ALBERT CAMUS
JEAN-PAUL SARTRE Trần Thiện Đạo dịch và chú thích
Thứ hai 4 tháng Giêng 1960 vào khoảng 14 giớ, bản tin ngắn trên đây của Pháp tấn-xã (A.F.P.), truyền đi trên mọi làn sóng điện khắp thế giới, khiến bao nhiêu người bàng hoàng sửng sốt nửa tin nửa ngờ. Ba ngày sau, tuần báo France-Observateur, số ra ngày 7 tháng Giêng 1960, cho đăng bài tưởng niệm tưởng niệm dưới đây của Jean-Paul Sartre[1]. Chúng tôi mong lúc đọc bản dịch bài này, bạn đọc luôn nhớ đến một sự kiện quan trọng: Albert Camus và Jean-Paul Sartre tuyệt giao với nhau đã tám năm qua, kể từ năm 1952, là năm đánh dấu công khai sự bất đồng ý kiến giữa hai nhà văn có một địa vị vững chắc và lớn lao trong văn đàn nước Pháp này. TRẦN THIỆN-ĐẠO
SÁU THÁNG trước đây, mới vừa hôm qua đây nữa, chúng tôi không ngừng thầm hỏi nhau: "Anh ấy sẽ lên tiếng không nhỉ?[2]. Bị nhiều mâu thuẫn cần phải tôn trọng dày xéo tâm can, anh đã tạm thời chọn lựa sự im lặng. Nhưng anh thuộc hạng người hiếm có mà chúng ta có thể nhẫn nại chờ đợi, vì lẽ học chọn lựa một cách chậm rãi và luôn trung thành với sự chọn lựa của mình. Thế nào rồi anh cũng lên tiếng, không sớm thì chầy. Chúng tôi không dám nghĩ cả tới việc ước đoán trước xem anh sẽ nói làm sao. Nhưng chúng tôi đều nghĩ bụng rằng anh cũng thay đổi cùng với cuộc đời như mỗi người chúng ta: bấy nhiêu cũng đủ để cho sự có mặt của anh luôn sinh động. Anh và tôi trước kia bất hòa với nhau: một mối bất hòa, có gì lạ đâu - cho dẫu đến độ không đi lại với nhau nữa [3]- một cách khác để sống chung với nhau và không bặt tin nhau trong cái thế giới nhỏ bé trời phú cho chúng ta này vậy thôi. Nó không hề ngăn cản tôi nghĩ đến anh, cảm thấy mắt anh soi trên trang sách, trên tờ báo anh đang đọc, và thầm hỏi: "Anh nghĩ làm sao? Anh nghĩ làm sao NGAY LÚC NÀY nhỉ?"
SỰ im lặng của anh, mà tùy những biến cố xảy ra và tùy ở khí sắc từng lúc của tôi, tôi xét rằng có lúc quá ư thận trọng và có lúc đau đớn, chính là một phẩm chất của mỗi ngày, đồng loại cới nhiệt khí và ánh sáng, nhưng là một phẩm chất con người. Chúng ta luôn sống với, hay chống lại, tư tưởng anh[4], tư tưởng được biểu hiện trong sách của anh - nhứt là trong cuốn la Chute[5], có lẽ là cuốn sách đẹp nhứt - nhưng bao giờ cũng xuyên qua nó. Tư tưởng anh chính là một cuộc tìm kiếm cá nhân của nền văn hóa chúng ta, một chuyển động mà chúng tôi không ngừng phỏng đoán các giai đoạn và chặng mức cuối cùng.
ANH tiêu biểu trong thế kỷ này, và chống lại Lịch sử, cho con người hiện thời đang kế thừa truyền thống sâu rộng của các nhà văn đạo đức mà tác phẩm có lẽ cấu thành đặc tính độc đáo hơn hết trong văn học Pháp. Chủ nghĩa nhân bản bất nhượng của anh, vừa hẹp hòi vừa thanh khiết, vừa khắc khổ vừa khoái lạc, không ngừng choảng nhau với các biến cố trọng đại và quái dị của kỷ nguyên này trong muộc cuộc đấu sức đáng ngờ. Nhưng, ngược lại, bằng cách một mực khước từ, anh khẳng định lại, ngay giữa lòng thời đại chung ta, đối kháng bọn người giảo quyệt, đối kháng chủ nghĩa thực tế kim tiền, anh khẳng định lại sự hiện hữu của sự kiện đạo đức. Chúng ta có thể bảo rằng anh là sự khẳng định không lay chuyển đó. Chỉ cần có đọc hay suy nghĩ chút ít, chúng ta đều vấp phải các giá trị con người mà anh khăng khăng ôm ấp bảo vệ trong tay: anh đem hành tác chánh trị đặt thành vấn đề. Chúng ta buộc phải tránh né anh hay bài bác anh: nói tóm, cần thiết cho trạng thái căng thẳng vốn tạo nên đời sống tinh thần. Cả sự im lặng của anh, mấy năm gần đây, cũng bao hàm một khía cạnh tích cực: con người lý hợp của phi lý đó[6] không chịu rời khỏi địa giới chắc chắn của luân lý và dấn mình vào những con đường không chừng của thực tiễn. Chúng tôi không ngừng ước đoán anh và chúng tôi ước đoán luôn cả những cuộc xung đột mà anh nín lặng: bởi vì đạo đức, một khi đã tách rời khỏi mọi mối dây liên hệ chung quanh, vửa đòi hỏi khẩn thiết sự nổi loạn, lại vừa kết án sự nổi loạn này.
CHÚNG TÔI không ngừng chờ đợi, chúng ta cần phải chờ đợi, chúng ta cần phải hiểu rõ: cho dẫu sau này thí dụ như anh có làm sao hay quyết định làm sao, Camus vẫn sẽ không bao giờ hết là một trong những lực lượng chủ yếu của môi trường văn hóa của chúng ta, và theo thể cách riêng biệt của mình, tiêu biểu cho lịch sử nước Pháp và thế kỷ này. Nhưng biết đâu chúng ta lại chẳng sẽ nhận thức và hiểu được hành trình của anh. Anh đã làm trọn cả mọi việc - trọn cả một sự nghiệp - và như thói thường, trọn cả mọi việc vẫn còn đó phải làm. Anh thường bảo: "Sự nghiệp tôi còn nằm ở trước mặt tôi kia."[7] Bây giờ thế là hết. Điều vô lối đặc biệt trong cái chết này nằm ở chỗ trật tự của con người đã bị cái phi nhân kia tiêu diệt.
TRẬT TỰ con người vẫn là một sự vô trật tự, vừa bất công, vừa bấp bênh, trong đó con gười còn giết chóc, con người còn chết đói: nhưng dầu sao nó vẫn là một trật tự do con người thiết lập, duy trì và bài bác. Camus đã buộc phải sống chính trong trật tự này: con người luôn luôn tiến bước đó, không ngừng đặt chúng ta thành vấn đề, và chính mình là một câu hỏi tự mình đi tìm giải đáp; anh sống ở đoạn giữa của một đời sống dài; đối với chúng tôi, đối với chính anh, đối với những kẻ đang bảo vệ trật tự nọ và đối với những người từ chối nó, anh phải phá ta sự im lặng, anh phải quyết định, anh phải kết cục, là một việc cực kỳ quan trọng. Có những kẻ chết già, có những kẻ vốn lúc nào cũng ở trong thời kỳ triển hạn, có thể chết đi bất luận vào giây phút nào mà không vì vậy mà ý nghĩa cuộc đời của họ, mà ý nghĩa cuộc đời nói chung thay đổi một mảy may. Nhưng đối với chúng tôi, vốn ở trong tình trạng mơ hồ, không phương hướng rõ rệt, những con người ưu tú của chúng tôi cần thiết phải lọt qua cho bằng được đầu hầm bên kia. Ít có khi nào, đặc tính của một sự nghiệp và điều kiện của thời kỳ lịch sử đòi hỏi một cách rõ rệt hơn hiện thời, đòi hỏi khẩn thiết nhà văn phải sống.
TAI NẠN đã giết chết Camus, tôi gọi là điều vô lối, vì nó khiến cho chúng ta trông thấy rõ tính chất phi lý của những yêu cầu sâu sắc nhứt của chúng ta. Năm hai mươi tuổi, đột ngột bị một chứng bịnh ngặt nghèo xáo trộn cả đời sống[8], Camus khám phá được sự phi lý - vốn là sự phủ định con người, vô cớ nhứt. Rồi anh cũng quen lần với nó, rồi anh tư tưởng cái thân phận không cam chịu được của mình, rồi anh thắng cuộc. Vậy mà chúng ta vẫn tưởng chừng như chỉ mấy tác phẩm đầu của anh[9] mới nói lên sự thực của đời anh, vì con người bịnh hoạn đã khỏi đó lại bị một cái chết ở đâu bất ngờ đến đè bẹp lên mình. Điều phi lý ở đây có lẽ nằm trong câu hỏi mà không ai còn có thể đặt ra với anh nữa, nằm trong sự im lặng giờ đây không còn cả là một sự im lặng nữa, và tuyệt đối không còn là một cái gì nữa hết.
TÔI không tin như vậy. Ngay lúc vừa xuất hiện, tính chất phi nhân đã trở nên thành phần của tính chất con người. Mọi cuộc đời ngưng đọng - cả cuộc đời của một con người trẻ trung ngần ấy - vừa là một dĩa hát sứt mẻ vừa là một cuộc đời trọn vẹn. Đối với những người hằng yêu mến anh, trong cái chết này có một sự phi lý không chịu được. Song chúng ta buộc phải tập xem sự nghiệp đứt quãng này như là một sự nghiệp trọn vẹn. Chính ngay trong chừng mực nào chủ nghĩa nhân bản của Camus bao gồm một thái độ của con người đối với cái chết, cái chết đã bắt chợt anh, chính trong chừng mực nào con đường kiêu hãnh, thuần túy tìm tòi hạnh phúc, con đường của anh bao hàm và đòi hỏi cái chết vừa thiết yếu vừa phi nhân, mà chúng ta sẽ nhận thấy được, trong sự nghiệp nọ và trong cuộc đời không thể tách rời khỏi sự nghiệp này, ý chí trong sạch và đắc thắng của một con người mưu toan chinh phục lại mỗi khoảnh khắc của cuộc hiện sinh của mình ra khỏi bàn tay của cái chết về sau của mình. Nguồn: Tạp chí VĂN, số 25, tr. 18-21. [1] in lại trong Jean-Paul Sartre: Situations IV, tr. 126-129 (Gallimard, Paris, 196.... [2] Jean-Paul Sartre ám chỉ sự im lặng của Albert Camus trước vấn đề Angérie. [3] Albert Camus và Jean-Paul Sartre bất hòa với nhau vì một bài báo của Francis Jeanson (Albert Camus ou l'Âme Révoltée, Albert Camus hay Tâm hồn nổi loạn, trong les Temps Mosernes, Thời mới, tháng 5-1952) phê bình và chỉ trích luận thuyết l'Homme Révoltée, Con người nổi loạn, của Albert Camus. Nhưng thật ra bài nọ chỉ là cái cớ, sự bất đồng ý kiến giữa hai nhà văn này thoát thai từ hai thái độ xử thế khác nhau: Jean-Paul Sartre chủ trương dấn thân trực tiếp vào mọi sinh hoạt ngoài đời. Albert Camus chủ trương thỏa mãn lòng trung thực và liêm khiết trước khi hành động vào thực tế (nghĩa là xử nhiều hơn là xuất). Về mối bất hòa đi đến tuyệt giao giữa Albert Camus và Jean-Paul Sartre, bạn đọc có thể xem Nguyễn-văn Trung: Những tình bạn dang dở, đoạn I (VĂN, số 27, 1-IX-64). [4] Trong một bài tưởng niệm nhà văn Aldré Gide (1869-1951), Jean-Paul Sartre đã viết năm 1951: "Trọn tư tưởng Pháp trong ba mươi năm gần đây, dầu muốn dầu không ... buộc phải được định nghĩa ... tương hệ với Gide". Toute la pensée français de ces trente dernières années, qu'elle le voulut ou non,... devait se définir... par rapport à Gide. (Gide Vivant, Gide còn sống, trong Situations IV, tr. 86). Câu "Chúng ta sống với, hay chống lại, tư tưởng anh" áp dụng cho Albert Camus, cùng một nghĩa với câu trên, áp dụng cho André Gide, chín năm trước. [5] Albert Camus: La Chute, Sa ngã (chuyện-kể, Gallimard, Paris, 1956). [6] Nguyên tác: Ce cartésien de l'absurde. Từ cartésien của Pháp do tên nhà triết học Descartes mà ra. Chúng tôi miễn cưỡng dịch từ cartésien là lý hợp, chưa tìm được từ nào thích hợp hơn. [7] Mon oeuvre est devant moi (Albert Camus: l'Envers et l'Endroit, Bề trái và bề mặt, 1937, tr. 34. Trong bài Tựa viết năm 1958). [8] Albert Camus mắc lạnh, nhuốm bịnh lao phổi vào năm 1930, mười bảy tuổi. Vì vậy, năm 1937 ông không được thi bằng Thạc sĩ. Thời kỳ này là thời kỳ ông sáng tác hai tập tùy bít tiểu luận l'Envers et l'Endroitvà Noces, Giao cảm, và thai nghén tập luận thuyết Mythe de Sisyphe, Huyền thuyết Sisyphe. [9] l'Envers et l'Endroit, 1937, Noces, 1938, l'Etranger (Người ngoài cuộc( 1942, le Mythe de Sisyphe(Huyền thuyết Sisyphe), 1942, le Malentendu (Ngộ nhận) 1944, Caligula, 1944, nhấn mạnh khía cạnh phi lý của cuộc đời. Những tác phẩm thời kỳ sau la Peste (Dịch hạch) 1947, l'Homme Révoltée (Con người nổi loạn) 1951, và một số bài báo khác nhấn mạnh khía cãnh phản kháng và chống đối tình cảnh phi lý đó. |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC