SARTRE: CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ CÓ TƯƠNG THÍCH VỚI CHỦ NGHĨA HIỆN SINH?
Sartre thừa hưởng từ Alain mối quan tâm của ông đối với chủ nghĩa Khắc kỷ. Ta thấy rõ điều này nhất trong tập nhật ký ông viết từ những tháng đầu tiên của cuộc Chiến tranh Thế giới Lần thứ hai, lúc đó ông là một anh lính nhàn hạ ở miền đông nước Pháp. Tập nhật ký Le drôle de guerre đã dẫn Sartre đến chỗ tra vấn sở thích ban đầu của ông đối với chủ nghĩa Khắc kỷ từ điểm nhìn hiện sinh. Những dòng đầu tiên trong tập nhật ký của ông mô tả thái độ "Khắc kỷ" mà ông tuyên bố đó là thái độ của ông đối với vấn đề chiến tranh, cụ thể là chấp nhận sự mất mát cuộc sống trong quá khứ của mình và cái tương lai vô định của mình (Sartre 1995: 19) , thái độ cam chịu theo lối "chiêm niệm", không dựa trên cảm thức về nghĩa vụ ("Tôi cho mượn thân thể tôi, tôi phụng sự với điều kiện là hãy để tôi một mình") và ban đầu được gợi cảm hứng từ Alain, nhưng rồi đi đến chỗ khác với Alain trong "cách chủ động phủ nhận chiến tranh" (Sartre 1995: 68, 86) , bởi cuộc chiến chống Hít-le không giống như Chiến tranh Thế giới Lần thứ nhất. Sức hấp dẫn của chủ nghĩa Khắc kỷ xuất phát từ chỗ Sartre không chịu tách đạo đức (la morale) ra khỏi siêu hình học: ông thừa nhận rằng, lúc còn còn là sinh viên, ông đã đi tìm một sự "cứu rỗi" thuộc loại này, "không phải trong Kitô giáo mà trong cảm thức Khắc kỷ", cụ thể là sự chuyển hóa bản thân hoàn toàn, trạng thái ấy sẽ chuyển bản tính của mình sang một trạng thái tốt nhất từ quan điểm siêu hình học (Sartre 1995: 280; 1992: 557). Vì thế, ông so sánh việc ông đọc Tồn tại và Thời gian của Heidegger vào năm 1938 với bước chuyển của người Athens, sau cái chết của Alexandre, từ khoa học kiểu Aristotle sang việc ủng hộ "các học thuyết bạo liệt hơn nhưng 'toàn trị' hơn của những người phái Khắc kỷ và phái Epicurus, là những người dạy họ cách sống" (Sartre, 1995: 406). Tuy nhiên, Sartre cảm thấy ngờ ngợ rằng chủ nghĩa Khắc kỷ được ông cảm nhận sâu sắc ấy có lẽ không đáp ứng được sự đòi hỏi hiện sinh gần đây hơn là cần phải có "tính đích thực", khái niệm của Heidegger này giữ vai trò mấu chốt trong triết học của chính ông. Sartre nhận thấy nhà Khắc kỷ cần phải tin thế giới là tốt và phải giữ lòng kính ngưỡng sâu kín đối với hoàn cảnh của mình (trong trường hợp của Sartre: quân đội) để chịu đựng nó. Chủ nghĩa Khắc kỷ giống "biện pháp phòng vệ tâm lý", một cách đánh lừa bản thân, hơn là một thái độ đích thực đối với cuộc sống, xem ra biện pháp ấy chỉ đòi hỏi sự cam chịu mà thôi (Sartre 1995: 19-21, 68, 241, 538). Sau này, trong tập các ghi chép đạo đức học năm 1947-48, Sartre cũng sẽ sử dụng cách phân tích nổi tiếng của Hegel trong Hiện tượng học Tinh thần để phê phán thuyết Khắc kỷ: "Giải pháp của Alain, tức sự phục tùng khách quan, sự khước từ bên trong (đây cũng là của Epictetus), là một ảo tưởng thuần túy" (Sartre, 1983: 274). Đấy là sự chọn lựa tự do của người nô để trốn tránh thân phận của mình trong sự trừu tượng, đối lập với sự cam chịu nhưng chỉ là đồng lõa với quyền lực của người chủ, và chính sự kiện thuyết Khắc kỷ được phát minh ra và được hầu hết những con người tự do như Seneca hay Marcus sử dụng để tránh nỗi sợ mình trở thành người làm nô ( Sartre 1983: 79). Thế nhưng, những phản bác này vẫn còn chưa được công bố: thuyết Khắc kỷ chưa bị phê phán trong công trình triết học chủ chốt và có tính hệ thống được xuất bản năm 1943, Tồn tại và Hư vô, và thậm chí còn xuất hiện như là tiền thân của thuyết hiện sinh. Sartre tin là "Descartes theo chân các nhà Khắc kỷ" khi gọi cái năng lực "đặt mình ra bên ngoài tồn tại" của con người, hay đúng hơn, "khả thể mà thực tại-người phải tiết ra cái hư vô cô lập nó" là "tự do" (Sartre, 1992: 60). Việc ghép Descartes với các nhà Khắc kỷ này, và sau đó ở phần phân tích chi tiết về tự do (tr. 622) Sartre còn lặp lại việc ghép đôi này, gợi ta nhớ tới Alain (Sartre 1992: 60). Sartre thậm chí còn đi xa hơn việc thừa nhận có tính cách đại khái này khi ông coi ý niệm về các sự vật "trung tính" (tức không tốt cũng không xấu) của phái Khắc kỷ như là một công cụ quan trọng cho phân tích tâm lý học: nó cho thấy tại sao dự phóng toàn diện và cuối cùng của ta không thể dùng để giải thích, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho việc ˙ta chọn lấy một trong hai phương án lựa chọn thực tế, vì thế trong quan hệ với cái trung tính ấy, ta vẫn hoàn toàn tự do.
Tài liệu tham khảo: Sartre, J.-P. (1976) Situations 10: Politique et autobiographie, Paris: Gallimard. Sartre, J.-P. (1983) Cahiers pour une morale, Paris: Gallimard. Sartre, J.-P. (1992) Being and Nothingness, trans. H. E. Barnes, New York: Washington Square Press. Sartre, J.-P. (1995) Carnets de la drôle de guerre: Septembre 1939–Mars 1940, Paris: Gallimard. Sellars, J. (2006) “An Ethics of the Event: Deleuze’s Stoicism,” Angelaki: Journal of the Theoretical Humanities 11: 157-171.
Trích dịch từ: John Sellars (ed.). Routledge Handbook of the Stoic tradition. Routledge: London & New York, 2016, tr. 362-3.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC