VĂN HỌC CỦA NHỮNG TÌNH THẾ CỰC ĐOAN
JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980)
Jean-Paul Sartre. “Situation de l’escrivain en 1947”, trong Situations II. Đỗ Long Vân trích dịch. | Phiên bản điện tử do bạn Nguyễn Việt Anh cung cấp.
(…) Không phải lỗi tại chúng ta mà cũng không phải tài đức của chúng ta, nếu chúng ta đã sinh ra trong một thời mà sự tra tấn là một sự kiện thường nhật. Những phòng tra tấn ấy, tất cả đều chứng minh rằng cái Ác không chỉ là một ảo ảnh, rằng biết được nguyên nhân không đủ làm nó tiêu tan, rằng nó không đối lập với cái Thiện như một ý tưởng mơ hồ đối lập với một ý tưởng minh bạch, rằng nó không là kết quả của những đam mê mà người ta có thể chữa khỏi, của một sự sợ hãi mà người ta có thể vượt qua, của một sai lầm mà người ta có thể tha thứ, của một sự ngu dốt mà người ta có thể cảnh tỉnh, rằng không có cách nào thâu hồi nó trong thuyết nhân bản duy tâm, như cái bóng tối ấy mà Leibnitz cho rằng nó cần để làm cho ánh sáng thêm sáng tỏ. Quỷ sứ, như Maritain nói, thật là tinh túy. Tinh túy nghĩa là không pha trộn và không thể cứu chuộc. Nhưng cuộc đời đã dậy chúng ta biết sự tinh túy ghê tởm và không giống với bất cứ cái gì ở trên đời này ấy: nó rực rỡ trong cái tương quan mất thiết, gần như có tính cách dục tình giữa người đao phủ và nạn nhân của gã. Vì sự tra tấn trước hết là một công việc hạ nhục: dù những đau khổ phải chịu đựng có lên tới mức độ nào thì cũng chỉ có nạn nhân mới có thể quyết định khi nào là khi không thể chịu đựng được nữa và phải nói; cái mai mỉa cuối cùng trong nhwững cực hình là nạn nhân, nếu chịu thua, sẽ mang cả ý chí của một người ra để chối bỏ nhân tính của mình, sẽ đồng lõa với những đao phủ của nó, và tự mình lại lao đầu trong sa đọa. Tên đao phủ biết thế, gã rình cái phút sa ngã ấy, không phải vì khi ấy gã sẽ được biết cái điều gã muốn biết, mà vì nó chứng tỏ, một lần nữa, cho gã thấy rằng gã đã có lý khi gã dùng đến cực hình để tra khảo, và con người là một con vật phải sai khiến bằng roi da: gã tìm cách tiêu diệt nhân tính trong đồng loại của gã. Và đảo lại, cả trong gã nữa; cái sinh vật rên rỉ ấy, nhễ nhại và nhớp nhúa, đang xin tha và đang buông mình trong một sự ưng thuận ngất ngư, với những tiếng rên của một người đàn bà đang lên cơn yêu, đang phun ra tất cả và say sưa đi từ phản bội này đến phản bội khác, bởi vì cái ý thức rằng nó đang làm điều ác như một hòn đá đeo trên cổ nó ngày càng lôi nó xuống thấp, gã biết rằng nó giống gã như in, rằng, càng hành hạ nó bao nhiêu gã càng tự hành hạ bấy nhiêu. Nếu cho riêng gã, gã muốn thoát khỏi sự sa đọa toàn diện ấy, gã chẳng có cách nào hơn là xác định một niềm tin mù quáng vào một trật tự thép có sức gông lại, những yếu đuối ghê tởm của mọi người, nói tóm lại, là giao phó vận mạng của con người vào những mãnh lực bất nhân. Tới một lúc mà cả người tra khảo lẫn người bị tra khảo đều đồng ý: người này vì, trong một nạn nhân, gã đã thỏa mãn một cách tượng trưng, sự oán thù của gã với cả nhân loại, người kia vì, gã chỉ nhịn nổi tội lỗi của gã bằng cách đưa nó tới cực điểm và gã chỉ chịu được sự thù oán của gã với chính mình bằng cách thù oán tất cả mọi người cùng một lúc. Sau này người đao phủ có lẽ sẽ bị treo cổ, và nạn nhân, nếu thoát chết, có lẽ sẽ được minh oan: nhưng ai có thể xóa bỏ cuộc hành lễ trong ấy hai tự do cùng thông đồng trong việc tiêu diệt nhân tính của con người? Chúng ta biết rằng cái lễ ấy đang được cử hành ở khắp nơi trong Paris, giữa lúc chúng ta đang ăn đang ngủ, đang làm ái tình; chúng ta chợt hiểu rằng cái Ác, con đẻ của một ý chí tự do và tự chủ, cũng tuyệt đối như cái Thiện. Rất có thể một ngày nào, một thời đại may mắn hơn, khi ngoảnh lại những năm tháng qua, sẽ thấy trong những đau khổ và những ô nhục ấy một con đường dẫn tới Hòa bình. Nhưng chúng ta không ở về phía của lịch sử đã thành: cái “thế” của chúng ta đặc biệt là, như tôi đã nói, nó làm cho mỗi phút của cuộc đời chúng ta trở nên tuyệt đối và sau cùng, thì dù muốn hay không, chúng ta đi tới cái kết luận này, mà những tâm hồn đẹp đẽ sẽ cho là khó nghe là cái Ác không thể nào cứu chuộc được. Nhưng mặt khác, mặc dầu bị đánh đập, thân thể rập nát, mình mẩy cháy xạm, mắt hoa mày quáng, đa số những người kháng chiến đã không chịu khai: họ đã bẻ gẫy cái vòng Ác nghiệp và xác định lại nhân tính của con người, cho họ, cho chúng ta và cho cả những đao phủ của họ nữa. Họ đã làm thế trong những lúc không có nhân chứng, không có cơ nào được cứu vãn, không có mảy may hy vọng và đôi khi không có một tin tưởng nào. Công việc của họ khi ấy không phải là tin ở con người, mà là xác định ý chí làm người của họ. Tất cả đều liên kết lại để làm cho họ thoái chí: Quanh họ, không biết bao nhiêu dấu hiệu: những khuôn mặt đang cúi xuống nhìn họ, sự đau đớn ở trong họ, tất cả đều dồn họ đến chỗ họ phải tin rằng họ chỉ là sâu bọ, rằng con người là một giấc mơ không bao giờ có thể thực hiện của dán và của bọ hung và khi tỉnh giấc, họ sẽ thấy mình là sâu bọ như tất cả mọi người. Con người ấy, họ phải sáng tạo ra, với da thịt đang bị kìm kẹp, với những tư tưởng đang bị tróc nã, và có lẽ đã sẵn sàng phản bội họ, con người ấy họ đã phải sáng tạo ra từ hư vô, cho hư vô, trong cảnh nhưng không tuyệt đối: vì chỉ trong giới hạn của nhân tính người ta mới phân biệt được phương tiện và cứu cánh, giá trị, điều hơn và lẽ thiệt; nhưng họ, thì họ đang ở giai đoạn tạo thiên lập địa, và họ chỉ có việc là quyết định, một cách độc đoán, xem ở đó có gì hơn là vật tính không. Họ đã không chịu khai, và con người ra đời từ sự yên lặng ấy. Chúng ta biết thế, chúng ta biết rằng trong mỗi phút của ngày, ở bốn phía của Paris, con người trăm lần bị tiêu diệt và trăm lần được xác định lại. Bị những cực hình ấy ám ảnh, không tuần nào chúng ta không tự hỏi: “Nếu bị tra tấn, thì chúng ta sẽ làm gì?” Và chỉ cần một câu hỏi ấy cũng đủ mang chúng ta đến giới hạn cuối cùng của chúng ta và của nhân tính, đưa đẩy chúng ta lao đao từ cái khoảng đất vô chủ trong ấy con người tự phủ nhận đến cái sa mạc cằn cỗi là nơi nó xuất hiện và tự sáng tạo. Những người đi trước chúng ta đã để lại cho chúng ta cái di sản của văn hóa, của sự khôn ngoan, của những tập quán và những châm ngôn của họ, những người đã làm ra những ngôi nhà chúng ta đang ở và dựng trên các nẻo đường tượng của các vĩ nhân của họ, những người ấy thi hành những đức tính nhũn nhặn và cư ngụ trong những vùng vừa phải; những sai lầm của họ không bao giờ làm họ sa đọa tới độ không còn thấy dưới họ những tội phạm lớn hơn và cái đức của họ chưa bao giờ lên tới độ trên họ không còn thấy ai đáng kính hơn, tầm mắt của họ tới đâu, họ cũng chỉ nhìn thấy những người. Cả những tục ngữ mà họ dùng và đã dậy lại chúng ta như: “một kẻ ngu bao giờ cũng gặp một kẻ ngu hơn thán phục mình”, “ai cũng cần đến một người nhỏ hơn mình” – ngay cái cách của họ để tự an ủi trong sự phiền não bằng cách, dù sự đau khổ có lớn tới đâu, tưởng tượng rằng vẫn có những đau khổ lớn hơn, tất cả đều cho thấy rằng họ coi nhân loại như một môi trường tự nhiên và vô hạn mà người ta không thể nào ra khỏi cũng như không thể nào chạm tới giới hạn; họ đã chết trong sự mãn nguyện mà chẳng bao giờ thâm nghiệm thân phận của họ. Cũng vì thế mà các văn sĩ của họ thường cho họ một thứ văn học của những tình thế vừa phải. Nhưng chúng ta, chúng ta không thể cho rằng làm người là một việc tự nhiên, khi những người bạn thân nhất của chúng ta, nếu họ bị bắt, chỉ có thể sa đọa hay là trở nên anh hùng, nghĩa là phải chọn một giữa hai thái cực của kiếp người, ngoài ra không còn gì nữa. Hèn nhát và phản bội thì họ ở dưới tất cả mọi người, anh hùng thì mọi người đều ở dưới họ. Trong trường hợp sau này, cũng là trường hợp hay xẩy ra nhất – họ không còn cảm thấy nhân loại như một môi trường vô hạn, ấy là một ngọn lửa hiu hắt trong họ, mà chỉ có mình họ nuôi dưỡng, nó tụ kết tất cả trong cái yên lặng mà họ lấy để đối phó với các đao phủ, quanh họ, không có gì ngoài cái đêm băng giá của sự phi nhân và của cái vô minh, mà họ cũng không trông thấy, nhưng đoán biết qua cái lạnh căm căm đang xuyên vào người họ. Cha ông chúng ta ngày xưa vẫn có những nhân chứng và những tấm gương sáng. Với những con người bị kìm kẹp này thì không. Chính Saint Exupéry đã nói trong một công tác nguy hiểm: tôi là chứng nhân của tôi. Với họ cũng thế: sự lo sợ bắt đầu cho một người – cùng với tình trạng bơ vơ và những mồ hôi máu, khi họ không thể có nhân chứng nào ngoài họ; và khi ấy họ phải uống cái chén đau thương đến cả cặn, nghĩa là cảm đến cùng cái kiếp làm người của họ. Hẳn không phải ai giữa chúng ta cũng đã cảm thấy sự lo sợ ấy, nhưng nó đã ám ảnh chúng ta như một đe dọa và một ước hẹn, trong năm năm, chúng ta đã sống như bị thôi miên, và vì chúng ta không coi nhẹ cái nghề làm văn của chúng ta, tình trạng bị thôi miên ấy còn phản ảnh lại trong những tác phẩm của chúng ta: và chúng ta đã khởi sự một nền văn học của những tình thế cực đoan (…) J.P.SARTRE
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC