Thuật ngữ tổng quát

Trừu tượng / Cụ thể (Abstract / Concrete)

 

TRỪU TƯỢNG / CỤ THỂ

[ABSTRACT /CONCRETE]

 

NHẬN THỨC LUẬN, SIÊU HÌNH HỌC.  [từ chữ abstrahere trong tiếng Latinh, loại cái này ra khỏi cái khác và chữ concrescere, cùng lớn dậy] Ngay khi bắt đầu một quá trình nhận biết, các khái niệm của ta có thể mơ hồ và có tính hời hợt. Ta phải trừu tượng hóa chúng để hiểu những sự quy định khác nhau của chúng. Cái trừu tượng là sản phẩm của sự trừu tượng hóa, nghĩa là, của rút ra cái gì đó có tính chất chung từ những yếu tố có thể tri giác hay cảm giác khác nhau và bỏ qua những đặc điểm tương đối không cơ bản của chúng. Các khái niệm và những cái phổ quát được hình thành theo cách ấy. Nói rằng cái gì đó là trừu tượng nghĩa là nó có tính khái niệm, phổ quát, bản chất hay vấn đề về nguyên tắc, trong khi đó nói rằng cái gì đó là cụ thể nghĩa là nó có tính ngữ cảnh, đặc thù, cá nhân, khả giác. Cụ thể đồng nghĩa với phong phú và sinh động. Vì cái trừu tượng được rút ta từ cái cụ thể, nên trừu tượng đồng nghĩa với việc không có chi tiết và tính cá biệt của cái cụ thể và được cho là nghèo nàn, phụ thuộc và thiếu sinh động. Sự hiện hữu và bản tính của các thực thể trừu tượng như những con số và những cái phổ quát chẳng hạn từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi.

Theo cách dùng khác, đặc biệt nổi bật trong triết học của Hegel, trừu tượng có nghĩa là bị tách ra khỏi các tư tưởng hay các yếu tố cảm giác khác, trong khi đó cụ thể là quan hệ. Vì thế, cái đặc thù là trừu tượng nếu nó bị cô lập với những cái đặc thù khác, trong khi đó một khái niệm hay cái phổ quát là cụ thể nếu nó quan hệ với những khái niệm hay cái phổ quát khác và là một yếu tố trong một hệ thống hữu cơ. Hegel gọi một khái niệm như thế là "khái niệm cụ thể" hay "cái phổ quát cụ thể".


"Những gì ta trừu tượng là nhiều phương diện khác nhau cùng cấu tạo nên những đối tượng cụ thể như con người, các nền kinh tế, các quốc gia, các định chế, các hoạt động, v.v.." Sayer, Phương pháp trong Khoa học xã hội.


 

Từ điển triết học phương Tây của Nicholas Bunin và Jiyuan Yu (Blackwell, 2004)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt