Triết học tình yêu

Siêu lý tình yêu - Bài năm (I-II)

SIÊU LÝ TÌNH YÊU
 
Bài năm (I-II)
 
 
VLADIMIR SOLOVIEV (1853-1900)
 
 PHẠM VĨNH CƯ dịch
 

 
 
I
 

Mục lục

1. Siêu lý tình yêu - Bàì một

2. Siêu lý tình yêu - Bài hai

3. Siêu lý tình yêu - Bài ba

4. Siêu lý tình yêu

- Bài  bốn: I-II-III

- Bài bốn: IV-V

- Bài bốn: VI-VII

5. Siêu lý tình yêu

- Bài năm I-II

- Bài năm III

- Bài năm IV-V

 
Cảm giác trực tiếp và vô thức khai mở cho ta ý nghĩa của tình yêu như là một biểu hiện cao nhất của sự sống cá thể đã tìm thấy trong thể kết liên với một sinh linh khác cái bản chất vô tận vô biên của chính mình. Một khải huyền trong chốc lát như thế đã chẳng là đủ? Lẽ nào là ít dù chỉ một lần trong đời thực sự cảm thấy ý nghĩa tuyệt đối của mình?
 
Và thỉnh thoảng ngước mắt nhìn trời sao, anh biết
Anh với em đã từng thưởng lãm chúng như những thần linh.
 
Một cái đó chưa chắc đã là đủ cho cảm quan thơ ca, còn ý thức về chân lý và ý chí sinh tồn thì quyết không thể dàn hoàn với nó. Sự vô tận chỉ trong chốc lát là mâu thuẫn không chịu đựng được đối với trí tuệ, hạnh phúc chỉ trong quá khứ là nỗi khổ cho ý chí. Có những ánh lóe của một ánh sáng khác mà sau chúng:
 
Bóng tối đời thường càng đen tối hơn,
Như sau chớp nguồn rực rỡ đêm thu.
 
Nếu chúng chỉ đánh lừa, thì trong ký ức chúng chỉ có thể để lại hổ thẹn và thất vọng cay đắng; còn nếu chúng không lừa dối, nếu chúng vén mở cho ta một hiện thực nào đó, mà sau đấy đã đóng lại và đã biến mất đối với chúng ta, thì vì sao ta lại cam chịu sự biến mất ấy? Nếu cái đã mất là chân chính thì nhiệm vụ của ý thức và ý chí không phải là thừa nhận sự mất đi ấy là vĩnh viễn, mà là hiểu cho được và xoá bỏ đi những nguyên nhân của nó.
 
Nguyên nhân gần nhất (như một phần đã nói trong bài trước) là sự đọa lạc của bản thân quan hệ yêu đương. Cái này bắt đầu rất sớm: cảm hứng ban đầu của tình yêu vừa mới kịp cho ta thấy một bến bờ của hiện thực khác, tốt đẹp hơn - với nguyên tắc và quy luật sống khác, thì ta đã lập tức cố gắng lợi dụng sự sung túc sức lực do cái khải huyền ấy đem lại không phải để đi tiếp đến nơi nó mời gọi ta, mà chỉ để bắt rễ bền chặt hơn và thu xếp cho mình vững chắc hơn trong cái thực tại cũ, tồi tệ mà tình yêu vừa mới nâng chúng ta lên bên trên nó; tin lành từ thiên đường đã mất - tin về khả năng lấy lại nó - chúng ta lại lĩnh hội như là lời mời nhập quốc tịch mãi mãi ở đất lưu đầy, tiếp quản thật nhanh và cai quản cha truyền con nối không chia với ai cái mảnh đất nhỏ của mình với tất cả những cỏ dại và bụi gai của nó; sự phá vỡ tính hữu hạn của cá thể vốn là dấu hiệu của tình yêu say đắm và, là cái lẽ cơ bản của nó, trong thực tế chỉ dẫn đến chủ nghĩa ích kỉ tay đôi, rồi tay ba, v.v... Dĩ nhiên, cái đó dẫu sao vẫn tốt hơn sự ích kỉ cho một mình ta, song binh minh của tình yêu đã mở ra những chân trời hoàn toàn khác.
 
Lĩnh vực tồn tại của liên kết yêu đương càng di chuyển nhanh chóng vào thực tại vật chất, như nó có, thì chính trật tự của sự liên kết ấy càng nhanh chóng bị bóp méo. Cái cơ sở “không ở đây’’, huyền bí của tình yêu, cho thấy mình mãnh liệt đến thế trong tình cảm đắm đuối ban đầu, bị quên đi như là một phấn khích trong phút giây; từ nay cái mong muốn nhất, mục đích quan trọng hàng đầu và đồng thời điều kiện thứ nhất của tình yêu hóa ra lại là cái mà đáng lẽ phải là biểu hiện cuối cùng được quy định của nó. Cái cuối cùng ấy - sự liên kết sinh lý, được đặt vào chỗ của cái đầu tiên và bằng cách ấy bị lấy đi ý nghĩa nhân tính của nó, bị đưa trở về với ý nghĩa động vật - làm cho tình yêu không chỉ trở nên bất lực chống lại cái chết, nhưng bản thân nó tất yếu trở thành mồ chôn tinh thần của tình yêu, trước khi mồ mả vật chất thu nhận những người yêu.
 
Chống lại trực tiếp, bằng hành động của từng người, cái trật tự ấy là việc khó khăn hơn một sự nhận thức đơn thuần, mà có thể chỉ ra bằng đôi lời. Để giải thể cái trật tự tồi tệ ấy của các hiện tượng đời sống, trước hết cần phải công nhận nó là lệch chuẩn, bằng cách ấy ta khẳng định rằng có con đường khác, hợp chuẩn, ở đấy tất cả những cái bên ngoài và ngẫu nhiên phục tùng ý nghĩa nội tại của sự sống. Sự khẳng định như thế không thể là chung chung; kinh nghiệm của các cảm giác bên ngoài phải được đối lập không phải với một nguyên tắc trừu tượng, mà với một kinh nghiệm khác - kinh nghiệm của niềm tin. Cái sau khó hơn cái trước đến mức không thể so sánh, bởi vì nó được quy định bởi hành động nội tại nhiều hơn bởi sự tiếp thụ từ bên ngoài. Chỉ bằng những hành vi có trình tự của niềm tin hữu thức, ta bước vào tương quan đích thực với lĩnh vực cái tồn tại chân chính, và qua đó - vào quan hệ tương liên đích thực với "tha nhân" của chúng ta; chỉ trên cơ sở ấy mới có thể bảo toàn và củng cố trong ý thức ta cái giá trị tuyệt đối của người khác cho ta (và, từ đó, cả giá trị tuyệt đối của sự liên kết giữa ta với nó) mà trước đó đã khai lộ trực tiếp và vô thức trong  cảm hứng tình yêu, bởi lẽ cảm hứng ấy đến và qua đi, nhưng đức tin của tình yêu thì còn lại.
 
Nhưng đức tin ấy, để không ở lại như một niềm tin vô sinh, phải không ngừng bảo vệ mình chống lại cái môi trường thực tại, nơi mà cái ngẫu nhiên vô nghĩa tạo lập ách thống trị của mình trên sự tung hoành của những dục vọng thú vật và những dục vọng con người còn tồi tệ hơn thú vật. Đối đầu với những thế lực thù địch ấy, tình yêu-đức tin chỉ có một vũ khí tự vệ - kiên nhẫn đến cùng. Để xứng đáng với hạnh phúc của mình, nó phải vác lấy cây thập tự khổ nạn của mình. Trong môi trường vật chất của chúng ta, không thể bảo toàn tình yêu chân chính, nếu không hiểu và không chấp nhận nó như một kì công tinh thần. Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội Chính thống trong thánh lễ hôn nhân của nó tưởng niệm các vị thánh tuẫn đạo và đặt ngang hàng với những vòng hào quang của họ những vòng hoa trên đầu các cặp vợ chồng tân hôn.
 
Đức tin tôn giáo và kì công tinh thần giữ cho con người cá thể và tình yêu của nó khỏi bị môi trường vật chất thu hút khi nó còn sống, nhưng chưa cho nó chiến thắng cái chết. Sự tái sinh nội tại tình cảm yêu đương, sự sửa đổi những đoạ lạc trong quan hệ tình ái không sửa đổi nổi và không giải thể nổi cái luật tồi tệ của sự sống vật chất không chỉ trong thế giới bên ngoài, mà cả ở con người. Con người thực tế vẫn là một sinh linh hữu hạn, bị cái tự nhiên vật chất chi phối. Sự liên kết bên trong - liên kết thần bí và tinh thần - với một cá thể bổ sung cho nó không thể khắc phục tính biệt lập khép kín của hai người, cũng như sự phụ thuộc chung của họ vào thế giới vật chất. Lời cuối cùng vẫn thuộc về không phải kì công tinh thần, mà cái luật không biết xót thương của sự sống và sự chết hữu cơ, và những người đã bảo vệ đến cùng lý tưởng vĩnh hằng chết đi với phẩm cách của con người, nhưng với nỗi bất lực của con vật.
 
Chừng nào kì công cá nhân còn tự giới hạn bằng đối tượng gần nhất của mình - bằng sự sửa đổi quan hệ cá nhân sai lệch giữa hai sinh linh - nó tất yếu không đạt được thành công cuối cùng ngay trong sự nghiệp trực tiếp của nó. Bởi vì cái ác mà tình yêu chân chính phải đối đầu, cái ác của sự biệt lập vật thể, của sự khép kín và đối lập bên ngoài của hai sinh linh bổ sung cho nhau bên trong - cái ác ấy chỉ là một trường hợp cục bộ, mặc dù điển hình, của sự đoạ lạc chung chi phối cuộc sống của chúng ta, và không chỉ của chúng ta mà còn của cả hoàn vũ.
 
Thật sự cứu thoát mình hay là tái sinh và vĩnh cửu hóa cuộc sống cá thể của mình trong tình yêu chân chính - việc ấy con người đơn nhất chỉ có thể làm được một cách hợp lực hay là cùng với tất cả mọi người. Nó có quyền và bổn phận bảo vệ ngã thể của mình khỏi quy luật cào bằng tồi tệ của cuộc sống chung, nhưng không tách rời lợi ích của mình khỏi lợi ích chân chính của tất cả các sinh linh. Nếu biểu hiện sâu sắc nhất và mãnh liệt nhất của tình yêu thể hiện trong quan hệ tương liên giữa hai sinh linh bổ sung cho nhau, thì vẫn tuyệt không có nghĩa là  quan hệ tương liên ấy có thể tách rời và biệt lập mình khỏi tất cả như thể một cái gì đó tự túc và tự đủ; trái lại, sự biệt lập như thế sẽ là cái chết của tình yêu, bởi vì tình yêu hữu tính tự nó, với tất cả ý nghĩa chủ quan của nó, trong thực tại khách quan vẫn mới chỉ là một hiện tượng thực chứng, nhất thời. Cũng đúng như thế, từ thực tại là sự liên kết hoàn hảo hai sinh linh đơn nhất sẽ mãi mãi là hình thái cơ bản và chân chính của sự sống cá nhân, tuyệt không thể suy kết rằng cái hình thái sự sống khép kín trong thể hoàn hảo cá thể của nó phải là trống rỗng mãi mãi trong khi, do chính bản chất của con người, nó có khả năng và nhiệm vụ chứa nạp đầy đủ nội dung phổ kết. Cuối cùng, nếu ý nghĩa tinh thần của tình yêu đòi hỏi tái hợp cái bị chia cắt một cách bất chính, đòi hỏi đồng nhất hóa ta với một người khác, thì tách rời nhiệm vụ hoàn thiện cá nhân của ta với tiến trình tích hợp toàn thế giới sẽ là đi ngược lại ngay cái ý nghĩa tinh thần ấy của tình yêu, giả sử một sự tách rời như thế có là hữu khả về phương diện vật chất.
 
II
 
Như vậy, mọi cố gắng cô lập và biệt lập tiến trình phục sinh cá thể trong tình yêu chân chính vấp phải ba trở ngại không thể khắc phục, do cuộc sống cá thể của chúng ta với tình yêu của nó, bị ngăn cách khỏi tiến trình sự sống hoàn vũ, tất yếu hóa ra, thứ nhất, không có cơ sở vật chất, bất lực trước thời gian và sự chết, sau đó trống rỗng về tâm thức, không có nội dung, và cuối cùng không xứng đáng về mặt đạo lý. Nếu trí tưởng tượng vượt qua được những trở ngại vật chất và lôgic, thì cả nó cũng phải dừng lại trước nỗi bất khả về đạo lý.
 
Ta hãy giả định một điều hoàn toàn huyễn hoặc, giả định rằng một con người nào đó đã tăng lực tinh thần của mình bằng kì công khổ hạnh đến mức đã đích thực khôi phục được (cho mình và cho ‘’người khác’’ bổ sung cho mình) thể nguyên vẹn chân chính của ngã thể con người, đã đạt được sự nhuần thấm tinh thần triệt để và sự bất tử. Vậy thử hỏi cái cá thể phục sinh ấy có vui sướng được với hạnh phúc cô đơn của mình trong môi trường, nơi mà, vẫn như xưa, tất cả đều khổ đau và đều chết? Nhưng ta hãy đi xa hơn nữa. Hãy để cho cặp người đã tái sinh này có được năng lực truyền cho tất cả mọi người cái trạng thái cao nhất của họ; điều này tất nhiên là không thể có được, bởi vì nó là kết quả của kì công đạo đức cá nhân, nhưng cứ để cho nó sẽ là một cái gì đó tựa như đá luyện đan hay thuốc trường sinh. Và thế là tất cả mọi sinh linh trên mặt đất được giải thoát khỏi mọi tai hoạ và bệnh tật của mình, tất cả đều tự do và bất tử. Nhưng để cho họ có được hạnh phúc, họ cần có thêm một điều kiện nữa: họ phải quên đi cha ông của họ, quên đi những người đã thật sự làm nên cuộc sống tốt đẹp này cho họ, bởi vì dù có gán ghép ý nghĩa huyễn hoặc đến đâu đi nữa cho kì tích cá nhân, thì dẫu sao vẫn cứ cần có hàng ngàn và hàng ngàn thế hệ bằng lao động hợp lực của mình đã tạo nên cái nền văn hóa, những cấu trúc đạo lý và trí tuệ, mà không có chúng thì nhiệm vụ tái sinh cá nhân sẽ không những không thực hành được, mà còn không thể được đặt ra.Và hàng tỷ người đã cống hiến đời mình cho những người khác ấy sẽ tiếp tục thịt nát xương tan dưới mồ  còn những hậu duệ nhàn rỗi của họ thì sẽ thờ ơ tận hưởng cái hạnh phúc cho không! Nhưng điều này sẽ định ước một sự man rợ hóa tinh thần và thậm chí còn tồi tệ hơn nữa, bởi lẽ ngay những người man rợ cũng thờ cúng tổ tiên và giữ gìn sự giao lưu với tổ tiên. Làm sao một trạng thái cao nhất và vĩnh viễn của nhân loại lại có thể được dựng xây trên bất công, trên vô ơn bạc nghĩa và quên lãng? Con người đã đạt độ hoàn hảo cao nhất sẽ không thể chấp nhận một tặng phẩm không xứng đáng như thế; nếu nó không thể cướp từ tay thần chết toàn bộ chiến quả của tử thần,thì nó thà chối từ sự bất tử.
 
"Hãy đập vỡ cốc quý ấy, trong đó ẩn giấu chất độc ác hiểm." 
 
May thay, tất cả cái đó chỉ là sự hoang tưởng tuỳ tiện và nhàn tản, và sự việc sẽ không bao giờ đi đến một thử thách bi kịch đến thế cho tình kết đoàn đạo lý trong nhân loại, do sức mạnh của mối liên kết tự nhiên của chúng ta với toàn thể hoàn vũ, nó làm cho việc giải quyết riêng lẻ nhiệm vụ cuộc đời của từng con người riêng biệt hay từng thế hệ riêng biệt trở nên bất khả về cơ sở vật chất. Sự tái sinh của chúng ta gắn bó khăng khít với sự tái sinh cuả toàn thể vũ trụ, với sự biến hóa những hình thức thời gian và không gian của nó. Cuộc sống chân chính của cá nhân trong ý nghĩa đầy đủ và tuyệt đối của nó được thực hiện và được vĩnh cửu hóa chỉ trong sự phát triển tương ứng của sự sống hoàn vũ, mà chúng ta có thể và phải tham gia vào đấy một cách tích cực, nhưng nó không được tạo ra bởi chúng ta. Cơ nghiệp cá nhân của ta, vì nó chân chính, cũng là cơ đồ chung của toàn thế giới - hiện thực hóa và cá thể hóa ý tưởng thống hợp tất cả và tinh thần hóa vật chất. Nó được chuẩn bị bởi tiến trình hoàn vũ trong thế giới tự nhiên và được tiếp tục thực hiện bởi tiến trình lịch sử trong nhân loại. Sự không biết của chúng ta về quan hệ toàn diện của các bộ phận cụ thể trong thể thống nhất của chỉnh thể cho chúng ta một sự tự do hành động mà, với tất cả các hậu quả của nó, từ khởi thủy được đã đưa vào kế hoạch tuyệt đối bao quát tất cả.
 
Ý tưởng thống hợp tất cả có thể được hiện thực hóa đến cùng, hay là hiện thân đến cùng chỉ như là thể sung mãn tự tại của các ngã thể hoàn hảo, có nghĩa là mục đích cuối cùng của toàn bộ cơ đồ là sự phát triển cao nhất từng cá thể trong sự thống nhất hoàn toàn của tất cả; điều đó tất yếu bao hàm cả mục đích sống của từng người chúng ta, do đó ta không có lý do và khả năng nào tách rời và cách biệt nó khỏi mục đích chung. Chúng ta cần cho thế giới như nó cần cho chúng ta; vũ trụ từ khởi thuỷ quan tâm giữ gìn, phát triển và trường cửu hóa tất cả những gì thực sự cần thiết và đáng mong muốn cho ta, tất cả những gì chính diện và xứng đáng trong bản ngã của ta, và việc còn lại cho ta chỉ là tham gia thật tự giác và tích cực vào tiến trình lịch sử chung - vì chính ta và vì tất cả những người khác không tách rời.
 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt