Thuật ngữ tổng quát

Thông diễn học / Hermemeutics

 

THÔNG DIỄN HỌC

(HERMENEUTICS)

 

PHƯƠNG PHÁP TRIẾT HỌC, TRIẾT HỌC TÔN GIÁO, TRIẾT HỌC LỊCH SỬ, TRIẾT HỌC CÙA KHOA HỌC XÃ HỘI.   [từ tiếng Hy Lạp Hermeneia, vị thần truyền những thông điệp của Zeus, vì thế gắn thông diễn học với vấn đề về sự thông hiểu và diễn giải]. Thông diễn học lúc đầu là một phương pháp luận diễn giải, được Schleiermacher xây dựng dựa trên kinh nghiệm của chính ông trong việc nghiên cứu Plato và kinh Tân ước. Ngoài việc hiểu về ngữ pháp, liên quan đến văn bản viết, ông cho rằng ta nên tìm ra một cách hiểu ở phương diện tâm lý để phát lộ ra những nguyên tắc hay ý niệm sống động trong tâm trí của tác giả văn bản. Dilthey phát triển thêm thông diễn học như là phương pháp luận nhằm tái tạo lại quá trình sáng tạo ban đầu của tác giả và cung cấp cơ sở cho tính khách quan trong khoa học nhân văn, đối lập với cơ sở cho tính khách quan trong khoa học tự nhiên.

Thông diễn học truyền thống ở Schleiermacher và Dilthey coi sự thông hiểu là một phần của việc hiểu biết và coi bản thân thông diễn học là một kỹ thuật chứ không phải là triết học. Trái lại, Heidegger coi sự thông hiểu là phương cách hiện hữu cốt lõi của con người, sự dự phóng của các khả thể của Dasein gắn liền với thế giới. Đối với ông, thông diễn học nên coi sự hiện hữu của con người như là "cái tương tự văn bản", tức như là một văn bản có nghĩa mà ta khám phá ra ý nghĩanền tảng của nó. Bằng cách này, thông diễn học trở thành bản thân triết học. Vòng tròn thông diễn trở nên tham gia vào việc giải thích tồn tại của Dasein chứ không chỉ dừng lại ở việc giải thích các văn bản văn học.

Trên cơ sở khái niệm của Heidegger về sự thông hiểu, Gadamer phát triển thông diễn học tổng quát mà ông gọi là "thông diễn học triết học". Ông yêu sách rằng sự thông hiểu không phải là một vấn đề phương pháp luận và không nhằm đưa ra một tập hợp các quy tắc diễn giải. Thay vào đó, sự thông hiểu là đặc trưng cơ bản của sự hiện hữu của con người. Vì thế, thông diễn học là bản thể luận chứ không phải là phương pháp luận và nên tìm cách làm bộc lộ ra những điều kiện nền tảng làm cơ sở cho hiện tượng thông hiểu trong mọi phương thức của nó. Đối tượng của các khoa học nhân văn là bộ phận của di sản của ta. Nó là một phần của lịch sử tác động mà ta đã thuộc về và nó định hướng cho cách hiểu chuẩn mực của ta. Việc đòi hỏi tính khách quan trong khoa học nhân văn là không thích đáng, bởi lẽ mọi sự hiểu, hay thông hiểu, đều có tính chất tiên kiến chứ không khách quan thuần túy. Không có một diễn giải nào có thể là cuối cùng. Hiểu là một trò chơi liên tục giữa người diễn giải và văn bản.

Những gương mặt quan trọng khác trong thông diễn học gồm Emilio Berti và Paul Ricoeur. Việc nhấn mạnh đến tính ngữ cảnh của sự hiểu biết của con người đã ảnh hưởng tới các tác phẩm của Ronald Dworkin, Charles Taylor, Alasdair MacIntyre, và Richard Rorty.


"Thông diễn học được phát triển ở đây, vì thế, không phải là phương pháp luận của khoa học nhân văn, mà là một nỗ lực hiểu xem khoa học nhân văn thực sự là gì, vượt ra ngoài sự tự ý thức có tính phương pháp luận của chúng, và hiểu điều gì nối kết chúng với toàn thể kinh nghiệm của ta về thế giới." GadamerTruth and Method.


 

Nguồn: Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt