Triết học tình yêu

Tổng luận thần học: Nguyên nhân của tình yêu

TỔNG LUẬN THẦN HỌC

VỀ ĐAM MÊ (Câu hỏi 22-48)

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÂU HỎI 27

NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH YÊU (4 Tiết)

 

THOMAS AQUINO (1225-1274)

Lm. Jos. TRẦN NGỌC CHÂU dịch

 


Thomas Aquino. “Câu hỏi 29: Sự ghét”. Tổng luận thần học. Quyển II, Phần 1, tập II. Lm. Jos. Trần Ngọc Châu dịch, Lm. Lud. Nguyễn Văn Hạnh hiệu đính.| Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn do bạn Đinh Anh Thư đánh máy. || Bản dịch tiếng Anh: https://www.sacred-texts.com/chr/aquinas/summa/sum162.htm


 

1. Sự tốt là nguyên nhân duy nhất của tình yêu?

2. Sự biết là nguyên nhân của tình yêu?

3. Sự tương tự là nguyên nhân của tình yêu?

4. Có đam mê nào khác là nguyên nhân của tình yêu không?

 

TIẾT 1

SỰ TỐT LÀ NGUYÊN NHÂN DUY NHẤT CỦA TÌNH YÊU?

VẤN NẠN: Xem ra sự tốt không phải là nguyên nhân duy nhất của tình yêu.

1. Sự tốt không phải là nguyên nhân của tình yêu trừ phi bởi vì nó được yêu. Mà có thể xảy ra sự xấu cũng được yêu theo lời ghi chép: “Kẻ yêu thích tội lỗi ghét linh hồn mình” (Tv 10,6). Giả như cách khác, hẳn mọi tình yêu đều tốt. Vậy sự tốt không phải là nguyên nhân duy nhất của tình yêu.

2. Triết gia viết: “Chúng ta yêu thích những kẻ nói ra sự xấu ở trong họ” (Reth. 4,27). Vậy xem ra sự xấu là nguyên nhân của tình yêu.

3. Denys viết: “Không những sự tốt, mà còn cái đẹp đáng mọi người yêu” (De Div. Nom. 4,10).

TRÁI LẠI: Thánh Augustinô viết: “Nhất định duy sự tốt được yêu mến” (De Trin. 8,3). Vậy, sự tốt là nguyên nhân duy nhất của tình yêu.

TRẢ LỜI: Chúng ta đã nói ở trước, tình yêu lệ thuộc vào năng lực thị dục, một sức lực thụ động. Vậy đối tượng của nó liên kết với nó trong tư cách là nguyên nhân cho sự chuyển động và hành động của nó. Vậy nguyên nhân riêng của tình yêu phải là đối tượng của chính tình yêu. Mà đối tượng riêng của tình yêu là sự tốt bởi vì như chúng ta đã nói ở trước (q.26,a.1 và 2), tình yêu bao hàm một đồng nhiên tính hoặc sự bằng lòng giữa kẻ yêu và kẻ được yêu; đàng khác, đối với mỗi người, sự tốt là cái gì đồng nhiên và tương xứng với họ. Vậy phải kết luận sự tốt là nguyên nhân riêng của tình yêu.

GIẢI ĐÁP:

1. Sự xấu chỉ được yêu vì yếu tính của sự tốt, nghĩa là theo tư cách nó là sự tốt tương đối mà người ta cho nó là sự tốt thuần túy và đơn giản. Tình yêu như thế là tình yêu xấu, bởi vì nó hướng tới điều không phải là sự tốt đích thực cách tuyệt đối. Chính theo ý nghĩa này mà yêu thích tội lỗi trong tư cách nhờ tội lỗi họ thu được một số sự tốt như sự vui thú, tiền của, v.v…

2. Những kẻ nói ra sự xấu của mình, không được yêu thích vì sự xấu này, nhưng vì họ nói ra sự xấu này; thì ra việc nói ra sự xấu ở trong họ có yếu tính của sự tốt theo tư cách việc đó trục xuất sự nói dối hoặc sự giả đò.

3. Cái đẹp đồng nhất với cái tốt; sự dị biệt duy nhất giữa chúng phát xuất bởi sự trông thấy của trí năng. Sự tốt là cái gì mà mọi hữu thể đều ước muốn và yếu tính của sự tốt cốt tại việc làm thỏa mãn sự ước muốn, còn yếu tính của đẹp cốt tại làm thỏa mãn sự ước muốn của người ta muốn trông thấy nó hoặc hiểu biết nó. Do đó các giác quan được vẻ đẹp gây hứng thú nhất, là những giác quan đem lại sự biết nhiều nhất, tức là thị giác và thính giác, phục vụ cho trí năng; vì chúng ta nói những quang cảnh đẹp và những bản nhạc đẹp. Các đối tượng của các giác quan khác không khêu gợi ý tưởng về vẻ đẹp: người ta không nói về các vị đẹp, mùi đẹp. Điều này chứng tỏ cái đẹp thêm cho cái tốt một quan hệ nào đó với năng lực tri thức; vậy sự tốt là cái gì làm vui thích thị dục cách thuần túy và đơn giản; còn cái đẹp là cái gì được biết thì làm vui thú.

 

TIẾT 2

SỰ BIẾT LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH YÊU?

VẤN NẠN: Xem ra sự biết không phải là nguyên nhân của tình yêu.

1. Nếu người ta tìm kiếm sự vật nào, người ta yêu thích nó. Mà người ta tìm kiếm các sự vật mình không biết như các sự tri thức; mà thánh Augustinô nói: “Đối với các tri thức, việc chiếm hữu chúng và việc biết chúng cũng là một việc” (83 Quaest. Q.35). Vậy, giả như người ta biết chúng, thì người ta chiếm hữu chúng và không tìm kiếm chúng. Vậy sự biết không phải là nguyên nhân của tình yêu.

2. Vì cũng một lý do mà người yêu thích điều mình không biết và yêu thích hơn mình biết: như đối với Thiên Chúa, ở đời này người ta có thể yêu mến Thiên Chúa trong chính Ngài, và không biết được Thiên Chúa trong chính Ngài. Vậy sự biết không phải là nguyên nhân cho tình yêu.

3. Giả như sự biết là nguyên nhân của tình yêu, thì hẳn ở đâu không có sự biết, ở đó không có tình yêu. Mà, Denys nói: “Có tình yêu khắp nơi, mà khắp nơi không có sự biết” (De Div. Nom. 4,10). Vậy sự biết không phải là nguyên nhân của tình yêu.

TRÁI LẠI: Thánh Augustinô nói: “Không ai có thể yêu mến cái gì mình không biết” (De Trin. 10,1).

TRẢ LỜI: Chúng ta nói sự tốt là nguyên nhân của tình yêu theo thể cách của đối tượng. Mà sự tốt là đối tượng của thị dục theo mức độ nó được biết. Do đó, tình yêu đòi phải có sự biết nào đó về sự tốt mà người ta yêu mến. Điều này khiến Triết gia nói: “Sự trông thấy hữu hình là nguyên lý của tình yêu cảm giác” (Eth. 5,3). Cũng vậy, sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoặc thiện tính thiêng liêng là nguyên lý của tình yêu thiêng liêng. Như sự biết là nguyên nhân của tình yêu theo cũng một thế cách sự biết chỉ được yêu mến nếu nó được biết.

GIẢI ĐÁP:

1. Kẻ tìm kiếm sự tri thức, không phải hoàn toàn không biết nó. Người này đã biết nó về phương diện nào đó, hoặc bằng cách tổng quát, hoặc nhờ hiệu quả này hoặc hiệu quả kia trong các hiệu quả của nó, hoặc bởi nghe người ta khen ngợi nó, như thánh Augustinô nhận xét (De Trin. 10,1). Nhưng biết nó như không phải là chiếm hữu nó; cho được chiếm hữu nó, người ta phải biết nó cách hoàn hảo.

2. Phải có nhiều đối với sự hoàn hảo của sự biết hơn đối với sự hoàn hảo tình yêu. Thì ra sự biết lệ thuộc vào trí năng mà công việc làm là phân biệt cái gì đơn nhất trong thực tại và liên kết các nguyên tố đa tạp bằng cách so sánh chúng. Do đó, sự biết hoàn hảo bao hàm việc người ta phải biết trong chi tiết những cái gì thuộc về một thực tại: các phần của nó, các năng lực của nó, các đặc tính của nó. Nhưng tình yêu quan hệ với năng lực thị dục mà năng lực thị dục này nhìn sự vật tùy theo nó đang hiện hữu trong chính mình. Như vậy, có thể xảy ra một sự vật được yêu hơn nó được biết: người ta có thể yêu mến nó cách hoàn hảo mà không biết nó cách hoàn hảo. Đó chính là điều người ta trông thấy rõ ràng đối với các Khoa học mà một số người yêu thích, mặc dầu họ chỉ có một sự biết qua loa về chúng: họ biết, thí dụ, Tu từ học là Khoa học để thuyết phục: chỉ cái đó họ yêu thích trong Khoa học này. Và cũng phải nói như vậy về Thiên Chúa.

3. Chính tình yêu tự nhiên hiện hữu trong mọi vật, được tạo nên do sự biết nào đó: sự biết này thật sự không hiện hữu trong các vật tự nhiên, nhưng ở trong kẻ đã thiết lập bản tính của chúng, như chúng ta mới đề cập đến (q.26, a.1).

 

TIẾT 3

SỰ TƯƠNG TỰ LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH YÊU?

VẤN NẠN: Xem ra không có như thế.

1. Đồng nhất tính không phải là nguyên nhân của các tương phản hữu, trong khi sự tương tự là nguyên nhân của sự ghét, vì có lời ghi chép: “Những kẻ kiêu căng luôn luôn rầy lộn nhau” (Cn 13,10); Triết gia nhận xét: “Những người làm đồ gốm cãi cọ nhau” (Eth., 1,6). Vậy sự tương tự không phải là nguyên nhân của tình yêu.

2. Thánh Augustinô viết: “Người ta yêu thích ở nơi kẻ khác cái gì mà người ta không muốn cho mình; như người ta yêu thích người diễn viên mà không muốn chính mình là diễn viên” (Conf. 4,14). Mà hẳn điều đó không xảy ra, giả như sự tương tự là nguyên nhân của tình yêu.

3. Triết gia viết: “Chúng ta yêu mến những người rộng rãi giúp đỡ chúng ta và cứu giúp chúng ta. Cũng vậy, những người trung thành trong tình bằng hữu đối với các người quá cố, thì được mọi người mến thương” (Rhet. 4,6). Mà tất cả mọi người không phỉ như vậy: vậy tình yêu không bao hàm sự tương tự cách tất yếu.

TRÁI LẠI: Có lời ghi chép: “Mọi thú vật đều yêu thích vật tương tự với mình” (Omne animal diligit simile sibi) (Hc 13,19).

TRẢ LỜI: Sự tương tự một cách đích thực, là nguyên nhân của tình yêu. Tuy nhiên, phải xem xét sự tương tự giữa các vật nào theo hai cách. Thứ nhất, cả hai vật đều có cũng một thực tại nào đó cách hiện thể, như người ta nói hai vật đều có cũng một màu trắng. Thứ hai, vật này cách tiềm thể và theo khuynh hướng có cái gì mà vật kia chiếm hữu cách hiện thể: như chúng ta nói vật thể nặng hiện hữu ngoài nơi của nó, có sự tương tự với vật thể nặng hiện hữu ở nơi của mình; hoặc như tiềm thể có sự tương tự với hiện thể của mình, vì hiện thể hiện hữu theo thể cách nào đó trong tiềm thể.

Loại tương tự thứ nhất là nguyên nhân của tình yêu bằng hữu hay tình yêu từ tâm. Hai vật tương tự nhau và chỉ có một mô thể duy nhất, chúng là đơn nhất thể nào đó trong mô thể này; hai người là đơn nhất thể trong nhân loại, và hai vật trắng là đơn nhất thể trong cũng một màu trắng; đến nỗi tình cảm tính của người này hướng về người kia như hướng về cũng một vật như mình, và muốn cho kẻ ấy sự tốt như là cho chính mình. Còn loại tương tự thứ hai là nguyên nhân của tình yêu ham muốn hoặc của tình yêu bằng hữu hữu ích và vui thú. Vì mọi vật ở tiềm thể, theo tư cách như thế, ước muốn hiện thể, và khi đã thu được hiện thể, thưởng thức nó, nếu đó là vật có tình cảm và sự biết.

Mà trong tình yêu ham muốn, như chúng ta đã nói (q.26, a.4), kẻ yêu chính mình, khi muốn sự tốt nào mà họ ham muốn. Đàng khác, mỗi người yêu mến mình hơn yêu mến các người khác, vì mỗi người là một với mình cách bản thể trong khi kẻ khác chỉ có sự tương tự theo mô thể nọ hoặc mô thể kia. Do đó, nếu chúng ta bị ngăn trở trong việc thu được sự tốt chúng ta yêu thích, bởi vì kẻ khác tương tự với chúng ta trong việc tham dự vào cũng một mô thể, người đó trở thành đáng ghét đối với chúng ta, không phải vì họ tương tự với chúng ta, nhưng bởi vì họ ngăn cản sự tốt riêng chúng ta. Không có những lý do nào khác gây ra nên những cuộc cãi vã của các người làm đồ gốm: họ làm phiền phức cho nhau trong các công việc của mình: và nếu những kẻ kiêu căng gây lộn với nhau, đó cũng bởi vì họ làm khó khăn cho nhau trong việc giành lấy chức quyền mà họ ham muốn cho mình.

GIẢI ĐÁP:

1. Điều vừa trình bày trên đây giải đáp vấn nạn 1.

2. Sự kiện người ta yêu thích nơi kẻ khác điều mà người ta không yêu thích cho chính mình, vẫn nói lên sự tương tự theo sự tương xứng; vì kẻ khác, trong quan hệ với điều chúng ta yêu thích trong họ, là cái mà chúng ta đang có trong chúng ta đối với điều chúng ta yêu thích trong chúng ta; như vậy một người hát hay yêu thích người viết chữ tốt, ở đó có sự tương tự tương xứng trong tư cách mỗi người chiếm hữu cái gì thích hợp với lĩnh vực nghệ thuật của mình.

3. Kẻ yêu thích điều mình thiếu, tương tự với điều nó yêu thích như tiềm thể tương tự với hiện thể của mình, như chúng ta mới đề cập đến.

4. Theo cũng một sự tương tự của tiềm thể với hiện thể, kẻ không rộng rãi yêu thích người rộng rãi trong tư cách họ chờ đợi người này cho họ điều họ ước muốn. Cũng vậy, đối với kẻ bền vững trong tình bằng hữu đối với kẻ không bền vững. Trong cả hai trường hợp này tình bằng hữu xem ra có tư cách hữu ích. Người ta cũng có thể trả lời: mặc dầu tất cả mọi người không chiếm hữu các nhân đức theo tư cách là những tập quán hoàn hảo, vẫn chiếm hữu các nhân đức theo thể cách tiềm thể trong trí năng của mình, đến nỗi kẻ không nhân đức yêu thích người nhân đức, theo tư cách người này phù hợp với bản tính có lý tính của họ.

 

TIẾT 4

CÓ ĐAM MÊ NÀO KHÁC LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH YÊU KHÔNG?

VẤN NẠN: Xem ra một số đam mê khác có thể làm nguyên nhân của tình yêu.

1. Theo Triết gia (Eth., 3,1), một người được yêu thích do sự vui thú. Vậy đó là một đam mê có thể làm nguyên nhân của tình yêu.

2. Sự ước muốn là một đam mê. Mà chúng ta yêu thích một số vật bởi vì, như người ta thấy trong tình bằng hữu hữu ích, chúng ta ước muốn một cái gì mà chúng ta chờ đợi ở chúng.

3. Thánh Augustinô nói: “Kẻ không hy vọng đạt tới một sự vật nào, hoặc nó yêu thích cái đó một cách lạnh nhạt, hoặc không yêu thích tí nào cả, dầu cái nó đẹp đẽ thế nào đi nữa. Như vật, hy vọng là nguyên nhân của tình yêu.

TRÁI LẠI: Như thánh Augustinô nói, tất cả mọi đam mê khác được tạo nên bởi tình yêu làm nguyên nhân.

TRẢ LỜI: Mọi đam mê khác tiền giả định một tình yêu nào đó. Lý do là mọi đam mê khác của linh hồn bao hàm sự chuyển động tới sự vật nào, hoặc tới sự nghỉ trong một sự vật nào. Mà mọi chuyển động tới sự vật nào, phát xuất bởi đồng nhiên tính nào hoặc sự phù hợp nào theo lời định nghĩa của tình yêu. Vậy hoàn toàn không có thể một đam mê nào khác của linh hồn là nguyên nhân phổ quát cho tình yêu. Tuy nhiên, có thể xảy ra một đam mê khác là nguyên nhân cho một tình yêu đặc thù như sự tốt có thể là nguyên nhân cho sự tốt khác.

GIẢI ĐÁP:

1. Khi người ta yêu thích một sự vật nào để cho được vui thú, thì rõ ràng tình yêu đó được tạo nên bởi sự vui thú; nhưng chính sự vui thú này phát xuất bởi tình yêu khác đi trước, vì người ta chỉ vui thú ở điều mà họ yêu thích một cách nào đó.

2. Ước muốn một sự vật luôn luôn tiền giả định tình yêu sự vật này. Mà ước muốn một sự vật như thế có thể khêu gợi tình yêu của một sự vật khác: như kẻ ước muốn tiền bạc thì vì lý do này yêu thích người cho mình bạc tiền.

3. Hy vọng đánh thức hoặc thêm tình yêu, trước hết vì lý do của sự vui thú, vì nó sản xuất sự vui thú; và cũng vì lý do của sự ước muốn, bởi vì nó tăng cường sự ước muốn; vì sự ước muốn của chúng ta không hướng cách mãnh liệt đến cái gì mà chúng ta không hy vọng. Tuy nhiên, chính hy vọng có đối tượng là sự tốt mà người ta yêu thích.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt