Chủ nghĩa hiện sinh

Sartre và Camus ở New York

 

SARTRE VÀ CAMUS Ở NEW YORK

 

ANDY MARTIN

 

 

Tháng 12 năm 1944, Albert Camus, khi đó là biên tập viên của tờ Combat, đã đề nghị Jean-Paul Sartre làm một công việc mà Sartre không thể từ chối: phóng viên tại Mỹ. Có lẽ do mối quan hệ giữa họ luôn căng thẳng và sau đó đổ vỡ khiến Camus sẵn lòng muốn tiễn Sartre rời khỏi Paris. Chắc chắn là Sartre muốn rời đi. Chán ngấy với những thứ khắc khổ và thói đạo đức giả của nước Pháp thời hậu giải phóng, từ lâu ông đã mơ tưởng về Mỹ. Bản thân Camus sau đó cũng qua Mỹ, chỉ để làm mới mình khi trở về với những ấn tượng cá nhân, chính trị và triết học hoàn toàn khác biệt.

Theo nghĩa nào đó, chủ nghĩa hiện sinh đang trở về quê nhà. "Cội rễ" của triết học Pháp thế kỷ 20 nằm ở châu Âu lục địa, trên mảnh đất màu mỡ của Hegel, Kierkeggard, Nietzsche, Husserl và Heidegger. Nhưng nó không hoàn toàn miễn nhiễm với tình trạng xáo động siêu hình học ở Mỹ cuối thế kỷ 19. Triết học Pháp vẫn lưu giữ các yếu tố của thuyết dụng hành (pragmatism) của C.S. Pierce và thuyết duy tâm lý của William James (cả hai đều có mặt danh dự trong Tồn tại và Hư vô của Sartre). Quan trọng hơn, cả Camus lẫn Sartre đều đã học và vay mượn từ các nhà văn thế kỷ 20 như Faulkner, Hemingway và dos Passos – và dĩ nhiên, từ các bộ phim của Humphrey Bogart. Đặc biệt, Camus thích mặc kiểu áo măng tô với cổ áo hếch lên để cho thấy ông là sự pha trộn giữa Bogart, Fernandel và một võ sĩ đạo.

Khi Sartre bước xuống máy bay ở New York vào tháng 1 năm 1945, chỉ vài tháng sau khi Paris được giải phóng, đầu ông đầy những bộ phim Mỹ, kiến ​​trúc và nhạc jazz, hẳn ông có thể cảm nhận được môi trường sống tự nhiên của mình – một triết gia kiệt xuất về tự do đã đặt chân lên mảnh đất của tự do, một đất nước nghiện tự do trong cả khí chất lẫn định chế. Chẳng lẽ chẳng có chút cao bồi hiện sinh và tay súng trí thức trong thái độ "xê dịch chủ nghĩa" của Sartre sao? Có lẽ Camus đã nghĩ như vậy khi phái ông sang Mỹ.

Sartre đã viết hàng chục bài báo cho tờ Combat trong lúc ở Mỹ, thường gọi điện cho Camus ở Paris, và đi diễn thuyết triết học tại Harvard, Princeton, Yale và những nơi khác. Trong quá trình này, ông phải lòng một cô bạn gái Mỹ (có khai báo trung thực với Simone de Beauvoir). Trong chính bài báo đậm tính riêng tư ông viết cho tờ Town & Country, bài "Manhattan: The Great American Desert" thuật lại rằng khi bước chân đến ông đã "nỗi đau New York" hành hạ. Ông vĩnh viễn không bình phục được.

Rời khỏi khuôn viên khách sạn Plaza, Sartre tản bộ đến Đại lộ 5 giữa trời rét buốt, tìm kiếm New York nhưng chẳng thấy. Chẳng có gì neo lại trong cái nhìn của ông; ông nói: đó là một thành phố cho "kẻ nhìn xa xăm" vì cái tiêu điểm tự nhiên nằm ở đâu đó trong cõi vô cùng, phía chân trời. Ông nhớ những khu phố thân tình ở Paris, thấy ở nơi đó chỉ có "bầu không khí mờ ảo, những đám đông nối dài theo chiều dọc không có điểm đầu cũng chẳng có điểm cuối." Người ta có thể nghĩ đó là nơi mà người hiện sinh xa xứ sẽ cảm thấy hợp ngay. Thế nhưng anh ta vẫn khư khư giữ lấy cảm giác mất phương hướng. Ông viết: "Trong tính nặc danh của con số dùng để gọi tên các con đường và đại lộ, tôi chỉ là ai đó, ở đâu đó." New York khiến ông nghĩ đến những vùng thảo nguyên hay đầm lầy.

Nhưng chẳng mấy chốc, ông bắt đầu nhận ra bản chất thực sự của điều này là gì. Ông đã viện đến cảnh quang đô thị để củng cố cho lập trường chống tự nhiên của mình. Nhưng Manhattan không giúp ông làm được việc đó: nó mà một thành phố "mở" với bầu trời vô tận bên trên, nó để cho thiên nhiên tràn vào mọi phía. Đương nhiên, nó là một hòn đảo, và vì thế phơi mình trước các yếu tố: bão, tuyết, nóng, gió, lũ lụt. Nó không giúp ta phòng chống được gì. "Tôi cảm thấy như thể mình đang cắm trại giữa lòng một khu rừng đầy côn trùng". Do đó ông học cách đánh giá đúng nó chỉ khi dùng ô tô đi ngang qua nó, như thể ông "đang lái xe qua những khu đồng bằng rộng lớn của Andalusia".

Và cũng giống như việc ông đảo ngược tri giác về thành phố Mỹ, Sartre cũng đảo ý niệm về tự do Mỹ từ trong ra ngoài. Đến tháng Hai, sau khi được đưa rước đi khắp nơi ở Mỹ, uống rượu, ăn tối và đến các cơ sở công nghiệp để tham quan tuyên truyền, ông đi đến kết luận trong một bài báo khác, viết cho Le Figaro, rằng Mỹ là vùng đất của chủ nghĩa phục tùng. Ông nhận thấy rằng ẩn bên dưới nhãn hiệu "chủ nghĩa cá nhân", nước Mỹ không thực sự tin tưởng cá nhân cô độc. Bất chấp "nền kinh tế tự do", nước Mỹ là hiện thân của "kết ước xã hội" kiểu Rousseau trong đó ý chí chung của "tập thể" thống trị: "Mỗi người Mỹ được những người Mỹ khác giáo dục, và đến lượt mình, anh ta giáo dục những người khác. Bất cứ đâu ở New York, trong và ngoài các trường cao đẳng hay đại học, có những khóa học về việc trở thành người Mỹ (Americanization)". Mọi cái phi chuẩn (anomie) của chủ nghĩa hiện sinh đều bị cấm: nước Mỹ là siêu-chuẩn mực, tạo ra các bản sao công dân.

Đó là lời phản nàn thường xuyên nhất và mạnh mẽ nhất của Sartre: con người bị đối xử như những đồ vật. Cơn "buồn nôn" của những năm 1930, do đá cuội, cây cối, và những chỗ sâu của biển gây ra (và vì thế, như ở New York, là thiên nhiên nói chung), đã thay hình đổi dạng, vào những năm 1940 và 1950, thành một loại ác cảm đặc biệt đối với các sản phẩm phi hữu cơ của lực lượng kinh tế. Ở Mỹ ông hiểu rằng các sự vật (cái "tự-mình"), trong toàn bộ tính thô ráp của chúng, đang có nguy cơ vật hóa cái con người vốn vô định hình (hay cái "cho-mình") và tạo ra cái mà sau này ông gọi là "thực tiễn-trơ ì" ("practico-inert").

Thế nhưng, Sartre vẫn hi vọng rằng New York đang chuyển theo hướng của Sartre về đại thể và theo hướng bán-khải huyền. Tất cả những tòa cao ốc này? Rõ ràng là thế nào chúng cũng bị đổ. "Chúng đã có phần xuống cấp rồi; có lẽ ngày mai chúng sẽ bị phá bỏ. Bất luận thế nào đi nữa, việc xây dựng chúng đòi hỏi ta phải tin rằng ngày nào đó ta không còn có chúng nữa." Đối với Sartre, các công trình kiến trúc Chrysler và Empire State giống như những phế tích cổ xưa.

Camus – một tùy viên văn hóa của chính phủ Pháp – đã nối bước Sartre vào năm 1946, đưa ra một bài bình luận có tính chất châm biếm về người tiền nhiệm của mình. Chỗ nào Sartre bị ám ảnh với kiến trúc, chỗ đó Camus lại thờ ơ, bỏ qua. "Tôi nhận thấy mình không chú ý đến các cao ốc, chúng dường như là tự nhiên." Ông chẳng có vấn đề gì với chủ nghĩa tư bản hàng hóa. Ông cảm thấy thích thú với màu sắc, đồ ăn, mùi hương, taxi, cửa hàng cà vạt, kem, "lễ hội ánh sáng" ở Broadway, một quán bar nhạc jazz ở Harlem và hình tượng Camel khổng lồ biểu thị cho "anh lính Mỹ, đang há miệng để nhả những đám khói thuốc lá." 

Ông đã nhiều lần yêu, nhất là với Patricia Blake, một cô sinh viên 19 tuổi và là người thực tập tại tòa soạn Vogue. Ông đọc các bài viết của cô từ "The Plague", còn cô nhận thấy ông rất quan tâm đến cách chết của người Mỹ, nên đã tìm cho ông các số tạp chí kinh doanh của người làm dịch vụ tang lễ – Sunnyside, Casket, và Nguyệt san Embalmer. Ông đặc biệt thích thú với bảng quảng cáo ở nhà tang lễ: "Bạn chết. Chúng tôi lo phần còn lại."

Tại trường Đại học Vassar, ông thuyết trình về "Sự khủng hoảng của nhân loại" và bị choáng trước cảnh tượng "một dàn các các diễn viên trẻ mới nổi chân dài tới nách đang nằm trên bãi cỏ." Nhưng ông bận tâm bởi cái mà ông nghĩ là "bi kịch Mỹ. Bi kịch của sinh viên là ở chỗ họ không cảm nhận được cái bi kịch. Đối với Sartre, bi kịch là sự máy móc hóa và đối tượng hóa con người. Đối với Camus, bi kịch là cái gì đó khó nắm bắt hơn; dù bi kịch ấy có là gì đi nữa thì nó đang bị mất ở Mỹ. 

Có một sự khác biệt hết sức rõ ràng giữa Camus và các sinh viên ông đang nói chuyện. Ông đến từ châu Âu, nơi vừa mới trải qua cảnh nồi da xáo thịt, trong khi đó các bạn sinh viên ở đây ít nhiều còn chưa bị chiến tranh chạm đến. Camus được chào đón với tư cách là một ngôi sao văn học (bản dịch "Kẻ xa lạ" được xuất bản trong thời gian ông ở đây) và một anh hùng quân Kháng chiến. Nhưng cảm thức bi kịch của ông về đời sống không thể quy về vấn đề Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi đi tàu từ New York trở về Pháp, ban đêm giữa lòng Đại Tây Dương, từ boong tàu nhìn xuống đại dương, bị mê hoặc bởi đường rẽ nước phía sau con tàu. Camus nói về tình yêu của mình dành cho "những đại dương lãng quên này, những khoảng lặng vô bờ tựa như vẻ quyết rũ của cái chết."

Camus, triết gia phái Kháng chiến về tình đoàn kết, đã phát hiện ra (hay có lẽ là tái phát hiện) vấn đề tâm trí người khác ở New York. Khác với Sartre, ông không gặp khó khăn gì với các đồ vật, cây cối, tòa nhà Empire State, đại dương vô ngã. Chỉ khi nhìn vào khuôn mặt của người khác ông mới trải nghiệm đầy đủ cảm thức về bi kịch. Trong khi với quan niệm địa-ngục-là-những-người-khác Sartre gợi ra ý niệm về "nhóm-trong-sự-dung-hợp", Camus (luôn phải thanh minh với sinh viên rằng ông không phải và chưa bao giờ là một "nhà hiện sinh") liên tục tinh chỉnh lại "cái phi lý" ở phương diện sự thất bại không thể tránh khỏi của ngôn ngữ trong việc làm nhịp cầu nối giữa các cá nhân. Và đấy không phải là vấn đề khôn đủ tiếng Anh để nói chuyện với người Mỹ. Ông cũng có cảm giác tương tự ở Quebec.

Mối xung đột giữa Sartre và Camus hẳn được xác định bởi sự khác biệt về chính trị của họ trong thập niên 1950, và được phản ánh tập trung trong ấn phẩm "Con người phản kháng" của Camus. Nhưng trong các phản ứng khác nhau của họ đối với nước Mỹ, và nhất là với New York, chúng ta đã có các yếu tố của sự phân ly về mặt triết học. Khi trở lại châu Âu, Sartre nhớ trước hết đến toàn bộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thực tiễn bị chia tách của Mỹ, một đối trọng không thể tránh khỏi đối với nỗ lực hướng đến sự phục tùng. Ông viết một vở kịch, "Cô gái điếm có lễ nghĩa", soạn thành kịch tình tiết của vụ án Scottsboro Boys ở những năm 1930. Sự chia tách các lực lượng đang tranh đấu – Đông và Tây, da đen và da trắng, tư sản và vô sản, con người và đồ vật – trở thành mối quan tâm của triết học của ông, được tóm tắt trong cụm từ ông dùng trong Phê phán lý tính biện chứng để định nghĩa đấm bốc, nhưng cũng có thể áp dụng cho mối quan hệ của ông với Camus: "một thực tiễn nhị nguyên của quan hệ tương hỗ đối kháng." Chủ nghĩa hiện sinh trong hình thức này, chịu ảnh hưởng đôi phần của chủ nghĩa Marx, thâm nhập vào giới trí thức Mỹ, được hấp thu thành triết học quyền lực người da đen ("chủ nghĩa hiện sinh da đen") và tìm thấy tiếng vang ở các nhà văn như Richard Wright và Norman Mailler.

Trái lại, Camus bắt đầu có giọng điệu nghe giống Samuek Beckett hơn. Trong khi Sartre, sau chiến tranh, hơn bao giờ hết tự coi mình là một "cỗ máy viết", thì Camus lại ngày càng sợ viết, bị ám bởi thái độ "khinh miệt mọi hình thức biểu đạt nơi công cộng." Triết học của Sartre trở nên có tính chất xã hội học và cấu trúc luận trong sự nhấn mạnh có tính nhị nguyên của nó. Camus, hoàn toàn một mình, trong đêm, giữa các châu lục, cách xa mọi thứ, đã bớt là "nhà đạo đức" trang nghiêm ("ông Thánh", Sartre gọi ông như vậy), trở thành nhà (tiền) hậu-cấu trúc hơn trong mối quan tâm và lo lắng lớn hơn của ông về ngôn ngữ. Ông nhấn mạnh đến sự khác biệt và từ chối đưa ra một lý thuyết rõ ràng, ông nói với công chúng: "Tôi còn quá trẻ để có một hệ thống". Và chính phương diện phản-hệ thống này của Mỹ được ông lưu giữ nhưng không chịu nói rõ: "Sau nhiều tháng, tôi không biết gì về New York".

Nghịch lý thay, rõ ràng là Sartre có được ý niệm hành động tập thể từ những gì ông chứng kiến ở Mỹ chứ không phải ở Liên Xô. Thường thì, ông chọn cách trình bày ý niệm của mình về tự do và số phận của căn tính cá nhân trong khuôn khổ các thuật ngữ chủ yếu mang tính văn học. Cảnh giác với biên tập viên! Ông không thích cách các bài báo của ông bị chỉnh sửa sai ý khi chúng xuất hiện trong các tạp chí Mỹ và thừa nhận là mình lo sợ điều gì đó tương tự – "viết lại" – xảy ra cho các vở kịch của ông, nếu như chúng được tổ chức ở Mỹ. Cơ quan F.B.I, khi cáo buộc Camus đã viết "các báo cáo khôn chính xác", cũng viết sai tên của ông thành "Canus" và "Corus".

Mối quan hệ yêu-ghét giữa Sartre và Camus đã xảy ra và được phản ánh trong tình cảm lưu luyến lúc đứt lúc nối với Mỹ. Như Camus nói: "Yêu là điều cần thiết ... nếu chỉ là để cung cấp chứng cứ ngoại phạm cho mọi sự tuyệt vọng ngẫu nhiên mà bạn sẽ cảm nhận, dù mọi sự có thế nào đi nữa." Trên tất cả, hai nhà tư tưởng này nhấn mạnh rằng nước Mỹ luôn cân bằng một cách bấp bênh, giống như người đi trên dây, trên sợi dây phép biện chứng triết học.

Đinh Hồng Phúc dịch

 


Nguồn: https://archive.nytimes.com/opinionator.blogs.nytimes.com/2012/07/14/sartre-and-camus-in-new-york/?searchResultPosition=7


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt