đáng bởi chưng đối với người đi yêu thì người được yêu" (không có giống cái) "chỉ quan trọng với tính cách là cái khách thể bên ngoài mà anh ta say mê với tính cách là khách thể, trong đó anh ta muốn tìm thấy sự thoả mãn cho dục vọng ích kỷ của mình".

Đối tượng! Đáng sợ thay! Không có gì đáng ghét hơn, thô tục hơn và có tính quần chúng hơn là đối tượng, - đả đảo đối tượng! Làm thế nào mà tính chủ quan tuyệt đối, actus purus1*, sự phê phán "thuần tuý" có thể không coi tình yêu là bête noire2*, là hiện thân của quỷ Xa-tăng, cái tình yêu nó lần đầu tiên thực sự dạy người ta tin vào thế giới đối tượng ở bên ngoài bản thân, nó không những biến con người thành đối tượng mà còn biến đối tượng thành con người!

Sự yên tĩnh của nhận thức phát khùng lên nói tiếp: tình yêu không yên tâm ngay cả về chỗ đã biến một con người thành phạm trù "khách thể" đối với người khác; nó còn biến anh ta thành một khách thế hiện thực, nhất định, thành cái khách thể bên ngoài có tính chất cá nhân xấu này (xem "Hiện tượng học" của Hê-ghen12 nói về hai phạm trù "Cái này" và "Cái kia", một cuốn sách trong đó cũng đã tranh luận chống lại "Cái này" xấu) cái khách thể tồn tại không những chỉ bên trong, ẩn giấu trong đầu óc mà còn có thể sờ mó được.

"Tình yêu

Không phải chỉ bị giam hãm trong đầu óc"

Không, người được yêu là đối tượng cảm tính. Mà sự phê phán có tính phê phán, nếu buộc phải hạ mình xuống thừa nhận một đối tượng nào đó, thì ít ra cũng sẽ yêu cầu đối tượng phải là một đối tượng phi cảm tính. Thế nhưng tình yêu lại là nhà duy vật phi phê phán và phi Cơ Đốc giáo.

Sau hết, tình yêu tìm cách thậm chí biến một con người thành "cái khách thể bên ngoài ấy của sự say đắm" của một người khác, thành khách thể thoả mãn dục vọng ích kỷ của một người khác, ích kỷ vì nó muốn tìm thấy bản chất của chính mình ở người khác, mà điều đó thì không nên. Sự phê phán có tính phê phán không mảy may có tính ích kỷ đến mức có thể tìm thấy đầy đủ nội dung toàn bộ của bản chất con người ở "cái tôi" của chính nó.

Dĩ nhiên ông Ét-ga không cho chúng ta biết có cái gì khác nhau giữa người được yêu và tất cả "những khách thể bên ngoài" khác "làm người ta say mê, dùng để thoả mãn dục vọng ích kỷ của người ta". Đối với sự yên tĩnh của nhận thức, cái đối tượng tình yêu quyến rũ con người, đa tình và phong phú về nội dung, chẳng qua chỉ là một mô hình trừu tượng: "cái khác thể bên ngoài làm người ta say mê", - cũng y như đối với nhà triết học tự nhiên tư biện, sao chổi chẳng qua chỉ là phạm trù "âm" mà thôi. Trong khi biến một người khác thành khách thể bên ngoài mà mình say mê, con người quả thực - như sự phê phán có tính phê phán thừa nhận - là đã gán cho nó "tính chất trọng yếu", nhưng đó là cái gọi là tính chất trọng yếu của đối tượng, thế nhưng tính chất trọng yếu mà sự phê phán gán cho đối tượng lại chẳng phải là cái gì khác mà là tính chất trọng yếu mà sự phê phán tự gán cho bản thân mình. Do đó "tính chất trọng yếu" có tính phê phán đó tự biểu hiện ra không phải trong "tồn tại xấu bên ngoài" mà là trong "hư không" của đối tượng trọng yếu của sự phê phán.

Nếu như sự yên tĩnh của nhận thức không có được đối tượng là con người hiện thực thì trái lại nó có được sự nghiệp loài người. Điều mà tình yêu có tính phê phán "đề phòng nhất là vì cá nhân mà quên mất sự nghiệp, sự nghiệp này không phải là cái gì khác mà là sự nghiệp của loài người". Còn tình yêu không có tính phê phán thì lại không tách rời loài người với con người cá biệt, với cá nhân.

"Với tính cách là một thứ tình dục trừu tượng, không biết từ đâu đến cũng không biết đi đâu, bản thân tình yêu không có hứng thú đối với sự phát triển bên trong".

Vì theo cách nói tư biện, tức là cách gọi cái cụ thể là trừu tượng và gọi cái trừu tượng là cái cụ thể, nên dưới con mắt của sự yên tĩnh của nhận thức, tình yêu là tình dục trừu tượng.

"Cô gái không sinh ra nơi lũng nhỏ,

Cô từ đâu đến, ai nào hay biết.

Nhưng giờ đây, nàng ra đi, ly biệt,

Và bóng dáng của nàng cũng biến mất theo"13.

Dưới con mắt của sự trừu tượng, tình yêu là "Cô gái từ nơi khác đến", không có hộ chiếu biện chứng nên bị cảnh sát có tính phê phán trục xuất.

Tình dục của tình yêu không cảm thấy thích thú đối với sự phát triển bên trong vì nó không thể được cấu tạo ra a priori, vì sự phát triển của nó là sự phát triển hiện thực xảy ra trong thế giới cảm tính và giữa những cá nhân hiện thực. Còn sự thích thú chủ yếu của kết cấu tư biện là "từ đâu đến" và "đi đâu". "Từ đâu đến" chính là "tính tất nhiên của khái niệm, là sự chứng minh và sự diễn dịch của nó" (Hê-ghen). "Đi đâu" là một quy định "nhờ nó mà mỗi khâu riêng biệt trong cái xích tư biện, coi như nội dung đầy sinh khí của phương pháp, lại đồng thời là khởi điểm của một khâu mới" (Hê-ghen). Như vậy là chỉ khi nào có thể cấu tạo ra a priori cái "từ đâu đến" và "đi đâu" của tình yêu thì tình yêu mới đáng được sự phê phán tư biện "quan tâm".

Ở đây, sự phê phán có tính phê phán không những chỉ đấu tranh chống tình yêu mà còn đấu tranh chống tất cả những cái có sự sống, tất cả những cái trực tiếp, mọi kinh nghiệm cảm tính, mọi kinh nghiệm thực tế nói chung, tức là những kinh nghiệm mà chúng ta không bao giờ biết trước được chúng "từ đâu đến" và "đi đâu".

Thông qua sự khắc phục tình yêu, ông Ét-ga hoàn toàn khẳng định bản thân mình là "sự yên tĩnh của nhận thức". Tiếp đó, ông ta lại lập tức thông qua Pru-đông để tỏ rõ kỳ tài to lớn của mình về nhận thức - đối với nhận thức này "đối tượng" không còn là "cái khách thể bên ngoài này" nữa - và nhân tiện cũng tỏ rõ sự không ưa thích nhiều hơn của mình đối với tiếng Pháp.

 



1*  - hoạt động thuần tuý

2*  - nghĩa đen là con vật đen, nghĩa bóng là con ngoáo ộp, người hoặc vật mà mình ghét nhất.

12 G. W.F.Hegel."Phänomenologie des Ceistes" ("Hiện tượng học tinh thần" của G.V.Ph.Hê-ghen). Xuất bản lần thứ nhất vào năm 1807. Bản mà Mác sử dụng khi viết "Gia đình thần thánh" là "Toàn tập Hê-ghen" tập hai, in lần thứ hai, (Hegel. Werke, 2-te Aufl., Bd. II, Berlin, 1841).

13 Trích trong bài thơ "Cô thiếu nữ đến từ nơi khác” của Si-lơ.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Y3u 5 - 21:36 20/05/2018
phê phán tình yêu ghê
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt