Chủ nghĩa hiện sinh

Plato và Sartre luận về đạo đức

 

PLATO VÀ SARTRE LUẬN VỀ ĐẠO ĐỨC

Paris. Tiệm Café de Flore. Tối.

 

Trong lúc Jean-Paul Sartre đang nhâm nhi tách café và tán gẫu với bạn bè, có một nhân vật đang ngồi ở góc tiệm không ngần ngại xen vào.

 

Plato: (tiến đến hỏi) Tôi có thể hỏi về Hình thức phổ quát của cái Thiện được không?

Sartre: (hết sức nhiệt tình) Đương nhiên rồi! Nhưng nếu đó là thứ đạo đức tuyệt đối thì có lẽ anh cũng nên cố tìm Thượng đế mà hỏi.

Plato: Tôi đề nghị ... chúng ta hãy bàn luận vấn đề sau: thứ nhất, căn nguyên của đạo đức; thứ hai, chức năng của nó. Anh thấy thế nào?

Sartre: (trầm ngâm) Tôi rất vui vì anh đã hỏi, và vì tôi chắc chắn rằng không có gì niềm vui nào lớn hơn hay tao nhã hơn là việc suy ngẫm triết học. Dĩ nhiên là tôi chấp nhận yêu cầu của anh. Nào, chúng ta bắt đầu.

Plato: Theo anh, đâu là căn nguyên của đạo đức?

Sartre: Anh nói trước đi.

Plato: (vui vẻ) Được thôi! Tôi cho rằng cơ sở của đạo đức ở trong cấu trúc của bản tính người và mối quan hệ của nó với linh hồn; (suy ngẫm) nói cách khác, việc mô tả kinh nghiệm đạo đức của con người là do các nguyên tắc của linh hồn hướng dẫn, theo những nguyên tắc ấy thì tinh thần và ham muốn của ta phải do lý tính kiểm soát.

Sartre: Làm ơn ... giải thích thêm.

Plato: Anh thấy đấy, trước khi nhập vào thể xác, linh hồn đã hiện hữu từ trước rồi. Nguyên tắc tối cao của cái Thiện được gắn vào trong linh hồn và như thế được bàn tay của đấng Tạo hóa tác tạo nên và hiện hữu độc lập với thế giới kinh nghiệm.

Sartre: Anh có nghĩ rằng điều kiện đạo đức của con người bắt đầu với quan niệm coi linh hồn như là cái đang hiện hữu độc lập với thể xác không?

Plato: Đúng vậy.

Sartre: Thế thì làm sao ta đạt đến đời sống đạo đức được?

Plato: Chức năng của phần lý trí của linh hồn, mà tôi gọi là Lý tính, là tìm kiếm mục tiêu thực sự của đời sống con người, và nó làm việc này bằng cách đánh giá mọi thứ theo bản tính thực sự của chúng. Những đam mê hoặc ham muốn có thể dẫn ta vào một thế giới tưởng tượng và lừa bịp ta khiến ta tin rằng một số loại thú vui nhất định sẽ mang làm cho ta hạnh phúc. Các đam mê và ham muốn có thể dẫn ta đến một thế giới hư ảo và gạ gẫm ta tin rằng một số kiểu khoái lạc nào đó sẽ mang lại hạnh phúc cho ta.

Sartre: Tôi muốn biết làm thế nào mà nguyên tắc "tự nhiên" của linh hồn mà anh gợi ra này là phi lý tính thế nhưng theo nghĩa nào đó thì nó lại có phần lý tính?

Plato: Trong sự hiện hữu trước đó của linh hồn, phần lý trí có cái nhìn rõ ràng về đạo đức và chân lý. Đồng thời, tinh thần và những ham muốn, do chính bản tính tự nhiên của chúng, là không hoàn hảo và kéo linh hồn hướng về mặt đất. Khi nhập vào thể xác, sự hài hòa nguyên thủy của các bộ phận của linh hồn lại bị phá vỡ thêm nữa, sự hiểu biết trước đây về cái thiện bị lãng quên, và tính trơ ì của thể xác ngăn trở việc khôi phục lại sự hiểu biết này.

Sartre: Choáng với cách lập luận của anh luôn á.

Plato: Là sao?

Sartre: Lập luận này nêu ra rất nhiều điểm và không dễ gì biết được ta phải bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, tôi sẽ bắt đầu bằng cách kết án lối giải thích như thế về căn nguyên của đạo đức là tào lao quá thể. Ta không thể giải thích bản tính con người giống với cách ta mô tả một vật phẩm được chế tạo. Chẳng hạn, ta không thể giải thích bản chất của một con dao và dùng lối tiếp cận ấy để giải thích cái gọi là bản chất của "bản tính người".

Plato: Điều này chưa đủ sao?

Sartre: Hoàn toàn đúng như vậy. Ý niệm rằng con người có một "bản tính người" - một bản tính có trong tất cả mọi người - gợi ý một ví dụ cụ thể về quan niệm phổ quát về đạo đức một cách sai lầm, và do đó nó sai lầm trầm trọng. Anh chỉ đơn giản cho rằng tất cả mọi người, bất chấp những sự khác biệt nhất định, đều giống nhau và sẽ buộc phải làm điều "đúng đắn" khi được lý tính hướng dẫn - một lỗi sai nguy hiểm không phải từ sự quan sát mà từ tư tưởng.

Plato: Tôi muốn biết liệu bạn có cho rằng đạo đức là vấn đề hết sức chủ quan không?

Sartre: Chắc chắn, tôi không thể tán thành ý niệm về cái gọi là chân lý đạo đức tuyệt đối và do đó, tôi cho rằng không có một "bản tính người" nào có sẵn chỉ vì không có một người thợ tạo tác nào trên trời có quan niệm về nó cả. Bản tính người không thể được xác định từ trước bởi lẽ ngay từ đầu nó hoàn toàn không hề có - do đó bản chất không thể có trước hiện hữu, và vì thế, khả thể của một đạo đức phổ quát là không có.

Plato: Theo tôi, luận cứ của tôi không chỉ nói tới sự hiện hữu của linh hồn, mà còn đề cập tới thể xác, xét cho cùng, để giải thích sự hiểu biết sai lầm, sự hấp tấp và dục vọng. Do đó, đạo đức chính là khôi phục lại sự hài hoàn bên trong đã mất của ta - vai trò duy nhất của lý tính là thâm nhập vào thế giới hư ảo và đầy ham muốn, và định hướng các đam mê theo các đối tượng của tình yêu nào có thể tạo ra niềm vui và hạnh phúc đích thực.

Sartre: Nhưng chỉ mỗi lý tính thôi, như tôi đang cố chứng minh, thì không thể buộc bất cứ ai phải hành xử theo cách trái ngược nhau vì lý tính có thể là một quyền uy chỉ khi nào ta chọn cách quyền uy hóa lý tính. Ngoài ra, phản ứng của tôi đối với cách phát biểu này về cái ác hiện diện ngay cả trong trạng thái tiền tồn của linh hồn khiến tôi cảm thấy khó chịu; cho nên nếu bản tính người đã được định sẵn, như anh nói, thì ta không thể chịu trách nhiệm cho những gì ta đang là - nếu bản tính của ta là ác thì việc ta được xác định là vô đạo đức là điều khó tránh khỏi.

Plato: Không nhất thiết phải thế. 

Sartre: Là sao?

Plato: Cho dù cái ác này nảy sinh từ trạng thái tiền tồn của linh hồn và được gây ra một cách mạnh mẽ khi ở bên trong thể xác con người, nhưng chúng ta có khả năng vượt qua được "giấc ngủ vô minh" để trở nên có đạo đức - khả năng tái hợp nhất sự hài hòa của ta với linh hồn hoàn hảo.

Sartre: Nói rằng chúng ta có khả năng khôi phục lại đạo đức đã mất của mình là gợi ý rằng ta đã có đạo đức ấy rồi, thậm chí có trước cả sự hiện hữu thể xác của ta, đây chẳng phải là lý thuyết của anh về đạo đức hay sao?

Plato: Đúng thế.

Sartre: Tôi thừa nhận rằng tôi phản đối lý thuyết của anh coi một thực thể siêu hình học nào đó là nguồn gốc của trách nhiệm giải trình đạo đức bởi lý do là không có một ý nghĩa cụ thể nào trong sự tồn tại trước đó của bản thân sự hiện hữu. Đối với tôi, những cụm từ này không có ý nghĩa biểu đạt nào hết, ngoại trừ trong thứ logic mà tôi đang bác bỏ. Bởi chúng ta là tự do và tự trị, nên chúng ta không thể là thực thể có lý tính một cách tự nhiên; nghĩa là, nếu chúng ta tự do, thì không một bộ quy tắc đạo đức nào ràng buộc chúng ta được.

Plato: Cũng giống như tôi, anh biết rằng sự hiện hữu của anh hay của tôi không thể giải thích được nếu không quy chiếu đến cái gì đó hay ai đó ở bên ngoài chúng ta - như song thân của chúng ta chẳng hạn. Do đó, lý thuyết của tôi về đạo đức quy chiếu tới linh hồn, cái phải hiện hữu và không thể không hiện hữu; đây là nguồn gốc của đạo đức của chúng ta và vì mọi người đều có bản tính này nên nó là phổ quát.

Sartre: Tôi không muốn viện dẫn bất cứ quy luật phổ quát nào để hướng dẫn sự lựa chọn đạo đức. Thay vào đó, tôi tuyên bố rằng không có cái gì ngoài cá nhân đang hiện hữu, tức không có một người thợ thần linh nào, không có hệ thống các giá trị khách quan nào, và không có một bản chất được làm sẵn nào. Với việc loại bỏ người thợ thần linh, khả thể của việc tìm kiếm các giá trị trong cõi trời khả niệm nào đó mà anh cho là đang hiện hữu sẽ lập tức biến mất. Chúng ta đang đối mặt với nhiệm vụ phát minh ra các giá trị bởi lẽ không có một ý nghĩa nào hiện hữu trong cuộc sống trước khi có những hành vi của ý chí. Lý thuyết của tôi về đạo đức được xây dựng trên đạo đức học về trách nhiệm giải trình chặt chẽ trên cơ sở trách nhiệm cá nhân. Cho dù ta không có sự dẫn đường chỉ lối của một hữu thể đầy quyền uy nào, các cá nhân không chỉ chịup trách nhiệm cho việc họ phát minh ra tính cá nhân của họ, mà còn cho tất cả mọi người.

Plato: Luận điểm của anh có vẻ như đi ngược lại đường lối của thuyết chủ quan đạo đức mà anh đang khai triển cho tới lúc này. Ta hãy làm rõ điểm này bằng cách chọn một nguyên tắc đạo đức mà hầu như ai cũng đều đồng ý: "tra tấn trẻ em vô tội là sai trái về mặt đạo đức?

Sartre: Đấy là một ví dụ thú vị. Căn cứ theo cơ sở đạo đức của anh, ta không nên tra tấn trẻ em vô tội bởi lẽ làm người khác đau đớn là một hành vi phi lý tính; do đó, ta không được làm vậy vì nó đi ngược lại với linh hồn thuần lý. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta có lý trí, cũng không được kết luận rằng ta nên làm như vậy. Vì thế, từ quan điểm này, câu hỏi tại sao chúng ta không nên tra tấn trẻ em vẫn chưa có câu trả lời. Nếu ta thấy cảnh một đứa bé bị tra tấn, ta sẽ cảm thấy kinh hãi, ghê tởm và giận dữ, nhưng ta không thể nào chỉ vào cảnh đó và nói "Chính là điều đó đấy! Đấy là vô đạo đức!" Lời tuyên bố này không thể đúng cũng chẳng thể sai vì nó là một sự biểu lộ cảm xúc. Điều này chứng tỏ các cơ sở của đạo đức tất phải là chủ quan và không ổn định.

Plato: Làm thế nào mà anh lại nghĩ rằng con người có thể hoạt động về mặt đạo đức nếu mọi hành vi của ý chí là chủ quan?

Sartre: Chà... trước khi tôi có thể chọn một phương hướng hành động, tôi buộc phải hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai cũng hành động như vậy, điều này giả định phải có một kinh nghiệm chung cho con người làm cho hành động của tôi có liên quan tới tất cả mọi người - thế nhưng nó không xuất phát từ "cõi trời" siêu hình học. Chúng ta sáng tạo nên giá trị mà chúng ta đã chọn, và đồng thời sáng tạo nên hình ảnh về bản tính người như chúng ta tin rằng nó phải vậy. Chúng ta không thể tránh khỏi việc nghĩ ngợi băn khoăn rằng chúng ta không muốn người khác hành động như chúng ta.

Plato: Bất luận anh thách thức thế nào với các quy tắc đạo đức, thì qua việc so sánh anh sẽ nhận thấy có một hình thức nào đó của tính phổ quát của đạo đức. Tuy nhiên, cách tiếp cận của anh lại ưu tiên tự do hơn lý tính; thế nhưng đạo đức không thể xuất phát từ tự do khi vị thế tiên nghiệm của nhận thức không có.

Sartre:  Không nhất thiết phải đúng như vậy. Chúng ta hãy thiết định như sau: mặc dù không một bản chất sẵn có nơi mọi người nào hiện hữu, tức không có "bản tính người" nào, nhưng có một thân phận người phổ quát. Bằng cách phát hiện ra chính mình trong hành vi của tư duy có ý thức, tôi phát hiện ra thân phận của tất cả mọi người. Vì lý do này, bất kể ta làm gì hay chọn mục đích nào, thân phận này không bao giờ hoàn toàn xa lạ với người khác; vì thế, bạn luôn bị sự tự do buộc phải hành động trong một hoàn cảnh có liên quan đến người khác.

Plato: Giờ ta chuyển sang vấn đề thứ hai được chứ?

Sartre:  Được thôi. 

Plato: Tôi tuyên bố rằng chức năng của đạo đức, hay đức hạnh, có liên quan đến sự hoạt động có hiệu quả của mọi thứ. Chẳng hạn, một con dao tốt khi nó thực hiện được chức năng của nó. Một ví dụ khác, một nhạc sĩ giỏi (good) khi anh ta thực hiện được chức năng nghệ thuật của mình. Theo cách này, chức năng đạo đức duy nhất của linh hồn là nghệ thuật sống, chức năng này đòi hỏi phải biết được giới hạn và hạn độ.

Sartre: Theo anh, linh hồn xác định được giới hạn của hạn độ của nó và thực hiện chức năng đạo đức như thế nào?

Plato: Như tôi đã nói ở trên, linh hồn được chia thành ba phần: lý tính, tinh thần và ham muốn. Điều này cho thấy rằng mỗi bộ phận của linh hồn thực hiện chức năng riêng biệt của nó; vì thế, việc thực hiện đức hạnh, hay hành động đạo đức, là điều có thể khi ba bộ phận của linh hồn lần lượt thực hiện các chức năng của chúng. Bằng việc thiết định khái niệm giới hạn, tôi giả định một khái niệm điều độ (moderation) - tránh những sự thái quá theo cách sao cho chúng không gây xáo trộn vị trí của các phần khác của linh hồn.

Sartre: Anh có thể chỉ ra những giới hạn của linh hồn được không, hay chúng cũng là những thứ siêu hình học?

Plato: Tôi muốn nói rằng phương cách hành động phù hợp, tức phương cách đạo đức, là ở giữa hay trung dung giữa thái quá và bất cập. Trong trường hợp ăn uống, phần ham muốn của linh hồn, hai thói xấu cực đoan ắt sẽ là sự háu ăn (thái quá) và sự đói ăn (bất cập); đức hạnh tiết độ khi ấy sẽ khiến chúng ta có xu hướng chọn phương cách hành động trung dung. Tinh thần trở nên có đức hạnh bằng cách đạt được lòng can đảm; lý tính cũng thế, qua việc nó đạt đến sự khôn ngoan minh triết. Khi mỗi bộ phận của linh hồn thực hiện được chức năng riêng biệt của chúng, chúng sẽ đạt được phẩm chất đạo đức.

Sartre: Tôi không thể không đồng ý với bất cứ cách giải thích siêu hình học nào, vì tôi cho rằng ngoài sự hiện hữu của chúng ta ra không có gì hết. Trái ngược với quan niệm của anh về mục đích của đạo đức như là một phương tiện của đức hạnh hay hạnh phúc, tôi vẫn giữ một quan niệm đạo đức học về trách nhiệm giải trình chặt chẽ dựa trên trách nhiệm cá nhân; nghĩa là tự do và trách nhiệm là các chức năng cho sự hiện hữu của chúng ta.

Plato: Làm sao đạt đến sự tự do này?

Sartre: Mỗi một cá nhân là tự do; mỗi một con người là tự do, điều này thì không đạt đến được và đây là thân phận con người. Do đó, phân tích kỹ thuật của tôi về vấn đề này gợi ra rằng tất cả mọi người đều là tự do và chịu trách nhiệm cho những đam mê và những hành động của họ; không một lời bào chữa nào có thể né tránh trách nhiệm của ta là mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của ta - vì thế, ý nghĩa này chỉ có sau sự hiện hữu của ta. Chúng ta tự do ngay khi chúng ta ý thức về chính mình; chúng ta chịu trách nhiệm cho tất cả những gì mình làm. Không có sự hướng dẫn nào đảm bảo cho ta trong thế giới này, và không có lời giải thích nào về đạo đức cho những gì không hiện hữu.

Plato: Tôi nghĩ chúng ta nên dừng ở đây, vì chúng ta đã nói ra hết quan niệm của mình rồi.

Sartre: Vâng, hoàn toàn đồng ý với anh.

Đinh Hồng Phúc dịch


Nguồn: https://sites.google.com/site/platoandsatre/home/plato-and-jean-paul-sartre-on-morality

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt