Chủ nghĩa hiện sinh

Triết học trong một hạt dẻ

VỚI MARTIN HEIDEGGER

TRIẾT HỌC TRONG MỘT HẠT DẺ

TRẠC TUYỀN

 

Thưa Quý vị và các Bạn!

Martin Heidegger là một trong những triết gia, nếu không muốn nói là triết gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất trong thế kỷ 20. Lạ lùng thật! Với dáng vẻ một lão nông âm thầm, quê kệch, hiếm khi đi khỏi quê nhà là một vùng quê hẻo lánh ở tây nam nước Đức, suốt đời ăn mặc, sinh hoạt theo phong tục, tập quán của "quê xứ", ông lại là triết gia Đức có ảnh hưởng nhiều nhất ở nước ngoài: Mỹ, Nhật, thế giới Á rập, và nhất là Pháp. Ông cũng từng là tác giả được tìm đọc và tìm hiểu say mê, nồng nhiệt một thời ở nước ta. Ông có dính líu ít nhiều với chế độ quốc xã, gây thắc mắc và tranh cãi liên miên đến tận ngày nay, nhưng những triết gia ái mộ ông lại không hiếm những người gốc Do Thái nổi tiếng: Hannah Arendt, Jacques Derrida, Emmanuel Levinas... Nhưng trước hết phải nhắc đến "chữ nghĩa" dị thường của ông đã! Về số lượng đã... khủng khiếp! Sinh thời, ông xuất bản không nhiều, nhưng hầu như mỗi khóa dạy (6 tháng), ông hoàn thành một quyển sách, và cứ như thế suốt mấy mươi năm. Di cảo của ông được ấn hành nay dự kiến 102 tập và còn nhiều nữa. Văn ông thì khỏi nói! Vừa có sự mạch lạc, chính xác của một nhà giáo chuyên nghiệp, vừa uẩn súc, uyển chuyển, ma mị của một "siêu phù thủy" ngôn từ, "nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân"! Ông cặn kẽ nhìn lại lịch sử triết học bằng con mắt khác hẳn mọi người, nhưng thật phí nếu chỉ đọc ông như một nhà lịch sử triết học. Ông bàn nhiều vấn đề triết học cao xa, trừu tượng ("tồn tại", "thời gian", "sử mệnh"...), nhưng không "viễn mơ", mà gợi hứng cho nhiều cách tiếp cận mới mẻ. Những trang viết sâu thẳm của ông về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, môi trường, kiến trúc, văn hóa tiêu thụ, và nhất là sáng tạo nghệ thuật... lan tỏa như những làn sóng nhẹ nhàng, nhưng mãnh liệt đến tận tâm can người đọc. Không ít người tự hỏi mình sẽ ra sao nếu đã không biết và không đọc ông. Rất tiếc, khuôn khổ và... "thời lượng" của cuộc "giao lưu" cùng lắm chỉ cho phép "nhập thất" chứ chưa thể "đăng đường"! Cũng chẳng sao, được "trực tuyến" (tưởng tượng!) với ông thiết tưởng cũng đã là niềm vui hy hữu, bởi câu chuyện về Heidegger có bao giờ kết thúc, phải không, thưa Quý vị và các Bạn?

 

Trạc Tuyền (TT): Thưa Thầy, người ta có thể nhét cả vũ trụ vào trong một hạt dẻ, vậy có thể làm "gọn" như thế với triết học của Thầy (độc giả và thính giả của chúng ta ngày nay rất thiếu kiên nhẫn!) hay nó mênh mang hơn cả... vũ trụ?

Martin Heidegger (M.H): Khi đập vỡ một hạt dẻ, Cô Trạc Tuyền tìm gì và thấy gì?

TT: Em tìm hạt và "thấy" nó ngọt ngọt ngọt, bùi bùi, hấp dẫn lắm ạ!

M.H: Thế Cô có thấy trong đó mây trời, mưa rừng, gió núi, từng giọt mật từ lòng đất và cả giọt mồ hôi của người trồng và người bán nó không?

TT: Thưa Thầy, chắc... vừa có vừa không? Em thường chỉ thấy hạt dẻ là... hạt dẻ! Hay Thầy muốn dạy em bài học về "quán vô tướng" của nhà Phật?

M.H: Tôi chỉ quán... hữu tướng thôi! Đấy mới là điều tôi quan tâm, vì chúng ta là con người trần gian và đều thèm ăn... hạt dẻ! Trạc Tuyền có thấy cây búa treo trên tường đàng kia không?

TT: Vâng, tất nhiên là thấy ạ!

M.H: Vậy mà hàng ngày tôi hiếm khi nào để ý đến nó đấy! Chỉ khi cần đóng đinh để treo bức tranh ông bạn họa sĩ vừa tặng hay đóng cái cửa sổ lại cho chắc vì tuyết xuống nhiều hôm qua làm nó lung lay, tôi mới dùng đến nó.

TT: Thưa, thế thì sao ạ?

M.H: Thì ngay những lúc ấy, tôi cũng chẳng nhìn thấy nó! Tôi chỉ thấy bức tranh hay cái cửa sổ thôi.

TT: Chẳng lẽ nó vô hình?

M.H: Không, nó vẫn hữu hình, nhưng ta không nhìn thấy nó. Nó nằm ngoài cái nhìn của ta, như đôi giày ta đi hàng ngày, rồi ném đâu đó khi về nhà. Nhưng, ta vẫn biết nó là vật dụng hữu ích, chứ đâu phải chỉ là vật-có-đó như hòn đá ven đường hay khúc gỗ mục trong rừng sâu.

TT: Thế khi nó hỏng, ta mới nhìn thấy nó, để tìm cách sửa chữa?

M.H: Vâng, chiếc xe máy hỏng, nó là một đống sắt, trở thành "đối tượng nghiên cứu khoa học" cho ông thợ sửa xe và nhà cơ khí, tháo tung nó ra để tìm hiểu nguyên nhân. Còn khi nó chạy êm ru, tôi chẳng hề quan tâm đến sự hiện diện của nó.

TT: Ý Thầy muốn nói, việc sử dụng trong đời sống thực tế hàng ngày mới là cái "thứ nhất", ưu tiên thiết thân số một, còn nghiên cứu lý thuyết hay khoa học về nó chỉ là chuyện đến sau, chuyện "hạng nhì", trái với mấy tổ sư Hy Lạp dạy rằng lý thuyết mới là cái số một?

M.H: Đúng thế đấy, Trạc Tuyền ạ! Nhưng không chỉ thế đâu! Khi vật dụng hỏng, ta nhìn nó bằng con mắt khác, "tỉnh táo", "khách quan" để thử xem nó còn có thể được dùng vào việc gì. "Lành làm gáo, vỡ làm muôi" là cách nói cực hay của người Việt đấy!

TT: Thế... nghĩa là gì ạ?

M.H: Là sự vật luôn có những mặt, những yếu tố không lường trước được, không thể nhìn thấy hết, nói văn chương, sự vật là "khôn dò"!

TT: Thưa Thầy, trở lại với... cái búa, sao ta không "nhìn" thấy nó? Lúc ấy nó ở đâu?

M.H: Thì vẫn treo trên tường đấy thôi! Và nó càng làm việc âm thầm, lặng lẽ bao nhiêu trong (những) bề sâu không thể nhìn thấy, nó càng tỏ ra hiệu quả, hữu ích bấy nhiêu, ít nhất là không làm cho ta bị... dập ngón tay!

TT: Thầy kể chuyện vui quá, nhưng em vẫn chưa hiểu: vậy nó... ở đâu?

M.H:vắng mặt, vậy thôi! Nó "rút lui", nó "thoái ẩn", chữ ưa thích của tôi đấy! Mọi vật rút lui trước cái nhìn, cho dù chăm chú, của tôi, để quay vào trong cái hậu trường mờ mịt. Vì thế, mô tả cái búa, cái cây bằng vẻ ngoài của nó hay bằng những khái niệm là vẽ... hý họa về nó, vì bao giờ cũng còn có một cái gì nhiều hơn những gì ta thấy hay ta nói. Bây giờ nó là gáo, lát nữa nó là muôi, vậy từ đâu, hở Trạc Tuyền?

TT: Từ... vô số "khả thể" của nó! Em mới học được từ đẹp đẽ này trong lớp triết!

M.H: Không chỉ thế! Còn từ sự diễn giải (interpretation) của ta nữa chứ! Nhận thức không chỉ là nhìn mà chủ yếu là diễn giải, xem nó có thể là cái gì, cho ta? Bởi sự vật không bao giờ hiện diện trực tiếp và toàn vẹn cho ta cả!

TT: Vậy, theo em hiểu, sự vật là nhiều hơn bề ngoài hay hiện tượng của nó, nhiều hơn tồn tại vật lý của nó, và cả sự hữu dụng của nó nữa, phải không ạ?

M.H: Vâng, nó không bao giờ "hiện diện" đầy đủ trước mặt ta, cả sự Tồn tại nói chung cũng thế. Một câu duy nhất có thể "nhất dĩ quán chi": tồn tại không phải là sự hiện diện! Đó, “hạt dẻ” của tôi đó?

TT: Lại vì sao, thưa Thầy?

M.H: Tồn tại không hiện diện, vì Tồn tại là Thời gian!

 


Nguồn: Bản thảo tác giả gửi cho triethoc.edu.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt