Thuật ngữ tổng quát

Thuyết Hoài nghi / Skepticism - Scepticism

 

THUYẾT HOÀI NGHI

[SKEPTICISM / SCEPTICISM]

 

NHẬN THỨC LUẬN, ĐẠO ĐỨC HỌC, TRIẾT HỌC HY LẠP CỔ ĐẠI   [từ chữ Hy Lạp skepsis, tìm tòi, tra xét] Một thái độ triết học phê phán, tra vấn bằng những luận cứ có hệ thống vể độ tin cậy của các yêu sách tri thức và năng lực xác lập chân lý khách quan của chúng ta. Khi các triết gia Hy Lạp cổ đại tự gọi mình là nhà hoài nghi, có lẽ họ muốn nói rằng họ là những người tìm tòi nghiên cứu không có giáo điều. Người sáng lập thuyết hoài nghi cổ đại là Pyrrho thành Elis, và thuyết hoài nghi cũng được gọi là thuyết Pyrrho. Thuyết Pyrrho tuyên bố nó đã xây dựng nhiều phương thức luận cứ để thấy rằng thế giới hiện tượng chứa đầy những mâu thuẫn và chẳng có gì đảm bảo rằng ta hiể được sự việc đúng như bản chất thật của nó. Vì thế, tốt hơn hết ta hãy chấp nhận thái độ tạm gác phán đoán và đạt đến trạng thái tĩnh tâm. Hầu hết các luận cứ của thuyết Pyrrho đều được ghi lại trong các tác phẩm của Sextus Empiricus. Các phiên bản khác nhau của thuyết hoài nghi hiện đại có thể được nhận thấy ở các nhân vật như MontaigneGassendiDescartesHume, và các nhà thực chứng logic. Trong khi thuyết hoài nghi cổ đại công kích cả nhận thức lẫn niềm tin và là một triết học về nhân sinh, thuyết hoài nghi hiện đại chỉ là sự thách thức đối với nhận thức mà thôi. Đây là lý do tại sao một số triết gia cho rằng thuyết hoài nghi cổ đại nghiêm túc hơn. Cũng có sự phân biệt về chủ đề giữa đạo đức học và khoa học trong thuyết hoài nghi hiện đại, và thuyết hoài nghi đạo đức hay luân lý, vốn là thuyết yêu sách rằng không có những giá trị khách quan nào hết, đã trở thành mối quan tâm riêng biệt. Thuyết hoài nghi là một lực lượng phủ định nhưng năng động trong lịch sử triết học. Khi nỗ lực công kích và vượt qua thuyết hoài nghi, các triết gia làm cho cách trình bày các vấn đề triết học và những nỗ lực giải quyết chúng ở họ trở nên sâu sắc và hiệu quả hơn.


"Thuyết hoài nghi là một năng lực thiết lập những phản đề giữa các hiện tượng và phán đoán theo bất cứ cách nào. Empiricus, Outline of Pyrrhonism.


 

Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt