SIÊU LÝ TÌNH YÊU
Bài bốn (I-II-III)
VLADIMIR SOLOVIEV (1853-1900)
PHẠM VĨNH CƯ dịch
I
Có điều rõ ràng hết sức là chừng nào con người còn sinh đẻ như con vật, nó còn chết như con vật. Nhưng mặt khác cũng rõ không kém, là sự kiêng kị đơn thuần hành vi sinh dục cũng không giải thoát khỏi cái chết: những người giữ trọn chữ trinh vẫn chết, cũng như những người đã hoạn; cả hai loại người này thậm chí đều chẳng được hưởng sự trường thọ nào đặc biệt. Điều này thật dễ hiểu. Sự chết nói chung là sự phản tích hợp của sinh linh, sự phân rã các nhân tố hợp thành nó. Thế nhưng sự phân chia giới tính, mà sự kết hợp bên ngoài và trong phút giây trong hành vi sinh dục không xoá bỏ nổi - sự phân chia bản nguyên nam và bản nguyên nữ của sinh linh con người tự nó đã là trạng thái phản tích hợp và là khởi nguyên của sự chết. Tồn tại trong phân chia giới tính tức là tồn tại trên đường đến cái chết, và ai không muốn hoặc không thể bước ra khỏi con đường ấy, sẽ phải đi đến tận cùng. Ai nuôi dưỡng gốc rễ của sự chết, người ấy tất yếu sẽ nếm trái của nó. Chỉ có con người nguyên vẹn mới có thể là bất tử, và nếu sự giao hợp sinh lý không thể khôi phục thật sự thể nguyên vẹn của sinh linh con người, thì có nghĩa là sự giao hòa hư ảo ấy phải được thay thế bằng giao hòa thực thụ, chứ tuyệt không phải bằng sự kiêng kị mọi sự giao hòa, tức là tuyệt không bằng cố gắng giữ trong nguyên trạng cái bản chất bị chia cắt, bị phân li và do đó mà hữu tử của con người.
Thế thì sự liên kết chân chính hai giới là thế nào và thực hiện bằng cách nào ? Cuộc sống của chúng ta còn quá xa chân lý về phương diện này, đến nỗi ở đây cái được coi là chuẩn mực chẳng qua chỉ là cái bất chuẩn ít cực đoan hơn, ít trơ trẽn hơn. Cái này còn phải được giải thích, trước khi đi tiếp.
II
Gần đây trong sách báo tâm thần học của Đức và Pháp xuất hiện một số công trình chuyên khảo nói về cái mà tác giả một công trình gọi là psychopathia sexualis (bệnh lý tâm thần tính dục), tức là những sự lệch chuẩn khác nhau và đa dạng trong quan hệ tính dục. Những công trình ấy, ngoài sự lý thú chuyên môn cho các nhà luật gia, cho y khoa và cho bản thân các bệnh nhân, còn thú vị từ một mặt khác, mà có lẽ cả các tác giả lẫn đa số độc giả đều không nghĩ đến. Cụ thể là, trong các chuyên khảo ấy được viết bởi những nhà khoa học rất khả kính và chắc có đạo đức không thể chê trách, cái khiến ta kinh ngạc là sự thiếu vắng mọi khái niệm rõ ràng và xác định về tiêu chuẩn của các quan hệ tính dục, về cái là và vì sao là thích đáng trong lĩnh vực này; do đó ngay sự xác định những lệch chuẩn, tức là bản thân đối tượng của những khảo cứu ấy, hóa ra cũng là một việc ngẫu nhiên và tuỳ tiện. Tiêu chuẩn duy nhất ở đây té ra là tính thường lệ hay bất thường của các hiện tượng: những ham mê và hành động nào tương đối hiếm hoi trong lĩnh vực tính dục thì được xem là những lệch chuẩn bệnh lý, cần chữa trị, còn những ham mê và hành động thông thường và phổ biến thì được định ước trước là hợp chuẩn. Sự lẫn lộn chuẩn với cái lệch chuẩn phổ biến, sự đồng nhất cái phải có với cái thường có ở đây đôi khi đạt mức khôi hài cao. Chẳng hạn, trong phần giải nghi học của một trong những công trình ấy, dưới mấy mục, ta thấy lặp đi lặp lại một liệu pháp sau đây: một phần bằng những khuyến dụ y học kiên trì, nhưng chủ yếu bằng ám thị thôi miên, người ta khiến bệnh nhân luôn luôn tưởng tượng ra hình ảnh phụ nữ khoả thân hay là những cảnh làm tình tuy thô bỉ, nhưng phổ biến, và sau đó cuộc chữa trị được thừa nhận là thành công và sự phục hồi sức khoẻ là đầy đủ, nếu do ảnh hưởng của sự kích thích nhân tạo ấy bệnh nhân bắt đầu chăm lui tới các lupanaria (nhà chứa) một cách đầy thích thú và có thành tích ... Đáng ngạc nhiên là các nhà học giả khả kính ấy đã không bị bắt đứng lại bởi một suy nghĩ đơn giản là cái kiểu liệu pháp ấy càng thành công bao nhiêu, thì bệnh nhân càng dễ bị đặt vào tình huống phải từ một bộ môn y khoa này cầu viện sự giúp đỡ của bộ môn khác, và thắng lợi vẻ vang của nhà tâm thần học có thể sẽ làm cho nhà da liễu học rất vất vả.
Những biểu hiện méo mó lệch lạc của tính dục được nghiên cứu trong các sách y khoa quan trọng đối với chúng ta như một sự phát triển cực đoan cái đã đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của xã hội chúng ta, cái vẫn được xem là bình thường, là được cho phép. Những biểu hiện bất thường ấy chỉ biểu thị sắc nét hơn cái tồi tệ xấu xa đã ăn sâu vào trong những quan hệ cuả chúng ta trong lĩnh vực này. Có thể chứng minh ý này bằng sự xem xét tất cả những sa đoạ tính dục riêng lẻ, nhưng tôi hi vọng trong việc này, người ta sẽ châm chước cho tôi sự luận chứng không đầy đủ và xin được giới hạn chỉ bằng một hiện tượng dị thường chung hơn và ít gây tởm hơn trong lĩnh vực tính dục. Ở nhiều người hầu như chỉ thuộc giới nam, dục hứng được kích thích chủ yếu và đôi khi chỉ bởi một bộ phận này hay bộ phận khác trong con người khác giới (thí dụ: tóc, tay, chân), và thậm chí bởi những vật bên ngoài - những bộ phận xác định của y phục, v.v... Cái dị thường này được gọi là thói thờ vật trong tình yêu. Sự bất bình thường của thói thờ vật ấy chắc là ở chỗ một bộ phận được đặt vào vị trí của chỉnh thể, một thuộc tính - vào vị trí của bản chất. Nhưng nếu tóc hay chân kích thích người thờ vật là những bộ phận của thân thể phụ nữ thì chính cái thân thể ấy, với toàn bộ thành phần của nó, chỉ là một bộ phận của sinh linh nữ, nhưng tuy thế, biết bao nhiêu vị chuyên yêu thích thân thể phụ nữ không hề gọi mình là những kẻ thờ vật, không bị coi là mất trí và không phải điều trị gì hết. Thế thì nơi đây sự khác biệt là ở đâu? Chẳng lẽ chỉ ở chỗ tay hoặc chân có diện tích ít hơn toàn bộ thân thể?
Nếu, xét về nguyên tắc, quan hệ tính dục, mà trong đó bộ phận được đặt vào chỗ của chỉnh thể, là không bình thường, thì những người bằng cách này hay cách kia mua thân thể phụ nữ để thoả mãn nhục dục và bằng cách ấy chia cắt thân thể khỏi linh hồn, những người ấy lẽ ra phải được xem là bất bình thường về phương diện tính dục, là mắc chứng tâm thần, là những kẻ thờ vật trong tình yêu, và thậm chí là những kẻ yêu thích xác chết. Nhưng trong khi ấy thì những người yêu xác chết và đương chết trong khi còn sống ấy lại được coi là những người bình thường và hầu như toàn thể loài người đều đi qua cái chết thứ hai ấy!
Lương năng chưa bị dập tắt và cảm quan thẩm mỹ chưa chai sạn của ta, hòa hợp hoàn toàn với nhận thức triết học, rõ ràng lên án mọi quan hệ tính dục đặt trên cơ sở tách rời và biệt lập cái lĩnh vực cấp thấp, cấp động vật, của sinh linh con người khỏi những lĩnh vực cấp cao. Mà ngoài nguyên tắc ấy không thể tìm ra một tiêu chí vững chắc nào để phân biệt cái bình thường, cái hợp chuẩn với cái không bình thường, cái bất chuẩn trong lĩnh vực tính dục. Nếu nhu cầu về một số hành vi sinh lý nhất định có quyền được thoả mãn bằng bất cứ giá nào chỉ vì đó là nhu cầu, thì hoàn toàn cũng có quyền được thoả mãn như thế cả nhu cầu của anh “thờ vật trong tình yêu’’, mà đối tượng mong muốn duy nhất của y về phương diện tính dục chỉ là cái tạp dề treo trên dây, vừa mới giặt và còn chưa khô. Nếu cố tìm khác biệt giữa con người kì cục ấy và một vị khách thường kì của nhà chứa thì, dĩ nhiên, sự khác biệt ấy sẽ có lợi hơn cho anh thờ vật: niềm ham mê cái tạp dề rõ ràng là tự nhiên, không giả vờ, bởi vì không thể nghĩ ra một động cơ giả tạo nào cho nó, trong khi đó thì nhiều người lui tới nhà chứa tuyệt không phải vì có nhu cầu thật, mà chỉ vì những lý do vệ sinh giả tạo, vì bắt chước những gương xấu, vì quá chén,v.v...
Người ta lên án những biểu hiện bệnh lý tâm thần của dục tính trên căn cứ chúng không ứng hợp với chức năng tự nhiên của hành vi tính giao, tức là sinh con đẻ cái. Tất nhiên sẽ là nghịch lý khẳng định rằng cái tạp dề mới giặt hay thậm chí chiếc giày đã mòn gót có thể phục vụ cho việc sản sinh con cái; nhưng chắc sẽ là không kém nghịch lý khẳng định rằng thiết chế gái điếm phù hợp với mục đích ấy. Sự trụy lạc "tự nhiên" xem ra cũng đối nghịch với sự sinh con đẻ cái như là cái truỵ lạc "phản tự nhiên", cho nên cả từ quan điểm này cũng không có căn cứ nào để cho một trong hai cái là hợp chuẩn, còn cái khác là phi chuẩn. Còn nếu, cuối cùng, đứng trên quan điểm cái có hại cho mình và cho những người khác thì, tất nhiên, một anh thờ vật, cắt trộm mớ tóc hay là đánh cắp mùi soa của những phụ nữ không quen biết, gây thiệt hại cho sở hữu của người khác và cho danh dự của chính mình, nhưng lẽ nào có thể so sánh thiệt hại ấy với cái hại được gây bởi những con người bất hạnh đương quảng bá cái bệnh truyền nhiễm khủng khiếp thường là hậu quả của sự thoả mãn "tự nhiên" một nhu cầu "tự nhiên"?
III
Tôi nói tất cả những cái đó không phải để biện hộ cho những phương thức phản tự nhiên, mà để lên án những phương thức giả tự nhiên trong sự thoả mãn dục tình. Nhìn chung, nói về tính tự nhiên hay phản tự nhiên, không nên quên rằng con người là một sinh linh phức hợp và cái là tự nhiên cho một trong những yếu tố hay là phần tử cấu thành của nó có thể là phản tự nhiên đối với yếu tố khác và do đó là không bình thường đối với chỉnh thể con người.
Đối với con người với tư cách một động vật, hoàn toàn tự nhiên thoả mãn không giới hạn nhu cầu tính dục của mình thông qua một hành vi sinh lý xác định, nhưng con người như một sinh linh hữu luân thấy hành vi ấy là đối nghịch với bản chất cao cấp của mình và hổ thẹn nó... Với tư cách một động vật xã hội, là tự nhiên đối với con người hạn chế chức năng sinh lý có liên quan đến những người khác bằng những quy định của luật lệ đạo đức-xã hội. Luật lệ ấy giới hạn từ bên ngoài và khép kín hoạt động động vật ấy, biến nó thành phương tiện cho một mục đích xã hội - hình thành liên minh gia đình. Nhưng bản chất vấn đề không vì thế mà thay đổi. Liên minh gia đình dẫu sao vẫn dựng xây trên sự liên kết vật chất bên ngoài giữa hai giới, nó để con người-con vật ở lại trong trạng thái phân hóa nửa vời trước đây, mà trạng thái ấy tất yếu dẫn đến sự tiếp tục phân hóa sinh linh con người, tức là đến sự chết.
Nếu mà con người, ngoài bản chất động vật của mình, chỉ là một sinh linh đạo đức-xã hội, thì trong hai yếu tố đối đầu ấy - tự nhiên như nhau cho con người - thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về yếu tố thứ nhất. Luật lệ đạo đức-xã hội và thể khách thể hóa của nó - gia đình - đưa bản chất động vật của con người vào trong đường biên cần thiết cho sự tiến bộ của chủng loại, chúng trật tự hóa cuộc sống hữu tử, nhưng không mở đường đến sự bất tử. Sinh linh cá thể cũng hao mòn và chết trong trật tự đạo đức-xã hội như giả sử nó ở lại mãi mãi dưới quy luật sự sống động vật. Con voi và con quạ hóa ra trường thọ hơn rất nhiều so với một con người đức hạnh nhất và quy củ nhất. Nhưng ở con người, ngoài bản chất động vật và luật lệ đạo đức-xã hội còn có bản nguyên thứ ba, cao nhất - bản nguyên tinh thần, thần bí hay thần thánh. Cả ở đây, trong lĩnh vực tình yêu và quan hệ tình dục, nó cũng là hòn đá mà những người thợ xây đã bỏ đi, nhưng hóa ra nó lại là đá nền. Đi trước sự liên kết sinh lý trong tự nhiên động vật - sự liên kết này dẫn đến sự chết, và đi trước sự liên kết hợp pháp trong trật tự đạo đức-xã hội - trật tự này không cứu khỏi cái chết - phải có sự liên kết trong Thượng Đế, nó đưa đến sự bất tử, bởi vì nó không chỉ giới hạn sự sống hữu tử của giới tự nhiên bằng luật lệ con người, mà tái sinh sự sống ấy bằng sức mạnh vĩnh cửu và bất hủ của thiên ân. Cái phần tử thứ ba ấy mà trong trật tự chân chính là thứ nhất, với những đòi hỏi của nó, là hoàn toàn tự nhiên đối với con người trong chỉnh thể của nó như một sinh linh dự phần vào bản nguyên thánh thần tối cao và làm môi giới giữa bản nguyên ấy và thế giới. Còn hai phần tử cấp thấp hơn - bản chất động vật và luật lệ xã hội - cũng tự nhiên ở vị trí của mình, chúng trở lên phản tự nhiên, khi bị đặt tách rời khỏi phần tử cấp cao nhất ấy và thay thế nó. Trong lĩnh vực tình yêu hữu tính, là phản tự nhiên đối với con người không chỉ mọi sự thoả mãn những nhu cầu nhục thể một cách vô trật tự, thiếu ánh sáng thiêng hóa từ trên cao của tinh thần, y như những con vật (ấy là chưa nói đến những hiện tượng bệnh lý tâm thần tính dục quái đản) mà còn không xứng đáng với con người và là phản tự nhiên cả những liên minh giữa những cá nhân được giao ước và duy trì chỉ trên cơ sở luật lệ dân sự, chỉ vì những mục đích luân lý-xã hội, với sự loại bỏ hay là vô hiệu hóa yếu tố đích thị tinh thần, yếu tố thần bí ở con người. Nhưng chính sự xếp đặt đảo ngược như thế những quan hệ hữu tính, phản tự nhiên từ quan điểm sinh linh con người toàn vẹn, lại thống ngự trong đời sống chúng ta và được xem là bình thường, hợp chuẩn, còn tất cả sự lên án thì trút xuống những con người bất hạnh, mắc bệnh thái nhân cách trong tình yêu, họ chỉ đẩy đến những cực đoan nực cười, quái dị, đôi khi đáng tởm, nhưng phần lớn tương đối vô hại cái lệch lạc méo mó cơ bản được người đời chấp nhận và thống ngự khắp nơi ấy.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC