Chủ nghĩa hiện sinh

Tự do bị đặt thành vấn đề

 

TỰ DO BỊ ĐẶT THÀNH VẤN ĐỀ

 

ANDRÉ NIEL

TÔN THẤT HOÀNG dịch

 


André Niel. Jean-Paul Sartre anh hùng và nạn nhân của "ý thức khốn khổ". Tôn Thất Hoàng dịch. Nxb. Ca Dao, Sài Gòn, 1968.


 

Tự do theo quan niệm Sartre là một thứ tự do duy ngã, giam kín cá nhân và khiến cá nhân bất lực trong việc thể hiện kinh nghiệm toàn vẹn về Tha thể.

 

Hiện nay, Jean-Paul Sartre chắc chắn là nhà văn, nhà viết kịch, nhà triết học Pháp nổi danh nhất thế giới. Mọi người đều biết ông được trao tặng giải Nobel văn chương năm 1964 nhưng ông đã từ khước. Nhân dịp đó, các nhà phê bình và các ký giả đã đưa ra những giả thuyết kỳ quặc nhất: lòng khinh bỉ của một nhà đạo đức quý tộc, sự toan tính khéo léo của một con buôn, vân vân, Tuy nhiên, chỉ cần có một kiến thức sơ đẳng về tư tưởng đích thực của Sartre là ta có thể giải thích được thái độ của ông : ông chỉ muốn từ chối một nhãn hiệu, một triều thiên vinh quang, một pho tượng mà người ta muốn dựng lên cho ông. Sartre đã không muốn để cho mình bị dán nhãn, bị khách quan hóa, bị quy định một lần rồi thôi hẳn. Theo ông, cá nhân đích thực là chủ thể ý thức, tự lựa chọn mình ở mỗi giây phút, mỗi một khoảnh khắc: tôi cho người nghèo khó một quan hay tôi quay mặt đi; tôi về hùa với chủ nghĩa thực dân, hoặc tôi bênh vực những dân tộc bị áp bức. (Ta biết rằng Sartre đã đứng về phe những người nổi dậy trong cuộc chiến tranh Algérie). Hơn nữa, trong một trận chiến, luôn luôn ta có thể bỏ phe này nhẩy sang một phe khác, và do đấy ta thể hiện được kinh nghiệm về sự tự do lựa chọn chính mình - trong khi đó, nếu chịu nhận giải Nobel, giải thưởng ấy sẽ suốt đời đè nặng lên hai vai anh, như thể một bộ đồng phục mà ai cũng trông thấy cả.

Như thế, Sartre đã từ chối giải Nobel chỉ vì lý do độc nhất là ông tin tưởng vào một hình thức nào đó của tự do, thứ tài sản vô giá mà ông thiết tha gìn giữ. Lối giải thích thái độ của Sartre trên đây cho ta thấy sự từ khước của ông là một hành vi không làm vinh dự cũng chẳng làm tổn hại đến ông. Đấy là một giải thích hợp lý, đưa ngay ta vào sự lĩnh hội tư tưởng Sartre. Lối giải thích ấy rất khác biệt với tinh thần của các nhà báo khi họ phô diễn sự từ chối đó bằng cách mời ta bêu rếu hay ngưỡng mộ nó. Nhưng lạ lùng thay, tính chất khách quan ấy trong một chừng mực nào đó cũng làm ta xa cách với chính Sartre, vốn là người không ưa thích động từ "hiểu", "thông cảm". Ông thích dùng động từ "chọn lựa", "quyết tuyển" và triết học của ông xây nền trên động từ đó.

Quả thế, tự do theo quan niệm Sartre là tự do của một thứ quyền lực quyết dịnh mà không có bất cứ một “lý do» «lý lẽ», bất cứ một sự biện chính hợp lý nào có thể chi phối, trói buộc. Dưới nhãn quan của Sartre, nếu một gã đàn ông kết hôn vì lý do vợ mình trẻ đẹp hay thông minh, thì đấy chỉ là một lý lẽ bề ngoài. Bằng cớ là nhiều người khác có thể thấy cô ta xoàng xỉnh hay ngu ngốc. Vậy rốt cuộc, chính tự do là yếu tố sẽ quyết định những đức tính và những khuyết điểm mà chúng ta gán cho một người nào đó :

« Mọi lý Iẽ, Sartre viết, đều đến với ta từ tự do»[1]

Nếu một thanh niên quyết định trở thành nhà văn hay nhà tư tưởng, thì đấy là một sự lựa chọn không bị chi phối bởi lý trí, nhưng bởi chính sự kiện mọi cá thể đều là nhất thể với chính mình. Ta đọc thấy trong tác phẩm Hữu thể và Vô th:

"Sự lựa chọn sâu xa thật ra chỉ là một với ý thức của ta về chính bản thân ta.."[2]

Cái ý thức về chính bản thân ta này tự nó sẽ là tự do, nghĩa là chọn lựa, quyết tuyển. Theo Sartre, tự do quả thực là nền tảng của thực thể ta. Tôi sẽ phải lập gia đình chăng ? Điều ấy tùy thuộc vào một số hoàn cảnh nào đó: số tuổi của người hôn phối, những đức tính, địa vị xã hội của nàng, vân vân...; tất cả những cái đó Sartre gọi chung là hoàn cảnh.Tuy nhiên, sự quyết định tối hậu của tôi sẽ bắt nguồn từ một quyền năng quyết tuyển có tính chất tuyệt đối, xét về phương diện thực thể chủ quan của tôi. Và do sự lựa chọn kết hôn với người đàn bà như thế như thế - hay từ khước hôn nhân - tôi sẽ kiến tạo nên cuộc đời tôi theo một lối bất ngờ và hoàn toàn độc đáo.

Ta thấy được rằng một thứ tự do như thế có thể phương hại đến những người chung quanh. Trong thí dụ kể trên, người vợ khốn khổ không bao giờ chắc tâm được rằng chồng mình sẽ lại không quyết định đoạn tuyệt và ly dị, vì chàng ta cần phải xác quyết thực thể của mình bằng những sự lựa chọn bất ngờ. Tự do theo quan niệm Sartre còn có vẻ duy ngã, cực kỳ chủ quan, không có chỗ đứng cho sự cảm thông, tình yêu, cũng như tình bạn xây dựng.

Trong thực tế, việc kết hôn và làm cha trong một gia đình tạo ra nhiều bổn phận, nhiều trách nhiệm còn nặng nề hơn là việc nhận giải Nobel; chắc vì thế mà Sartre đã chọn lựa con đường không đảm đương những trách nhiệm và bổn phận nói trên. Ông cũng chẳng liên hệ với bất cứ một đảng phái chính trị nào, dầu trong một thời gian khá lâu ông đã ve vãn với đảng Cộng sản. Thái độ cô đơn nầy không bắt nguồn từ một tính tình kiêu hãnh hay khinh thị. Đúng hơn, nó là hậu quả của một thứ bất lực trong đời sống xã hội. Khi gán nỗi bất lực đó cho tất cả mọi người, khi phán quyết rằng tất cả mọi người đều là nô lệ của thứ tự do duy ngã đó chẳng phải Sartre đã muốn biện chính cho một nỗi bất lực như thế hay sao ?

Nếu ta muốn xây dựng cuộc đời cách nào để cho cảm thức tự mình đang chọn lựa chính mình cứ ngự trị luôn luôn, mãi đến giây phút cuối cùng, lúc ta tự chọn một cái chết thực sự là dấu chấm hết cho một cuộc sống độc đáo, thì ta cần phải tránh xa những xiềng xích xã hội: hôn nhân, gia đình, địa vị làm cha, nghề nghiệp những nghiệp đoàn những dàng phái chính trị... và cả giải Nobel. Tất cả những sự khước từ nằy đều hợp lý, tất cả chúng đều phản ảnh nỗi lo sợ đối với sự xúc tiếp xã hội có tính chất ước buộc và xây dựng. Ngay bây giờ ta hiểu rằng Sartre dã đi vào con đường của một thứ chủ nghĩa cá nhân triệt để. Ta lại còn có cảm tưởng sự cường ngạnh không nhượng bộ của ông rốt lại sẽ đưa tới một trạng thái cô đơn tuyệt đối của Bản Ngã. Mọi sự diễn ra như thể Sartre tự ý và lấy làm khoan khoái được nhốt mình trong trạng thái cô đơn đó, rõ ràng đấy là nơi chốn ưa chuộng nhất của sự xác quyết “ tự do chọn lựa".

Ta thấy rõ rằng thuyết hiện sinh của Sartre chỉ có thể tự nhận là “chủ trương nhân bản » trong một giới hạn chật hẹp đến mức nào thuyết ấy chỉ muốn một điều duy nhứt là mọi người đều có thể hưởng thụ thứ tự do duy ngã đó, hưởng thụ một cách thực dụng và sáng suốt; chính vì thế mà Sartre mới chống phát xít, chống độc tài. Sartre yêu chuộng cuộc phiêu lưu của tự do, nhưng ông lại muốn mọi người được chung hưởng vì vậy ông là người dân chủ. Ông nghĩ rằng thực thể của con người là tự do, nhưng không phải thứ tự do bắt kẻ khác làm nô lệ cho mình. Trong một tác phầm trình bày nền đạo đức học hiện sinh của Sartre, Simone de Beauvoir có viết :

«Tự do của chúng ta chỉ có thể là tự do khi tìm cách nối dài bởi tự do của kẻ khác»[3].

Triết học Sartre đề nghị với ta cái có thể gọi là một chủ trương dân chủ của chủ nghĩa cá nhân và phiêu lưu lãng mạn, hai thứ chủ nghĩa được rao giảng trong thời đại bởi một số quý tộc tinh thần và một số thượng lưu trưởng giả. Về phương diện cảm năng, ở đây ta lại rơi xuống trình độ của cậu thiếu niên mắc chứng ái ngã, cứ thường xuyên bị căng thẳng do sự tranh chấp giữa bản thân và môi trường xã hội, mà vì chứng duy ngã, cậu ta không thế nào cộng tác với nó được. Chateaubriand, Musset, Byron, tất cả những thi sĩ đó đã chẳng đeo đuổi mãi một tình yêu không thể có, nghĩa là một tình yêu mà họ không có khả năng khai mở và đón nhận ? Vì thế, trong triết học, Sartre cũng theo đuổi một thứ Tuyệt Đối nào đớó (ở đây là Tự Nội Thể, l'en-soi),Tuyệt Đối mà ông không thể nào hợp nhất vào mà chẳng tự hủy diệt mình... Cậu thiếu niên chưa triển nở chính là cá nhân bị tước đoạt mất sự trưởngthành, vì lẽ hắn còn chưa khám phá ra được Tha Thể đích thực, và do đó, khám phá ra sự hợp nhấtgiữa tình yêu và minh trí phát sinh từ đó. Thế mà đối với Sartre, Tha Thể chính là một cái nhìn nguy hiểm, một Phó Bản đầy hăm dọa của tôi, Tha Thể chẳng bao giờ là người lạ thực sự, với họ tôi có thể sống huyền nhiệm của thiện cảm, tình bằng hữu và lòng thông cảm đầy kiến tạo, Sartre viết :

"Sự kiện tha nhân xâm chạm đến trọn vẹn con người tôi. Tôi thể hiện sự kiện đó bằng nỗi bực dọc khó chịu, vì tha nhân, tôi cứ luôn luôn bị đặt trong tình trạng nguy hiểm."[4]

Ở đây chúng ta được chứng kiến một hiện tượng kỳ dị: quan niệm duy ngã về tự do lại xoay ra chống đối với chính Bản Ngã, vì từ giữa lòng do duy ngã của họ, tha nhân lại gán cho tôi một hiện hữu cứng đọng, hoàn toàn độc đoán, một hiện hữu làm họ thỏa mãn. Chẳng hạn : “Lão này chắc phải độ ngũ tuần » hay là : “ ông ta trông giống cậu tôi »... « Tôi cho rằng anh ấy ghen... Thiên hạ bảo vợ anh ta lừa dối anh ta... » vân vân). Sartre viết trong cuốn Hữu Thể và Vô Thể :

« Mọi sự diễn ra như thể tôi có một chiều kích thực thể nhưng lại bị phân lìa ra bởi một vô thể tuyệt đối ; và vô thể đó, chính là tự do của kẻ khác : kẻ khác sẽ nhất thiết kiến tạo nên thực thể đối với họ của tôi... như thế mỗi một hành vi tự do đều đầy vào một môi trường mới mẻ, trong đó chính chất liệu của thực thể tôi lại là tự do bất khả tiên liệu của một kẻ khác. »

Như thế, phải chăng rốt cuộc Sartre đã chẳng thể hiện được kinh nghiệm về tình yêu xây dựng, tức tình yêu khai mở tổng hợp giữa tôi và kẻ khác, giữa Ngã-thể và Tha-thể, và do đó, ông cũng chẳng sống được kinh nghiệm về mối tương quan siêu hình căn bản giữa ngã thể và phi ngã thể tức là cái bao hàm cả Tha thể, vô hạn thể, lẫn cái chết ? Kết luận như thế là quá sớm, nhưng sau đây ta sẽ thấy kết luận ấy được xác chứng.

Ngay từ bây giờ, ta thoáng thấy là Sartre văn sĩ và triết gia rất có thể chỉ là một sản phẩm thời danh, một thứ phản ảnh thiên tài của cái xã hội chưa trở thành và có khi còn ấu trĩ của chúng ta, xã hội thường xuyên có những trò cạnh tranh và những phản xạ gây ra do lòng kiêu hănh và thù hận. Đó là lý do giải thích sự thành công của Sartre đối với đám quần chúng đông đảo, và vì sao người ta đã dành cho Sartre - mặc dầu chính ông đã có sẵn - như thể cho một đứa trẻ chăm chỉ và tài trí tuyệt luân, cái phần thưởng tối cao về văn học và triết học của Tây phương.

 


[1] Jean-Paul Sartre, l'Être et le Néant, trang 567 (Gallimard)

[2] Cùng tác phẩm, trang 539.

[3] Simone de Beauvoir, Pour une morale de l' Ambiguité, trang 87 (Gallimard, Tùng thư Idées).

[4] l'Etre et le Néant, trang 334.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt