Chủ nghĩa hiện sinh

Quà tặng đầu đời

VỚI MARTIN HEIDEGGER

QUÀ TẶNG ĐẦU ĐỜI

TRẠC TUYỀN

 

Trạc Tuyền (TT): Thưa Thầy, Thầy sinh ngày 26.9.1889 ở Messkirch, miền Nam Đức, một thành phố nhỏ xíu ngày nay cũng phải đi xe lửa vòng vèo mới đến được. Thành phố mang tên ấy vì nổi tiếng với ngôi giáo đường Công giáo cực đẹp và cổ kính kiểu Baroque. Ngôi nhà nhỏ tuổi thơ của Thầy lại đối diện với nhà thờ. Có kỷ niệm khó quên nào thời thơ ấu, thưa Thầy?

Martin Heidegger (1889-1976)

Martin Heidegger (M.H): Ngày nào tôi cũng theo cha sang phụ kéo chuông nhà thờ! Cha tôi là "trùm trương", lo chăm sóc nhà thờ mà! Không khí thiêng liện, sùng kính lắm!

TT: (nghĩ thầm) (Messkirch là thành phố Công giáo truyền thống. Từ những năm 1920, dân thành phố bỏ phiếu rất ít cho đảng quốc xã. Vậy, không thể bảo việc Thầy có dính líu với quốc xã sau này là do môi trường "tỉnh lẻ". Chắc phải có lý do nào khác? Phải thật khéo léo hỏi Thầy chuyện này mới được!)

Không khí gia đình vui không Thầy?

M.H: Vui lắm, anh chị em thương nhau vô cùng! Cô em gái Marie kém tôi hai tuổi mất năm 1956, gắn bó với nhau từ nhỏ. Chú em Fritz lại thua cô em ba tuổi, mới qua đời năm 1980, dễ thương lắm! Chú ấy ăn nói kém nên không thể trở thành linh mục, sau làm ngân hàng và sưu tập "trí khôn dân gian", viết nhiều lắm nhưng không in. Tội nhất là cặm cụi đánh máy hết các tác phẩm của tôi trong thời chiến khó khăn, nguy hiểm. Tôi giao phó hết cho chú Fritz, không có chú ấy không biết sẽ ra sao!

TT: Thưa Thầy, chắc hồi nhỏ Thầy ...học giỏi lắm!

M.H: Vất vả thì nhiều hơn! Nhà nghèo, phải nhờ học bỗng của nhà thờ mới vào được cấp ba ở Konstanz. Năm 1906 mới dời về trường ở Freiburg, gần Rừng Đen, lần đầu tiếp xúc với thị thành!

TT: Đôi khi một việc nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến cả đời người. Em đoán thế nào Thầy cũng có một...duyên kỳ ngộ!

M.H: Kỳ ngộ? Nếu có thể nói thế! Năm sau, Cha linh hướng của tôi, Conrad Groeber, sau này là Tổng Giám mục của Freiburg, tặng cho cậu bé Martin 17 tuổi một món quà... định mệnh!

TT: "Tuổi mười... bảy bây giờ lên gấp gảy!". Một món quà ân cần gì thế, thưa Thầy? "Chiếc vòng với bức tờ mây..."?

M.H: Nhiều "bức tờ mây"! Đó là quyển sách của triết gia Áo Franz Brenntano: "Về Ý nghĩa Đa bội của Tồn tại theo Aristoteles"! Nó càng có "ý nghĩa đa bội" với tôi! Chính nó dẫn tôi đến với môn đệ của Brenntano là thầy Edmund Husserl, nhà sáng lập hiện tượng học mà sau này tôi gắn bó rất nhiều.

TT: Có "lời chung thân" nào trong đó khuấy động tâm hồn chàng thư sinh mười bảy?

M.H: Tôi tự hỏi: "Nếu Tồn tại có nhiều nghĩa, thì nghĩa nào là cơ bản nhất?". "Câu hỏi vây quanh trọn kiếp người" là thế đấy?

TT: Em...chưa hiểu! "Ý nghĩa" của..."Tồn tại"?

M.H: Làm sao hiểu ngay được? Câu hỏi lúc ấy cũng chỉ vang lên mơ hồ...

TT: Thưa Thầy, 1909, Thầy vào học viện Dòng Tên ở Tisis, Áo để được đào tạo thành linh mục. Duyên cớ nào khiến con đường tu hành dang dở?

M.H: Vì lý do khách quan: bệnh tim! Nhưng rồi tôi sống đến 86 tuổi đấy! Mười năm sau, tôi dần dần xa rời tôn giáo. Học triết học và thần học ở đại học Freiburg (nơi nhiều duyên và ...nợ!), tôi vẫn chuyên tâm đến Brenntano. Bộ sách đồ sộ, vô giá của ông thầy Husserl: "Các Nghiên cứu lôgíc" (1901) để bám bụi trong thư viện nhà trường, chẳng mấy ai ngó ngàng đến. Thế là tôi tha hồ được mượn tới mượn lui, nghiền ngẫm.

TT: Em cứ tưởng tượng cảnh Thầy ngồi đọc 'Các Nghiên cứu lôgic" của Husserl, rồi Trần Đức Thảo, độ 25 năm sau, cũng vùi đầu vào đấy giữa những đêm "Ba Lê phong tuyết dạ", và trước đó nữa, vào giữa thế kỷ 19, chàng Marx son trẻ đọc Hiện Tượng Học Tinh thần của Hegel. Thật là những cảnh tượng "hoành tráng" biết bao trong lịch sử triết học! Rồi sao nữa, Thầy ơi?

M.H: Tôi làm tiến sĩ năm 1913. Theo quy định, phải làm thêm luận án hậu-tiến sĩ (gọi là "Habilitation") mới được làm giáo sư đại học. Tôi viết về Don Scotus, một triết gia trung cổ. Đúng lúc ấy, Thế chiến I bùng nổ. Cũng như mọi người, tôi bị động viên. Do sức khỏe yếu, chỉ phụ trách bưu chính quân đội và theo dõi một trạm khí tượng gần chiến địa Verdun, "nghề lính" giống với anh bạn J.P. Sartre sau này trong Thế chiến 2, trẻ hơn tôi 15 tuồi!

TT: Thế từ bao giờ Thầy được làm trợ giảng cho tôn sư Husserl?

M.H: Gay go lắm! Thầy biết tôi cũng có năng lực, nhưng cứ nghĩ tôi gắn quá nhiều với tôn giáo nên e không đủ "tỉnh táo", "khách quan" để mở lòng trọn vẹn trước những câu hỏi triệt để đúng theo yêu cầu của hiện tượng hoc! Mãi đến lục cá nguyệt mùa đông 1917-18, thầy mới quyết định chấp nhận. Có chuyện khá vui. Một hôm thầy Husserl bảo tôi: "Hiện tượng học là anh và tôi"!

TT: Nghe cứ như chuyện... Tào Tháo "luận anh hùng" với Lưu Bị: "Anh hùng trong thiên hạ chỉ có Sứ quân với Tháo này mà thôi!". Mà thầy Husserl quả có con mắt xanh đấy ạ! Từ thập niên 1920, Thầy không chỉ kế tục mà còn...lật đổ học thuyết của ông thầy! Thầy sẽ là ngôi sao đang lên, trong khi sư phụ Husserl ngày càng lâm vào cảnh nguy nan: do gốc Do Thái, thầy bị cho nghỉ hưu sớm và bị cách ly với đời sống đại học...

M.H (cười buồn): Đó là chuyện sau này. Thật chẳng biết nói sao nữa!

TT: Năm 1919 có lẽ đã đánh dấu bước đi độc lập đầu tiên của Thầy qua bài giảng "Hướng đến việc định nghĩa triết học"?

M.H: Đây cũng là thời gian tôi bắt đầu kết thân với Karl Jaspers, người bạn cùng thế hệ và đồng điệu, nói ra có thể hiểu nhau! Một tình bạn vừa thân thiết vừa cay đắng: Jaspers sẽ chủ tọa "Hội đồng thanh lọc" ngay sau chiến tranh để rút giấy phép giảng dạy của tôi trong năm năm, rồi lại hết lòng giúp tôi trở lại "văn đàn"...

TT: Thưa Thầy, từ đầu những năm 1920, Thầy đã trở thành một giảng viên "huyền thoại" tại Freiburg. Tuy công bố chưa nhiều (lý do khiến Berlin liên tục từ chối bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ), nhưng đại học cổ kính Marburg và Goettingen bắt đầu xét việc mời Thầy làm giáo sư. Thầy nhận lời mời của ĐH Marburg, tọa lạc tại một thành phố nhỏ nhắn, nhiều núi đồi thơ mộng. Có thể nói, "thời kỳ Marburg" từ 1923 đến 1928 là thời kỳ chúng kiến tài hoa rực rỡ nhất của Thầy, mang lại danh tiếng cho cả thành phố may mắn này! Thầy có tình bạn quan trọng với Rudolf Bultmann, nhà thần học. Nhưng nhất là...nhất là mối "giao tình" bất hủ giữa ông thầy vừa quá 30, đã lập gia đình từ 1917, với cô sinh viên ...mười tám Hannah Arendt, một cây bút "sắc như dao cạo" sau này...

M.H: Nói nho nhỏ thôi! Nhưng cô ấy, cuối 1924 đã...bỏ về Heidelberg làm luận án với ông bạn Jaspers mất rồi! Đúng thời gian tôi giảng "Lch sử về Khái niệm Thời gian" ấy!

TT: Thế Hannah không trực tiếp nghe bài giảng lừng danh mà bà cứ nhắc mãi, thưa Thầy!

M.H: "Cánh hồng bay bỗng tuyệt vời", chỉ đọc thôi chứ còn đâu mà nghe! Nhưng phải thú thật một điều (với riêng Trạc Tuyền thôi nhé!): không có Hannah chưa chắc Martin này viết nổi "Tồn tại và Thời gian" (1927)!

 


Nguồn: Bản thảo tác giả gửi cho triethoc.edu.vn

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt