THUYẾT NHỊ NGUYÊN / DUALISM
SIÊU HÌNH HỌC, TRIẾT HỌC TINH THẦN. Bất cứ lý thuyết siêu hình học nào, tương phản với thuyết nhất nguyên, cho rằng thực tại được hợp thành từ hai loại thực thể nền tảng, không quy về cho nhau được. Descartes chia thế giới thành bản thể có quảng tính (vật chất) và bản thể tư duy (tinh thần), và cả hai đều có những thuộc tính không tương thích nhau. Theo đó, linh hồn hoàn toàn khác với thể xác. Thuyết nhị nguyên tâm-vật tiêu chuẩn này được gọi là thuyết nhị nguyên Descartes. Ngoài "thuyết nhị nguyên bản thể" nói trên, còn có "thuyết nhị nguyên thuộc tính", gọi là lý thuyết hai phương diện, gợi ý rằng tinh thần và vật chất là hai loại thuộc tính không thể quy về nhau của một và chỉ một sự vật. Russel chủ trương loại "thuyết nhị nguyên nhân quả", theo đó thuyết nhị nguyên không phải là giữa hai thực thể hay hai thuộc tính, mà là giữa hai loại quy luật cơ bản: các quy luật nhân quả vật lý và các quy luật nhân quả tâm lý. Thuyết nhị nguyên truyền thống, hàm ý rằng tinh thần hay linh hồn độc lập với thể xác, đã gặp khó khăn khi giải thích quan hệ tương tác giữa thể xác và linh hồn, và trở thành tiêu điểm của nhiều cuộc tranh cãi trong triết học tinh thần đương đại. Ryle cáo buộc thuyết nhị nguyên đã biến tinh thần một hồn ma trong cỗ máy. Nhiều lý thuyết khác nhau về mối quan hệ giữa tinh thần và thể xác đã được đề xuất để tránh các vấn đề của thuyết nhị nguyên. Theo nghĩa rộng hơn, thuyết nhị nguyên quy chiếu tới các hệ thống triết học được xác lập trên cơ sở sự phân biệt cơ bản rạch ròi nào đó, chẳng hạn như sự phân biệt của Plato giữa thế giới khả giác và thế giới ý thể hay sự phân biệt của Kant giữa thế giới hiện tượng và thế giới tự nó (noumenal world). "Thuyết nhị nguyên: lý thuyết này cho rằng có hai loại đặc thù: tinh thần và vật chất. Đó là quan niệm của Descartes, tức quan niệm của lẽ thường có nền tảng tri thức, và quan niệm của thần học Kitô giáo." Russell, Collected Papers of Bertrand Russell, vol. IX
Nguồn: Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC