VỀ SỰ HIỆN HỮU
JEAN-PAUL SARTRE (1905-1980)
Tôi muốn nói rằng, từ định nghĩa, hiện hữu không phải là tất yếu. Hiện hữu là hiện thể ra đó, chỉ vậy thôi; những vật thể xuất hiện, để cho ta gặp gỡ chúng, nhưng chẳng bao giờ ta có thể suy diễn, diễn dịch chúng được.
Sáu giờ chiều. Tôi không thể nói rằng tôi cảm thấy được nhẹ nhõm hay hài lòng; trái lại, điều đó đè nặng trên tôi. Duy có điều mục đích của tôi đã đạt được: hiện tại tôi biết rõ những gì trước đây tôi đã muốn biết; tất cả những gì trước đây đã xảy đến cho tôi kể từ hồi tháng Giêng, tôi đã đều hiểu rõ. Cơn Buồn Nôn không rời khỏi tôi và tôi không tin rằng nó lại rời khỏi sớm như thế; song tôi không phải chịu đựng nó nữa, nó không còn là một cơn bệnh hoặc một chứng bất thường thoáng qua. Cơn Buồn Nôn chính là tôi. Mới lúc nãy đây, tôi ngồi trong một công viên. Rễ một cây bám sâu vào đất, ngay dưới chiếc băng tôi đang ngồi. Tôi không còn nhớ đấy là một chiếc rễ cây nữa. Những chữ đã tan biến mất, và cùng với chúng là ý nghĩa các vật thể, các cách thức sử dụng, những tiêu điểm yếu ớt do con người vạch ra trên bề mặt của chúng. Tôi đã ngồi đó, người hơi khom, đầu cúi thấp, cô đơn đối diện với cái khối đen đủi, sần sùi, hoàn toàn thô lậu và gây cho tôi một nỗi sợ hãi kia. Và rồi, trí óc tôi bừng ngộ. Điều liễu ngộ đó cắt đứt hơi thở tôi. Những ngày trước đấy, chẳng bao giờ tôi cảm nghiệm được từ ngữ “hiện hữu” mang ý nghĩa gì. Tôi cũng đã như trăm ngàn kẻ khác, như những người đang dạo chơi trên bờ biển trong bộ y phục mùa xuân. Tôi cũng đã bảo như họ “biển là xanh; điểm trắng ở trên cao kia là một con hải âu”, nhưng tôi không cảm thức được rằng nó đang hiện hữu, rằng con chim hải âu là một con “hải-âu-đang-hiện-hữu”; thường thường, hiện hữu ẩn mặt đi. Hiện hữu đấy, chung quanh chúng ta, ngay trong chúng ta, nó là chúng ta, người ta không thể thốt ra hai tiếng mà không nhắc đến nó, thế nhưng rốt cuộc, người ta lại không chạm được đến hiện hữu. Khi tưởng rằng tôi suy tưởng đến hiện hữu, thì phải tin rằng tôi đã chẳng suy tưởng gì cả, đầu óc tôi rỗng không, hay đúng hơn chỉ có một chữ trong đầu tôi, chữ “hiện thể”. Hoặc là lúc bấy giờ tôi đã suy tưởng... nói thế nào bây giờ đây? Tôi đã suy tưởng sự tuỳ thuộc vào, tôi tự nhủ rằng biển thuộc về loại những vật màu xanh và màu xanh là thành phần những phẩm tính của biển. Ngay cả khi nhìn chăm vào các sự vật, tôi cũng chẳng để tâm nghĩ rằng chúng đang hiện hữu: sự vật xuất hiện với tôi như một bối cảnh. Tôi cầm nắm chúng trong hai bàn tay, tôi sử dụng chúng như những dụng cụ, tôi tiên liệu được những sức đối kháng của chúng. Song tất cả các thứ đó chỉ diễn ra trên bề mặt. Nếu người ta hỏi tôi hiện hữu là gì, hẳn tôi đã tình thật trả lời rằng hiện hữu chẳng là gì cả, nó chỉ là một hình thể rỗng không, từ bên ngoài đến thêm vào những sự vật nhưng chẳng làm thay đổi bản tính của chúng, và rồi thì, đấy: đột nhiên, nó đó, nó rõ ràng như ban ngày: được vén màn che. Nó đã mất đi cái cốt cách vô hại của một phạm trù trừu tượng: nó chính là chất liệu nhồi nặn nên các sự vật, chiếc rễ cây này đã được nhồi nặn nên. Trong hiện hữu. Hay nói đúng hơn, chiếc rễ cây, những khung lưới của công viên, chiếc băng, bồn cỏ lưa thưa của thảm cỏ, tất cả những thứ đó đã tan biến; tính chất khác biệt của những sự vật, tính chất cá thể của chúng chỉ là một ngoại ảnh, một lớp sơn phủ ngoài. Lớp sơn này đã chảy tan ra, chỉ còn lại những khối dị hình và mềm nhũn, vô trật tự - trần truồng, một vẻ trần truồng kinh khiếp và thô tục. Tôi cố kìm giữ đừng phát ra một cử động nhỏ nhặt nào, song tôi không cần cựa quậy cũng thấy, đằng sau những thân cây, những hàng cột xanh lơ và chiếc trụ đèn của “ki-ốt” nhạc, pho tượng Velléda, giữa một đám nguyệt quế. Tất cả những vật nọ... nói thế nào bây giờ đây? Chúng làm tôi bực bội trong tâm trí, tôi đã ước mong rằng chúng hiện hữu ít mãnh liệt hơn, hiện hữu một cách khô khan, trừu tượng hơn, với nhiều tiết chế hơn. Cây dẻ ép sát vào mắt tôi. Một lằn rỉ màu xanh lá cây bao phủ cho đến nửa thân cây; chiếc vỏ đen xộp lên ở nhiều nơi, tựa hồ làm bằng da thuộc. Âm thanh rì rào của nước ở vòi Masqueret chảy trong lỗ tai tôi, tạo thành một chiếc tổ và tràn ngập tai tôi bằng những tiếng êm ái buồn sầu, hai mũi tôi ngập ngụa một mùi ẩm chua hôi thối. Tất cả những sự vật đó buông mình đi đến hiện hữu một cách êm ái, nhẹ nhàng, như những người đàn bà mỏi mệt hờ hững nụ cười và bảo: “cười được thật dễ chịu” bằng một giọng ướt át; chúng nằm dài ra, đối diện lẫn nhau, chúng đang thổ lộ cho nhau chuyện cơ mật ti tiện về hiện hữu của mình. Tôi đã hiểu rõ rằng chẳng có con đường nào ở giữa tình trạng phi hiện hữu và tình trạng sung mãn đến ngất xỉu này. Nếu người ta hiện hữu thì phải hiện hữu đến mức đó, đến mức mốc meo, sưng phù lên, đến mức thô bạo tục tằn như thế. Trong một thế giới khác, những vòng tròn, những điệu nhạc giữ được những đường nét thuần tuý và nghiêm cách của chúng. Nhưng hiện hữu là một tình trạng cong oằn đi. Những chiếc cây, những thạch trụ xanh lơ ban đêm, âm thanh rì rào đầy hạnh phúc của một vòi nước, những mùi hương sống động, những làn sương nóng bé tí bập bềnh trong khí lạnh, một người đàn ông tóc hoe đang tiêu hóa trên một chiếc ghế dài: nhìn trong toàn thể, tất cả những tình trạng mộng du, tất cả những sự tiêu hóa này đều hiến cho một khung cảnh hơi khôi hài. Khôi hài... không: không đến nỗi đó, chẳng có gì đang hiện hữu lại có thể là khôi hài; đấy cơ hồ như một sự tương đồng bấp bênh với một vài cảnh của hài kịch thông tục, một sự tương đồng hầu như khó lòng nắm bắt, thấu hiểu được. Chúng ta là một đống những vật thể bị phiền nhiễu, bị quấy rầy bởi chính mình, chúng ta chẳng có lấy một lý do nhỏ nhặt nào để hiện thể tại đó, mỗi một vật thể, hỗn độn, mập mờ, mơ hồ lo lắng, đều tự cảm thấy mình dư thừa đối với những vật thể khác. Dư thừa: đó là mối tương quan duy nhất tôi có thể thiết định được giữa những cái cây, những cánh cửa lưới, những hòn đá này. Tôi đã hoài công để tìm cách đếm những cây dẻ, để định vị trí chúng đối với pho tượng Velléda, để so sánh chiều cao của chúng với chiều cao của những cây ngô đồng: mỗi vật thể đều vượt thoát ra ngoài những tương quan mà tôi tìm cách nhốt chúng vào, mỗi vật thể đều tự cô lập mình, đều tràn bờ, vượt ra bên ngoài. Những mối tương quan này (mà tôi khăng khăng lưu giữ để làm trì hoãn sự sụp đổ của thế giới con người, những kích thước, những lượng số, những chiều hướng) tôi đã cảm nghiệm được tính chất độc đoán của chúng; chúng không còn ngoạm lấy sự vật nữa. Dư thừa, cây dẻ gai, đứng trơ đó đối diện với tôi, trệch về bên trái một chút. Dư thừa, pho tượng Velléda. Còn tôi - nhu nhược, vô khí lực, tiều tụy, mệt mỏi, thô tục, đang tiêu hóa, lung lay tâm trí với những tư tưởng buồn rầu, ảm đạm - cả tôi cũng dư thừa nốt. May mắn thay, tôi đã không cảm nghiệm được điều đó, nhất là tôi đã hiểu rõ thế, nhưng tôi bứt rứt trong người vì sợ phải cảm nghiệm nó (hiện giờ tôi vẫn còn sợ như thế - tôi sợ rằng cảm thức đó chộp lấy tôi từ sau đầu và nhấc bổng tôi lên như một lưỡi dao sắc bén). Tôi mơ mộng mơ hồ đến chuyện tự thủ tiêu tôi, để ít ra cũng hư vô hóa được một trong những hiện hữu dư thừa. Nhưng cả cái chết của tôi nữa, cũng dư thừa. Dư thừa, thi thể của tôi, dòng máu tôi trên những hòn cuội, giữa những lùm cây, trong khu vườn rạng rỡ này. Và da thịt bị gặm nhấm cũng dư thừa trong lòng đất đã đón nhận nó và sau cùng, những đốt xương của tôi bị rửa sạch, bào mòn, sạch sẽ và tinh khiết như những chiếc răng, cũng lại dư thừa nốt: tôi vĩnh viễn dư thừa trong muôn vạn kiếp. Lúc này, chữ phi lý nảy vọt ra dưới ngòi bút tôi: mới khi nãy đây, tại công viên, tôi đã không tìm ra chữ ấy, nhưng lúc đó tôi cũng chẳng để tâm tìm kiếm, nghĩ ngợi đến nó, tôi đã suy tưởng về những vật thể, cùng với những vật thể, trong tình trạng không có từ ngữ. Tính chất phi lý, không phải là một ý tưởng trong đầu tôi, cũng không phải là một giọng nói thì thào, nhưng là con rắn dài đang nằm chết ngay dưới chân tôi, cái con rắn gỗ này. Rắn hay móng nhọn hay rễ cây hay chân kên kên, chẳng quan hệ gì. Vì mặc dù chẳng hề phát biểu thành lời một cách rõ rệt, tôi hiểu rằng mình đã tìm được chìa khóa của Hiện Hữu, chìa khóa của những cơn Buồn Nôn, của đời sống riêng tư của tôi. Thực ra, tất cả những gì tôi có thể thấu hiểu sau đó đều được quy dẫn về cái tính chất phi lý nền tảng nọ. Phi lý: cũng lại là một từ ngữ; tôi giãy giụa chống lại những từ ngữ, ở công viên, tôi đã chạm tới chính vật thể. Song ở đây tôi muốn lưu định cái vẻ tuyệt đối của tính chất phi lý đó. Một cử chỉ, một biến cố trong cái thế giới bé nhỏ được tô màu vẽ sắc của con người, chỉ phi lý một cách tương đối: tương đối với những hoàn cảnh đi theo nó. Lời nói của một người điên, chẳng hạn, là phi lý đối với tình trạng anh ta đang lâm vào nhưng lại không phi lý đối với cơn mê sảng của anh. Còn tôi, mới lúc nãy đây, tôi đã thể nghiệm được tuyệt đối: tuyệt đối hay phi lý. Chẳng có bất luận vật gì mà đối với nó, chiếc rễ cây này lại không mang vẻ phi lý. Ôi! Làm sao tôi có thể lưu định điều thể nghiệm đó với những từ ngữ được? Phi lý: đối với những hòn đá, đối với những khóm cỏ vàng, đối với bùn khô, đối với cái cây, đối với bầu trời, đối với những chiếc băng màu xanh. Phi lý, bất khả giản lược; chẳng có gì có thể giải thích nó được - ngay cả một cơn mê sảng điên cuồng, và bí ẩn của nhiên giới. Hiển nhiên tôi chẳng, biết mọi sự, tôi đã chẳng hề nhìn thấy chiếc mầm đang tăng trưởng hay chiếc cây đang lớn dần. Nhưng đứng trước cái chân to lớn thô nhám này, cả sự vô minh lẫn tri thức đền. chẳng có gì quan trọng: thế giới của những lời giải thích và những lý lẽ không phải là thế giới của hiện hữu. Một vòng tròn không phi lý, nó được giải thích rất rành rẽ bằng phép quay một đoạn thẳng chung quanh một trong hai đầu của đoạn thẳng đó. Nhưng cũng vì thế, một vòng tròn không hiện hữu. Trái lại, chiếc rễ cây này lại hiện hữu trong mức độ mà tôi không thể nào giải thích được, sần sùi, lì lợm, vô danh, chiếc rễ cây dụ hoặc tôi, tràn đầy mắt tôi, không ngừng đưa dẫn tôi về lại với hiện hữu riêng của nó. Tôi đã hoài công lặp đi lặp lại: “Đấy là một chiếc rễ cây” - nhưng điều đó không ăn nhằm gì nữa. Tôi thấy rõ rằng người ta không thể nào đi từ cơ năng rễ cây của nó, cái cơ năng làm ống bơm hút nước và chất bổ, đến cái đó, đến làn da thô kệch và rắn chắc như da hải cẩu, đến cái khía cạnh nhờn nhờn, chai cứng, bướng bỉnh. Cơ năng của rễ chẳng giải thích được cái gì cả: nó cho phép ta hiểu đại khái bản chất một rễ cây là gì, nhưng hoàn toàn chẳng cho ta hiểu chi về chiếc rễ cây này. Chiếc rễ này, với màu sắc, hình thể, chuyển động bị cứng đọng lại nửa chừng của nó, đang hiện thể... ở bên dưới mọi lời giải thích. Mỗi một phẩm chất của chiếc rễ đều vượt thoát ra ngoài nó một tí, đều chảy vọt ra bên ngoài, đều kiên cố lại nửa vời, và hầu như trở nên một vật thể, mỗi một phẩm chất đó đều dư thừa ngay trong chiếc rễ, và toàn thể gốc cây bây giờ lại gây cho tôi ấn tượng đang hơi cuộn tròn ra bên ngoài chính mình, đang tự phủ nhận mình, đang tự chìm ngập trong một phần thừa thãi, kỳ dị. Tôi cạ mạnh gót giày vào móng vuốt đen đúa nọ: tôi muốn làm nó trợt da một tí. Chẳng vì lý do gì cả, do sự thách đố, vì muốn làm hiện lộ ra trên làn da nâu sẫm cái màu hồng phi lý của một vết trợt: để đùa cợt với tính chất phi lý của thế giới. Nhưng, khi rút chân về, tôi nhìn thấy làn vỏ ngoài vẫn đen đủi, câm nín. Đen? Tôi đã cảm thấy chữ đó căng phồng lên, cạn hết ý nghĩa với một mức độ nhanh chóng phi thường. Đen? Chiếc rễ cây không là đen, mẩu gỗ đó không có màu đen - nó là... một cái gì khác: màu đen, cũng như chiếc vòng tròn, không hiện hữu. Tôi nhìn chăm chú chiếc rễ cây: nó đen dữ hay chỉ hơi hơi đen? Song chẳng mấy chốc, tôi đã ngừng tra vấn mình vì có cảm tưởng tôi đang ở địa giới của trí thức. Vâng, với lòng đầy lo âu, tôi đã dò xét những sự vật bất khả định danh, tôi đã cố tâm vô ích để suy tưởng một điều gì đó về chúng: và tôi đã cảm nghiệm được những phẩm chất của chúng, lạnh lẽo, trơ lì, vuột thoát và lướt trượt qua những kẽ tay tôi. Những chiếc dây đeo quần của anh chàng Adolphe, buổi chiều nọ, tại quán “Rendez-vous des Cheminots”, chúng chẳng phải là màu tím. Tôi nhìn thấy lại hai vệt bất định trên chiếc áo sơ mi. Và hòn cuội, hòn đá cuội ngày hôm ấy, nguồn gốc của tất cả mọi chuyện: nó không phải là... tôi không nhớ đích xác cái mà nó đã từ chối là. Song tôi chẳng quên được sức chống cự thụ động của hòn cuội. Và bàn tay của chàng Tự Học; tôi đã cầm lên và siết chặt, ngày nọ, tại thư viện và rồi tôi đã có ấn tượng rằng đấy không hẳn là một bàn tay. Tôi đã nghĩ đến một con sâu lớn màu trắng, song cũng chẳng phải như thế nữa. Và trạng thái trong suốt đầy ám muội của chiếc ly bia tại quán cà phê Mably. Ám muội: đó là tính chất của chúng, những âm thanh, những làn hương, những mùi vị, khi chúng diễn nhanh qua trước mặt ta, tựa hồ những con thỏ bị xua khỏi hang, và nếu không quá chú ý thì người ta có thể tưởng rằng chúng hoàn toàn đơn giản và làm ta an tâm, người ta có thể tưởng rằng trên thế giới này có màu xanh thực, màu đỏ thực, có mùi hạnh đào hay mùi đồng thảo thực. Nhưng ngay khi lưu giữ chúng lại trong thoáng giây, cái cảm thức đầy thoải mái và an toàn đó lập tức nhường chỗ cho một nỗi lo âu sâu xa: những màu sắc, những làn hương, những mùi vị chẳng bao giờ thực cả, chẳng bao giờ chỉ là chính chúng, và chỉ là chính chúng. Cái phẩm tính đơn giản nhất, khó thể tách rời ra nhất, cũng đã là dư thừa ngay nơi chính mình, đối với chính mình, trong lòng mình. Cái màu đen chạm vào chân tôi kia, nó không có vẻ đang là đen nhưng đúng hơn nó là cố gắng hỗn loạn mơ hồ để tưởng tượng ra màu đen của một kẻ chẳng bao giờ nhìn thấy màu đen và chẳng biết dừng lại, kẻ đã tưởng tượng ra hữu thể hỗn tạp ở bên kia những màu sắc. Nó tương tự với một màu sắc nhưng cũng tương tự... với một vết bầm, hoặc nữa, với một sự phân tiết, với một chất mỡ cừu và với những vật khác nữa, với một mùi vị chẳng hạn, nó tan chảy thành mùi đất ẩm, gỗ ấm và ẩm, tan chảy thành màu đen trải rộng như một lớp sơn phủ ngoài trên cái mẩu gỗ rắn chắc, có vị của thớ gỗ bị nhai nghiền, ngọt dịu. Tôi đã chẳng nhìn đến nó, đến màu đen đó: giác quan là một sự đặt bày có tính cách trừu tượng, một ý tưởng đã được lau chùi, đơn giản hóa, một ý tưởng của con người. Từ xa, màu đen, sự hiện diện vô định hình và yếu ớt đó, tràn ngập thị giác, khứu giác và vị giác. Song sự sung mãn phong phú ấy lại chuyển sang tình trạng hỗn tạp, mơ hồ, và rốt cuộc, nó chẳng là gì nữa vì nó là dư thừa. Giây phút đó thật phi thường. Tôi ngồi đấy, bất động và lạnh giá, đắm chìm trong một trạng thái xuất thần khủng khiếp. Nhưng, ngay giữa lòng trạng thái xuất thần, có một nỗi gì mới mẻ vừa phát hiện: tôi đã hiểu thấu cơn Buồn Nôn, tôi đã sở đắc được nó. Thật ra, tôi không tự đúc kết thành lời những khám phám của tôi. Song tôi tin rằng, hiện tại tôi đã dễ dàng lồng chúng vào trong những từ ngữ. Điều cốt yếu là tính chất bất tất. Tôi muốn nói rằng, từ định nghĩa, hiện hữu không phải là tất yếu. Hiện hữu là hiện thể ra đó, chỉ vậy thôi; những vật thể xuất hiện, để cho ta gặp gỡ chúng, nhưng chẳng bao giờ ta có thể suy diễn, diễn dịch chúng được. Tôi tin rằng có những người đã hiểu thấu chuyện đó. Duy có điều họ đã cố gắng vượt thắng cái tính chất bất tất nọ bằng cách bày đặt ra một hữu thể tất yếu, tự làm nguyên nhân cho chính mình. Thế nhưng, chẳng có bất kỳ hữu thể tất yếu nào có thể giải thích được hiện hữu: tính chất bất tất không phải là một mạo bản, một ngoại ảnh mà người ta có thể thủ tiêu; nó chính là tuyệt đối, do đó nó là tính chất “nhưng-không”, vô căn vô cố toàn triệt. Mọi sự đều “nhưng-không”, vô căn, vô cố, khu vườn này, thành phố này và ngay cả chính tôi. Khi hiểu được thế, điều đó làm quặn thắt con tim và tất cả mọi sự bắt đầu trôi nổi bập bềnh như buổi tối nọ, nơi quán “Rendez-vous des Cheminots”: đấy là cơn Buồn Nôn; đấy chính là điều mà những tên Chó Đẻ, những tên Salauds - những người ở khu Đồi Xanh và những kẻ khác - cố gắng che đậy bằng ý tưởng về quyền lợi của bọn họ. Nhưng quả thật đó là một dối trá tồi tệ làm sao: chẳng ai có quyền cả; như trăm ngàn kẻ khác, họ hoàn toàn mang tính chất nhưng- không, vô cố, họ chưa cảm nghiệm được tính chất dư thừa của mình. Và một cách bí ẩn, ngay trong bản thể họ, họ đang dư thừa, nghĩa là vô định hình và mơ hồ, buồn bã. Cơn mê hoặc ấy kéo dài bao lâu? Tôi đã là chiếc rễ cây dẻ. Hay đúng hơn tôi hoàn toàn là ý thức về sự hiện hữu của nó. Tuy tách rời khỏi chiếc rễ cây - vì có ý thức về nó - nhưng tôi lại bị chìm mất trong chiếc rễ, hoàn toàn chìm trong chiếc rễ. Một ý thức khốn khổ và tuy thế lại để bị lôi đi bằng tất cả sức mạnh của mình, bị lạc thể, trên cái khối gỗ ù lì trơ trơ nọ. Thời gian đã dừng lại: một vũng đen nhỏ dưới chân tôi; không thể có chuyện một điều gì đó lại xảy đến sau giây phút nọ. Tôi đã muốn rứt mình ra khỏi cơn hưởng thụ tàn bạo, nhưng lại không tưởng tượng nổi rằng có thể thực hiện được điều đó, tôi đang ở trong trận; cái thân cây đen không trôi qua, nó vẫn còn lại đó, trong đôi mắt tôi, như thể một miếng ăn quá lớn mắc nghẹn lại nơi cuống họng. Tôi đã không thể chấp nhận cũng như từ khước nó. Tôi đã cố gắng dữ dội thế nào để nhướng mắt lên? Và quả tôi đã nhướng mắt lên thật chăng? Hay tôi chỉ tự hư vô hóa mình trong khoảnh khắc để tái sinh nơi khoảnh khắc tiếp theo, với cái đầu ngả ra sau và đôi mắt hướng lên cao? Thực ra, tôi đã chẳng hề ý thức được là có một sự chuyển thái. Nhưng, đột nhiên, tôi lại không thể nào suy tưởng hiện hữu của chiếc rễ cây nữa. Chiếc rễ đã bị xóa nhòa, tôi hoài công lặp đi lặp lại: nó đang hiện hữu, nó vẫn còn đang hiện thể tại đó, dưới chiếc băng, sát vào bàn chân phải của tôi, điều đó chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Hiện hữu không phải là một cái để cho ta suy tưởng từ đằng xa: nó phải đột ngột tràn ngập, xâm chiếm lấy anh, nó phải ngừng đọng lại trên anh, phải đè nặng tim anh như một con thú khổng lồ bất động - hoặc nó sẽ tuyệt đối chẳng là gì nữa. Chẳng có gì nữa cả, đôi mắt tôi rỗng không và tôi vui hưởng tình trạng giải thoát của mình. Rồi đột nhiên, cái đó lại khởi sự xao động trước mắt tôi, những chuyển động nhè nhẹ và bất định: gió đang rung chuyển ngọn cây. Tôi không phải không vui khi thấy một vật gì động đậy, điều đó làm thay đổi tôi nơi tất cả những hiện hữu bất động kia, những hiện hữu đang chăm nhìn tôi như những con mắt đăm đăm. Trong khi dõi theo chuyển động đong đưa của các cành cây, tôi tự nhủ: những chuyển động chẳng bao giờ hiện hữu hoàn toàn, đấy chỉ là những giai đoạn chuyển tiếp, những giai đoạn trung gian giữa hai hiện hữu, những khoảng thời gian sa sút. Tôi sắp sửa nhìn thấy chúng xuất lộ ra từ hư vô, dần dà trưởng thành, rồi bừng nở; sau cùng, tôi sắp bắt chợt những hiện hữu đang hóa sinh. Không cần đến ba giây là đủ để cho tất cả những hy vọng của tôi bị quét sạch. Trên tất cả những cành cây đang ngập ngừng, sờ soạng quanh mình trong vẻ mù lòa, tôi không làm sao gặp được “con đường chuyển hóa” sang hiện hữu. Ý niệm về con đường chuyển hóa ấy cũng lại là một bày đặt của loài người. Một ý niệm quá rõ ràng. Tất cả những rung động nhỏ nhặt này tự tách rời ra, tự đặt nền tảng cho chính mình. Chúng tràn ngập khỏi những nhánh cành ở khắp mọi nơi. Chúng quay cuồng xung quanh những bàn tay khô khẳng ấy và bao phủ chúng bằng những cơn lốc nhẹ. Tất nhiên, một chuyển động là một cái gì khác với một cái cây. Nhưng đấy cũng là một tuyệt đối. Một sự vật, mắt tôi bao giờ cũng chỉ gặp được cái hoàn hảo. Đầu mút những cành cây đang lúc nhúc những hiện hữu, những hiện hữu không ngừng tái diễn chẳng bao giờ nảy sinh. Ngọn-gió-đang-hiện- hữu đến đậu trên cây như một con ruồi lớn; và cây run lên. Nhưng sự rung chuyển không phải là một tính chất đang nảy sinh, một con đường chuyển hóa từ tiềm thể tới hiện thể, nó là một sự-vật-rung-động chảy tràn trong cây, cướp đoạt cây, lung lay cây, và bỗng chốc rời cây, đi xa hơn vừa quay xung quanh mình. Tất cả đều tràn đầy, tất cả đều đang ở trong hiện thể, không có những khoảng thời gian sa sút, tất cả đều làm bằng hiện hữu, kể cả cơn rùng mình khó nhận ra nhất. Và tất cả những hiện hữu đang bận bịu xung quanh cây ấy, không đến từ đâu cũng chẳng đi về đâu cả. Bỗng chốc chúng hiện hữu rồi sau đó bỗng chốc chúng ngừng hiện hữu: hiện hữu không hề có ký ức; nó không lưu giữ lại gì từ những cái đã mất, cả đến một kỷ niệm. Hiện hữu ở khắp mọi nơi, cho đến vô tận, dư thừa, mãi mãi và cùng khắp; cái hiện hữu chỉ bị giới hạn bởi hiện hữu. Ngồi trên băng tôi buông thả trí óc, vì tình trạng quá phong phú của những vật thể không nguồn gốc: khắp nơi là những sự sinh nở, những sự khai hoa, tai tôi vi vu cuộc hiện hữu, thịt da tôi cũng phập phồng hé mở, buông mình cho sự nảy mầm ở khắp mọi nơi, thật là kinh tởm. “Nhưng tại sao, tôi nghĩ, tại sao lại có biết bao hiện hữu như thế, vì tất cả đều tương tự nhau?”. Nào ích gì đâu khi có biết bao là cây cối giống tạc nhau như thế? Biết bao là hiện hữu lỡ dở và khăng khăng một mực khởi đầu lại, và lại lỡ dở - in như những cố gắng vụng về của một côn trùng bị lật ngửa? (tôi là một trong những cố gắng này). Sự phong phú đó không phải là hậu quả của lòng quảng đại, trái lại là khác: nó đìu hiu, ảm đạm, ốm yếu, lúng túng với chính mình - những cây nọ, những thân xác to lớn vụng về kia... Tôi phát cười lớn vì đột nhiên tôi nghĩ đến những mùa xuân tuyệt trần mô tả trong sách vở, đầy những tiếng rạn vỡ, chói lọi, những sự bùng nổ vĩ đại. Đã có những thằng cha ngốc nghếch đến nói với anh về ý chí hùng dũng và cuộc đấu tranh sinh tồn. Vậy, hóa ra bọn hắn chưa bao giờ nhìn mặt con vật hoặc một cái cây sao! Cây ngô đồng với những mảng trơ lông, cây sồi bị thối lủng hết phân nửa này, người ta đã muốn tôi xem chúng như những sức mạnh trẻ trung đầy hăng hái, vọt lên về hướng trời xanh. Và chiếc rễ này? Hẳn tôi phải hình dung nó nhu một chiếc vuốt tham lam, xé rách lòng đất để bòn rút thức ăn. Không thể nào nhìn sự vật theo kiểu đó. Những sự nhu nhược, những sự yếu đuối, vâng, đúng thế, những chiếc cây bềnh bồng. Một sự nảy vọt lên về hướng trời xanh? Một sự thất vọng, chán nản thì đúng hơn; ở mỗi một giây phút tôi đều chờ đợi để thấy những chiếc chân nhẵn nhụi lại như những dương vật mệt lử co quắp lại và ngã quỵ xuống mặt đất thành một đống đen mềm xìu với những nếp gấp. Chúng đã không muốn hiện hữu, duy có điều chúng không thể nào ngăn mình hiện hữu: thế đấy. Lúc bấy giờ chúng từ từ làm công việc chế biến thực phẩm, chẳng chút hăng hái; nhựa chậm chạp dâng lên trong các ống dẫn với lòng miễn cưỡng, và những chiếc rễ chậm rãi ăn sâu vào lòng đất. Nhưng ở mỗi giây phút dường như chúng đều vừa dựng thẳng nơi đó, vừa sắp sửa tan biến vào hư vô. Mệt mỏi, già cỗi, chúng miễn cưỡng tiếp tục hiện hữu, chỉ vì quá yếu ớt không chết đi được, và vì cái chết chỉ có thể đến với chúng từ bên ngoài: chỉ những nhạc khúc là có thể kiêu hãnh mang trong tự thân mình cái chết xem như một tất yếu nội tại; duy có điều những nhạc khúc không hiện hữu. Mọi vật thể đều sinh ra không lý do, tình cờ. Tôi thụt lùi và nhắm mắt lại, nhưng những hình ảnh vừa được báo động liền nhảy chồm lên, và hiện hữu của chúng ùa vào, tràn ngập đôi mắt khép kín của tôi: hiện hữu là một trạng thái tròn đầy mà con người không thể lìa xa. Những hình ảnh dị kỳ, chúng biểu tượng cho một mớ những sự vật. Không phải những sự vật đích thực, nhưng là những sự vật khác tương tự. Những đối vật bằng gỗ tương tự những chiếc ghế, những đôi guốc, những đối vật khác tương tự với những cây cối. Và rồi là hai khuôn mặt: đấy là cặp nhân tình đã dùng bữa gần bàn tôi hôm chủ nhật, tại quán Vézelize. To béo, nóng sốt, gợi cảm, phi lý, với đôi lỗ tai đỏ nhừ. Tôi đã nhìn thấy đôi vai và chiếc cổ họng của người đàn bà. Hiện hữu trần truồng. Hai người trẻ tuổi đó, điều này đột nhiên làm tôi khiếp hãi, hai người ấy lại tiếp tục hiện hữu ở nơi nào đó trong thành phố Bouville; một nơi nào đó, giữa những mùi vị nào? Chiếc cổ họng êm ái nọ còn tiếp tục ve vuốt làn vải êm mát, tiếp tục nép mình trong những chiếc dây treo, và người đàn bà tiếp tục cảm thấy cổ họng mình hiện hữu trong lần áo lót, hắn phải nghĩ rằng: “Đôi nhũ hoa, những quả cây tươi ngon của tôi” với nụ cười bí ẩn, chăm chú chờ đôi nhũ hoa căng phồng lên làm nàng nhột nhạt. Và rồi tôi đã la to lên và tôi đã tìm gặp lại đôi mắt mở lớn. Có phải tôi đã mộng thấy sự hiện diện vĩ đại kia không? Nó đấy, dựng đứng trên khu công viên, ngã nhào xuống trong những lùm cây, mềm nhũn, nhiễm độc cả, dày đặc, một thứ mứt ngọt. Và tôi, tôi đã hiện hữu trong đó, cùng với toàn thể khu vườn? Tôi sợ hãi, nhưng nhất là, tôi đã nổi giận, tôi cho rằng điều đó quá ngu ngốc, quá bất ổn, tôi thù ghét chất mứt đê tiện nọ. Chất mứt dẫy đầy, chất mứt tràn lan! Nó bay lên tận trời, nó tỏa khắp mọi nơi, nó phủ đầy tất cả bằng vẻ chán nản nhừa nhựa của mình và tôi nhìn thấy những chiều sâu, sâu hút xa hơn cả những giới hạn của khu vườn, những ngôi nhà và Bouville, tôi còn ở Bouville nữa, không ở nơi nào cả, tôi đang bồng bềnh trôi. Tôi không kinh ngạc, tôi biết rằng đó là thế giới, thế giới trần truồng đột nhiên lộ xuất, và tôi tức giận đến nghẹn thở cái hữu thể phi lý vĩ đại kia. Người ta chẳng có thể tự hỏi cái đó nảy sinh từ đâu, tất cả những cái đó cũng chẳng tự hỏi được làm sao mà thế giới lại hiện hữu, thay vì không gì cả. Điều ấy chẳng có nghĩa gì, thế giới đã hiện diện khắp nơi, đằng trước, đằng sau. Tuyệt chẳng có gì trước khi thế giới hiện hữu. Chẳng có gì. Chẳng có giây phút nào mà thế giới đã không thể không hiện hữu. Chính điều này làm tôi giận dữ: hiển nhiênlà chẳng có bất cứ lý do nào cho nó hiện hữu, cái loài côn trùng mềm nhão này. Nhưng không thể nào nó lại không hiện hữu. Đấy là điều không thể nghĩ tưởng được: để tưởng tượng ra hư vô thì người ta lại đã hiện hữu rồi, giữa lòng thế giới và đôi mắt mở to, sinh động; hư vô, hư vô chỉ là một ý tưởng trong đầu óc tôi, một ý tưởng đang hiện hữu bềnh bồng trong cõi bao la này: trạng thái hư vô đó đã không đến trước hiện hữu, nó là một hiện hữu khác, và đã xuất hiện sau nhiều hiện hữu khác. Tôi la lên: “Nhơ bẩn, chó chết!”. Và tôi lắc đầu để giải thoát mình ra khỏi tình trạng nhơ bẩn hiểm độc này, nhưng hiện hữu vẫn còn đó và có vô số, hàng ngàn hàng vạn hiện hữu, hoài hoài không dứt: tôi nghẹn thở dưới đáy sâu của nỗi kinh tởm bao la nọ. Và rồi đột nhiên, khu vườn biến mất tựa hồ chìm hẳn vào trong một chiếc lỗ hổng vĩ đại, thế giới đã biến dạng theo cùng lối như khi nó đến, hoặc là tôi đã tỉnh dậy - dù sao, tôi cũng không còn nhìn thấy nó nữa; chỉ còn lại màu đất vàng chung quanh tôi, từ đó nảy lên những cành khô dựng đứng lên trời. Tôi đứng lên, bước ra khỏi vườn. Đến bên chiếc cửa lưới sắt, tôi quay lại. Lúc đó khu vườn đã mỉm cười với tôi. Tôi tựa người vào chiếc cửa lưới và tôi đã nhìn sững giờ lâu. Nụ cười mỉm của những chiếc cây, của đám nguyệt quế, đã muốn nói lên điều gì; đấy chính là nỗi bí ẩn đích thực của hiện hữu. Tôi nhớ lại rằng vào một ngày chủ nhật nọ, cách đây không lâu hơn ba tuần, tôi đã bắt chợt trên những sự vật một thứ dáng điệu đồng lõa. Có phải dáng điệu đó nhằm gởi đến tôi không? Tôi buồn bã cảm nhận rằng tôi đã chẳng có bất cứ phương tiện nào để hiểu cho thấu đáo. Chẳng có bất kỳ phương tiện nào. Tuy nhiên, nó đấy, trong niềm chờ đợi, nó tương tự một cái nhìn. Nó đấy, trên thân cây dẻ... nó chính là cây dẻ. Những vật thể, người ta đã bảo chúng là những tư tưởng dừng lại nửa vời, những tư tưởng tự quên lãng mình, những tư tưởng quên lãng những gì chúng đã muốn suy tưởng đến và chúng tồn tại như thế đó, đong đưa, dao động, với một chút ý nghĩa kỳ dị vượt thoát khỏi chúng. Mỗi ý nghĩa bé nhỏ đó đều làm tôi bực bội: tôi đã không thể hiểu nó, dẫu cho tôi có trải qua một trăm kiếp tựa người vào cửa lưới; về hiện hữu, tôi đã học biết tất cả những gì có thể biết được. Tôi đã cất bước, quay về khách sạn và ở đấy, tôi đã viết lại những dòng này.
Nguồn: trích từ tác phẩm Buồn nôn (1938) của Jean-Paul Sartre, bản dịch của Phùng Thăng.| Phiên bản điện tử: https://gacsach.com |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC