HUYỀN THOẠI SISYPHE
ALBERT CAMUS (1913-1960) NGUYỄN VĂN DÂN dịch
Albert Camus. “Huyền thoại Sisyphe”. Nguyễn Văn Dân dịch. Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1-2002
Các vị thần linh đã xử phạt Sisyphe phải không ngừng vần một tảng đá lên đỉnh một quả núi để từ đó tảng đá lại tự mình lăn xuống. Họ phần nào có lý khi cho rằng không có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái công việc vô ích và vô vọng. Theo Homère, Sisyphe là người khôn ngoan nhất và thận trọng nhất trong số người trần. Tuy nhiên theo một truyền thuyết khác thì ông ta có thiên hướng theo nghề kẻ cướp. Tôi không thấy ở đây có gì mâu thuẫn cả. Các ý kiến tỏ ra khác nhau về những nguyên do khiến ông phải trở thành kẻ dã tràng dưới âm phủ. Trước tiên người ta đã trách ông về thái độ có phần quá trớn của ông đối với thần linh. Ông đã để lộ các bí mật của họ. Egine, con gái của Asope, bị thần Jupiter[1] bắt cóc. Cha nàng ngạc nhiên về sự mất tích này và đã than phiền với Sisyphe. Ông này, vì biết được chuyện bắt cóc, đã đề nghị với Asope là sẽ cho ông ta biết tung tích của con gái nếu ông ta cung cấp nước cho thành Corinthos của ông. Ông cần phúc lành của nước mà không sợ sự trừng phạt của thần linh. Xuống dưới âm phủ ông đã bị trừng phạt vì chuyện đó. Homère còn kể cho chúng ta nghe rằng Sisyphe là người đã xích chân Thần Chết lại. Pluto[2] không chịu nổi cái cảnh vương quốc của mình trở nên hoang vắng và im ắng. Ông phái gấp thần Chiến Tranh đi giải thoát Thần Chết khỏi tay kẻ chiến thắng. Người ta còn kể rằng khi sắp chết Sisyphe đã bất cẩn muốn thử thách tình yêu của vợ mình. Ông ra lệnh cho vợ không mai táng ông mà vứt xác ông ra giữa nơi công cộng. Sisyphe thác xuống âm phủ. Và tại đây, cảm thấy tức tối vì một sự vâng lời quá trái ngược với tình yêu con người của vợ mình như vậy, Sisyphe đã xin được Pluto cho phép ông quay về dương thế để trừng phạt vợ mình. Nhưng khi ông lại được nhìn thấy bộ mặt của thế giới này, được nếm trải nước uống và hưởng ánh nắng mặt trời, được nếm trải những viên đá nóng và nước biển, thì ông không muốn quay trở về với thế giới địa ngục tối tăm nữa. Lệnh triệu hồi của thần linh cùng những cơn tức giận và cảnh cáo cũng chẳng lay chuyển được ông. Các vị thần linh đã phải ra lệnh bắt ông. Thần Mercure[3] xuống tận nơi tóm lấy cổ áo ông, tước mất mọi niềm vui của ông để buộc ông về âm phủ, nơi tảng đá trừng phạt ông đang đợi sẵn. Người ta đã hiểu từ lâu rằng Sisyphe là một nhân vật phi lý. Ông tỏ ra phi lý bởi cả những nỗi đam mê lẫn nỗi nhục hình của ông. Thái độ coi thường thần linh của ông, lòng căm thù cái chết và niềm ham mê cuộc sống của ông đã khiến cho ông phải chịu cái nhục hình khó tả như vậy, cái nhục hình bắt con người ra sức làm mà chẳng làm xong được việc gì. Đó là cái giá mà ông phải trả cho những nỗi đam mê trần thế của ông. Người ta không nói gì cho chúng ta biết về cuộc sống của Sisyphe dưới âm phủ. Huyền thoại được làm ra là để cho trí tưởng tượng tạo cho chúng có sinh khí. Đối với ông người ta chỉ tưởng tượng thấy toàn bộ nỗ lực của một cơ thể căng ra để nhấc cái tảng đá khổng lồ rồi vần nó lên cái dốc núi mà ông đã phải đi lên đi xuống đến hàng trăm lần; người ta chỉ tưởng tượng thấy một bộ mặt co rúm lại, một bên má áp chặt vào tảng đá, một bên vai dính đầy đất sét, một bàn chân chặn tảng đá, sự lấy lại sức của cánh tay, sự bám chắc đầy nhân tính của hai bàn tay dính đầy đất. Sau cái nỗ lực kéo dài được đo bằng khoảng không gian không có giới hạn và bằng khoảng thời gian không có độ sâu ấy, thì ông đã đạt được tới đích. Khi ấy Sisyphe lại đứng nhìn tảng đá lăn xuống chỉ trong chốc lát trở về với cái thế giới bên dưới để rồi từ đó ông sẽ lại phải vần nó lên đỉnh núi. Ông lại bước xuống chân núi dưới đồng bằng. Chính trong thời gian được nghỉ ngơi khi quay trở xuống chân núi này là lúc làm cho tôi quan tâm đến Sisyphe. Một bộ mặt khó nhọc rất giống với đất đá mà chính nó cũng đã trở thành đá mất rồi! Tôi nhìn thấy con người ấy quay trở xuống với một bước đi nặng nề nhưng bình thản để đến với nỗi nhục hình mà ông sẽ không biết bao giờ kết thúc. Cái thời điểm này cũng giống như một thời điểm để hít thở và nó thuộc về ông cũng chắc chắn như nỗi bất hạnh của ông, cái thời điểm đó là thời điểm của ý thức. Tại mỗi thời điểm như vậy, khi mà ông rời đỉnh núi để dần dần lún sâu vào hang ổ của các vị thần linh, ông đã vượt cao hơn số phận của ông. Ông tỏ ra mạnh hơn tảng đá của ông. Sở dĩ cái huyền thoại này mang tính bi kịch là vì nhân vật của nó là một người có ý thức, quả thực nỗi khó nhọc của ông sẽ là ở chỗ nào, khi mà cứ mỗi bước chân ông lại được nâng đỡ bởi niềm hi vọng thành công? Người công nhân ngày nay, suốt tháng ngày trong cuộc đời của mình, luôn phải làm việc với cùng một nhiệm vụ và cái số phận đó củng chẳng kém phần phi lý. [1] thần Zeus – chú thích của người dịch. [2] thần Diêm Vương – chú thích của người dịch. [3] thần Hermes trong thần thoại Hy Lạp - chú thích của người dịch.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC