Chủ nghĩa hiện sinh

Yêu sách tuyệt đối

YÊU SÁCH TUYỆT ĐỐI

 

KARL JASPERS (1883-1969)

 


Karl Jaspers. Triết học nhập môn. Chương V: “Yêu sách tuyệt đối”. Lê Tôn Nghiêm dịch. Bộ Giáo dục và Thanh niên – Trung tâm học liệu, 1969, trang 49-62.


 

Mấy gương lịch sử: những anh hùng biết chết vì chân lý.

Người ta đã thực-hiện được những hành vi tuyệt đối trong lãnh vực tình yêu, cũng như trong những cuộc tranh đấu và trong việc nhằm đạt tới những chuẩn đích cao cả. Những hành vi ấy có giá trị tuyệt đối là vì chúng căn cứ trên một bí quyết. Vì trước bí quyết ấy mọi sự đều trở nên tương đối mất hết giá trị.

Để thực hiện một ý tưởng, một tình yêu, một lòng trung thành đến mức tuyệt đối, những gì thuộc về bên ngoài khả nghiệm đều chỉ còn là những chất liệu hời hợt, vì chúng đã bị gắn vào một ý nghĩa siêu việt đời đời và như bị nghiền nát không còn được thả lỏng theo những phóng thú của cuộc đời vô nghĩa nữa. Thực vậy, khi cùng đường, trong những hoàn cảnh ngoại lệ, con người dám can đảm ly khai với cuộc đời để hiến thân cho yêu sách tuyệt đối và dám đón nhận cái chết cấp bách. Đang khi ấy có những con người lại chỉ bo bo với những tương đối, chỉ cố gắng bám chặt lấy cuộc đời để sống và coi nó là trên hết.

Đã có những người dám hiến thân cho cuộc tranh đấu tập thể, với hi vọng dẫn thế giới tới cộng đồng. Như thế, đối với họ tinh thần tập thể có một giá trị vượt trên đời sống cá nhân một cách tuyệt đối, vì tập thể là điều kiện để cho đời sống cá nhân tồn tại.

Tinh thần đó tự đoàn thể mà khởi phát, vì đoàn thể có thể gây tín nhiệm vô điều kiện nơi tâm hồn cá nhân. Ngoài ta, lắm khi tinh thần ấy còn có thể khởi phát do sự khích lệ của một quyền bính gây tin tưởng mảnh liệt nơi lòng người, rồi sự tin tưởng ấy trở thành nguồn suối đưa đến những gì tuyệt đối. Nó phá tan mọi ngờ vực, do dự, mọi bình phẩm cá nhân, để cá nhân tuyệt đối tin tưởng vào quyền bính. Thể hiện ra dưới hình thức ấy, tuyệt đối ngấm ngầm muốn rằng: quyền bính phải được tin tưởng và phục tòng vô điều kiện. Ví dụ người tín hữu cũng muốn tuyệt đối tin tưởng vào quyền bính (tối cao của Giáo hội) để được ơn cứu rỗi.

Nhưng khi quyền bính không còn hiệu lực nữa thì lòng tin tưởng của cá nhân đối với nó cũng suy giảm. Lúc ấy chỉ còn lại một sự trống rỗng phá hoại. Trong cũng tình trạng trống rỗng ấy chỉ còn một lối thoát duy nhất là với tư cách cá nhân, con người phải khám phá được tự do của mình sự Hữu tự nội và căn cứ vững chắc cho những quyết định riêng tư của mình.

Trong lịch sử nhiều người đã theo con đường đó, vì đã có những con người xương thịt dám liều mạng sống để phục vụ một yêu sách tuyệt đối. Vì nếu họ phản bội thì mọi sự đều ra vô nghĩa, rồi cả cuộc đời của họ dù chứa chấp đầy lòng trung thành cũng có thể bị nhiễm độc. Vì bội tín với sự Hữu đời đời là gây bất hạnh cho cuộc đời.

Socrate là tấm gương sáng lạn nhất về điểm đó. Với trí óc minh mẫn, với tinh thần bao dung, lấy “vô tri[1] làm phương châm, ông cương nghị theo con đường của mình, không để mình bị lạc hướng, không nao núng trước hành động hung bạo, phẫn nộ của những kẻ căm hờn, ghen ghét và luôn luôn cố tình cho mình có lý. Không nhượng bộ một ly nào, không lợi dụng cơ hội sẵn có để tẩu thoát, ông đã chết với một vẻ điềm tĩnh phi thường! Với lòng tin tưởng mãnh liệt, ông đã sẵn sàng đón nhận nguy cơ đó.

Một ít vị tử đạo cũng đã nêu gương quả cảm vì muốn trung thành với tín ngưỡng của họ như Thomas More.

Nhưng có nhiều trường hợp tử đạo không được chính đáng lắm nhất là trường hợp chết vì mục đích này hay mục đích khác, ví dụ để làm chứng nhân; chết thế vẫn còn là một cử chỉ không chính đáng vì nó ngầm chứa một chủ đích. Khi nghe theo tiếng gọi quyến rũ của sự chết, với chủ đích là theo vết chân của đấng Kyto thực sự, các vị tử đạo đã bị mù quáng vì hoài bão cuồng tín như điên rồ[2]. Như thế hành vi tử đạo càng không chính đáng hơn nữa.

Nhưng trong lịch sử triết lý, đã có những triết gia đơn độc, không hãn hữu, không thuộc vào một tín ngưỡng hay tổ chức nào cả. Họ đã can đảm một mình trước mặt Thiên chúa thực hiện nguyên tắc triết lý là biết chết! Ví dụ Seneque đã chờ mong tuyên án tử từng bao nhiêu năm, sau khi đã dùng hết trí óc để thoát chết! Nhưng sau cùng ông đã quyết định vượt qua giai đoạn muốn thoát chết, đến nỗi không bao giờ ông hạ mình làm một hành động đê tiện. Và ông đã không mất tự chủ khi Neron tuyên án tử cho ông. Boece đã chết vô tội vì đón nhận cái chết do kẻ man rợ cưỡng bách. Như thế, ông đã triết lý trong ý thức sáng suốt, hướng về sự Hữu tự tại. Giordano Bruno đã do dự và hầu như đã muốn đầu hàng, nhưng sau cùng ông đã thắng vượt hết và đã cao thượng cương nghị phản kháng không nao núng, không thất vọng cho tới khi lên đống củi để chịu thiêu sống.

Tóm lại, SenequeBoeceGiordano Brunocũng là người, với những hèn nhát và chiến bại như ta, nhưng họ đã chiến thắng chính mình. Vì vậy họ xứng đáng là những hướng đạo cho ta.

Trái lại, cái vị thánh thể hiện ra với chúng ta như trong cảnh hoàng hôn mờ ảo hay trong viễn ảnh huyền thoại, như thế những con mắt tinh đời không thể chấp nhận được họ.

Vậy tuyệt đối mà mỗi con người phàm trần có thể thực hiện nổi mới đủ sức mạnh khích lệ ta. Ngoài ra, những gì huyền ảo và tưởng tượng đều không thể làm gương cho ta được.

Bản chất của yêu sách tuyệt đối.

Trên đây là những tấm gương lịch sử do những anh hùng đã biết chết cho tuyệt đối.

Bây giờ chúng ta còn cần thiết định rõ bản chất của yêu sách tuyệt đối ấy như thế nào? Ví dụ ta hỏi: “Tôi phải làm gì?”. Lập tức ta được trả lời và được chỉ dẫn những thuần đích và phương pháp phải theo để đạt tới đích: ví dụ “phải tay làm hàm nhai”. Hay khi phải sống với đoàn thể, người ta sẽ chỉ dẫn cho tôi những mánh lới thực tế, như mỗi trường hợp đều phải tùy cơ ứng biến; muốn tới đích phải theo những phương pháp thích nghi v.v…

Căn bản giá trị cho những mục đích đó gồm hai loại: một là mưu sinh, hai là ích lợi thực tế. Nhưng tự nó, sống không phải là mục đích cuối cùng, vì sau đó, còn những vấn đề như: lối sống ấy là lối sống nào? Và: mục đích ấy là mục đích nào?

Hơn nữa, có khi yêu sách tuyệt đối lại căn cứ trên một người nào có quyền bính trên tôi và họ ra lệnh rằng: “Ta muốn thế!” Hay: “Ta quyết định như vậy là phải như vậy!”.

Một quyền bính quá tự phụ như thế ra như không còn ai kiểm soát nổi, thành ra mọi người ai ai cũng phải cúi đầu tuân lệnh.

Nhưng nói tóm, tất cả những yêu sách trên vẫn còn tương đối, chưa phải tuyệt đối, vì chúng buộc ta phải nô lệ những người khác ngoài ta, tức là nô lệ những mục đích thực tiễnhay quyền bính nơi kẻ khác.

Trái lại, những yêu sách tuyệt đối phải bắt nguồn tự trong tôi.

Chúng thường xuất hiện ra như những thực tại rõ rệt bó buộc tôi phải phục tòng bề ngoài. Nhưng chúng còn phải phát xuất tự trong tôi và nâng đỡ tôi tự bên trong do sức mạnh gì còn mạnh mẽ hơn chính tôi.

Như thế, yêu sách tuyệt đối với tôi nhưthực chất cốt yếu là yêu sách đối với sự sống thường nghiệm của tôi. Tôi ý thức về bản ngã của tôi cũng như ý thức về hiện hữu của tôi vì tôi hiện hữu. Ở khởi điểm một hành vi tuyệt đối, ý thức ấy còn lờ mờ nhưng về sau nó càng dần dà sáng tỏ. Khi ý thức ấy được hoàn toàn thực hiện trong tuyệt đối rồi thì ý nghĩa của Hữu sẽ chắc chắn xuất hiện và mọi nghi vấn về Hữu sẽ không còn. Nhưng vì ta lệ thuộc thời gian, nên vẫn còn có thể nghi vấn. Nhưng khi hoàn cảnh đổi mới thì lại phải tìm sự Hữu chắc chắn lại nữa.

Tuyệt đối đó có trước mọi mục đích và chính nó định hướng cho mọi mục đích. Tuyệt đối không phải cái gì ta muốn là cái gì gợi cảm lên ước muốn trong ta.

Tóm lại, hành động nào cũng phải dựa trên một căn bản tuyệt đối.

Nhưng căn bản tuyệt đối không dùng tri thức mà đạt tới được trái lại phải tin tưởng. Vậy bao lâu tôi còn miệt mài đi tìm lý do hay mục đích cho những hành động của tôi, là bấy lâu tôi còn dừng lại những gì hữu hạn và tượng đối.

Thế thì chỉ khi nào cuộc đời được dinh dưỡng trong một nguồn suối không có tính cách khách quan, bấy giờ nó mới thực sự bắt nguồn ở tuyệt đối.

Đâu là giới hạn và đặc điểm của tuyệt đối?

Ta có thể thiết định ý nghĩa của tuyệt đối theo mấy giải thích sau đây:

1) Tuyệt đối không phải muốn sống thế nào thì sống mà là phải quyết định. Quyết định còn phải dựa trên sự suy nghĩ một cách minh mẫn. Quyết định bắt nguồn tự một nguồn suối sâu thẳm khó tưởng tượng nổi. Nhưng cuối cùng quyết định lại chính là tôi.

Như vậy nghĩa là gì?

Tuyệt đối có nghĩa là bám rễ vào đời đời, vào sự Hữu. Tự tuyệt đối phát sinh ra một sự thành tín không thể lay chuyển nổi. Tuyệt đối không bắt nguồn ở những bản năng tự nhiên mà là phải do sự quyết định của con người. Nhưng quyết định mà phải suy nghĩ chín chắn.

Theo tâm lý học, tuyệt đối không phát sinh vào những lúc con người đang sống những trạng thái ý thức vật vờ. Vì tuy trong những lúc nào đó con người có thể hăng hái dồn hết nghị lực vào duy có một công việc gì được, nhưng có thể bỗng nhiên sức hăng say kia bị tê liệt hẳn, không liên tục, cũng không kiên trì được nữa.

Tuyệt đối cũng không phải một đức tin bẩm sinh mà có cùng với con người khi họ sinh ra. Vì nếu vậy trong một cuộc tái sinh nào đó, bẩm sinh ấy có thể thay đổi.

Tuyệt đối cũng không phải do “thần tính[3] trong con người mà phát xuất, như Huyền niệm học dạy: Vì thần tính ấy không trung kiên, chỉ có nhất thời.

Sau cùng, tất cả mọi hình thái dục tính, ước sống, tự quyết, đều không cái nào có tính cách tuyệt đối cả, vì chúng cũng chỉ xuất hiện nhất thời, nên chúng vẫn mang tính cách tương đối và mau phai lạt đi lắm.

Bởi vậy tuyệt đối chỉ xuất hiện trong sự quyết định của một Hiện sinh, tức là quyết định sau khi đã suy nghĩ chín chắn. Nó không thể hiện ra ở lối sống thế này hay thế khác mà bằngtự do. Nhưng tự do ở đây không phải tự do theo những cố định của bản năng tự nhiên, mà là phải phát xuất tự căn cơ siêu việt (của nó).

Nhờ đó, tuyệt đối mới quyết định được rằng: cuộc đời con người phải căn cứ vào đâu? Và căn cứ ấy có chắc chắn hay vô giá trị?

Thường thường tuyệt đối không lộ diện. Chỉ trong những giờ phút cực kỳ nghiêm trọng của mỗi con người nó mới xuất hiện và chỉ đường cho họ phải theo, nhưng lại chỉ đường bằng mộtquyết định không lời. Không ai trực tiếp chứng minh được tuyệt đối có đấy hay không, nhưng thực sự từ khi sinh ra ta đã được tuyệt đối nâng đỡ và liên miên nhận ánh sáng của nó chỉ dẫn.

Cũng như một cây vươn mình lên rất cao và đâm rễ rất sâu, con người nào thực hiện hết ý nghĩa làm người cũng phải đâm rễ sâu vào tuyệt đối như vậy. Ngoài ra, những gì khác chỉ là những bụi gai góc cần phải nhổ tỉa, cắt xén và tụi bỏ để thiêu hủy đi.

So sánh như vậy cũng chưa chỉnh: vì ta tìm được căn bản trong tuyệt đối không phải như cây dần dà lớn lên, mà lại phải như “nhảy vọt” lên trong một viễn tượng mới mẻ hẳn[4].

2) Lối giải thích thứ hai về tuyệt đối: tuyệt đối thực sự xuất hiện khi người ta tin tưởng mãnh liệt vì có thế con người mới (sống và) thể hiện được tuyệt đối. Và cũng nhờ tin tưởng người ta mới nhìn thấy tuyệt đối.

Thực vậy, sự hiện diện của tuyệt đối không thể kiểm điểm hay khám nghiệm được như một thực thể khả nghiệm thông thường. Trong lịch sự cũng thấy ghi những thực hiện tuyệt đối, nhưng đó cũng là những biểu hiệu. Rồi những gì ta biết về tuyệt đối đều chỉ có tính cách tương đối, hời hợt. Những gì là thực hiện tuyệt đối trong ta ra như không thấy có gì cả, vì chúng không như những gì hữu hình mà kiểm chứng được. Vì nếu kiểm chứng được thì tuyệt đối chỉ còn là một bạo lực, một thái độ cuồng tín, một hành vi man rợ hay một cơn điên.

Khi người ta còn hỏi được rằng: không biết thực sự có tuyệt đối không? Thì mặc nhiên thái độ hoài nghi vẫn còn sức khích lệ.

Cũng như khi ta hỏi: có tình yêu theo nghĩa tuyệt đối không? Nghĩa là tình yêu có thực bám rễ sâu vào một căn bản vững chãi hay chỉ là một bản năng, một sự say cuồng hay một tập quán, một lời thề ước trung thành với nhau?

Hỏi thế tức là đã bắt đầu hoài nghi giá trị tuyệt đối của tình yêu rồi.

Hay khi hỏi có thể có được một sự thông cảm thực sự trong cuộc chiến đấu huynh đệ không?

Hỏi thế cũng còn là hoài nghi.

Tóm lại, những gì kiểm chứng được thì chính vì thế, chúng không còn là tuyệt đối nữa.

3) Lối giải thích thứ ba:

Tuyệt đối thiết yếu có tính cách vô thời gian, nhưng lại xuất hiện trong thời gian.

Tuyệt đối không phát sinh ra trong con người như sự sống sinh lý của họ. Nó cùng lớn lên cho con người trong thời gian. Nếu chỉ khi nào con người tự chủ được mình và theo con đường họ đã quyết định không gì lay chuyển, bấy giờ mới thực hiện được tuyệt đối.

Trái lại, nếu ngay từ đầu con người đã khăng khăng với những lập trường cố định và tâm hồn họ cứ bất khẳng sống trong trừu tượng, thì dù đối với họ mọi sự xem ra có bền vững, nhưng cũng không có gì là tuyệt đối ở đó cả.

Trong thời gian, tuyệt đối xuất hiện ra với con người khi họ gặp những bước đường cũng hay khi họ đang chực phản bội chính mình.

Nhưng không được coi tuyệt đối hoàn toàn là một thực tại của thời gian mà thôi, vì hiện diện trong thời gian nhưng nó con vượt ra ngoàithời gian. Một khi người nào đã chinh phục được nó rồi, nó sẽ trở thành một bản vị vĩnh viễn trong họ, nhưng mỗi giây phút nó còn phải vọt lên tự nguồn gốc như một cuộc hồi sinhkhông ngừng. Vì thế, tuy tuyệt đối phát triển ra trong thời gian và ra như có lúc con người đã sở hữu được nó hoàn toàn rồi, nhưng trong giây lát mọi sự có thể bị tiêu tan hết.

Ngược lại, tuy mang nặng một dĩ vãng chất đầy những lối sống tầm thường và những cách ăn ở vô căn cứ và lệ thuộc trăm đường, và như thế ra như con người thất bại, nhưng dầu sau bất cứ giây phút nào họ vẫn có thể hồi tưởng và bắt đầu lại, nếu bỗng nhiên họ ý thức được tuyệt đối.

Không được coi mình như một sự kiện căn yếu tuyệt đối. Thực hành việc suy niệm và quyết định.

Với những giải thích trên, tuy đã cố gắng xác định ý nghĩa tuyệt đối, nhưng chúng ta chưa đi vào trọng tâm của nó. Vậy muốn hiểu được trọng tâm của tuyệt đối, cần thiết phải đặt đối lập sự Thiện với sự Ác:

Trong mỗi hành vi tuyệt đối đều ngầm chứamột sự lựa chọn. Khi con người quyết định một việc gì thì điều đó trở thành bản vị của họ. Nên khi phải quyết định lựa chọn giữa sự thiện và sự ác, họ đã lựa chọn điều mà họ coi là sự thiện.

Vậy thiện và ác đối lập nhau trên ba bình diện:

1) Theo quan niệm thông thường, sự ác hay điều xấu là sống không suy nghĩ, không cương giới, sống theo xu hướng, theo ước vọng giác quan, theo lạc thú, theo hạnh phúc trần gian và theo thực tại trước mắt. Nói tóm, điều ác tức là cuộc đời con người sống phóng túng, bồn chồn thay đổi, không bao giờ dám quyết định điều gì hết.

Trái lại, thiện hay điều tốt là sống và tận hưởng hạnh phúc ở đời, nhưng vẫn theo những quy luật luân lý. Quy luật đó thường được coi là quy luật chung cho những ai sống đứng đắn. Nó mang hình thức một tuyệt đối.

2) Ngoài lối sống phóng túng trên, điều ác còn là tà kiến[5] mà Kant đã nói tới. Vì theo ông, người tà kiến chỉ làm điều thiện khi nào không sợ thiệt hại hay ít ra không đến nỗi vất vả quá.

Nói một cách trừu tượng, tà kiến có nghĩa là người ta sẵn sáng chấp nhận yêu sách tuyệt đối của luân lý, nhưng họ chỉ phục tùng lề luật chung của điều thiện như vậy với những điều kiện ví dụ họ chỉ làm điều thiện những khi nào họ vẫn còn được thỏa mãn trong những nhu cầu hay lạc thú vật chất của họ. Nói khác đi, người ta có thể làm điều thiện nhưng với điều kiện như trên tức là một cách không tuyệt đối.

Đó là một điều thiện hão huyền. Nó nhưmột xa xỉ khi nào gặp dịp thì làm điều thiện chơi.

Do đó, khi gặp trường hợp phải lựa chọn giữa những yêu sách luân lý và những gì có lợi cho tôi, có lẽ vô tình (theo mức độ nguy hiểm cho những điều lợi của tôi) tôi sẽ sẵn sàng thi hành bất cứ thủ đoạn nào. Để tránh cái chết chẳng hạn, khi có lệnh truyền giết người là tôi giết. Nhưng trong chính hoàn cảnh thuận lợi ấy tôi đã quên rằng: tôi đang làm điều ác.

Trái lại, việc thiện là tìm cách thoát khỏi những điều kiện không chính đáng vừa nói trên vì chúng coi tuyệt đối ngang hàng với hạnh phúc phù vân đời này. Do đó mới bắt gặp được tuyệt đối chính đáng. Nghĩa là sau khi đã lầm lạc theo những lý do mờ ám, con người phải quay về với tuyệt đối chính đáng.

3) Nhiều người lại chỉ coi là ác, là xấu những người xấu bụng[6] chỉ muốn phá hoại, muốn gây đau khổ, muốn sát hại[7] muốn tiêu diệt, tức là ý muốn phá tan tất cả những gì đang có và những gì có giá trị.

Vậy hãy so sánh ba bình diện trên xem sao:

Về bình diện thứ nhất, lựa chọn giữa thiện và ác ở đây là lựa chọn theo bình diện luân lý[8] nghĩa là phải chế ngự những bản năng tự nhiên, để chỉ phục tòng những lề luật luân lý. Theo danh từ của Kant phải gọi là thi hành nhiệm vụ[9], nghĩa là nhiệm vụ phải được đặt trên bản năng.

Về bình diện thứ hai, lựa chọn ở đây lại là lựa chọn theo bình diện đạo đức nghĩa là phải xét rằng: làm điều thiện với điều kiện là bắt tuyệt đối phải phục tòng tương đối. Làm thế là lật ngược trật tự lý do. Vậy phải coi tuyệt đối là tiêu chuẩn duy nhất cho việc thiện. Đó là việc thiện xét theo những lý do thúc đẩy làm thiện.

Về bình diện thứ ba, ở đây lựa chọn điều thiện trên bình diện siêu hình, nghĩa là người làm điều thiện nhằm chính bản chất của điều thiện. Vậy bản chất của sự thiện là Tình yêu, mà tình yêu là sự thiện đối lập với căm thù là sự ác. Tình yêu (sự thiện) thiên về Hữu, còn căm thì (sự ác) thiên về Vô. Tình yêu phát triển được là vì nó bắt rễ trong Siêu việt thể; trái lại, trong khi căm hờn, con người như bị mù quáng về mình ở một điểm nào, rồi tự tách rời với Siêu việt thể[10]. Tình yêu thì lặng lẽ hoạt động để xây dựng cuộc đời; còn căm thù lại rầm rộ gieo vãi tai họa để giập tắt sự Hữu trong trần gian, hay để hủy diệt mọi sự Hữu.

Tóm lại, trong ba bình diện trên, mỗi lần con người đều phải lựa chọn và bó buộc phải quyết định. Vậy muốn đi tới kỳ cùng, họ chỉ có thể chọn một trong hai, nghĩa là phải theo hoặc bản năng hoặc nhiệm vụ. Một là dừng lại trong tà tâm; hai là phải làm điều thiện theo những tiêu chuẩn chính đáng.

Một là sống trong căm thù; hai là sống trong tình yêu.

Nhưng lắm khi con người lại lẩn trốn không quyết định. Thay vì quyết định, họ lại vật vờ trôi theo dòng sông, họ tìm cách dung hòa cả hai (quyết định và không quyết định đồng thời).

Nhưng như thế không phải là dung hòa mà là mâu thuẫn nội tại.

Đó là thái độ do dự vật vờ. Và do dự như vậy cũng là một điều xấu rồi.

Vì con người chỉ thực sự tự ý thức là khi họ biết phân biệt thiện ác. Họ chỉ có bản lĩnh là khi hành động, họ biết quyết định đi về đâu. Vậy tất cả chúng ta đều phải luôn luôn chiến thắng do dự.

- Chúng ta bất lực không thể hiến toàn thân cho sự thiện, nên có khi lại cần tới sức mạnh của những bản năng để cuộc đời của ta mới có thể đứng vững trong nhiệm vụ được.

- Khi yêu thực sự không thể nào ta không biết ghét, nhất là đối với những gì có thể gây nguy hại cho những người ta yêu.

- Chúng ta mê lầm trong tà tâm và hoạt động theo những tiêu chuẩn không thích đáng, chính là vì chúng ta tin tưởng rằng chúng chính đáng.

Nói tóm, trên cả ba bình diện, sự quyết định lựa chọn đều mang đặc điểm riêng của mỗi bình diện:

- Trên bình diện luân lý, con người tưởng rằng mình có thể đặt căn cứ vững chãi cho quyết định của mình trên tư tưởng, vì họ dùng tư tưởng để chứng minh được rằng: những điều họ quyết định là hợp lý cả.

- Trên bình diện đạo đức, con người dứt khoát với tà tâm và tự ý thức lại với mình là khi họ khôi phục lại được thiện tâm của họ.

- Trên bình diện siêu hình, bằng khả năng yêu đương, con người ý thức được rằng: chính họ là tặng vật cho họ. Họ lựa chọn những gì đúng, họ trở nên thành thực trong những tiêu chuẩn của họ và đời sống của họ ăn rễ trong tình yêu.

Vậy cả ba bình diện ấy phải được kết tinh lại thì mới thực hiện được tuyệt đối.

Nhưng hình như sống bằng tình yêu có thể bao hàm tất cả hai bình diện trên rồi. Vì một tình yêu chính đáng còn là bảo đảm cho một đời sống luân lý chính đáng nữa. Vì thế, St-Augustine mới nói “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm”.

Nhưng là con người, ta không thể chỉ sống duy bằng có tình yêu nghĩa là sống trên bình diện thứ ba mà thôi, vì luôn luôn ta có thể sa sẩy vào những trệch đường và lầm lỗi man vàn. Nên không thể mù quáng và bất cứ lúc nào ta cũng cứ tin tưởng vào tình yêu được, trái lại ta cần phải sáng suốt trong tình yêu. Vì vậy, với ta là những con người hữu hạn, ta vẫn còn cần tới kỷ luật cưỡng bách liên tục để chế ngự những dục vọng của ta.

Và ta cũng còn cần kỳ thị chính mình mới hi vọng vách trần được những chuẩn đích không chính đáng của ta.

Vậy chính những khi ta cảm thấy vững tâm là khi ta đang lạc đường trầm trọng.

Tóm tắt, chỉ nhờ sự thiện tuyệt đối:

- mà nhiệm vụ luân lý ở bình diện thứ nhất mới có được căn bản vững chãi.

- mà những tiêu chuẩn đạo đức mới được chính đáng.

- mà giải tỏa được ý muốn phá hoại toàn diện do căm thù gây ra.

Nhưng vì chính căn bản cho tuyệt đối, tình yêu giống hệt với ý muốn đạt tới sự Hữu tự nội. Vì những gì ta yêu thích ta đều muốn rằng: chúng phải hiện hữu.

Vậy sự Hữu tự nội, ta không thể hé thấy mà không yêu mến được.

 



[1] Vô-tri (Nichtwissen) là một quan niệm đặc biệt trong tư tưởng tiêu cực hay Thần học tiêu cực. Nếu so sánh với tri thì vô tri thường bị coi là khuyết điểm ví dụ người u mê, dốt nát là người vô học, vô tri. Nhưng ở đây vô tri thực sự có nghĩa tích cực, hay đúng hơn, tiêu cực trong cách nói, nhưng lại rất tích cực trong nội dung, vì phải tri cho tới kỳ cùng rồi mới vô tri được, kiểu “Tuyệt học vô ưu” của Lão tử hay “doute ignorange” của Nicolas de Cuse.

[2] Cuồng tín điên rồ (hysterische Erscheinungen). Jaspers nhận xét một điểm hơi lạ ở đây vì ông cho rằng trường hợp tử đạo do tâm trạng cuồng tín của đoàn thể gây ra cho họ. Do đó không can trường bằng cái chết của các triết gia đơn độc.

[3] Thần tính (das Demonische) được hiểu theo như “Thiền ngôn” của Khổng hay “Logos” của Heraclite, Socrate, và Kierkegaard.

[4] như “Nhảy vọt” lên hẳn (durch einem Sprung in eine andere Dimension), nghĩa là nếu tuyệt đối là một cái gì có thể minh chứng được thì ta cứ việc lần theo từng chứng lý trong một lập luận dài dòng thì tìm thấy; nhưng tuyệt đối không phải vậy, vì lắm khi càng cố gắng lý luận hay tính toán, tuyệt đối lại càng như xa. Nhưng một lúc nào đó trong cuộc sống, ra như tuyệt đối đột nhập vào lòng hiện sinh và do đó, làm cho hiện sinh thay đổi toàn diện.

[5] Tà kiến (Verkchrung) quan niệm đạo đức của Kant.

[6] Người xấu bụng (Wille zum Bose)

[7] Muốn sát hại (nihilistiche Wille)

[8] Luân lý (das moralische) Đạo đức (das ethische): có lẽ ở đây tác giả dùng lời phân biệt của Schelling: “La morale en général pose un commanhement qui ne s’adresse qu’à l’individu, et n’exige que l’absolue personnalite (selbstheit) de l’individu; L’Ethique pose un commandement qui suppose une société d’êtres moraux et qui assure la personnalité de tous les individus par ce qu’elle exige de chacun d’eux.” Lối phân chia này là do các triết gia sau Kant.

[9] Nhiệm-vụ (die Pflicht) là một quan niệm căn bản trong đạo đức học của Kant, theo đó sống đạo đức là một điều tự nó bỏ buộc như một “mệnh lệnh tối thượng” chữ không do một lý do nào khác ở ngoài “Tu dois parce que tu peux.”

[10] (Hass sinkt zum seibstischen Punkt in der Loslosung von Transzendenz), nghĩa là mù quáng với mình, con người tin tưởng tự phụ vào mình về một điểm nào đó, và như vậy họ coi mình là tuyệt đối, và đương nhiên xa với Siêu việt thể.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

hải bánh - 01:00 23/10/2023
nice
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt