Chủ nghĩa hiện sinh

Vực thẳm giữa hiện hữu và bản chất

 

GIAO LƯU VỚI S A R T R E:

VỰC THẲM GIỮA HIỆN HỮU VÀ BẢN CHẤT

 

BÙI VĂN NAM SƠN

 

 

Sau cuộc trò chuyện với chàng Tự Học, Roquentin có sự trải nghiệm thứ ba về sự vô cơ sở, vô bản chất của hiện hữu. Trước hết là với những sự vật thông thường trong cuộc sống, chẳng hạn, với vật dụng hay "cái cho ta sử dụng" (das Zuhandene/ ready-to-hand) nói như Heidegger. Ngay cả vật dụng được tạo ra theo một ý niệm có trước cũng hiện hữu trơ ra đó, không bị ý niệm của nó quy định. Rồi cũng thế đối với giới tự nhiên hoàn toàn vô chức năng. Trải nghiệm về sự bất tất hay không tất yếu này là hết sức phức tạp, đa dạng. Hạt nhân của trải nghiệm ấy là khoảng cách, là vực thẳm không thể bắt cầu giữa hiện hữu và bản chất. Lý do vì sao?

 

J.P.S: Như ta sẽ thấy, vì hiện hữu là cái cá biệt, cái "vô căn vô cố" mà không bao giờ khái niệm có thể nắm bắt được.Thử nhìn những vật dụng quen thuộc tưởng như có sự trùng hợp đương nhiên giữa khái niệm và hiện hữu qua trải nghiệm của Roquentin nhân chuyến đi trên tàu điện:

 

"Tôi tì tay lên chiếc băng nhỏ, nhưng vội rụt tay lại: chiếc băng đang hiện hữu. Cái vật thể tôi đang ngồi và tì tay lên, được gọi là một chiếc băng. Rõ ràng họ đã tạo nên nó để ta có thể ngồi lên (...), họ đã bắt tay vào việc với ý tưởng làm nên một chỗ ngồi và khi xong việc, chính đấy là cái họ đã tạo ra. Họ đã mang nó đến đây, trong toa xe này, và bây giờ toa xe đang lăn đi (...). Tôi thầm thì: đấy là một chiếc băng nhỏ, tựa hồ một câu thần chú trừ tà. Song lời nói đọng lại trên môi tôi: lời nói không chịu đi đến đậu trên sự vật. Sự vật vẫn nằm trong nguyên thể, với tấm vải nhung đỏ xù, với hàng ngàn chiếc chân tí hon màu đỏ chổng ngược lên trời, thẳng đơ, những chiếc chân bé tí chết khô (...). Đấy cũng rất có thể là một con lừa nằm chết, chẳng hạn (...). Những sự vật đã được giải thoát khỏi tên gọi, chúng hiện hữu đấy, quái dị, kỳ cục, cứng đầu, vĩ đại và thật có vẻ ngu ngốc khi gọi chúng là những chiếc băng nhỏ hay phát biểu bất cứ điều gì về chúng: tôi đang ở giữa những vật thề, những cái bất khả định danh. Cô đơn, không ngôn ngữ, không phương tự vệ, chúng vây phủ chung quanh tôi, bên dưới tôi, đằng sau tôi, bên trên tôi. Chúng chẳng yêu sách điều chi, cũng chẳng bắt người ta thừa nhận mình: chúng hiện hữu đó, thế thôi" (tr. 310-12).

 

Trải nghiệm của Roquentin về việc "chúng hiện hữu đó, thế thôi" cho thấy điều gì?

 

J.P.S: Cho thấy sự đảo ngược hình ảnh truyền thống về việc tạo tác. Lý giải về thế giới vật dụng do homo faber tạo ra theo mục đích của mình không chạm đến được cái gì nằm bên dưới bề mặt hiện hữu. Việc đặt tên cho sự vật là hoàn toàn võ đoán, tùy tiện, nó không liên quan gì đến bản chất của sự vật mà chỉ phục vụ cho sự thống trị của ta lên sự vật. Sự kinh ngạc ấy chỉ có khi ta từng hình dung rằng có mối quan hệ tất yếu giữa sự vật và tên gọi. Từ Platon, vật dụng là tổng thể những sự vật được giải thích từ chức năng của chúng. Theo đó, khái niệm hay bản chất có trước hiện hữu, vì hiện hữu chỉ là bản sao của những gì có trước trong đầu óc con người. Roquentin đột nhiên nhận ra rằng những sự vật riêng lẻ, hiện thực ấy trượt ra khỏi trật tự quen thuộc.

 

Giới tự nhiên, hay "cái-có-đó" (Vorhandene/ present-at-hand), cũng theo thuật ngữ Heidegger, cũng không khác, nhưng tại sao còn làm cho ta sợ hãi?

 

J.P.S:

" Tôi (...) nhảy ra khỏi xe. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi không thể chịu đựng nỗi sự kiện các vật thể lại quá gần gũi đến như thế (...). Hiện tại, tôi đã định tĩnh, tôi biết tôi đang ở đâu: tôi đang ở trong công viên. Tôi thả rơi người trên chiếc băng giữa những thân cây (...). Dưới chân tôi, một chiếc cây đang cào vào lòng đất bằng chiếc móng đen. Tôi rất muốn tự để mình buông trôi, tự quên lãng, ngủ một giấc. Nhưng tôi không thể, tôi nghẹt thở: hiện hữu đang xâm nhập vào tôi ở khắp nơi, do đường con mắt, do lỗ mũi, do nơi miệng...

Và đột nhiên, trong một thoáng, bức màng bị xé rách toang, tôi đã hiểu, tôi đã thấy (tr. 313-14).

 

Roquentin 'thấy" gì?

 

J.P.S:

"Điều liễu ngộ đó cắt đứt hơi thở tôi. Những ngày trước đấy, chẳng bao giờ tôi cảm nghiệm được từ "hiện hữu" mang ý nghĩa gì. Tôi cũng như trăm ngàn kẻ khác, như những người dạo chơi trên bờ biển trong bộ y phục mùa xuân. Tôi cũng đã bảo như họ "biển xanh"; điểm trắng ở trên cao kia một con hải âu, nhưng tôi không cảm thức được rằng nó đang hiện hữu, rằng con chim hải âu là một con "hải-âu-đang-hiện-hữu"; thường thường hiện hữu ẩn mặt đi. Hiện hữu đấy, chung quanh chúng ta, ngay trong chúng ta, nó là chúng ta, ta không thể thốt ra hai tiếng mà không nhắc đến nó, thế nhưng rốt cuộc, người ta lại không chạm được đến hiện hữu (...).

"Nói thế nào bây giờ đây?  Tôi đã suy tưởng sự tùy thuộc vào, tôi tự nhủ rằng biển thuộc về loại những vật màu xanh và màu xanh là thành phần những phẩm tính của biển (...). Nếu người ta hỏi tôi hiện hữu là gì, hẳn tôi đã tình thật trả lời rằng hiện hữu chẳng là gì cả, nó chỉ là một hình thể rỗng không, từ bên ngoài đến thêm vào những sự vật nhưng chẳng làm thay đổi bản tính của chúng, và rồi thì, đấy: đột nhiên, nó đó, nó rõ ràng như ban ngày: được vén màn che" (tr. 315-16).

 

"Màn che" nào đã được vén?

 

J.P.S: Màn che của quan niệm cổ điển về thực tại! Platon cố tạo ra mối quan hệ tất yếu giữa sự vật cá biệt và bản chất của nó. Sự vật sở dĩ mang tên gọi ấy vì chúng cùng chia sẻ, hay, đúng hơn, cùng tham dự vào một bản chất chung, là cái chống đỡ thật sự cho tên gọi. Và vì ta nhận thức cái bản chất ấy đang hiện diện trong chúng, ta chấp nhận sự vật và tên gọi nói lên bản chất ấy. Đừng quên rằng trong triết học Hy Lạp và nhất là trong ngôn ngữ Hy Lạp không có từ tương ứng với "hiện hữu". Chỉ có từ "tồn tại" như một "hệ từ" (copula). Câu "biển là xanh", vì thế, được Platon hiểu như sự tham dự của "biển" vào trong ý niệm "biển", và vật màu xanh tham dự vào ý niệm "màu xanh". Khi một vật đang tồn tại ("đây là biển", "đây là xanh"), nó luôn có nghĩa là "thuộc về" một loại. Bây giờ, Roquentin thấy khác!

 

Trong tư duy cổ điển, mọi cái đang hiện hữu chỉ là bản sao của một "loại", như chất liệu được nhào nặn theo hình thức hay ý niệm trong đầu óc người thợ, có trước nó, với tư cách là bản chất. Có thể nói, so với bản chất, hiện hữu là dửng dưng, thậm chí vô hại. Hiện hữu "dửng dưng", nhưng có "vô hại" thật không, ít ra dưới mắt Roquentin?

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt