Chủ nghĩa hiện sinh

Thư Sartre từ chối giải Nobel văn chương

 

THƯ SARTRE TỪ CHỐI GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG

JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980)

 


Jean-Paul Sartre, “Thư Sartre từ chối giải Nobel văn chương”, Vượng Nguyễn dịch từ bản dịch tiếng Anh của Richard Howard, “Sartre  on the Noble Prize”, http://www.nybooks.com/articles/1964/12/17/sartre-on-the-nobel-prize


 

Tôi rất lấy làm tiếc khi mọi chuyện đã đi quá xa, đến mức xì xầm vậy: giải thưởng đã được trao, và tôi thì từ chối. Chuyện ra nông nỗi thế, là bởi tôi đã không được báo sớm hơn, về những gì diễn ra lúc ấy. Khi tôi đọc trên tờ văn nghệ Figaro số giữa tháng 10, trong mục trao đổi của thông tín viên từ Thụy Điển, rằng lựa chọn của Viện hàn lâm Thụy Điển đang nghiêng về tôi, nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, tôi đã nghĩ, rằng viết một lá thư gửi tới Viện hàn lâm, và thực là tôi đã gửi nó ngay ngày hôm sau, tôi có thể làm mọi việc tường minh hơn, và sẽ không còn phải cân lên đặt xuống thêm gì nữa.

Tôi đã không hay rằng, khi trao giải Nobel, người ta sẽ không tham vấn ý kiến của người nhận, và tôi cũng đã tưởng rằng, mình sẽ có đủ thời gian để lay chuyển quyết định ấy. Nhưng giờ thì, tôi hiểu, khi Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải, quyết định sau cùng sẽ không thể thay đổi được.

Lí do tôi từ chối giải Nobel lần này, không xuất phát từ phía Viện hàn lâm Thụy Điển, cũng như bản thân giải Nobel, như tôi đã giải thích trong lá thư gửi tới viện. Trong thư ấy, tôi có ý viện dẫn tới hai lí do: cá nhân và khách quan.

Lý do cá nhân, ấy là: việc từ chối của tôi không phải là một cái phẩy tay bốc đồng, tôi lâu nay vẫn luôn khước từ trước các giải thưởng chính thống. Năm 1945, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, khi ấy tôi được đề nghị trao tặng giải Bắc đẩu bội tinh, tôi đã từ chối, mặc dù tôi cùng một chiến tuyến với chính phủ. Cũng vậy, tôi chưa bao giờ cố mà kiếm một chân ở trường Collège de France, như các bạn tôi khuyên.

Cái lối riêng này của tôi, là bởi, tôi dựa vào cái ý niệm mà tôi đinh ninh về công việc bếp núc của một nhà văn. Một nhà văn, anh có thể theo đuổi con đường chính trị, hay các vị trí xã hội, nhưng anh chỉ có thể sống theo cách duy nhất, cùng với công cụ mà anh nắm trong tay - ấy là, chữ nghĩa. Tất cả những vinh hạnh anh có thể nhận được, sẽ đặt độc giả của anh trước một áp lực mà tôi thì không lấy gì làm hào hứng. Nếu tôi kí tên mình Jean-Paul Sartre, nó chẳng giống như cách tôi ký, giả dụ như Jean-Paul Sartre, một nhà văn đoạt giải Nobel.

Nhà văn, khi chấp nhận một vinh quang như ấy , sẽ gắn tên tuổi mình với nó, cũng như với tổ chức, thiết chế đã vinh danh mình. Những mối cảm tình của tôi với các nhà cách mạng giải phóng người Venezuela chỉ liên đới mình tôi, trong khi, nếu là một Jean-Paul Sartre đã từng nhận giải Nobel mà cổ võ cho lực lượng nổi dậy người Venezeala, thì Jean-Paul Sartre ấy cũng sẽ liên đới tới giải Nobel, như một thiết chế.

Một nhà văn, vì thế, phải khước từ, để bản thân mình khỏi mang lấy danh của một thiết chế nào đấy, ngay cả khi việc này xảy ra trong những cảnh huống vinh hạnh nhất, như trường hợp của tôi.

Cách ứng xử này, dĩ nhiên, là do tôi lựa chọn, và nó không mang bất kì một ý niệm phê phán gì, tới những người đã từng nhận giải. Tôi có một sự ngưỡng mộ và tôn kính lớn lao tới rất nhiều người đã được nhận giải ấy, những người mà tôi vinh hạnh biết tới.

Về lí do từ chối do yếu tố khách quan: Ngày nay, trận chiến duy nhất trên mặt trận văn hóa là trận chiến cho sự cộng sinh trong yên bình giữa hai nền văn hóa, một Đông, một Tây. Tôi không có ý, rằng chúng phải dung hợp lẫn nhau - tôi biết, khihai nền văn hóa đối mặt, rồi đây sẽ phải có những kiểu xung đột nhất định - nhưng cuộc chạm trán ấy phải là cuộc chạm trán giữa những người đàn ông và các nền văn hóa, chứ không thể có sự can thiệp của các thiết chế.

Bản thân tôi chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi sự mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa: tôi được hình thành từ chính mối mâu thuẫn ấy. Mối tương cảm của tôi, tất nhiên, là dành cho chủ nghĩa xã hội và cho, cái mà chúng ta vẫn gọi là khối phương Đông, nhưng tôi được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình trung lưu và nền văn hóa tư bản. Điều này cho phép tôi có thể cộng tác với những người nỗ lực bắc cầu cho hai nền văn hóa ấy sát lại gần nhau hơn. Tôi, tuy thế, hi vọng rằng, dĩ nhiên "lựa chọn tốt nhất sẽ thắng". Ấy là, chủ nghĩa xã hội.

Đó là lí do vì sao tôi không thể đón nhận giải thưởng đầy vinh hạnh này, từ tay của các giới chức văn hóa, vốn thuộc về phương Tây thay vì phương Đông, ngay cả khi tôi tương cảm với sự hiện hữu của họ. Mặc dù tất cả mọi tương cảm của tôi là dành cho phía những người theo chủ nghĩa xã hội, tôi tuy thế, sẽ không thể vì vậy mà chấp nhận, chẳng hạn, giải thưởng Lê-nin, nếu như có ai đó muốn trao cho tôi, tất nhiên là không phải lần này.

Tôi biết rằng giải Nobel, bản thân nó không phải là một giải thưởng văn chương của khối phương Tây, nhưng nó là thế khi quan sát bàn tay người trao, và những gì có thể diễn ra, là nằm ngoài tầm kiểm soát của các thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển. Đó là tại sao, ở vị trí hiện tại, giải Nobel vẫn đứng ra, một cách khách quan, như một sự phân biệt, dành sẵn cho các nhà văn phương Tây, hoặc cho những người nổi loạn ở phương Đông. Nó đã không được trao thưởng, chẳng hạn, cho Neruda, một trong số những nhà thơ xuất sắc nhất Nam Mỹ. Người ta chưa bao giờ đặt những câu hỏi nghiêm cẩn, về việc trao giải cho Louis Aragon, mặc dù ông ấy rõ ràng xứng đáng nhận. Thật là đáng tiếc, khi giải thưởng đã được trao cho Pasternak, thay vì cho Sholokhov, và chỉ có một tác phẩm của Soviet được vinh hạnh nhận thưởng, ấy là nó được xuất bản ở nước ngoài và bị cấm lưu hành trong nước. Một sự cân bằng có thể đã được thiết lập nhờ vào một cách ứng xử tương tự, theo một hướng khác. Trong thời chiến ở Algeria, khi chúng tôi kí "tuyên bố của 121 [trí thức]", có lẽ tôi nên vinh hạnh chấp nhận giải thưởng, vì nó sẽ vinh danh không chỉ tôi, mà cả nền tự do mà chúng tôi đã vì nó cùng nhau chiến đấu. Nhưng vấn đề là chuyện nó không như vậy, và chuyện chỉ được để tâm sau khi cuộc chiến kết thúc và giải thưởng được trao cho tôi.

Khi bàn về lí do cho quyết định của Viện hàn lâm Thụy Điển, một ý được nhắc tới là tự do, một từ có rất nhiều cách diễn giải. Ở phương Tây, chỉ có tự do chung chung là có nghĩa: cá nhân tôi cho rằng, một nền tự do phải cụ thể hơn, trong đó, người ta có quyền có hơn một đôi giày, và ăn no đến chán. Với tôi, hình như, sẽ ít nguy hiểm hơn khi từ chối giải thưởng thay vì chấp nhận nó. Nếu tôi chấp nhận, tôi sẽ hiến mình cho những gì mà tôi gọi là "một sự cải hồi khách quan". Theo như bài báo đăng trên tờ văn nghệ Figaro, "một quá khứ chính trị rắc rối sẽ không bị coi là rào cản với tôi". Tôi biết bài áo ấy không thể hiện quan điểm của Viện hàn lâm, nhưng rõ ràng nó cho thấy việc tôi chấp nhận giải thưởng, sẽ bị diễn giải theo hướng nào từ phía những người cánh tả. Tôi coi cái "quá khứ chính trị rắc rối" ấy vẫn là điểm để lưu tâm, dù rằng tôi đã phần nào chuẩn bị cho việc thừa nhận với những người đồng chí của mình về những lỗi lầm quá khứ nào đó.

Tôi không vì thế cho rằng, Nobel là một giải thưởng "tư sản", nhưng giải thưởng ấy sẽ bị người ta hiểu là một giải thưởng tư sản bởi những nhóm phái nhất định mà tôi chẳng lạ gì.

Cuối cùng, tôi xin được nói đôi chút về vấn đề tiền bạc: nó là một gánh trĩu nặng mà Viện đặt lên vai người nhận thưởng, khi cùng với sự tôn vinh, còn là một món tiền rất lớn. Điều ấy đã cật vấn đầu óc tôi. Hay là chấp nhận giải thưởng và món tiền kèm theo để hỗ trợ các tổ chức hoặc phong trào, một điểm quan trọng để cân nhắc - tôi lại chỉ nghĩ về ủy ban Apartheid ở London. Hay là từ chối giải thưởng dựa trên các nguyên tắc rộng rãi, và do đó, cướp đi một cơ hội để hỗ trợ phong trào vốn đang cần kíp. Nhưng tôi tin rằng, nó là một vấn đề bị hiểu sai. Rõ ràng là tôi từ chối 250,000 crowns, vì không muốn bị gán cho là thuộc về phía Đông hoặc Tây. Nhưng mặt khác, người ta không thể bị yêu cầu từ chối, cho số tiền 250,000 crown, nguyên tắc không chỉ thuộc về một cá nhân, mà được chia sẻ bởi tất cả các đồng chí của người ấy.

Đó là những gì đã khiến tôi đớn đau, kể cả nhận thưởng, và cả từ chối, việc mà với tất cả sự trọng thị tôi đã làm.

Tôi mong được kết thúc lá thư công bố này với một thông điệp về một tình cảm nồng hậu dành cho công chúng Thụy Điển.

VƯỢNG NGUYỄN dịch

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt