Chủ nghĩa hiện sinh

Tiến trình lịch sử

 

TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

 

JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980)

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Jean-Paul Sartre. “Le processus historique”, trong Michel Contat & Michel Rybalka: Les écrits de Sartre: Chronologie biblliographie commentée. Gallimard, 1970,  tr. 677-79.


 

“Chủ nghĩa hiện sinh không biết gì đến tiến trình lịch sử.”

(Pravda, ngày 23 tháng 1 năm 1947)

 

Tôi đã chờ đợi ​​một sự công kích thuộc loại này từ lâu rồi. Trong tờ tạp chí của tôi, Les Temps Modernes, tôi đã đặt ra một vài câu hỏi cho các trí thức cộng sản và họ không thể trả lời được. Vả lại, ông Ilya Ehrenburg, khi từ Mỹ về, đã chỉ trích kịch liệt mấy cuốn sách của tôi, và tôi đã buộc ông ta phải thừa nhận rằng ông ta chưa hề đọc chúng, điều mà ông ta đã sẵn lòng làm và chẳng việc gì phải bối rối cả. Điều cần thiết là, đương nhiên, phải có một thông cáo để mọi sự trở nên rõ ràng. Ai cũng thừa biết ông Zaslavski đọc các tác phẩm hiện sinh chẳng hơn gì Ehrenburg. Nhưng ông ta lại nói về chúng với giọng trịch thượng kẻ cả hơn. Tôi cảm thấy rất bối rối khi trả lời cho ông ta: chúng tôi trả lời cho một ai đó, nhưng ông Zaslavski lại không phải là một ai đó. Tạm thời, đấy là một biên tập viên của tờ Pravda, và đấy là “tiến trình lịch sử” (theo đúng từ của ông ta) được thốt ra từ miệng của ông ta. Ngày mai, có lẽ, tiến trình lịch sử sẽ quay lưng lại với ông ta, và ông ta sẽ là một con số ở Sibérie và mọi người sẽ quên ông ta. Ông ta sẽ không bao giờ là một nhân vị; tôi hối tiếc điều này cho ông lẫn cho tôi. Thế thì, tôi chỉ còn cách nói với “tiến trình lịch sử” và tỏ rõ sự tiếc nuối của mình đối với nó rằng nó đã chọn một kẻ diễn giải quá tồi. Chắc chắn, nó có thể tìm được bất kỳ ai đó khác. Tiến trình lịch sử luôn có những nguyên do. Nhưng rốt cuộc, người ta chỉ mong đợi được thấy ông Zaslavski, người đã tuyên bố đầy ngạo ngược rằng “Chủ nghĩa hiện sinh là sự phủ định mọi triết học”, chứng tỏ ít ra là trong bài viết của ông rằng bản thân ông là một triết gia. Nhưng khổ nỗi! Trong cái mớ chữ đầy hằn học và ngu xuẩn ấy không có lấy một từ nào coi được cả. Tôi sẽ thu mình lại để chỉ ra những cái sai sau đây:

1. Nếu ông Zaslavski thực sự là triết gia và nếu ông ta có đọc những cuốn sách mà ông ta nói đến thì hẳn ông ta sẽ không gán “thuyết tất định” cho triết học nào chỉ có tôn chỉ là khẳng định sự tự do của con người và không ngừng lặp đi lặp lại rằng số phận của con người ở trong tay con người. Những người mác-xít thường hay kêu ca và phản đối vì người ta đã đồng hóa phép biện chứng về lịch sử với thuyết tất định. Điều đáng tiếc là ông Zaslavski, kẻ được chọn của “tiến trình lịch sử”, cũng rơi vào chính cái lỗi ấy khi nói về chủ nghĩa hiện sinh. Dưới ngòi bút của ông ta, từ ngữ thay đổi hết ý nghĩa của chúng để ông ta gọi tôi là nhà tất định luận vì tôi không tin rằng cuộc cách mạng của người cộng sản là điều không thể tránh khỏi.

2. Ông Zaslavski trách cứ chủ nghĩa hiện sinh là “hoàn toàn không có tính duy linh”. Nhưng nếu ông ta có chút kiến thức sơ đẳng về chủ nghĩa Mác thì hẳn ông ta sẽ biết rằng nhà duy vật cảm thấy mình thật lố bịch khi trách cứ các đối thủ của mình là thiếu tính duy linh. Quả thực, có tính duy linh khi người ta viện đến tinh thần, một bản thể khác với vật chất. Nhưng chủ nghĩa duy vật chỉ thừa nhận một nguyên tắc là vật chất, và về nguyên tắc nó thù địch với mọi sự viện dẫn tới tinh thần. Tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ coi Thorez và Duclos là các nhà duy linh. Tôi sẽ cố gắng làm như thế. Vả lại, ít nhất nếu ông Zaslavski mở cuốn Tồn tại và Hư vô hay bất cứ tác phẩm hiện sinh nào khác, ông ta sẽ thấy rằng ý thức của mỗi người trong chúng ta là không thể quy về vật chất. Nhưng có lẽ ông ta biết điều này và ông ta lấy làm tiếc về việc chúng tôi thiếu tính duy linh chỉ vì chúng tôi không phải là nhà duy vật.

3. Tôi đã viết, bất cứ khi nào mà tôi có thể, rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa là niềm hy vọng duy nhất của nhân loại. Chắc chắn đây là lý do tại sao ông Zaslavski tuyên bố rằng tôi đã được hai trăm gia đình ủng hộ. Tôi rất bất mãn với nhiều người Mỹ khi viết một bài báo về tình cảnh của người da đen ở Hoa Kỳ; chắc chắn đó là lý do tại sao ông ta nói tôi là nhân viên của cơ quan tuyên truyền của Mỹ. Đúng là tôi sống ở Hoa Kỳ lâu hơn ông Ehrenburg, và tôi không chia sẻ những định kiến ngớ ngẩn của ông ta đối với đất nước vĩ đại ấy. Nhưng phải kết luận rằng tôi không muốn làm cho đất nước tôi thành một “thuộc địa của đế quốc Mỹ”? Có nhất thiết phải chửi bới Mỹ để giữ lấy những ân sủng tốt đẹp của “tiến trình lịch sử” và của ông Zaslavski không? Một trong những cộng tác viên của tôi trên tờ Les Temps Modernes đã viết rằng “Di sản lịch sử của nước Mỹ, trên thực tế, là toàn thể thế giới”. Từ câu này, ông Zaslavski kết luận rằng chúng tôi mong muốn Mỹ thống lĩnh cả thế giới. Nếu ông ta biết làm sao để đọc hay muốn đọc toàn bộ bài báo, hẳn ông ấy sẽ diễn giải câu văn này theo lối khác rồi. Thực ra, cộng tác viên của tôi muốn nói rằng để có một nền văn hóa Mỹ thì người Mỹ phải đón nhận và hấp thu các truyền thống lịch sử của tất cả các châu lục. Ngoài điều đó ra, những gì ông Zaslavski hiểu đều không tính đến. Điều duy nhất tính đến đó là “tiến trình lịch sử” đã ra lệnh cho ông ta những gì? Đối với giới tư sản giàu có người Mỹ là những người, có vẻ như, “đã đón nhận trong tôi kẻ thù của chủ nghĩa Marx”, tôi có thể đảm bảo với biên tập viên tờ Pravda rằng có thể nó chẳng mấy quan tâm tới tôi và thậm chí còn không biết đến tên tôi nữa là. Những bài nói chuyện của tôi ở Mỹ diễn ra trước công chúng là những người trí thức và sinh viên, và họ quan tâm đến văn học Pháp dưới thời Chiếm đóng.

4. Ông Zaslavski cáo buộc tôi là “phủ nhận mọi đạo lý ở đời”. Tôi nhớ Lénine đã từng nói rằng: “Tôi gọi là có đạo đức bất cứ người nào có công đối với cuộc cách mạng của người cộng sản và là không đạo đức bất cứ ai có ý đồ cản trở nó.” Nếu ông Zaslavski hiểu những chữ “có đạo đức” và “không có đạo đức” theo nghĩa này thì đúng tôi không phải là người có đạo đức. Tôi không thuộc về Đảng Cộng sản. Nhưng tôi tin có một nền đạo đức tự trị. Tôi tin rằng chúng ta có những bổn phận rất rõ ràng, trong đó có bổn phận phải nói lên sự thật, cho dù những yêu sách của “tiến trình lịch sử” có là gì đi nữa. Vì thế, cũng giống như cách ông Zaslavski cáo buộc tôi là người theo thuyết tất định vì tôi tin vào tự do, thiếu tính duy linh, vì tôi không phải là nhà duy vật, ông ta gọi tôi là vô đạo đức vì tôi không phải là kẻ theo chủ nghĩa Machiaveli và chủ nghĩa hiện thực trong chính trị. Sự kết án ex cathedra* của tờ Pravda diễn ra đúng vào lúc Giáo hội đưa những cuốn sách của tôi vào danh mục sách cấm; đấy không phải là một sự ngẫu nhiên; người ta sẽ miễn trách tôi nếu tôi thấy trong cả hai sự kết án cùng một lúc này không có gì khác ngoài sự khuyến khích quý giá: khi ta tìm cách đặt con người đối mặt với sự tự do của họ, thì tự nhiên ta sẽ nhận thấy trước mắt mình tất cả các thế lực đang hưởng lợi từ việc che giấu không cho con người thấy nó.



* với cái giọng dạy đời (ND)

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt