Triết học tình yêu

Siêu lý tình yêu - Bài năm (III)

SIÊU LÝ TÌNH YÊU
 
Bài năm (III)
 
 
VLADIMIR SOLOVIEV (1853-1900)
 
PHẠM VĨNH CƯ dịch
 

 
 

Mục lục

1. Siêu lý tình yêu - Bàì một

2. Siêu lý tình yêu - Bài hai

3. Siêu lý tình yêu - Bài ba

4. Siêu lý tình yêu

- Bài  bốn: I-II-III

- Bài bốn: IV-V

- Bài bốn: VI-VII

5. Siêu lý tình yêu

- Bài năm I-II

- Bài năm III

- Bài năm IV-V

 
Đối nghịch với kiểu sinh tồn chân chính hay là ý tưởng thống hợp tất cả là kiểu tồn tại vật chất trong thế giới của chúng ta - chính nó với tính ngoan cố vô nghĩa của nó đè nén cả tình yêu của ta, không cho tình yêu thực hiện ý nghĩa của mình. Thuộc tính chính của kiểu tồn tại vật chất ấy là hai sự không thể thẩm thấu đi đôi: 1/ không thể thẩm thấu trong thời gian, do đó mà bất cứ khoảnh khắc sau nào của sinh tồn cũng đều không bảo toàn trong mình khoảnh khắc trước, mà loại trừ nó và bằng chính mình hất đẩy nó ra khỏi hiện hữu, cho nên mọi cái mới trong môi trường vật chất đều diễn ra thay vì cái trước hoặc làm tổn hại cái trước, và 2/ không thể thẩm thấu trong không gian, do đó mà hai bộ phận của vật chất (hai vật thể) cùng một lúc không thể chiếm một chỗ, tức là một phần của không gian, mà tất yếu hất đẩy nhau. Như vậy, cái làm cơ sở cho thế giới của chúng ta là kiểu tồn tại trong trạng thái phân rã, đây là cái tồn tại đã vỡ vụn thành những phần và những khoảnh khắc loại trừ lẫn nhau. Đấy, chúng ta phải chấp nhận một địa tầng sâu đến thế và một nền móng rộng đến thế cho sự phân li oan khốc các sinh linh, tất cả tai họa của cả cuộc sống riêng của ta cũng là ở đấy.Chiến thắng tính không thể thẩm thấu hai lần ấy của các vật thể và các hiện tượng, làm cho môi trường thực tại bên ngoài ứng hợp với tính nhất thống tất cả nội tại của ý tưởng - đấy là nhiệm vụ của tiến trình hoàn vũ, đơn giản bao nhiêu trong khái niệm chung, thì cũng phức tạp và khó khăn bấy nhiêu trong thực hiện cụ thể.
 
Thế mạnh trông thấy của cơ sở vật chất của thế giới chúng ta và của sự sống chúng ta to lớn đến nỗi nhiều bộ óc thậm chí nhiệt thành, nhưng hơi phiến diện nghĩ rằng ngoài kiểu tồn tại vật chất này, dưới những biến tướng khác nhau của nó, nói chung không còn lại cái gì hết. Tuy thế, chưa nói đến việc cái quan điểm coi thế giới hữu hình này là duy nhất chỉ là một giả thuyết võ đoán mà có thể tin, nhưng không thể chứng minh, và không ra ngoài phạm vi thế giới này, xét đến cùng vẫn cứ phải công nhận rằng, chủ nghĩa duy vật không có lẽ phải, xuất phát ngay từ quan điểm thực tế. Bởi vì thực ra, cả trong thế giới hữu hình của chúng ta vẫn tồn tại nhiều cái không phải là biến tướng của tồn tại vật chất với tính bất khả thẩm thấu trong thời gian và không gian của nó, mà thậm chí là sự phủ định trực tiếp và sự xoá bỏ chính tính bất khả thẩm thấu ấy. Là như thế, thứ nhất, hiện tượng vạn vật hấp dẫn, mà trong đó các bộ phận của thế giới vật chất không loại trừ nhau mà, ngược lại, như muốn bao hàm chứa nạp lẫn nhau. Vì một nguyên tắc được định trước, người ta có thể xây dựng nhiều giả thuyết khoa học, hết cái này đến cái khác, nhưng để có được một nhận thức hợp lý hợp lẽ, không bao giờ có thể, từ những giới thuyết về vật chất có quán tính, giải thích được những nhân tố đối lập trực diện với chúng: không bao giờ có thể quy lực hấp dẫn về quảng tính, từ tính không thể thẩm thấu suy ra niềm ham thích và hiểu ý vọng như là sự trơ ì. Trong khi ấy, nếu không có những nhân tố phi vật chất ấy thì không thể có ngay cả cái tồn tại vật thể đơn giản nhất. Bởi vì vật chất tự nó chỉ là một tập hợp vô định và rời rạc của các nguyên tử, mà người ta giả tưởng gán cho chúng cái thuộc tính vận động một cách rộng lượng nhiều hơn là có đầy đủ căn cứ. Trong mọi trường hợp, để có kết cấu xác định và thường hằng của những hạt vật chất hợp thành những vật thể, điều không thể thiếu được là tính bất khả thẩm thấu hay, cũng thế, tính rời rạc tuyệt đối của chúng phải được thay thế bằng sự tương tác ít hay nhiều chính diện giữa chúng. Như vậy, toàn bộ vũ trụ của chúng ta, chừng nào nó không phải là một khối hỗn mang của những nguyên tử rời rạc, mà là một chỉnh thể thống nhất và có kết cấu - vũ trụ ấy định ước trước, ngoài chất liệu phân tán của nó, một hình thức nhất thống nữa (và cả một sức mạnh tích cực, chinh phục các phần tử chống lại sự nhất thống ấy). Thể thống nhất của thế giới vật chất không phải là thể thống nhất mang tính vật chất - cái đó nói chung không thể có, cái đó là contradictio in adjecto. Được cấu thành bởi quy luật hấp dẫn mang tính phản vật chất (mà theo quan điểm duy vật chủ nghĩa, thì như thế tức là phản tự nhiên), thân thể hoàn vũ là một chỉnh thể thực tại-lý tưởng, tâm-thể hay, nói thẳng ra (theo ý tưởng của Newton về sensorium dei) nó là một thân thể thần bí.
 
Ngoài hiện tượng vạn vật hấp dẫn, tính nhất thể lý tưởng của tất cả còn được hiện thực hóa bằng phương thức tinh thần-thể xác trong hoàn vũ, thông qua ánh sáng và những hiện tượng gần gũi với nó (điện lực, từ tính, nhiệt), mà tính chất của chúng tương phản hiển nhiên với những thuộc tính của vật chất kín mít và trơ ì đến nỗi khoa học duy vật chủ nghĩa cũng bị cái hiển nhiên ấy bắt buộc thừa nhận có ở đây một thực thể bán vật chất, mà nó gọi là ête. Đó là thứ vật chất phi trọng lựơng được thẩm thấu toàn bộ và thẩm thấu toàn bộ - tóm lại là thứ vật chất phi vật chất.
 
Thế giới thực tại của chúng ta được bảo tồn bởi những hiện thân ấy của ý tưởng thống hợp tất cả - lực hấp dẫn và chất ête - còn vật chất tự thân tự kỉ, tức là cái tập hợp chết của những nguyên tử trơ ì và kín mít, chỉ được ý niệm bởi lý trí trừu xuất, chứ không được phát hiện trong một thực tại nào cả. Chúng ta không biết một khoảnh khắc nào mà ở đó hiện thực chân chính lại thuộc về cái hỗn mang vật chất, còn ý tưởng hoàn vũ lại là một cái bóng không có thân thể và bất lực. Chúng ta chỉ giả định có một khoảnh khắc như thế như một điểm xuất phát của tiến trình hoàn vũ trong phạm vi vũ trụ thấy được của chúng ta.
 
Ngay trong thế giới tự nhiên, tất cả đã là của ý tưởng, nhưng bản chất chân chính của nó đòi hỏi sao cho không chỉ tất cả thuộc về nó, hội nhập nó và được nó bao quát, mà còn sao cho cả nó cũng thuộc về tất cả, sao cho tất cả, tức là tất cả các sinh linh riêng lẻ và cá thể, và như vậy là từng sinh linh, thật sự có được tính thống nhất của tất cả, thu nạp nó vào trong mình. Thể thống nhất hoàn hảo của tất cả, theo đúng quan niệm về nó, đòi hỏi sự cân bằng hoàn toàn, sự bình đẳng giá trị và bình quyền giữa một và tất cả, giữa chính thể và các bộ phận, giữa cái phổ biến và cái đơn nhất. Tính viên mãn của lý tưởng đòi hỏi sao cho sự thống nhất lớn nhất của chỉnh thể được thực hiện trong trạng thái tự chủ và tự do cao nhất của các phần tử cục bộ và đơn nhất - ở trong bản thân chúng, thông qua chúng và vì chúng. Theo chiều hướng ấy, tiến trình hoàn vũ đã đi đến sự tạo tác kiểu cá thể động vật, mà đối với nó bản tính thống hợp của ý tưởng tồn tại dưới hình ảnh chủng loại và được cảm nhận với đầy đủ sức mạnh trong phút giây ham mê tính dục, khi mà tính thống nhất nội tại hay tính cộng đồng với "cái khác" (với ‘’tất cả’’) tự thể hiện cụ thể trong quan hệ với một cá thể khác giới đại diện cho cái ‘’tất cả’’ bổ sung ấy - trong một thân thể. Bản thân sự sống cá thể của cơ thể động vật đã ẩn chứa một sự tương đồng nhất định, tuy hữu hạn, với thể nhất thống của tất cả, bởi vì ở đây có sự đoàn kết và tương tác đầy đủ của tất cả các cơ quan và các phần tử cục bộ trong thể thống nhất của một thân thể sống.  Thế nhưng nếu tính kết đoàn hữu cơ ấy trong con vật không vượt ra ngoài thành phần thân xác của nó, thì cũng như thế, với con vật, hình ảnh của ‘’cái khác’’ bổ sung cho nó bị giới hạn toàn bộ bởi cũng một thân thể đơn nhất như thế, với khả năng chỉ có được sự liên kết vật chất và một phần; và vì thế mà tính vô tận siêu thời gian, hay là tính vĩnh hằng của ý tưởng, tác động trong sức mạnh sống và sáng tạo của tình yêu, thâu nhận ở đây hình thức thẳng tuyến tồi tệ của sự sinh sôi nảy nở bất tận, tức là của sự tái hiện cũng một cơ thể ấy trong vô số những sinh tồn đơn nhất và nhất thời thay thế nhau một cách đơn điệu.
 
Trong cuộc sống con người, tuyến thẳng của sự sinh sôi nảy nở chủng loại mặc dù được bảo tồn về cơ bản, nhưng nhờ sự phát triển của ý thức và của sự giao lưu hữu thức, nó được tiến trình lịch sử lôi cuốn vào những vòng ngày càng rộng lớn của các cơ thể xã hội và văn hóa. Những cơ thể ấy được tạo ra cũng bởi cái lực sống và sáng tạo của tình yêu mà trước đó đã sản xuất ra những cơ thể vật chất. Sức mạnh ấy trực tiếp tạo ra gia đình, mà gia đình là yếu tố cấu thành của mọi xã hội. Song mặc dù có mối liên hệ di truyền ấy, quan hệ của cá thể con người với xã hội khác biệt về bản chất so với quan hệ của cá thể động vật đối với chủng loại: con người không phải là một tiêu bản nhất thời của xã hội. Thể thống nhất của cơ thể xã hội cùng tồn tại thật sự với từng thành viên cá thể của nó, nó có sự tồn tại không chỉ trong và thông qua, mà còn vì từng thành viên, nó ở trong liên lạc và tương quan xác định với từng thành viên: cuộc sống xã hội và cuộc sống cá nhân từ mọi phía thẩm thấu nhau. Do đó, ở đây ta có một phương thức thể hiện ý tưởng thống hợp tất cả hoàn hảo hơn rất nhiều so với trong cơ thể vật chất. Đồng thời ở đây từ bên trong (từ ý thức) bắt đầu tiến trình tích hợp trong thời gian (hay là chống lại thời gian). Mặc dù trong nhân loại vẫn tiếp tục diễn ra sự chuyển đổi thế hệ, nhưng đã có những bước khởi đầu cho sự vĩnh cửu hóa cá thể trong tục thờ cúng tổ tiên - cơ sở của mọi nền văn hóa, trong truyền thống - cái ký ức của xã hội, trong nghệ thuật và cuối cùng trong khoa học lịch sử. Tính bất hoàn hảo, tính phôi thai của những cách vĩnh cửu hóa như thế ứng với tính bất hoàn hảo của bản thân cá thể con người và của xã hội. Nhưng sự tiến bộ là không thể hồ nghi, và nhiệm vụ cuối cùng ngày một trở nên rõ hơn và gần hơn.
 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt