MẤY LỜI MINH ĐỊNH VỀ THUYẾT HIỆN SINH
JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980)
Bài viết này đăng trên tờ Action với nhan đề "A propos de l' existentialisme: Mise au point" in Action, December 29, 1944. In trong Michel Contat, Michel Rybalka. Les écris de Sartre - Chrolonogie, Bibliographie commentée. Paris: Gallimard, 1970, pp. 653-658.
Các tờ báo - kể cả tờ Action - gần đây sẵn sàng đăng tải các bài báo tấn công thuyết hiện sinh. Action đã tử tế yêu cầu tôi trả lời. Tôi không tin nhiều độc giả sẽ quan tâm đến cuộc tranh luận này: họ có nhiều mối quan tâm cấp bách hơn. Tuy nhiên, nếu trong số những người có thể đã tìm thấy các nguyên tắc tư duy và quy tắc ứng xử trong triết học này nhưng đã bị cản trở bởi những lời chỉ trích vô lý kia, thì chỉ cần có một người mà tôi có thể tiếp cận và và giúp họ hiểu đúng, thì việc viết ra điều này vẫn đáng giá. Dù sao tôi cũng muốn nói rõ rằng tôi tôi đang trả lời với tư cách cá nhân mình mà thôi: Tôi sẽ cảm thấy ngần ngại khi lôi kéo các nhà hiện sinh khác vào cuộc tranh luận này. Các anh trách chúng tôi điều gì? Trước hết, có phải vì chúng tôi bị truyền cảm hứng từ Heidegger, một triết gia người Đức và triết gia của đảng Quốc xã. Tiếp đến, có phải vì chúng tôi rao giảng, dưới danh nghĩa thuyết hiện sinh, một thứ chủ nghĩa tịch tĩnh trước nỗi âu lo. Có phải chúng tôi đang cố gắng làm băng hoại giới trẻ và khiến họ xa rời hành động bằng cách thúc giục họ nuôi dưỡng một sự tuyệt vọng tinh tế? Có phải chúng tôi đang ủng hộ các học thuyết hư vô chủ nghĩa (đối với một biên tập viên của tờ L'Autre, chứng cứ là tôi đã đặt tên cho một cuốn sách là Tồn tại và Hư vô, Hư vô á? thế thì hình dung thử xem!) trong những năm tháng này khi mọi phải được làm lại hoặc đơn giản là phải làm, khi chiến tranh vẫn đang diễn ra, và khi mỗi người cần tất cả sức lực của mình để chiến thắng nó và giành lấy hòa bình? Cuối cùng, sự phàn nàn thứ ba của các anh là thuyết hiện sinh thích moi bới những chuyện xấu xa bẩn thỉu và và sẵn sàng chỉ ra sự độc ác và đê tiện của con người hơn là những tình cảm cao thượng của họ. Xin có lời nói thẳng với các anh: những sự công kích của các anh dường như xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và ngụy tín. Thậm chí chẳng ai dám chắc rằng các anh có đọc bất cứ cuốn sách nào mà các anh đang nói haykhông. Các anh cần một vật tế thần bởi vì các anh tán dương quá nhiều thứ đến nỗi các anh thấy thỉnh thoảng không thể không mắng chửi ai đó. Các anh đã chọn thuyết hiện sinh bởi vì nó là một học thuyết trừu tượng mà ít người biết, và các anh nghĩ rằng sẽ không ai xác minh những gì các anh nói. Nhưng tôi sẽ trả lời từng điểm một trước những cáo buộc của các anh. Heidegger đã là một triết gia trước khi ông ta là một người Quốc xã. Việc ông theo chủ nghĩa Hitler có thể được giải thích bởi nỗi sợ hãi, có lẽ là tham vọng, và chắc chắn là sự phục tùng. Không đẹp đẽ gì khi nhìn vào điều đó, tôi đồng ý; nhưng đủ để làm cho lập luận gọn gàng của các anh mất giá trị hiệu lực. "Heidegger," các anh nói, "là một thành viên của đảng Quốc xã; vì thế, triết học của ông ta tất phải là triết học của đảng Quốc xã." Không phải vậy: Heidegger không có chí khí; đó là sự thật của vấn đề. Liệu từ điều này các anh có đủ can đảm để kết luận rằng triết học của ông ta là một lời biện hộ cho sự hèn nhát không? Chẳng lẽ các anh không biết một người không đạt đến tầm của tác phẩm của mình sao? Và các anh sẽ lên án Khế ước xã hội vì Rousseau đã bỏ rơi con cái của mình? Rốt cuộc Heidegger có ý nghĩa gì đây? Nếu chúng ta nhận ra tư duy của chính mình trong tư duy của một triết gia khác, nếu chúng ta yêu cầu ông ấy cung cấp kỹ thuật và phương pháp có thể giúp chúng ta tiếp cận với những vấn đề mới, điều đó có nghĩa là chúng ta chấp nhận mọi lý thuyết của ông ấy không? Marx đã vay mượn phép biện chứng của mình từ Hegel. Các anh có nói rằng Tư bản là một tác phẩm của người Phổ không? Chúng ta đã thấy những hệ quả đáng tiếc của chủ nghĩa tự cấp tự túc kinh tế; đừng rơi vào chủ nghĩa tự cấp tự túc trí tuệ. Trong thời kỳ Chiếm đóng, các tờ báo được chỉ đạo thường gom chung các nhà hiện sinh và các triết gia vềsự phi lý vào trong cùng một lời trách móc. Một gã học giả tiểu nhân và đê tiện tên là Albérès, cây bút của tờ thân Pétain là Écho des Étudiants, cứ mỗi tuần lại sủa vào gót chân chúng tôi. Vào thời điểm đó, kiểu gây nhầm lẫn này là chuyện đương nhiên; càng bị tấn công thấp kém và ngu xuẩn, chúng tôi càng vui mừng. Nhưng các anh, tại sao các anh lại tiếp tục sử dụng các phương pháp của báo chí Vichy? Tại sao lại có sự lộn xộn này, nếu không phải vì, nhờ vào sự mù mờ lẫn lộn mà các anh tạo ra này, các anh dễ dàng tấn công cả hai học thuyết triết học này cùng một lúc hay sao? Học thuyết triết học về sự phi lý là mạch lạc và sâu sắc. Albert Camus đã chứng minh rằng anh ấy có đủ khả năng để tự mình bảo vệ nó. Vì vậy, tôi sẽ chỉ nói về thuyết hiện sinh. các anh có thực sự định nghĩa nó cho độc giả của các anh chưa? Tuy nhiên nó khá đơn giản. Theo thuật ngữ triết học, mọi vật đều có một bản chất và một sự hiện hữu. Một bản chất, nghĩa là một tập hợp các thuộc tính không đổi; một sự hiện hữu nghĩa là một sự hiện diện thực sự nào đó trong thế giới. Nhiều người tin rằng bản chất có trước và sự hiện hữu có sau: ví dụ, đậu Hà Lan mọc lên và tròn trịa phù hợp với ý niệm về đậu Hà Lan, và dưa chuột sở dĩ là dưa chuột bởi chúng tham gia vào bản chất của dưa chuột. Ý niệm này có nguồn gốc từ tư tưởng tôn giáo: thực tế, ai muốn xây một ngôi nhà cần phải biết chính xác loại nhà nào mình sẽ xây: bản chất đi trước sự hiện hữu, và đối với tất cả những ai tin rằng Thượng đế đã tạo ra con người, hẳn ngài đã làm điều đó dựa trên ý niệm mà Ngài có về họ. Nhưng ngay cả những người không có đức tin tôn giáo cũng giữ quan điểm truyền thống này rằng sự vật chỉ tồn tại phù hợp với bản chất của nó, và toàn bộ thế kỷ 18 đã nghĩ rằng có một bản chất chung cho tất cả mọi người, được gọi là bản tính con người. Trái lại, nhà hiện sinh cho rằng ở con người - và chỉ ở con người - sự hiện hữu đi trước bản chất. Điều này đơn giản có nghĩa là, trước hết con người phải tồn tại đã, rồi sau đó mới là thế này hay thế kia. Nói ngắn gọn, con người phải tự tạo ra bản chất riêng của mình; bằng cách dấn mình vào thế giới, chịu đựng và đấu tranh trong đó mà dần dần định hình bản thân; và định nghĩa này luôn mở; ta không thể nói con người này là gì trước khi họ chết, cũng như không thể nói nhân loại là gì trước khi nó biến mất. Sau tất cả điều đó, thuyết hiện sinh có phải là học thuyết phát xít, bảo thủ, cộng sản hay dân chủ không? Câu hỏi này thật vô lý: ở mức độ tổng quát như vậy, thuyết hiện sinh chẳng là gì hết ngoài việc nó là một cách nhìn nhận các vấn đề của con người bằng cách từ chối gán cho con người một bản chất cố định mãi mãi. Trước đây, ở Kierkegaard, nó đi đôi với đức tin tôn giáo. Ngày nay, thuyết hiện sinh Pháp có xu hướng kèm theo một tuyên bố vô thần, nhưng điều này không hoàn toàn cần thiết. Tất cả những gì tôi có thể nói - và không muốn quá nhấn mạnh vào những điểm tương đồng - là nó không khác xa lắm quan niệm về con người mà ta có thể nhận thấy ở Marx. Thật vậy, chẳng lẽ Marx không chấp nhận châm ngôn này về con người, vốn là châm ngôn của chúng tôi: hành động và thông qua hành động ấy tự tạo nên chính mình và không là gì khác ngoài những gì mình tự mình tạo nên. Nếu thuyết hiện sinh định nghĩa con người bằng hành động, thì hiển nhiên triết học này không phải là một thuyết tịch tĩnh. Trên thực tế, con người chỉ có thể hành động; tư tưởng của họ là những sự dự phóng và dấn thân, cảm xúc của họ là những sự nỗ lực; anh ta không là gì khác ngoài cuộc sống của mình và cuộc sống của anh ta là sự thống nhất của các hành vi của anh ta. "Còn lo âu thì sao?" À! từ ngữ hơi trang trọng này che đậy một thực tế rất đơn giản và hàng ngày. Nếu con người không phải là một cái gì có sẵn mà tự tạo ra mình, và trong quá trình tự tạo đó, họ gánh vác trách nhiệm cho cả loài người, nếu không có giá trị hay chuẩn mực đạo đức nào được mang lại một cách tiên nghiệm, mà trong mỗi trường hợp chúng ta phải tự mình quyết định lấy tất cả, không có bất cứ điểm tựa hay sự hướng dẫn nào, nhưng lại cho tất cả mọi người, làm sao chúng ta có thể không cảm thấy lo lắng khi phải hành động? Mỗi hành động của chúng ta đều đặt ra vấn đề về ý nghĩa của thế giới và vị trí của con người trong vũ trụ; qua mỗi hành động, ngay cả khi chúng ta không muốn, chúng ta đều thiết lập một thang giá trị phổ quát và người ta muốn rằng chúng ta không bị nỗi sợ hãi xâm chiếm trước một trách nhiệm toàn diện như vậy sao? Ponge, trong một đoạn văn rất hay, đã nói rằng con người là tương lai của con người. Tương lai này chưa được tạo ra, chưa được quyết định: chính chúng ta sẽ tạo ra nó, mỗi cử chỉ của chúng ta đều góp phần vẽ nên nó: phải là một kẻ đạo đức giả mới không cảm thấy trong nỗi lo âu sứ mệnh đáng sợ được giao cho mỗi chúng ta. Nhưng các anh, để bác bỏ chúng tôi chắc chắn hơn, các anh đã cố tình lẫn lộn nỗi lo âu với chứng suy nhược thần kinh; nỗi bất an đầy sinh lực mà người hiện sinh nói đến, các anh đã biến nó thành một nỗi sợ hãi bệnh hoạn nào đó. Vì cần phải nói rõ ràng, tôi sẽ nói rằng nỗi lo âu, không hề là trở ngại cho hành động, mà chính là điều kiện của hành động, và nó đồng nhất với cảm thức về trách nhiệm to lớn của tất cả mọi người đối với tất cả mọi người, và chính trách nhiệm này tạo nên nỗi đau đớn và sự vĩ đại của chúng ta. Còn về sự tuyệt vọng, cần phải hiểu rõ: đúng là con người sẽ sai lầm nếu hy vọng. Nhưng chẳng phải điều này có nghĩa là hy vọng chính là rào cản lớn nhất đối với hành động sao? Chúng ta có nên hy vọng rằng chiến tranh sẽ tự kết thúc mà không cần chúng ta, rằng những người Đức Quốc xã sẽ chìa tay ra với chúng ta, rằng những kẻ đặc quyền đặc lợi trong xã hội tư bản sẽ từ bỏ đặc quyền của họ trong niềm vui của một "đêm 4 tháng 8" mới? Nếu chúng ta hy vọng tất cả những điều đó, chúng ta chỉ còn việc khoanh tay chờ đợi. Con người chỉ có thể muốn khi trước hết họ đã hiểu rằng họ không thể trông cậy vào bất cứ điều gì khác ngoài chính bản thân mình, rằng họ cô độc, bị bỏ rơi trên thế gian giữa vô vàn trách nhiệm, không có sự giúp đỡ hay cứu trợ, không có mục đích nào khác ngoài mục đích họ tự đề ra cho mình, không có số phận nào khác ngoài số phận họ tự tạo ra trên thế gian này. Sự xác tín này, nhận thức trực quan về tình cảnh của mình, đó là điều chúng ta gọi là tuyệt vọng: như ta thấy, đó không phải là một sự lạc lối lãng mạn đẹp đẽ, mà là ý thức khô khan và sáng suốt về thân phận con người. Cũng như nỗi lo âu không tách rời khỏi cảm thức về trách nhiệm, sự tuyệt vọng đồng nhất với ý chí; với sự tuyệt vọng, chủ nghĩa lạc quan chân thực bắt đầu: chủ nghĩa lạc quan của con người không mong đợi gì cả, biết rằng mình không có quyền lợi gì và không được hưởng gì cả, người vui mừng vì chỉ trông cậy vào chính mình và hành động một mình vì lợi ích của tất cả mọi người. Người ta có thể trách cứ thuyết hiện sinh vì nó đã khẳng định tự do của con người không? Nhưng tất cả các anh đều cần đến sự tự do này: vì thói đạo đức giả mà các anh che đậy nó và các anh luôn quay lại với nó một cách bất đắc dĩ; khi các anh đã giải thích một con người bằng những nguyên nhân, bằng hoàn cảnh xã hội, bằng lợi ích của họ, bỗng nhiên các anh lại phẫn nộ với họ và cay đắng trách móc hành vi của họ; và có những người khác thì, trái lại, các anh tỏ ra ngưỡng mộ và những hành vi của họ các anh coi là tấm gương cho mình. Vậy thì, đó là vì các anh không đồng hóa những kẻ xấu với rệp rễ nho và người tốt với các động vật có ích. Nếu các anh trách cứ họ, nếu các anh khen ngợi họ, đó là vì họ đã có thể làm khác đi những gì họ đã làm. Đấu tranh giai cấp là một sự kiện, tôi hoàn toàn đồng ý: nhưng làm sao các anh không thấy rằng nó nằm trên bình diện của sự tự do? Người ta gọi chúng tôi là kẻ phản bội xã hội: với quan điểm về tự do này, các canh ngăn cản con người thoát khỏi xiềng xích của họ. Thật ngu xuẩn làm sao! Khi chúng tôi nói rằng một người thất nghiệp là tự do, chúng tôi không có ý nói rằng anh ta có thể làm những gì mình thích và lập tức biến thành một kẻ tư sản giàu có và yên ổn. Anh ta tự do bởi vì anh ta luôn có thể lựa chọn chấp nhận số phận của mình một cách cam chịu hoặc nổi loạn chống lại nó. Và chắc chắn anh ta sẽ không tránh khỏi cảnh khốn cùng: nhưng, từ trong cảnh khốn cùng đang bủa vây anh ta, anh ta có thể chọn đấu tranh chống lại mọi hình thức của sự khốn cùng, nhân danh chính mình và nhân danh tất cả những người khác; anh ta có thể chọn trở thành người không thừa nhận rằng sự khốn cùng là số phận của con người. Người ta có phải là kẻ phản bội xã hội khi đôi khi nhắc lại những sự thật đầu tiên này không? Vậy thì, khi Marx nói rằng "Chúng tôi muốn thay đổi thế giới", ông là kẻ phản bội xã hội sao? Và qua câu nói đơn giản đó, ông cho thấy con người là chủ nhân của số phận mình. Vậy thì, tất cả các anh, các anh đều là những kẻ phản bội xã hội, bởi vì đó cũng là điều các anh nghĩ khi các anh thoát ra khỏi những giới hạn của chủ nghĩa duy vật đã từng có công nhưng giờ đã lỗi thời. Và nếu các anh không nghĩ như vậy, thì có nghĩa là con người chỉ là một sự vật, chỉ là một chút phốt pho, cacbon và lưu huỳnh, và ta sẽ không cần phải nhấc ngón tay út lên vì họ.[1] Các anh nói tôi rằng tôi làm việc trong cái rác rưởi. Đó cũng là điều Alain Laubreaux đã nói. Ở đây tôi có thể không trả lời, vì lời chỉ trích này nhắm vào cá nhân tôi chứ không phải với tư cách là một nhà hiện sinh. Nhưng các anh đã hấp tấp đi tới chỗ khái quát hóa đến mức tôi thấy cần phải lên tiếng để bảo vệ mình, sợ rằng nỗi ô nhục của tôi lan sang triết học mà tôi đã chọn. Chỉ có một điều để nói: tôi không tin những người đòi hỏi văn học phải tôn vinh họ bằng cách phô trương những tình cảm cao thượng, những người mong muốn sân khấu mang đến cho họ cảnh tượng của chủ nghĩa anh hùng và sự trong sạch. Thực ra, họ muốn được thuyết phục rằng làm điều tốt là dễ dàng. Nhưng không, không phải vậy: nó không hề dễ dàng. Văn học Vychy và tiếc thay! một phần của nền văn học ngày nay muốn chúng ta tin điều đó: thật dễ chịu khi được hài lòng với bản thân. Nhưng đấy hoàn toàn là một sự dối trá. Chủ nghĩa anh hùng, sự cao cả, lòng hào hiệp, sự hy sinh, tôi vẫn đồng ý là không có gì tốt hơn chúng, và cuối cùng, đó chính là ý nghĩa của hành động của con người. Nhưng nếu các anh cho rằng chỉ cần tham gia vào các tổ chức thanh niên Công giáo Ajist, Jocist hay một đảng chính trị mà các anh thích, hát những điệp khúc ngây thơ và đi dã ngoại vào Chủ nhật là đủ để trở thành anh hùng, các anh đang hạ thấp giá trị của những đức tính mà các anh tuyên bố bảo vệ và các anh đang chế giễu cả thế giới. Tôi nói, để mọi người hiểu thuyết hiện sinh không phải là sự khoái cảm sầu ưu (délectation morose) mà là một triết học nhân bản về hành động, về nỗ lực, về đấu tranh, và về tình đoàn kết, như thế đã đủ chưa? Không biết sau những lời minh định này, liệu dưới ngòi bút của các nhà báo có còn xuất hiện những ám chỉ về 'sự tuyệt vọng của những người xuất chúng của chúng ta' và những điều nhảm nhí khác nữa không? Điều đó còn phải chờ xem. Tôi sẵn lòng nói với những người phê phán tôi rằng: giờ đây điều đó chỉ phụ thuộc vào các anh. Sau tất cả, các anh cũng vậy, các anh là người tự do; và các anh, những người đang đấu tranh cho Cách mạng như chúng tôi nghĩ chúng tôi cũng đang làm việc ấy, các anh cũng có thể quyết định như chúng tôi liệu nó sẽ được thực hiện trong sự chân tín hay trong sự ngụy tín. Trường hợp của thuyết hiện sinh, một triết học trừu tượng và được bảo vệ bởi những người không quyền lực, rất nhỏ bé và không đáng kể: nhưng trong trường hợp như trong ngàn trường hợp khác, tùy thuộc việc các anh có tiếp tục thêu dệt những lời dối trá về nó hay, dù có đang công kích nó, các anh có đối xử với nó công bằng hay không, các anh quyết định con người sẽ là gì. Mong sao các anh hiểu điều này và từ đó cảm thấy một chút lo âu có ích nào đó. Đinh Hồng Phúc dịch ngày 08.07.2024 [1] nhấc ngón tay út lên vì họ ("lever le petit doigt pour lui") - cách nói ẩn dụ này của Sartre muốn nói rằng nếu con người chỉ là một sự vật đơn thuần thì ta chẳng hơi đâu quan tâm hay cố gắng làm gì cho họ (ND). |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC