TỔNG LUẬN THẦN HỌC VỀ ĐAM MÊ (Câu hỏi 22-48)
CÂU HỎI 28 CÁC HIỆU QUẢ CỦA TÌNH YÊU (6 Tiết)
THOMAS AQUINO (1225-1274) Lm. Jos. TRẦN NGỌC CHÂU dịch
Thomas Aquino. “Câu hỏi 28: Các hiệu quả của tình yêu”. Tổng luận thần học. Quyển II, Phần 1, tập II. Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính.| Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do bạn Đinh Anh Thư đánh máy. || Bản dịch tiếng Anh: https://www.sacred-texts.com/chr/aquinas/summa/sum163.htm
Về hiệu quả của tình yêu, chúng ta tìm hiểu: 1. Sự phối hợp có phải là hiệu quả của tình yêu không? 2. Sự ở trong nhau? 3. Sự xuất thần? 4. Sự ganh? 5. Tình yêu là đam mê làm thương tổn người yêu không? 6. Tình yêu là nguyên nhân của tất cả nhưng cái gì người ta làm khi người ta yêu không?
TIẾT 1 SỰ PHỐI HỢP CÓ PHẢI LÀ HIỆU QUẢ CỦA TÌNH YÊU KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra không có như vậy. 1. Sự vắng mặt đối lập với sự phối hợp. Mà tình yêu tương hợp với sự vắng mặt, theo lời ghi chép về thánh Phao-lô: “Một sự tốt được làm đối tượng của một sự yêu mến khi ở trong sự tốt – luôn luôn chứ không phải chỉ trong khi tôi có mặt với anh em” (Gl 4,18). Vậy sự phối hợp không phải là hiệu quả của tình yêu. 2. Mọi sự phối hợp thể hiện hoặc theo yếu tính như mô thể phối hợp với chất thể, tùy thể với chủ thể, phần với toàn thể hoặc với phần khác để tạo nên cái toàn thể; hoặc do sự tương tự về giống, loại hoặc các tùy thể. Mà tình yêu không sản xuất sự phối hợp theo yếu tính; nếu cách khác, tình yêu hẳn không bao giờ hướng tới các vật tách rời nhau do yếu tính của chúng. Còn về sự phối hợp do tương tự, nó không phát xuất bởi tình yêu, trái lại nó có thể là nguyên nhân của tình yêu như người ta mới đề cập đến (1.27, a.3). Vậy sự phối hợp không phải là hiệu quả của tình yêu. 3. Giác quan ở hiện thể trở thành chính khả giác hữu ở hiện thể, và trí năng ở hiện thể được đồng nhất với đối tượng khả niệm; mà kẻ yêu, ngay trong hành động yêu không đồng nhất với đối tượng khả niệm; mà kẻ yêu, ngay trong hành động yêu không đồng nhất với đối tượng được yêu ở hiện thể. Như thế sự phối hợp có thể là hiệu quả của sự biết hơn là của tình yêu. TRÁI LẠI: Denys khẳng định “mọi tình yêu là sức lực phối hợp” (De Div. Nom., 4,12). TRẢ LỜI: Có hai mô thể phối hợp với người yêu và đối tượng được yêu. Mô thể thứ nhất thể hiện trong một thực tại, khi kẻ được yêu hiện diện với kẻ yêu. Mô thể thứ hai là sự phối hợp tình cảm, cần được phân tích theo quan hệ với sự biết đi trước, vì mọi sự chuyển động của thị dục đi theo sự biết. Cả hai tình yêu, tình yêu ham muốn và tình yêu bằng hữu, đều phát xuất bởi sự biết nào đó về đơn nhất tính giữa kẻ yêu và kẻ được yêu. Vì, khi người ta yêu mến sự vật nào do sự ham muốn, người ta coi sự vật này thuộc về sự hoàn hảo của sự hiện hữu mình. Cũng vậy, khi người ta yêu mến người nào bằng tình yêu bằng hữu, người ta muốn sự tốt cho họ như người ta muốn cho chính mình; vậy người ta coi họ là mình thứ hai, theo tư cách người ta muốn sự tốt cho họ như cho mình. Do đó, người ta gọi người bằng hữu là mình thứ hai. Và thánh Augustinô đã viết: “Kẻ nói đúng về bạn hữu mình, đó kẻ đã gọi họ là phần của linh hồn mình” (Conf. 4,6). Loại phối hợp thứ nhất, tình yêu sản xuất nó theo thể cách nguyên nhân tác thành, vì tình yêu thúc giục ước muốn và tìm kiếm sự hiện diện của kẻ được yêu mến trong tư cách kẻ được yêu mến thích hợp và thuộc về tình yêu. Loại phối hợp thứ hai được tạo nên bởi tình yêu theo nhân quả tính mô thể, vì chính tình yêu là sự phối hợp này hay cái đây này. Điều này khiến thánh Augustinô nói: “Tình yêu là một thứ sự sống phối hợp hai vật hoặc tìm kiếm phối hợp chúng: kẻ yêu và đối tượng của tình yêu của họ” (De Trin., 8,10). Từ ngữ phối hợp qui về sự phối hợp tình cảm, và không có từ ngữ này, không có tình yêu, và các từ ngữ tìm kiếm phối hợp chúng nhằm sự phối hợp thực tại. GIẢI ĐÁP: 1. Vấn nạn này quan hệ với sự phối hợp thực tại. Sự vui thú đòi phải có sự phối hợp này là nguyên nhân của mình. Trái lại, sự ước muốn bao hàm sự vắng mặt thực sự của kẻ được yêu; còn về tình yêu, nó hiện hữu trong sự vắng mặt cũng như trong sự hiện diện. 2. Sự phối hợp nắm ba quan hệ với tình yêu. Một sự phối hợp nào đó là nguyên nhân của tình yêu. Đó là sự phối hợp bản thể, khi đề cập đến tình yêu mà người ta đem lại cho chính mình; sự phối hợp tương tự, khi đề cập đến tình yêu người ta đem lại cho kẻ khác, như chúng ta mới nói. Mà sự phối hợp thứ hai là chính tình yêu đích thực theo yếu tính. Đó là sự phối hợp thể hiện bởi sự thích ứng tình cảm. Người ta đồng hóa nó với sự phối hợp bản thể theo tư cách kẻ yêu coi kẻ được yêu trong tình yêu bằng hữu, là mình thứ hai và trong tình yêu ham muốn, là một cái gì của mình. Sau hết, sự phối hợp thứ ba là hiệu quả của phối hợp. Đó là sự phối hợp thực tại mà kẻ yêu tìm kiếm cái nó yêu. Sự phối hợp này đáp lại các sự đòi hỏi tình yêu; như Triết gia kể lại (Pol. 1,16): Aristophane nói những kẻ yêu nhau, từ hai người họ muốn biến thành một; nhưng bởi làm như vậy thì có sự biến mát cả hai hoặc một trong hai, họ chỉ tìm kiếm sự phối hợp thích hợp: sự phối hợp trong đời sống chung, trong sự đàm đạo hoặc trong các tương quan tương tự. 3. Sự biết hoàn thành trong việc vật được biết nhờ sự tương tự của mình mà phối hợp với kẻ biết. Còn tình yêu làm cho thực tại được yêu theo một thể cách nào đó phối hợp với kẻ yêu. Do đó, tình yêu phối hợp hơn sự biết.
TIẾT 2 SỰ Ở TRONG NHAU CÓ PHẢI LÀ HIỆU QUẢ CỦA TÌNH YÊU KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra tình yêu không tạo nên sự đính kết với nhau mà do đó kẻ được yêu ở trong kẻ yêu và đối lại. 1. Hiện hữu trong vật khác là được chứa đựng trong nó. Mà người ta không thể đồng thời chứa đựng và được chứa đựng. Vậy tình yêu không tạo nên sự ở trong nhau, do đó, kẻ được yêu không ở trong kẻ yêu và đối lại. 2. Người ta không thể đi vào trong một toàn thể mà không phân chia nó. Mà phân chia đơn nhất thể trong thực tại thì không thuộc về thị dục, chủ thể của tình yêu, nhưng thuộc về trí năng. Vậy sự ở trong nhau không phải là hiệu quả của tình yêu. 3. Nếu vì tình yêu, kẻ yêu ở trong kẻ được yêu và đối lại, thì do đó mà kẻ được yêu phối hợp với kẻ yêu, như kẻ yêu phối hợp với kẻ được yêu. Còn chính sự phối hợp đồng nhất với tình yêu, như người ta mới thấy; như vậy hẳn kẻ yêu luôn luôn được yêu bởi kẻ yêu nó: điều này rõ ràng sai lầm. Vậy sự ở trong nhau không phải là hiệu quả của tình yêu. TRÁI LẠI: Có lời ghi chép: “Ai ở trong đức mến, kẻ này ở với Chúa, lại Thiên Chúa ở cùng họ” (1 Ga 4,16). Mà đức mến là tình yêu đối với Thiên Chúa. Vậy cũng một lý do, mọi tình yêu thực hiện sự ở trong nhau của kẻ yêu và kẻ được yêu. TRẢ LỜI: Việc kẻ yêu ở trong kẻ được yêu và đổi lại, được hiểu ở hai phương diện của sự biết và của thị dục. Về phương diện thứ nhất, người ta nói kẻ được yêu ở trong kẻ yêu theo tư cách họ ở trong sự biết của kẻ yêu, theo lời nói của thánh Phao-lô: “Tôi mang anh em trong lòng” (Pl 1,7). Nhưng người ta nói kẻ yêu ở trong kẻ được yêu do sự biết trong tư cách nó không tự thỏa mãn được bằng sự biết qua loa về kẻ được yêu, nhưng nỗ lực tìm hiểu cặn kẽ về tất cả những gì quan hệ với họ và như vậy đi vào sâu xa trong thâm tâm của họ; đó là ý nghĩa của những tiếng nói được ứng dụng cho Đức Chúa Thánh Thần, Tình yêu Thiên Chúa: “Thánh thần dò xét cả những sự sâu nhiệm về Thiên Chúa” (1Cr 2,10). Còn về phương diện của năng lực thị dục, người ta nói kẻ được yêu ở trong kẻ yêu theo tư cách ở trong lòng của họ do một sự bằng lòng nào đó; đến nỗi kẻ được yêu được vui thú về kẻ yêu hoặc về các sự tốt của kẻ yêu, khi chúng hiện diện; nếu chúng vắng mặt, sự ước muốn của kẻ được yêu hướng về chính kẻ yêu bằng tình yêu ham muốn, hoặc hướng về các sự tốt mà kẻ được yêu muốn cho họ do tình yêu bằng hữu. Và đó không phải lý do nào ngoại khởi, như khi người ta muốn sự tốt cho một người nào vì một cái gì khác, nhưng do sự bằng lòng của người được yêu đã được làm cho bám chặt trong lòng kẻ yêu. Đổi lại, kẻ yêu ở trong kẻ được yêu hai thể cách khác nhau tùy theo tình yêu ham muốn hoặc tình yêu bằng hữu. Tình yêu ham muốn không nghỉ ngơi trong sự chiếm hữu hay sự vui hưởng bên ngoài và ngoài mặt của kẻ được yêu, nhưng nó tìm kiếm chiếm hữu hoàn toàn kẻ được yêu và phối hợp mật thiết nhất với họ. Trong tình yêu bằng hữu thì trái lại, kẻ yêu ở trong kẻ được yêu theo ý nghĩa kẻ yêu coi các sự tốt hoặc các sự xấu của kẻ được mình yêu là những sự tốt hoặc sự xấu của mình, và ý chí của kẻ được mình yêu là ý chí riêng của mình, đến nỗi xem ra lãnh nhận và cảm thấy những sự tốt hoặc sự xấu ngay ở trong kẻ được mình yêu. Do đó, Triết gia nói: “Đặc tính của các bằng hữu là muốn cũng những sự vật khác nhau, có cũng những sự đau khổ như nhau và cũng những vui thú như nhau” (Eth. 3,4). Như vậy, theo tư cách kẻ yêu coi là của mình những gì thuộc về kẻ được mình yêu, thì kẻ yêu xem ra hiện hữu trong kẻ mình yêu và dường như được đồng nhất hóa với họ. Trái lại, theo tư cách kẻ yêu muốn và hành động cho kẻ được mình yêu như cho chính mình, coi họ là một với mình, đó là kẻ được yêu ở trong kẻ yêu. Còn thể cách thứ ba hiểu sự ở trong nhau do tình yêu bằng hữu; đó là sự ở trong nhau của tình yêu đáp lại tình yêu: các bằng hữu yêu nhau, muốn và làm cho nhau sự tốt. GIẢI ĐÁP: 1. Kẻ được yêu chứa đựng trong kẻ yêu, theo tư cách được ghi tạc, trong lòng họ do sự bằng lòng nào đó. Đổi lại, kẻ yêu được chứa đựng trong kẻ được yêu theo ý nghĩa gắn chặt sự mật thiết của kẻ mình yêu. Không gì ngăn trở việc người ta chứa đựng hoặc được chứa đựng theo nhiều thể cách; cũng như giống được chứa đựng trong loại, và đổi lại. 2. Sự hiểu biết của trí năng đi trước sự chuyển động của tình yêu. Vậy cũng như trí năng làm việc điều tra của mình, sự xúc động của tình yêu lẻn vào lòng của kẻ được yêu, như người ta vừa nói. 3. Vấn nạn này được rút lấy từ cách thứ ba ở trong nhau và, được chứng nghiệm trong mọi tình yêu.
TIẾT 3 XUẤT THẦN CÓ PHẢI LÀ HIỆU QUẢ CỦA TÌNH YÊU KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra không có như vậy. 1. Xuất thần xem ra gây nên một thứ thác loạn mà tình yêu không sản xuất nó luôn luôn vì những kẻ yêu nhau đôi khi bảo toàn sự chiếm hữu mình. Vậy tình yêu không sản xuất sự xuất thần. 2. Kẻ yêu ước muốn kẻ được mình yêu phối hợp với mình. Vậy nó lôi kéo họ lại với mình, chứ không đi ra khỏi mình mà đến với họ. 3. Tình yêu phối hợp kẻ được yêu với kẻ yêu, như người ta mới nói. Vậy nếu kẻ yêu hướng ra khỏi mình để phối hợp với kẻ được yêu, thì họ luôn luôn yêu kẻ khác hơn mình, và điều này sai lầm. Do đó, xuất thần không phải là hiệu quả của tình yêu. TRÁI LẠI: Denys viết: “Tình yêu Thiên Chúa sản xuất sự xuất thần” và “chính Thiên Chúa đã đi ra ngoài Mình vì tình yêu” (De Div. 4,13). Vậy bởi vì mọi tình yêu là một sự tương tự nào đã được thông phần do tình yêu của Thiên Chúa, như ông giải thích ở đoạn văn ấy, thì xem ra mọi tình yêu là nguyên nhân của sự xuất thần. TRẢ LỜI: Người ta nói người nào xuất thần khi họ được đặt bên ngoài mình. Điều này có thể xuất hiện trong trật tự tri thức và trong trật tự thị dục. Trong trật tự tri thức, người ta nói về một người nào đặt mình ra bên ngoài mình, khi họ bị lôi kéo ra ngoài sự hiểu biết riêng của mình. Điều này có thể xuất hiện khi họ được đem vào sự hiểu biết cao hơn, dường như được nâng lên cao trên sự biết một vài sự vật vượt qua tầm biết của các giác quan và trí năng và do đó người ta nói kẻ ấy xuất thần, bởi vì họ được đem ra ngoài sự biết tự nhiên của trí năng và các giác quan của mình. Hoặc điều này có thể xảy ra bởi vì họ bị làm quá sút kém tinh thần, và khi nào bị hôn mê hoặc bệnh điên, người ta nói họ xuất thần. Trong trật tự thị dục người ta nói có sự xuất thần khi thị dục của người nào hướng tới người khác bằng cách nói được là ra khỏi mình. Chính tình yêu sản xuất loại xuất thần thứ nhất bằng cách sắp đặt trong tư cách nó làm cho suy niệm về điều người ta yêu, như chúng ta đã nói ở tiết trước, và sự suy niệm mãnh liệt này về một sự vật nào làm cho quên hết thảy các sự vật khác. Về loại xuất thần thứ hai, tình yêu là nguyên nhân trực tiếp của nó: cách thuần túy và đơn giản trong tình yêu bằng hữu, và bằng cách nào đó mà thôi trong tình yêu ham muốn. Vì, trong tình yêu ham muốn, kẻ yêu một cách nào đó hướng ra khỏi mình, bởi vì không bằng lòng thưởng thức sự tốt mình chiếm, nó tìm thưởng thức cái gì bên ngoài mình. Nhưng sự tốt bên ngoài này, nó tìm kiếm cho được có chính mình, thật sự nó không ra ngoài mình, tình yêu như thế cuối cùng đóng kín sự tốt đó cho mình. Còn trong tình yêu bằng hữu, tình yêu một cách tuyệt đối ra khỏi mình, vì người ta muốn sự tốt cho bạn hữu mình và người ta làm việc ở đó dường như lo lắng săn sóc chính mình và như thế vì bạn hữu mình. GIẢI ĐÁP: 1. Vấn nạn thứ nhất chỉ có giá trị đối với loại xuất thần thứ nhất. 2. Lý do này có giá trị đối với tình yêu ham muốn: mà tình yêu ham muốn không sản xuất sự xuất thần theo nghĩa thuần túy và đơn giản. 3. Kẻ yêu đi ra khỏi mình theo mức độ họ muốn sự tốt của bạn hữu mình là sự tốt của riêng chính mình; vậy không do đó mà họ yêu kẻ khác hơn mình.
TIẾT 4 SỰ GANH CÓ PHẢI LÀ HIỆU QUẢ CỦA TÌNH YÊU KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra không có như thế. 1. Sự ganh là một nguồn gốc sinh ra sự cãi nhau theo lời ghi chép: “Bởi giữa an hem có sự ganh và tranh luận” (1Cr 3,3). Vậy ganh không phải là hiệu quả của tình yêu, vì tình yêu tránh xa tranh luận. 2. Đối tượng của tình yêu là sự tốt, có khuynh hướng chuyển thông chính mình. Mà ganh đối lập với sự chuyển thông; nó không chấp nhận phân chia đối tượng của tình yêu mình; do đó, người ta nói các người đàn ông ganh về vợ của họ, họ không muốn có vợ chung với những người đàn ông khác. Vậy ganh không phát xuất bởi tình yêu. 3. Có sự ganh, thì có sự ghen ghét và tình yêu, theo lời ghi chép: “Tôi ganh các kẻ kiêu căng” (Tv 73,3). Vậy người ta không nói được sự ganh là hiệu quả của tình yêu, như là hiệu quả của sự ghen ghét. TRÁI LẠI: Theo Denys: “Thiên Chúa được gọi là ganh vì tình yêu vĩ đại Ngài yêu các hữu thể” (De Div. Nom., 4,13). TRẢ LỜI: Sự ganh được hiểu theo bất cứ ý nghĩa nào, phát xuất bởi sự mãnh liệt của tình yêu. Vì rõ ràng một sức lực càng hướng mãnh liệt tới sự vật nào, nó càng mãnh liệt xô đuổi cái gì tương phản hay đối lập. Mà thánh Augustinô nói: “Tình yêu là một thứ chuyển động hướng về kẻ được yêu” (83 Quaest. Q.45); một tình yêu cháy hừng tìm trục xuất mọi cái gì đối lập với mình. Nhưng điều này xảy ra một cách khác nhau trong tình yêu ham muốn và tình yêu bằng hữu. Trong tình yêu ham muốn, kẻ mãnh liệt ước muốn một cái gì, nổi giận chống lại bất cứ cái gì ngăn cản việc họ đạt được điều họ yêu hay thưởng thức nó một cách yên tĩnh. Chính theo ý nghĩa này mà người ta nói các ông chồng ganh về các bà vợ của mình: họ không muốn điều họ tìm kiếm cách duy nhất nơi các bà vợ bị ngăn trở bởi sự chung sống của những đàn ông khác. Cũng vậy, những người tham vọng địa vị chức quyền đứng lên chống đối các người xem ra ở trên, dường như các kẻ ấy ngăn trở sự ở trên riêng của họ: đó sự ganh tị, đố kỵ mà thánh vịnh đề cập đến: “Ganh làm chi những phường gian ác; đừng thèm đố kỵ tụi hay làm càn” (Tv 37,1). Trái lại, ở nơi tình yêu bằng hữu, người ta tìm kiếm sự tốt của bạn hữu, và khi tình yêu mãnh liệt, nó dựng đứng kẻ yêu lên chống lại tất cả những gì đối lập với sự tốt của bạn hữu của họ. Như vậy, người ta nói về người nào ganh về bạn hữu của mình khi họ để cả ý chí vào việc đẩy ra xa các lời nói hoặc các hành vi trái ngược với sự tốt của bạn hữu mình. Chính sự ganh này làm cho người ta hang hái đối với Thiên Chúa khi người ta làm hết sức mình ngăn cản những gì trái ngược với vinh quang Thiên Chúa hoặc ý chí Ngài theo lời ghi chép: “Tôi nhiệt thành và ganh đối với Thiên chúa quân lực” (1V 19,10). Về lời nói của thánh Gioan (Ga 2,17): “Sự ganh nhiệt thành sốt sắng nhà Chúa hao tổn thân tôi”, sách Chú giải cũng nói: “Những kẻ này cũng được thiêu đốt bởi sự ganh tốt lành, đó là những kẻ cố gắng cải thiện những gì họ trông thấy có cái xấu, và nếu không thành công được, họ chịu đựng một cách đau khổ”. GIẢI ĐÁP: 1. Ở đoạn văn này thánh Phao-lô nói về sự ganh xui giục những sự cãi cọ tranh luận, hẳn không phải chống lại sự vật được yêu, nhưng ủng hộ nó và chống lại cái gì gây trở ngại cho nó. 2. Sự tốt được yêu mến trong tư cách nó có thể chuyển thông mình cho kẻ yêu. Do đó, mọi cái gì ngăn trở sự hoàn hảo của sự chuyển thông này bị coi là đáng ghét. Và trong trường hợp này sự ganh được gây nên bởi tình yêu sự tốt. Nhưng xảy ra là một số sự tốt có thiện tính không đầy đủ, ít giá trị không thể được nhiều người chiếm hữu một trật và bằng cách vẹn toàn. Đó là tình yêu các sự tốt như thể sinh ra sự ganh không phải như vậy, nói cách đích xác, khi nói về các sự tốt mà nhiều người có thể chiếm hữu đầy đủ: không một ai ganh kẻ khác về sự học biết của họ về chân lý là nhiều người có thể chiếm được cách toàn vẹn. Người ta chỉ có thể ganh về người chiếm hữu cách thượng hạng. 3. Chính công việc người ta ghét cái gì đối lập với bạn hữu phát xuất bởi tình yêu. Do đó sự ganh một cách chính xác, là hiệu quả của tình yêu đúng hơn là của sự ganh ghét.
TIẾT 5 TÌNH YÊU LÀ ĐAM MÊ LÀM THƯƠNG TỔN KẺ YÊU KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra tình yêu là đam mê làm thương tổn kẻ yêu. 1. Sự suy nhược là một thứ làm thương tổn. Mà tình yêu gây nên sự suy nhược theo lời ghi chép: “Xin lấy hoa đẹp nâng đỡ tôi, xin dùng trái táo ngon bổ sức tôi, bởi tôi suy nhược vì tình yêu” (Dc 2,5). Vậy tình yêu là đam mê làm thương tổn. 2. Sự làm hóa nước là một thứ phẩm chất. Mà tình yêu làm hóa nước, theo lời ghi chép: “Tâm hồn tôi hóa nước lúc người yêu của tôi đã nói ra” (Dc 5,6). Vậy tình yêu phân chất, phá hủy và làm thương tổn. 3. Sự hăng hái biểu lộ một sự thái quá về sự nóng, có khả năng phá hủy. Mà sự hăng hái được tình yêu gây nên, vì Denys tỏ ra cho biết giữa các đặc tính tình yêu của Ái thần thì có sự nóng, sự sáng suốt và cái gì hơn sự hăng hái (De Cael. Hier., 7,1). Cũng có lời ghi chép: biểu thị các sự nóng dữ dội của tình yêu là những sự nóng dữ dội của lửa và của ngọn lửa (Dc 8,6). Vậy tình yêu là đam mê làm thương tổn và phá hủy. TRÁI LẠI: Denys viết: “Mọi vật yêu nhau bằng cách bảo tồn. Vậy tình yêu không phải là đam mê làm thương tổn, nhưng bảo tồn và làm cho hoàn hảo” (De Div. Nom. 4,10). TRẢ LỜI: Chúng ta đã nói (q.26, a.1 và 2), tình yêu biểu thị một sự thích nghi của năng lực tình cảm với sự tốt. Mà không vật nào bị thương tổn trong việc được trưởng thành thích nghi với cái gì thích hợp với mình. Đúng hơn là nó được hoàn thành, nếu có thể nhờ đó nó trở nên tốt hơn. Trái lại, cái gì muốn được thích nghi với sự vật không thích hợp với mình thì bị thương tổn và bị làm hư hại bởi nó. Do đó, nhân loại được làm trở nên hoàn hảo và tốt hơn nhất là bởi tình yêu Thiên Chúa, trong khi họ bị thương tổn và hư hại bởi tình yêu tội lỗi, theo lời ghi chép: “Chúng trở nên đáng ghét như đối tượng của tình yêu chúng nó” (Hs 9,10). Điều đó phải được hiểu về tình yêu ở phương diện mô thể của nó, nghĩa là ở phương diện thị dục. Còn về phần chất thể của đam mê tình yêu, tức là sự biến đổi nào hữu hình, xảy ra tình yêu do một sự thái quá nào đó, làm thương tổn như xảy ra trong hành động tính của các giác quan và trong mọi hành động của năng lực của linh hồn được thể hiện với sự biến đổi của cơ quan hữu hình. GIẢI ĐÁP: Với ba vấn nạn người ta phải trả lời bằng cách chỉ về tình yêu bốn hiệu quả trực tiếp: sự làm hóa nước, sự vui thú, sự suy nhược và sự hăng hái. Hiệu quả thứ nhất trong bốn hiệu quả này là sự làm hóa nước; đối lập với sự đông lại. Thì ra cái gì đông lại, riết mình lại đến nỗi không cái gì có thể thấu nhập nó cách dễ dàng. Trái lại, tình yêu sắp đặt thị dục để lãnh nhận sự tốt được nó yêu đến nỗi kẻ được yêu ở trong kẻ yêu như chúng ta đã thấy. Vậy người ta thấy sự đông lại hay sự cứng của tâm hồn là sự sắp đặt đối lập với tình yêu, trong khi sự làm hóa nước bao hàm sự thành ra mềm cho phép tâm hồn tự hiến dâng cho sự thấu nhập kẻ được yêu. Vậy nếu kẻ được yêu hiện diện và được chiếm hữu, đó là sự vui hay khoái lạc; nếu kẻ được yêu vắng mặt, thì xuất hiện hai đam mê khác: sự buồn về sự vắng mặt hay sự suy nhược, do đó mà Cicéron (De Tuscul, Quaest. 3,11) gọi sự buồn là bệnh hoạn hơn các đam mê khác; và sự ước muốn mãnh liệt đạt được sự vật người ta yêu, và sự ước muốn này được gọi là sự hăng hái. Bốn hiệu quả này được sản xuất bởi tình yêu được xét cách mô thể, theo quan hệ của năng lực thị dục đối với đối tượng của mình. Nhưng trong đam mê tình yêu, các hiệu quả khác do đó mà ra, tương ứng với bốn hiệu quả trước, và đã tạo nên bởi sự biến đổi trong các cơ quan.
TIẾT 6 TÌNH YÊU LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA TẤT CẢ NHỮNG CÁI GÌ NGƯỜI TA LÀM KHI NGƯỜI TA YÊU KHÔNG? VẤN NẠN: Xem ra không phải như vậy. 1. Tình yêu là đam mê. Mà tất cả những cái gì nhân loại làm, không làm vì đam mê; họ làm những cái này bởi sự lựa chọn; làm những cái kia bởi không biết, như Triết gia nói (Eth. 8,8; 9,12). Vậy tất cả những gì người ta làm, người ta không làm vì tình yêu. 2. Thị dục là nguyên lý của sự chuyển động và của hành động ở nơi mọi thú vật như Triết gia minh chứng (De An. 10,3). Vậy nếu người ta làm mọi sự vì tình yêu, các đam mê khác của thị dục thì thừa. 3. Không cái gì một trật phát xuất bởi các nguyên nhân tương phản. Mà có những điều thực hiện bởi sự ghét. Vậy tất cả những gì được làm không đều bởi tình yêu. TRÁI LẠI: Denys viết: “Chính bởi tình yêu sự tốt mà tất cả mọi vật làm tất cả điều chúng làm” (De Div. Nom., 4,10). TRẢ LỜI: Mọi tác nhân hành động vì mục đích, như chúng ta đã nói (q.1, a.2). Mà mục đích là sự tốt được mọi người ước muốn và yêu mến. Vậy rõ ràng mọi tác nhân hoàn thành tất cả mọi hành động vì tình yêu. GIẢI ĐÁP: 1. Vấn nạn này được căn cứ trên tình yêu, và tình yêu này là đam mê hiện hữu trong giáo dục. Mà chúng ta đang nói ở đây về tình yêu theo nghĩa rộng trong tư cách nó bao gồm tình yêu trí năng, tình yêu lý trí, tình yêu thú tính và tình yêu tự nhiên. Chính như thế mà Denys nói về tình yêu (De Div. Nom. 4,10). 2. Chúng ta đã nói (a.5) do tình yêu mà phát xuất sự ước muốn, sự buồn và sự vui cùng mọi đam mê khác. Do đó mà mọi hành động phát xuất bởi bất cứ đam mê nào đều phát xuất bởi tình yêu là nguyên nhân đầu tiên của mình. Các đam mê khác không thừa: đó là những nguyên nhân gần. 3. Sự ghét được tạo nên bởi tình yêu, như chúng ta sắp đề cập đến.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC