TRIẾT HỌC TƯ BIỆN [SPECULATIVE PHILOSOPHY]
SIÊU HÌNH HỌC. [từ chữ Latinh speculatio, nhìn ngắm, đến lượt nó có gốc từ động từ specere, thấy, nhìn; tương đương với chữ Hy Lạp theoria, nhìn ngắm, có gốc từ động từ "nhìn"]. Theo nghĩa từ nguyên, cái mang tính tư biện là cái mang tính lý thuyết, đối lập với cái mang tính thực hành và kinh nghiệm. Kant đã liên kết triết học tư biện với siêu hình học và tin rằng nó là kết quả của việc áp dụng sai lầm các khái niệm cho vật-tự-thân chứ không phải cho các đối tượng của kinh nghiệm. Đối với Kant, triết học tư biện có nghĩa tiêu cực do quan tâm đến cái siêu việt và thực tại như là một toàn bộ, dù không có sự nâng đỡ đúng cách của kinh nghiệm của giác quan. Hegel mô tả triết học tư biện theo nghĩa này là thuyết giáo điều, nhưng gọi hệ thống của ông là tư biện theo nghĩa khác vì nó xem xét tiến trình khái niệm chứ không phải vì nó xem xét cái siêu cảm tính. Nó là một tiến trình biện chứng trong đó sự đối lập giữa tính khách quan và tính chủ quan bị thải hồi, và trong đó mọi nhánh tri thức của con người được hợp nhất một cách có hệ thống để làm bộc lộ ra ý nghĩa đúng thật của thực tại và của nhân loại. Về đại thể, triết học tư biện sử dụng những kết quả của các khoa học và các kinh nghiệm đạo đức và tôn giáo khác nhau để rút ra những kết luận chung về bản tính của vũ trụ và thế đứng của ta trong đó. Mặc dù tính chủ toàn [holism] và nghĩa hệ thống của triết học tư biện có những nét hấp dẫn nhưng hầu hết các triết gia phân tích coi triết học này chỉ mang tính phỏng đoán, gần với thi ca và huyền học. "Triết học tư biện là nỗ lực xây dựng khung hệ thống mạch lạc, logic và tất yếu cho các ý niệm phổ biến qua đó mọi yếu tố của kinh nghiệm của ta đều có thể được diễn giải." Whitehead, Process and Reality.
Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004) |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC