Chủ nghĩa hiện sinh

Nền tảng đạo đức luận của Sartre và Camus

 

NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC LUẬN CỦA SARTRE VÀ CAMUS

 

VŨ-ĐÌNH LƯU

 

I. Thảm kịch trí tuệ và thảm kịch nội tâm

TƯ TƯỞNG Tây-phương hiện đại từ triết lý, văn chương đến nghệ thuật đang làm một cuộc thí nghiệm kỳ dị, cuộc thÍ nghiệm của một người khắc khoải, nhận thấy mình lạc lõng trong một điểm không đáng kể của vũ trụ bao la, sau khi đã chôn cất cho ông Trời và đạp đổnhững giá trị Ki-tô-giáo, nền tảng của 20 thế kỷ văn minh Tây-phương. Tây phương sống trong một thời kỳ khủng hoảng tinh thần, cả một nền văn minh đang đạt tới mức độ phát triển huy hoàng như ta thấy lại đặt ra vấn đề xét lại hoàn toàn những giá trị nền tảng của mình. Con người, vì thể cảm thấy lạc lõng không biết bám víu vào đâu đề lấp khoảng trống trong tâm hồn. Đó là những con người tượng trưng bởi Roquentin trong La Nausée của Sartre, Meursault trong L’Etranger của Camus, Clamence trong La chute của Camus, anh chàng K. của Kafka, v.v..

Nhưng những con người lạc lõng ấy được trình bày là những người sáng suốt, quá sáng suốt họ ý thức được sự vật trong một tình trạng hoàn toàn phi lý, man dại, hoang vu, lạnh lùng, dày đặc, và con người trong một tình cảnh trơ trụi, đớn hèn thê thảm. Niềm đau đó đã vấn vít lấy con người không phải trên bình diện tình cảm mà trên bình diện trí tuệ, bởi vậy khắc khoải siêu hình là thm kch ca trí tu[1]. Vết thương khôn chữa cho lành. Nhà văn giàu tình cảm ngán cho nhân tình thế thái có thể trú ẩn trong giấc mơ trữ tình, một thế giới khác họ tự tạo ra tùy hứng, nhưng kẻ sáng suốt bị dày vò bởi thảm kịch trí tuệ lãnh án khô sai chung thân. Roquentin đã có lúc tự nhủ: « Nếu mình có thể ngưng lại không suy tưởng nữa ! ». Nhưng nào cái trí tuệ ác nghiệt kia có đề cho y tìm đến sự trống rỗng mà yên thân.

Thảm kịch trí tuệ tai hại cho “sức khỏe, tinh thần như thế, nhưng không có nó đời sống mất cả ý hướng cao đại và lặng lờ như một thứ đồng miên, con người an nhiên thoải mái giữa những giá trị quen thuộc liệu có ý thức được hướng tiến của mình trong tương lai mịt mù chăng ? Ta biết rằng ngày xưa Montaigne là người sáng suốt thức thời đối với thế hệ của ông, nhưng ông có thể bình yên mà mỉm cười thế sự. Gần ta đây, Nguyễn Công Trứ đã không thểngồi yên trên đống lửa, trước ông còn báng nhạo, giận hờn, thoá mạ, nhưng rồi ông thấy mình bị thiêu đốt bởi sự sáng sáng suốt thức thời của mình đến độ phải tham dự, phải dấn thân vào sự chống đối bằng hành động (nổi loạn).

Thảm kịch trí tuệ gây cho con người sáng suốt những phản ứng căm phẫn như giận dữ, ghê tởm, "nôn mửa», nhất là chống đối. Sự chống đối của Nguyễn Công Trứ, dẫu sao cùng còn hiền lành, vì ông chỉ nhân danh những giá trị túc nho mà nổi loạn chống hủ nho, mặc nhiên thừa nhận cuộc sống và thân phận làm người theo một ý thức thiên mệnh như từ ngàn xưa vẫn thế. Ngày nay cuộc nổi loạn của Tây-phương mang những tính chất trầm trọng hơn nhiều, vì con người chống đổi ngày nay phải ý thức được rằng tất cả mọi ý thức của loài người về ông Trời, về vũ trụ, về thể sự hết thầy đều sai lầm, đều chỉ là hình thức giả tạo về sựvật. Có ý thức về bản chất chân thực của sự vật không có nghĩa là hiểu thấu bản chất, nhưng trái lại, là nhìn thấy sự vật hỗn độn kinh khủng mà phải choáng váng vì sự khám phá bi thảm ấy. Sáng suốt thấy mở ra trước mặt mình một vực thẳm, không bờ bến, không nóc đáy, không còn một đấng thần linh nào giải thích cho họ dù là lời giải thích tạm tuyệt đối là tình yêu[2]. Ta thấy cuộc mạo hiểm của những người sáng suốt đã đưa họ vào giữa đêm dầy, đã đẩy họvào tình trạng của người chới với giữa giòng nước cuốn, đầy họ đến biên giới hư không.

Thảm kịch trí tuệ đã giắt đến thảm kịch nội tâm, một trạng thái đã được Hegel mô tả trong cuốn Phénoménologie de l'Esprit, và những nhân vật tiểu thuyết hiện sinh tỉa tách thêm nhiều cạnh khía mới, đề thể hiện những phản ứng của con người thời đại trước hình ảnh hư không mà họ đã tạo ra về cuộc sống không có ông Trời.

Đối với chúng ta, điểm đáng ghi nhớ là họ đã có những sáng kiến gì đề cứu vãn con người khỏi thất vọng và những hậu quả của thất vọng, để con người có một kim chỉ nam thay thế cho kim chỉ nam Ki-tô-giáo thời trước. Nhìn theo một góc cạnh nào đó, ta có thể nói rằng ta xét định họ về phương diện cố gắng thể hiện những giá trị đạo đức ở ngoài quan niệm nguồn gốc đạo đức Ki-tô-giáo.

II. Trc giác ca Camus

TƯ TƯỞNG đạo đức Camus hướng về sự thể hiện những yếu tố có sinh lực rút từ kinh nghiệm cuộc sống của mình ; đó là kết quả của một kinh nghiệm sống sáng suốt, trong đó tác giả vận dụng trực giác để thông suốt và đem trình bày một cách “mộc mạc», không muốn đóng khung vào một hệ thống, e rằng, biện chứng pháp đem phục vụ một tham vọng hệ thống hóa sẽ làm mất sinh khí của sự thật[3].

Trong các tác phẩm của Camus, cuộc đối thoại xoáy vào một vài chủ điểm : công bình, hạnh phúc, phi lý, chống đối v. v... mà ông dùng làm chủ đề suy tưởng. Đem so sánh cách lập luận của ông với cách lập luận của Sartre người ta sẽ thấy ông không có ý định “làm triết lý ». Sartre mô tả, phân tích những hiện tượng xấu hồ, sợ sệt, khắc khoải, và cố gắng đặt những liên hệ với một cái nhìn toàn diện về con người. Camus tránh cái nhìn của triết gia như vậy. “Tôi không phải triết gia, thật thế, tôi chỉ có thể nói đến những điều tôi đã từng trải, kinh nghiệm thực sự » (Actuelles II). Ông cho rằng hội nhập những điều quan sát vào trong một hệthống sẽ phải biến đổi, thêm bớt, biện chứng sẽ dần dà thay thế cho trực giác. Tuy rằng trong những cuốn sách Le Mythe de Sisyphe và L'Homme Révolté chủ đề phi lý và chống đối được nghiên cứu sâu rộng, nhưng công việc phân tích của ông diễn tiến theo chiều ngang chứkhông theo chiều dọc, ông mở rộng tầm quan sát chớ không đi sâu xuống sự quan sát. Con người chống đối vì ý thức về điều ác, ý thức về điều ác bao hàm ý thức đối lập là điều thiện, liên hệ tới những khái niệm công bằng hạnh phúc. Ông không tìm những nguyên lý siêu hình hay xã hội của những khái niệm ấy ; những khái niệm ấy chứa đựng gì, có những tương quan gì với nhau ? Ông không chú ý đến.

Camus đứng ở ngoài quan niệm hệ thống và triết lý, ông chỉ bám vào một vài nét rời rạc tượng trưng cho sự thật và dùng cái nhận xét tinh tường để thể hiện nó qua những hình ảnh cuộc đời. Lời kêu gọi người đời trở về với công bình với hạnh phúc là lời kêu gọi thống thiết nhưng nhàm chán, thoát ra từ cái nhìn của một thi sĩ, của một người sống một cách say mê. Người ta trách Camus quá thiên về đạo đức và tư tưởng của ông không thể có áp dụng thực tế. Nhưng ta thử hỏi, một hệ thống luân lý đúc kết thành nguyên tắc và giáo điều hẳn hoi nhưng người ta chỉ nói mà không làm theo thì có ích gì hơn ?

III) Kinh nghim mt tri và triết lý s lnh

Lúc thiếu thời, lúc người ta mới bắt đầu có ý thức về cuộc đời người ta thường bị thôi miên bởi một vài hình ảnh đơn giản mà người ta cho là cao đẹp. Sự nghiệp của một nhà văn tiềm tàng một ý hướng theo đuổi những hình ảnh cao đẹp thiếu thời qua những chặng đường nghệ thuật. Tư tưởng Camus bắt nguồn từ một vài kinh nghiệm nhuân nhu lúc tâm hồn mới mở ra đón tiếp cuộc đời. Ái tình, say sưa, nước biển, mặt trời bên bờ Địa Trung Hải mà ông ca tụng với cái vụng về của một người tôn thờ khoái lạc, không phải là một xa xỉ phẩm của nền giáo dục trưởng giả như người ta đã gán cho ông, nhưng đó là một cố gắng khơi lại những nguồn suối trong sạch của dòng sông, những yếu tố “tiền giáo dục». Những nguồn suối trong sạch của dòng sống đó, sau trở lại nâng đỡ ngòi bút ông khi ông viết những chương cuối cuốn L’homme Révolté, mà “ tư tưởng buổi trưa» của ông là một thể hiện rõ rệt. Tóm lại tư tưởng Camus là nguồn hứng của kinh nghiệm mặt trời, ánh sáng và ấm áp.

Ở một vị trí đối lập với Camus, Sartre đã làm một thứ triết lý về băng tuyết, đêm tối, nhầy nhụa (trong phần cuối L’Être et le Néant). Quả vậy, không bao giờ thấy mặt trời xuất hiện trong vũ trụ của Sartre. « Tôi sẽ không làm được cái gì ra hồn, trừ khi về đêm. Vì có mặt trời cho nên...... ». (La Nausée). Roquentin tạm tránh được nôn mửa trong khoảnh khắc, ấy là nhờđêm tối, chàng ý thức được những năng lực kỵ mặt trời tác động như thuốc an thần. Tuy nhiên ánh sáng không phải là thủ phạm duy nhất của sự nôn mửa, ta còn thấy một đồng lõa thứ hai anh em với ánh sáng mặt trời là sức nóng. Đêm đến Roquentin thoát được ánh sáng mặt trời và sức nóng, anh chàng mới được thư thái: « Tôi thấy sung sướng: trời lạnh thanh lặng, đêm trường trong trẻo biết bao... » Đêm trường đưa người về với lạnh lẽo, lạnh lẽo đưa đến trong sạch. Trạng thái tâm hồn hiện sinh mơ mộng của Sartre đã đưa con người đến cái dốc siêu hình nguy hiểm : Phải chăng chính tôi cũng chỉ là luồng gió giá băng ? Ô! nếu ta chẳng còn là máu huyết, xương thịt... Ta chỉ còn là Sự Lạnh,Ta thấy Sartre đầy sự suy tưởng đến chỗ cùng tột, đến một triết lý Sự Lạnh.

Ở một thái cực đối lập với Sartre, Camus xoáy dòng tư tưởng của mình chung quanh chủđiểm mặt trời. Mặt trời là sinh lực. Ánh sáng mặt trời không còn tượng trưng cho sự trong sạch xa vời, nhưng là yếu tính sinh lực thẩm nhuần sự vật: tàn tích Tipasa, bãi biển trong l’Etranger, vũ trụ tiểu thuyết của Camus khai diễn dưới mặt trời. Mặt trời tượng trưng cho nguồn sinh lực thống nhất vũ trụ tiểu thuyết của ông : « Khắp mọi nơi trên cõi thế, từ đất đến trời men nồng rượu ấm làm chuếnh choáng thế gian. » (Noces). Mặt trời là sinh lực làm cảm ứng nhân loại với thiên nhiên « Không có mặt trời, hương thơm cỏ dại và những cái hôn âu yếm chỉ có vẻphù phiếm » (Noces).

*

Ta thấy Camus có những khái niệm về bản thể luận trái ngược với Sartre. Ta duyệt qua xem hai đường lối suy tưởng chứa đựng những gì và có thể đưa đến những chân trời nào.

Trạng thái nôn mửa của Sartre bắt nguồn từ một quan niệm triết lý tách biệt chủ với khách. Tâm con người tự bản chất của nó không thể thông cảm được với thiên nhiên dầy đặc và lạnh lùng, con người lý ưng phải loại bỏ ngoại giới (cuộc đời). Triết lý "ly khai" ấy Sartre trình bày bằng một tiến trình biện chứng chặt chẽ và đầy đủ thách đố tất cả những hệ thống khác chống đối với ông, bởi vậy Sartre tượng trưng cho khối óc sáng suốt nhất thời đại. Uy tín của Sartre đặt trên công việc khai thác sự bất lực của bản thể luận xưa nay vẫn chưa giải thích được suôi tai sự phối hợp linh hồn với thể xác ; con người gồm hai yếu tố tinh thần và vật chất đối nghịch nhau như thế, tại sao con người lại là một cá thể thống nhất ? Vấn đềkhông mới mẻ gì. Đề giải thích sự phối hợp ấy, triết lý Tây-phương vẫn cầu cứu đến Thượng-đế, đến khái niệm siêu việt tính. Sự cầu cứu ấy Camus gọi là bước nhảy qua cái vực tượng trưng cho một lãnh vực mà trí tuệ con người không đạt tới được. Camus và Sartre đều lại ởbiên giới trí tuệ không chịu nhảy vì họ đã tiên tương khước từ Thượng-đề, có nhảy sang cũng không thấy gì mà lại còn mang tiếng làm triết lý rẻ tiền. Con người của Sartre và của Camus đều ngưng lại ở biên giới mà tự túc tự mãn, mỗi người theo một cách. Con người của Camus tuy không còn hy vọng hướng về Thượng-đế để tìm thấy nguồn an ủy, để đời người có một cứu cánh ở ngoài cuộc sống, nhưng ta có thể nói là vẫn giữ được «trớn». Chỗ gặp gỡ giữa con người và thiên nhiên chính là cái thể xác của con người, thể xác con người sẽ căng phồng sinh lực vũ trụ. Nhưng con người của Sartre bí lối vì triết lý của Sartre đã thể hiện con người hiện hữu một cách phi lý, một cách giả tạo ; con người ấy kín mít như bưng không thểthông cảm được với người khác và thiên nhiên. Không lẽ ông mâu thuẫn với mình mà làm ảo thuật như thiên hạ, vay mượn khái niệm tình yêu của Thượng-để đề dùng làm xi-măng thông cảm.

Vũ trụ triết lý của Sartre không có chỗ cho một yếu tố lạ hoắc len lỏi vào (là tình yêu), không còn ảo tưởng nữa, mà Sartre lại đầy sự suy luận lý trí đến cùng, ta không lấy làm lạrằng thân xác chỉ còn là đống thịt mềm nhũn nóng hồi, nhầy nhụa ; đời sống được nhận xét qua những góc cạnh bỉ ổi, ái tình chỉ còn ý nghĩa một sự độc dâm. Cái gì Sartre không thể đạt được bằng triết luận, Sartre dùng văn chương để diễn tả. Nhận vật tiểu thuyết của ông toan tính vượt thiên nhiên bằng một thứ tâm tình phản thiên nhiên. Tiếng nói của xác thịt bị cản đường thăng hoa trở thành thử tiếng nói kỳ lạ mà những người chôn chân vào vũng nước đọng văn minh mấy ngàn thế kỷ phải thấy quái gở.

Trái lại, dưới vũ trụ đầy mặt trời của Camus, con người được nhắc đến trong những điều kiện khai phóng để phát triển vật chất, con người không còn quay lại vào trong để chỉ thấy trơtrụi có mình, mà hướng ra ngoài đề chào đón ánh sáng và thiên nhiên, mà thông cảm với thiên nhiên (Camus không bận tâm làm triết lý nên không tra hỏi xem tại sao lại có sự thông cảm ấy — sự kiện đã làm điên đầu triết gia). Con người chia xẻ tình yêu với người khác là biểu hiệu sự thông cảm cái gì sâu xa hơn. Vì bơi lội với Marie mà Meursault cảm thấy yêu Marie : “Nước thì lạnh, tôi thì khoan khoái vì bơi lội. Tôi cùng Marie bơi ra xa, chúng tôi cảm thấy ăn ý với nhau trong cử chỉ, trong sự khoan khoái». Rõ ràng Camus chỉ vừa hành động vừa theo dõi sự khai triển tâm tình trong khi hành động, chứ không làm triết lý ái tình, không bận tâm với những trường hợp khác như tiếng xét ái tình chẳng hạn, không thể cắt nghĩa được.

- Cả đến tình mẫu tử cũng có vẻ do một sự “ khám phá » mà có. Tình mẫu tử của Meursault không phải là một thứ tình cảm tiềm tàng và có sẵn trong con người; thực ra quan niệm này có vẻ một thần tượng tâm lý học, một quan niệm luân lý trá hình. Tình mẫu tử của Meursault xuất hiện nhân một cơ hội bất thần nào đó gây cho con người một ý thức: “Qua những hàng cây trắc bách diệp. đất xanh lẫn đỏ... tôi hiểu mẹ tôi.» Chàng thanh niên này đã đồng nhất hóa mẹ với đất mẹ. Chàng đã lặn sâu xuống tiềm thức, trong đó, theo Freud, nguồn gốc của mọi tình cảm là dục tình, là cái libido. Tình mẫu tử chỉ là một “trường hợp loạn dâm siêu thăng ».

IV) Kinh nghim tham d và cm thông

Cuộc thí nghiệm mặt trời, ánh sáng và khoái lạc thân xác là khởi điềm của một cuộc tiến hành vào trong lòng đời, Camus lần lần tự tạo một quan niệm đạo đức trong sự thừa nhận hạtầng thú tính của con người – một biểu hiện của nguồn sống huyền nhiệm. Camus muốn trởvề tận nguồn sống huyền nhiệm đó để tìm những giá trị chân thực, mặc nhiên gạt bỏ những giá trị đạo đức giáo điều của một xã hội đã hợp lý hóa tất cả trong một cái nhìn độc đoán. Ngưỡng vọng của Camus là một ngưỡng vọng làm lại hết cả mọi giá trị từ đầu.

Trong cuộc thí nghiệm ấy, người ta phải có một ý thức mãnh liệt về hiện tại. Hiện tại luôn luôn hiển hiện lên làm mốc điều giải mọi ý niệm về thời gian. Trong một kiếp sống hữu hạn, dĩ nhiên ý niệm thời gian trọng đại hơn cả là cái phút tàn ác chấm dứt một cuộc đời.

Đối với Pablo, nhân vật trong truyện Le Mur của Sartre, cái chết là một sự phi lý “ Cái chết đã làm người ta mất hết ảo tưởng... Nếu người ta đến bảo tôi cứ yên ổn mà ở nhà, tôi cũng vẫn lạnh lùng với tin ấy : chờ đợi lúc chết trong vài giờ hay vài năm có khác gì nhau, khi người ta không còn ảo tưởng sống vĩnh viễn. Tôi không còn thiết gì nữa, hiểu theo một nghĩa khác, tôi có thể nói rằng tôi bình tĩnh.

Trái lại, đối với nhân vật của Camus, thì trước cái chết đe dọa kia, con người tập trung sinh lực vào cuộc sống. Ý thức chết giúp cho con người nhận thức cuộc sống đầy đủ và trọn nghĩa hơn. Cái chết tiêu diệt cuộc sống, vì thế tác động như một yếu tố phủ định để làm nổi bật yếu tố khẳng định (là cuộc sống).

Tuy nhiên ta phải tìm hiểu Camus chấp nhận cái chết với một thái độ nào, thái độ trai lỳcủa triết lý khắc kỷ chăng ? Không, cái chết vẫn là một sự thực kinh khủng mà Camus lý hội bộ mặt thực của nó dần dần qua kinh nghiệm sống. Trước hết anh Chàng Meursault, đầy sinh lực tuổi trẻ, cái xác thịt tươi đẹp ấy biết mình sẽ chết, nhưng không chút gì băn khoăn vì nó :“Hương đêm, đất và muối làm mát dịu thái dương. Sự yên tĩnh của đêm hè tràn vào người tôi như một đợt sóng .. ». Nhưng rồi ý thức về cái chết nhiễm lần vào sự sống. Thịt người không phải đến lúc chết mới rữa, thịt người biến chất dần ngay lúc đang sống, teo dần đi, nhăn dúm dần lại. Cái chết đã có mặt ngay trong sự sống. Nhân vật của Camus đã cảm thấy nỗi đau đớn ấy nhưng vẫn tìm cách vượt những khó khăn ấy bằng cách hướng “ tâm » ra ngoài mà tìm sinh lực mới. Đoạn cuối cuốn La Peste, có đoạn đổi thoại giữa Rieux và Tarrou rất ý nghĩa. Sau khi làm việc mệt nhọc để cứu đồng bào, họ hỏi nhau :

- "Ông có biết chúng ta nên làm gì để tình bạn thêm thân thiết ? 

- Làm gì cũng được, Rieux nói.

- Ra biển tắm. Dù sau này trở nên một ông thánh, thú vui này cũng đáng hưởng lắm. ».

"Trong vài phút, họ cùng một nhịp, bơi mạnh mẽ ra ngoài xa vắng vẻ, cách biệt với cuộc sống, họ thoát khỏi đô thị và bệnh dịch hạch. »

Ý thức về sống và chết của Camus như vậy, ta phải nghĩ gì về « bức thông điệp » của ông ? Cuốn La Peste có thể gây một ấn tượng về anh hùng tính của Tarrou vì ông này không xúc động, tỏ ra người gắn liền trước sự nguy hiểm, trước số mệnh : « Tóm lại điều đáng làm tôi đểý là tìm hiểu xem người ta làm thế nào để trở nên một ông Thánh ». Tuy nhiên ấn tượng vềanh hùng tính đó không phải là chân lý cuộc sống, vì anh hùng tính không phải là hình thức cởi mở tâm hồn tham dự vào cuộc sống mà là hình thức khép kín tâm hồn tìm tham vọng dễdãi, đỡ phí sức lực. Thực ra bức thông điệp của ông gửi cho đời một chân lý thể hiện qua lời nói của Rieux : « Tôi không có khiếu để làm anh hùng hay ông thánh. Tôi chỉ muốn làm người. Phải, chúng tôi cùng theo đuổi một mục đích, nhưng tôi có những tham vọng khiêm tốn hơn. »

Làm người khó hơn làm anh hùng, như Malraux đã chứng minh trong La Condition Humaine : Anh hùng tính là sự cố gắng tự chiếm đoạt lấy mình một cố gắng chứng tỏ uy lực của mình với chính mình, một cố gắng thu về, tận dụng hết mình. Người anh hùng chỉ vuốt ve một hình ảnh cao đẹp của chính mình và gạt bỏ hết những gì không giúp họ đạt được viễn ảnh ấy. Tchen, vị anh hùng của Malraux khinh bỉ tất cả những cái gì trong hiện tại không bắc cầu cho y tận dụng bản ngã của y một cách mãnh liệt. Anh hùng dân tộc ...* cũng vậy, dám hy sinh cả tình cảm, nhân đạo, tỏ ra mình đã vượt mình, tác phong của y còn có một sắc thái khoe khoang.

Những vị anh hùng của Corneille hay những anh hùng ngày nay nhìn đời chỉ thấy có mình, họ quay về với mình, khép kín tâm hồn, tìm những biện pháp dễ dãi đề thoả mãn tham vọng cao đẹp.

Nhưng Camus không chủ trương anh hùng, ông chủ trương làm người thôi : “muốn làm người phải từ chối không nhận làm ông Trời » (L'Homme Révolté). Căn bản đạo đức của ông không dung nạp được người anh hùng, vì con người ông chủ trương cởi mở tâm hồn, tham dự vào cuộc sống.

*

Đến đây, chúng ta có cơ hội nói đến một chủ điểm thứ hai trong tác phẩm của Camus đã làm đầu đề cho nhiều cuộc tranh luận.

Hưởng thụ và tìm khoái lạc có thể là một hình thức tham dự vào cuộc sống. Những nhân vật tiểu thuyết đầu tiên của Camus say sưa nhục dục, tận hưởng khoái lạc thể chất, thú vui dưới trời, nước, thiên nhiên, có thể gây một ấn tượng về sự tôn thờ khoái lạc. Nhưng ta biết Camus chủ trương một cuộc thí nghiệm toàn diện từ nguồn, để làm lại hết cả mọi giá trị, ông không sao tránh khỏi những quyến rũ ấy ; vì đó là tiếng nói ban đầu của nguồn sinh lực tiềm tàng trong con vật sống có khuynh hướng tự nhiên tránh sự khó chịu và tìm sự khoan khoái. Do những kinh nghiệm sau của cuộc tiến hành vào lòng cuộc sống ông tiến đến những hình thức khác của sự tham dự vào cuộc sống, khái niệm hưởng lạc biến thiên thành khái niệm liên hoan.

Nếu vũ trụ của Camus có những điểm giống vũ trụ của Gide như: khoái cảm, hiện tại, ánh sáng, mặt trời, phong cảnh, vân vân thì những điểm tương đồng đó chỉ có trên bề mặt, hai vũ trụ cách biệt nhau một trời một vực.

Đối với André Gide kinh nghiệm cuộc sống là kinh nghiệm của người hiếu kỳ khao khát muốn biết, muốn thưởng thức, tâm hồn người ấy lạnh lùng đối với cuộc đời, tâm hồn họ có thái độ đứng xa chứ không tham dự. « Món ăn trần gian” của ông gồm nhiều loại, và phải đổi món luôn luôn. Nào là món du lịch, cuộc du hành từ Sahara đến Normandie, từ Florence đến La Haye, rồi đến những món kiến thức như khoa học, lịch sử, sinh vật, ngôn ngữ, văn chương ..... Trước những món ăn trần gian ấy, con mắt khao khát của Gide muốn biết hết, muốn thưởng thức hết, một sự thưởng thức “trưởng giả, tiêu biểu cho một tiềm ý « chiếm hu”, tích trữ, có lẽ không bac giờ thỏa mãn vì đòi hỏi luôn có thêm món khác mới lạ. Thái độ của Gide là thái độ trí thức tháp ngà.

Trái lại, thái độ của Camus là thái độ tham dự, đón nhận, hòa mình. Camus không đổi món luôn như vậy, ông trung thành với một kinh nghiệm chính yếu buổi ban đầu nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Gide qua bao nhiêu nơi thắng cảnh, ngây ngất bao nhiều hương tình, nhưng Camus chỉ biết có trời nước Địa-Trung Hải và di tích Tipasa, đến chỗ khác ông thấy mình lạc lõng. Kinh nghiệm mặt trời duy nhất của ông là kinh nghiệm Địa-Trung Hải, nó đã đem lại cho ông một ấn tượng về tình cảnh trơ trụi của con người trước thiên nhiên. Nhờkinh nghiệm ban đầu đó Camus tạo ra nét chính của mối liên hệ giữa con người với ngoại giới : con người trơ trụi chỉ hiện hữu » với ngoại giới mà ta gọi thể là « liên lạc hiện hữu, hay là “phạm trù hiện hữu » trái ngược với Gide, liên lạc của Gide với ngoại giới là “liên lạc chiếm hữu, như nói trên kia. Một con người liên hệ với cuộc sống bằng “phạm trù hiện hữu, chỉ có thể tham dự vào cuộc sống bằng hình thức cộng lạc, bằng hình thức liên hoan; vì hưởng lạc là hình thức tham dự của người liên hệ với cuộc sống bằng “phạm trù chiếm hữu ». Ta nhận thấy tiến trình tư tưởng của Camus đưa ông đến những ý hướng cởi mở cảm thông chớ không phải ông chấp nhận một quan niệm luân lý trừu tượng giả tạo: Đó là phát kiến mới mẻ của Camus.

V. Triết lý hành động ca Sartre

Trong quan niệm đạo đức của Camus, “phạm trù chiếm hữu, đã không có chỗ đứng, do đó anh hùng tính và sự hưởng thụ tự nhiên phải thối lui. Ta chỉ còn “phạm trù hiện hữu » đứng ra làm một thứ liên lạc viên thân cận nhất của thâm tâm con người đối diện với cuộc sống.

Sang phần này, chúng ta nghiên cứu đến phạm trù hành động, một phạm trù có tầm quan yếu đối với căn bản đạo đức đã là chủ đề tranh luận giữa Camus và phái hiện sinh hành động.

Tư tưởng của Sartre diễn biến từ La Nausée đến Les Mains Sales đã làm được một việc đẹp đẽ: đưa bản thể luận đến chỗ đối lập với đạo đức luận. Cái « Tâm » sáng suốt được coi là tai hại cho sức khỏe tinh thần (xin coi đoạn đầu: Thảm kịch trí tuệ và thảm kịch nội tâm). Bản thể sự vật là cái gì vô tri giác, dầy đặc, đông công. Con người trị giác biết tìm hiểu, biết suy tưởng, cố gắng một cách tuyệt vọng để chối bỏ cái bản thể đó.

Theo bản thể luận như thế, hành động của con người có ý nghĩa tượng trưng phá hủy bản thê của mình. « Phạm trù hành động » đối nghịch với « phạm trù hiện hữu".

Sự khó khăn không phải chỉ có thể mà thôi. Một số tác phẩm đồ sộ của Sartre là chứng cứđể tố cáo thái độ ngụy tín, gian trá của hành động. Hành động đó phản chiếu tiềm ý của bản năng không chấp nhận một « hiện hữu, đối lập với mình, vì « kẻ thù số I của loài người chính là loài người ».

Trong tình trạng tuyệt vọng của triết luận không tìm được một ý nghĩa nhân luân khả thủ, người ta đành phải chấp nhận phạm trù hành động trong viễn ảnh đảo ngược ý nghĩa nguyên thủy của hành động, quay lại phục vụ đời sống.

Đây chính là yểu lý của luận điệu nhân bản hiện sinh: «Theo tiên nghiệm, đời sống không có nghĩa gì... nhưng chúng ta phải đem lại cho nó một ý nghĩa». (lExistentialisme est un humanisme).

Chúng ta tự hỏi sao Sartre lại hì hục đi tìm một bản thể luận gai góc khó xoay trở như vậy ?

Sao ông không ngó sang Đông - phương để thấy bản thể sự vật là hư không, phạm trù nào, từ hiện hữu cho đến hành động, (thập nhị nhân duyên) đều nhốt kín trong một cái vòng tròn (luân hồi) vô thủy vô chung, thật là tiện dụng, có thể lồng vào đó đủ hết mọi hệ thống triết lý mà không bao giờ bị lối.

Hành động đã không có ý nghĩa nhân luân tiên khởi, Sartre dùng một biện pháp giả tạo để gán cho hành động ý nghĩa nhân luân lấy ở ngoài đưa vào. Đó là cách gán cho hành động nhiệm vụ “ đem lại ý nghĩa cho đời sống ». Nhưng ta tự hỏi: Làm thế nào mà biết có ý nghĩa ấy? Ở trên trời rớt xuống chăng ? chấp nhận như thế là chấp nhận khái niệm Thượng - đế. Do kinh nghiệm mà biết chăng ? Kinh nghiệm chính yếu là sự nôn mửa thì làm sao biết được ý nghĩa ấy!

Theo định nghĩa hiện sinh, thì con người hiện hữu một cách hoàn toàn siêu hình, con người tự tạo ra mình và tự lựa chọn bằng hành động[4], vậy thuyết hiện sinh còn phải dầy công nghiên cứu mới chứng tỏ được thể nào là “ tự tạo » và « lựa chọn".

*

Dưới đây xin bàn đến những khó khăn mà tiêu chuẩn “mang lại ý nghĩa cho cuộc đời, đã nêu ra. Nói hành động đề đem lại ý nghĩa cho cuộc đời chưa có gì là minh bạch. Hành động của người ta có thể có tác dụng thay đổi bộ mặt cuộc đời nhưng cứu cánh của hành động lại là làm sự nghiệp anh hùng như trường hợp đã phân tích ở đoạn trên, mà không tham dự vào cuộc sống.

Đem lại ý nghĩa nhất cho cuộc đời là làm ra lịch sử. Tại nạn lớn cho nhân loại chính là ởđiểm đạo đức hiện sinh của Sartre dạy người làm lịch sử phải hướng về tương lai, không lấy con người làm cứu cánh và con người là cái gì chưa có hình tướng nhất định, còn luôn luôn tạo lập ra. “Người ta chỉ có thể nhắm vào tương lai mà quyết định đường lối hành động vì ánh sáng của tương lai là ý nghĩa và tính chất của hành động.» chánh kiến như vậy có thể đưa đến kết luận: “Người ta sẽ hy sinh thế hệ ngày nay cho thế hệ ngày mai, vì hiện tại là giả tạo và ta phải vượt qua để đi đến tự do»[5].

Camus là người nhận thấy cửa hiện sinh mở ra trước những vụ tàn sát, hy sinh hiện tại cho tương lai, cho nên đạo đức luận của ông cố gắng đóng xập cái cửa ấy lại và tìm cách cứu vãn giá trị của hiện tại, nêu lên khái niệm tính mạng một người bất khả xúc phạm.

Đạo đức luận của Sartre và Camus đều là những lập luận một kích thước, luận điệu của Sartre dựa vào khái niệm tự do, luận điệu của Camus dựa vào khái niệm sinh mạng.

Trong cái nhìn của Sartre, có một sự ly khai triệt để giữa cá nhân và cuộc đời, giữa cá nhân và người khác. Con người chỉ có thể chấp nhận được cuộc đời ấy khi con người đã biến đổi hẳn nó đi. Roquentin nhìn hòn sỏi mà phát sinh nôn mửa vì hòn sỏi đại diện cho thiên nhiên nguyên vẹn chưa được biến cải bởi bàn tay người cho nên bất khả cảm thông. Sartre chỉ thoải mái với những sản phẩm kỹ nghệ, nghĩa là đồ vật đã qua sự biến chế của con người. Thái độ hiện sinh ly khai con người với bản thể với hiện tại, giới hạn con người trong những phát kiến của con người, có khuynh hướng dắt con người đến một ngõ cụt.

Bởi vậy một số triết gia, như Merleau Ponty, muốn đặt lại nền móng bản thể luận đề tìm cách thoát khỏi chỗ bế tắc. Camus đứng ở vị trí đạo đức luận cũng nhắm mục tiêu ấy. Đợi hoàn thành lịch sử mới xét định giá trị của hành động tức là hy sinh con người cho lịch sử. Không phải triết lý hiện sinh không ý thức được sự thật ấy. Chính Simone de Beauvoir đã từng cảm thấy sự nguy hiểm của một triết luận chấp nhận sự tàn sát ngày nay để xây đắp cuộc đời tươi sáng ngày mai. Bà viết : “ Cứu cánh chỉ có thể biện hộ cho phương tiện, nếu cứu cảnh đó ở ngay hiện tại, nếu người ta thấy nó hiền hiển ra khi bắt tay vào hành động. » (Pour une morale de l'ambiguité). Nhưng đạo đức luận của hiện sinh tròng trành không xác định được phương tiện và cứu cánh cho sự hành động : “ Người ta không thể tách rời cứu cánh khỏi phương tiện vì phương tiện định nghĩa cứu cánh, người ta không thể phê phán phương tiện nếu không xét cứu cánh vì cứu cánh đem lại ý nghĩa cho phương tiện. »

Người ta nhân danh một giá trị tối thượng nào tượng trưng cho mọi giá trị đạo đức khác mà hành động ? Sartre trả lời : tự do. Đó là một nhược điểm. Vì ông lấy khái niệm tự do làm giá trị tuyệt đối. Tự do là một khái niện khá mờ mịt không sát thực tế cần phải có những khái niệm khác hỗ trợ mới thể hiện được giá trị đạo đức.

Đối với Sartre, người ta không thể tự do được, người ta bị bắt buộc phải tự do. Như vậy tự do không phải là mục tiêu mà con người tự nhiên hướng về đó. Con người chỉ hướng vềnhững mục tiêu nào đó, vì có tự do. Vả chăng một tên nô lệ thời xưa đâu có ý thức tự do, một đàn bà Đông phương thời trước đâu có những quan niệm tự do như mấy cô gái mới xã hội này, nói đến tự do như bây giờ có lẽ các bà còn cho là xúc phạm đến tự do của các bà là khác. Ta có cảm tưởng như tự do cũng do hoàn cảnh xã hội tạo ra và hoàn thiện lần hồi. Tóm lại khái niệm tự do bất lực trong vai trò lãnh đạo sự hành động của người đời. Tự do đã không phải tiêu chuẩn đáng tin cậy của hành động. Phái hiện sinh phải tạo ra tiêu chuẩn khác sát thực tế hơn. Tiêu chuẩn đó là cởi mở tâm hồn, chấp nhận và tham dự vào cuộc đời. Simone de Beauvoir đã viết : “ Muốn cho con người tự do, là muốn trong con người có “bản thể », muốn cái bản thể ấy bộc lộ ra trong sự vui sướng của đời sống. Chính vì cô đọng thành thú vui và hạnh phúc mà cuộc vận động tìm tự do hiện ra hình tướng cụ thể phàm trần ... Nếu chúng ta không yêu đời sống cho chúng ta và cho người khác thì chẳng nên tìm lý giải cho cuộc sống mà vô ích. »

Chúng ta biết trước, Sartre muốn hòa giải con người với cuộc đời, muốn triết thuyết chứa đựng tính chất nhân luân, muốn cho anh chàng Roquentin tham dự vào cuộc sống, nên phải ngụy tạo một lối cởi mở tâm hồn. Ta gọi là ngụy tạo vì thái độ cởi mở không xuất phát từbản chất thâm sâu của con người Roquentin, không thể nào dung hòa được với bản chất con người « nôn mửa »; « bản thể, bộc lộ ra trong sự vui sướng thế nào được, khi ý thức của con người là chối bỏ cái bản thể đó ; tâm hồn cởi mở thể nào được khi kinh nghiệm cuộc sống cho biết « kẻ thù số I của con người là con người ». Đó là tình trạng tuyệt vọng, hết đường cứu vãn của lý thuyết về con người.

Nếu muốn con người chấp nhận một khái niệm hành động hướng về hạnh phúc, cởi mở, tham dự, yêu đời, thì phải đặt lại các vấn đề bản thể luận.

*

Tác phẩm của Camus không muốn nói cái gì khác việc lý giải rằng phạm trù hành động phải chứa đựng những khái niệm yêu đời, hạnh phúc, cởi mở, tham dự. Nhưng cái may mắn cho ông là đạo đức luận của ông không tìm căn cứ triết lý trong bản thể luận.

VI. Kinh nghim hành động ca Camus

BÂY GIỜ chúng ta theo dõi tiến trình suy tưởng của Camus ở bên ngoài mọi quan niệm hệ thống, mọi nguyên tắc triết lý,

Với Camus, ta không đợi ông đưa ra một vài « nguyên tắc triết lý đề ta ngồi yên ổn mà « diễn dịch » ra một mớ giáo điều đầu đuôi xuôi ngược ăn khắp nhau phăm pháp, như hồi triết lý duy lý đang hưng thịnh. Phương pháp của ông là một phương pháp biện chứng đối chứng. Đặt một mệnh đề khẳng định, theo liền đó là một mệnh đề phủ định.

“Tôi hiểu rằng trong sự chống đối của tôi vẫn có sự đồng ý... Làm thế nào dung hòa được tình yêu với sự phản đối (Noces). Cùng một lúc người ta vừa có ý phản đối vừa có ý ưng thuận, hai ý tưởng đối nghịch nhau tìm được sự quân bình trong một cái thế liên lập kỳ dị.

Bằng phương pháp ấy ông đưa ra cái gọi là “tư tưởng giới hạn » trong đó hai sự kiện đối lập nhau đứng song song trên một thể quân bình rất chênh vênh. Sự thật gồm cả hai yếu tốđối lập đó, nhưng phải vượt qua để vươn tới một tổng hợp đề[6]. Thí dụ : “Đức độ không thểtách rời khỏi thực tế mà không trở thành mối hại, đức độ cũng không thể đồng nhất hóa với thực tế mà không tự phản bội mình... Đề chống lại những sự quá trớn ấy, sự chừng mực dạy ta rằng đạo đức nào cũng cần có một phần thực tế : thuần đức độ rất tai hại; thực tế nào cũng cần một phần đạo đức: vô liêm sỉ rất tai hại. ( L’homme Révolté ). “Tư tưởng giới hạn» tácđộng như một biện pháp tiết chế thần hứng. Trong cuộc thức tỉnh cái sức sống huyền nhiệm để săn tìm giá trị đạo đức chân thực, Camus biết là ông sẽ gặp nhiều cạm bẫy nguy hiểm. Nietzsche đã gặp những cạm bẫy đó và đã sa vào bẫy siêu nhân ». Con người siêu nhân của ông đưa ra đã tìm được đường lối áp dụng chính trị (phát xít Ý, quốc-xã Đức). Trường hợp Meursault giết người là trường hợp thụ động, hoàn toàn để cho bản năng sinh sống điều khiển mình : « Mắt tôi mù quáng vì bị che bởi một màng nước mắt và muối. Tôi chỉ cảm biết mặt trời gõ phòng phòng vào trán tôi...". Hoàn toàn vâng theo những giá trị rút ra từ bản năng sinh sống sẽ đưa đến sự tiêu diệt những giá trị ấy. Sức sống huyền nhiệm dẫn dắt con người tiến vào tương lai dĩ nhiên cũng đề xướng ra những giá trị nào đó, nhưng phải có điều kiện nào, những giá trị đó mới có sinh lực được. Điều kiện đó là con người ý thức được rằng có một đoàn thề người cũng tiến tới như mình, sự tiến hóa của mình phải bố trí cách nào để không ngăn chặn sự «ý tiến hóa của người khác, nói khác đi là có ý thức về nghĩa phổ biến của sức sống huyền nhiệm ». “Trong kinh nghiệm phi lý, sự đau đớn là sự đau đớn cá nhân. Từ lúc có hành động chống đối, sự đau đớn ấy trở nên đau đớn tập thể, sự chống đối trở nên cuộc đời phiêu lưu của cả đoàn thể... Tôi chống đối, vậy thì chúng ta hiện hữu. » (L'Homme Révolté). Đó là lịch trình tiến triển cua tur turong Camus tur L'Etranger đến La Peste.

Ta nhận thấy Camus cũng luận về bản thể tuy không hệ thống hóa. Nhưng điền quan trọng trong chủ thuyết của ông là đạo đức luận.

Camus trung thành đến đầu đến đũa với nguyên tắc “tư tưởng giới hạn, tóm thâu trong hai chữ “có» và “không”, trong sự kiện "khẳng định" đến mức nào cho thỏa hiệp với sự kiện “phủ định». Bởi vậy ông chỉ chấp nhận những hành động cách mạng phủ định văn minh, lịch sử, nhân loại đến mức nào thôi, và phải chấp nhận phần nào những giá trị ấy. Ông không chấp nhận phá hoại hoàn toàn, tàn sát ghê gớm, hy sinh tất cả hiện tại cho tương lai. Lập trường của ông ôn hòa, đó là lập trường cải tiến dè dặt chứ không phải bạo động. Cuốn L'Homme Révolté của ông tố cáo hậu quả tàn ác và tiêu cực của những hành động cách mạng quá trớn, phủ nhận hoàn toàn quá khứ lịch sử và khẳng định một cách võ đoán những giá trịcách mạng đưa ra làm tiêu chuẩn. Sở dĩ ông lên án mọi hành động cực đoan vì ông gán cho hiện tại một giá trị bất khả xúc phạm, ông bênh vực nó với cái khôn ngoan lịch lãm của Đông- phương. Cái khôn ngoan ấy, Simone de Beauvoir cũng có :“Nếu người ta không kểvào đâu niềm khoái trá của một ông già ngồi thưởng thức một ly rượu chát, thì tăng gia sản xuất và đất nước phú cường chỉ là những thần tượng trống rỗng.» Phải rồi, chúng ta cũng không thể đồng ý với một chính sách bắt đi dân công và lãnh lương một tháng 20 ki-lô gạo đểxây dựng thiên đường “tam vô nhị các".

Đạo đức luận của Camus đưa đến những biện pháp thực tiễn như sau : « Tôi sẽ biện hộ... để giảm bớt thống khổ của loài người ngay từ bây giờ.” (Actuelles) ». Không một ngày mai tươi sáng nào có thể cho cho phép người ta sát hại nhân mạng và xóa bỏ hạnh phúc ngày nay. Đến đây Camus tách rời khỏi Hiện-sinh và Mác-xít. Camus chấp nhận có một vài trường hợp cần phải giải quyết bằng vũ lực, nhưng ông vẫn không chấp nhận cho chính trị dùng đến vũlực. Trong thời này, có lẽ ông là người gào thét giữa bãi sa mạc câu cảnh tỉnh của Ionesco : «Người ta không thể xây dựng thiên đàng ở trái đất và tạo ra con người trái với bản chất thiên nhiên của con người, mà không làm xuất hiện ngay một Bạo-Chúa. »

VII. Nhng ưu khuyếđim ca hai tiến trình suy tưởng

Sau cuộc mổ xẻ hai nhà văn đại diện cho hai ngôi sao sáng của tư tưởng Tây-phương hiện đại, chúng ta có một cảm tưởng không mấy lạc quan: Tây-phương hầu như bất lực không tìm được một căn bản đạo đức khả thủ. Nhưng tôi thiết nghĩ dấu hiệu bất lực đó bắt buộc phải đặt lại các vấn đề, đó chính là dấu hiệu trẻ trung, dấu hiệu sinh lực của dân tộc rất phù hợp với quan niệm khai phóng về triết lý của họ, một lâu đài triết lý không bao giờ hoàn tất.

Tư tưởng của Sartre cũng như của Camus đều có khuyết điểm, nhưng giá trị của nó là ởtiến trình suy tưởng đã nêu ra nhiều điểm rọi ánh sáng vào những chủ đề đang thảo luận, hay lợi lên những hướng đi cho cuộc khảo sát mai sau. Về phương diện học thuật, sự đóng góp của Sartre vào lâu đài hiện sinh thật là to tát. Bài này chỉ nghiên cứu đạo đức luận của ông nên không bàn đến, chúng tôi chỉ nói qua là ông đưa ra ánh sáng một kích thước của con người trước kia thường bị bỏ quên, hẳn là không phải một kiến trúc lý trí trừu tượng, nhưng là một biểu hiện của sức sống huyền nhiệm mà trình độ kiến thức ngày nay chưa ý thức được, chưa minh xác được tầm quan trọng.

Về phương diện đạo đức luận sự bất lực của ông chính là tiêu thuyết của ông không hòa giải được con người với bản chất thâm sâu của mình. Con người bị vò xé bởi thảm kịch nội tâm đó “phải, cởi mở tâm hồn và “phải» “đem lại ý nghĩa cho cuộc đời, trong khi họ không có một kinh nghiệm nào về ánh sáng, tình yêu, khoái lạc xác thịt, say sưa, như con người của Camus. Ta không lạ rằng anh chàng "Roquetin nhập thể» ấy phải lúng túng và bỡ ngỡ. CảSartre cũng vậy. Sau khi viết Les Mots ông phải nói rằng: “Trước kia tôi có một thiếu thốn mà tôi không biết, là việc nhận thức thực tế. Từ đó đến nay tôi đã thay đổi. Tôi chịu khó học tập đề biết thực tại. Suốt 4o năm trời tìm lối thoát ở tuyệt đối không được, bây giờ tuyệt đối tiêu tan, tôi không biết phải làm gì đây.[7]

Chúng ta biết thực tại có những yếu tố tình cảm Sartre không thấy nhưng chúng ta công nhận là có thực là cũng ăn rễ sâu xa xuống tiềm thức con người: như cái sinh khí nồng ấm tạo nên những tình bạn, tình yêu, như sự cởi mở, sự thông cảm tự nhiên của con người đối với đồng loại, cả một cạnh khía “tích cực, của cuộc sống không có chỗ đứng trong hệ thống triết lý của Sartre.

Nhưng bất thần ta thấy ông tuyên bố một cách đột ngột : «Trước mặt một đứa trẻ chết đói, cuốn la Nausée không có giá trị gì cả.» hoặc : «Con người có thể chạy chữa các tệ hại kinh tế và xã hội, tôi tin chắc như vậy, tôi mong ước như vậy.» Ta mới có một bằng chứng thiện chí và tin tưởng vào hành động. Ta cũng mong rằng khi ông đã nói:« Tôi cũng biến đổi như mọi người, ở trong một liên tục », ông sẽ là con người thực tế hơn để suy tưởng vì căn bản đạo đức của hành động.

*

Đối với Camus, chúng ta tự hỏi rằng nguyên tắc « chừng mực » trong hành động của ông có thể đưa đến một đường lối chánh trị ôn hòa, khiêm tốn, gột bỏ hết tham vọng lập thiên đường ở trần gian ? Chính Camus đã viết : « Chỉ có một điều đáng làm thử, đó là một đường lối giản dị, trung bình, thẳng thắn, trung trực, không ảo tưởng ». Tuy nhiên ta nhận thấy sựkhôn ngoan đó có vẻ nhu nhược.

Không có một lập trường chánh trị hay lập trường đạo đức nào mà không có nguy hiểm khó khăn. Nếu một chính sách mạnh muốn cho có hiệu lực bằng bất cứ giá nào đã gây ra những hậu quả tàn khốc, thì một chính sách bất động, dè dặt chu nhược lại đưa đến những hậu quả tai hại khác. Đường lối trung bình cũng như đường lối cực đoan đều có hiểm họa. Chánh trị gia chừng mực có thể giữ được « bàn tay sạch » nhưng có ít hy vọng thành công trong một thời cơ như cục diện thế giới hiện đại.

Camus chỉ có thể hiển cho đời cái gì mà ông có. Ông đã mất sớm, chưa kịp đúc kết tưtưởng thành một thiên triết luận nhất trí, thành những giáo điều phân minh, có giá trị áp dụng thực tế.

Qua một cuộc kinh nghiệm may mắn, ông có trực giác bén nhậy để nhận định được một vài tinh lý, ông chỉ nhắc đi nhắc lại mà chưa thể hiện được rõ ràng minh bạch. Ông kinh nghiệm lại một vài giá trị của hạnh phúc lẫn chìm trong cuộc sống ồ ạt quay cuồng ngày nay, ông đứng ngoài quan niệm luân lý để hòa giải con người vời thiên nhiên để con người có thểđón nhận được cuộc sống tập thể. Thực ra quan niệm “chừng mực » của Camus không phải là một thái độ ôn hòa dễ dãi. Đó là một cố gắng thường xuyên để phá bỏ trở ngại mà tìm thể liên lập với mọi người.

Sự nghiệp của ông không đề ra những nguyên tắc đạo đức cụ thể, nhưng nêu lên những yếu tố “tiền đạo đức, đầy sinh khí, thoát ngay từ nguồn sống nóng hỏi mà triết gia, chính trịgia, hay đạo đức gia phải đầm mình vào để tìm hứng.

 


Nguồn: Tạp chí Văn, số 25, 1964, tr. 23-42.


 

[1] Jean Onimus, Face au monde actuel.

[2] Hai chủ đề trọng yếu của triết lý Tây phương

[3] Những đoạn phân tích sau đây dựa vào ý kiến của Serge Doubrovsky trong bài La Morale d’Albert Camus, Preuvés, số 116.

* ... : bản giấy bị mất chữ (triethoc.edu.vn).

[4] Định nghĩa của tự điển Larousse.

[5] Simone de Beauvoir, Pour une morale de l'ambiguité.

[6] Thực ra đây là một khám phá của Hegel: ông tìm ra “đề thứ ba" là sự quyết định gồm cả ý thuận, ý nghịch và tính chất mới phát sinh do sự đối chiếu.

[7] Cuộc phỏng vấn Sartre của Jacqueline Piatier, đặc phái viên báo Le Monde.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt