BÀN VỀ MÂU THUẪN (Tháng Tám 1937)
MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976)
Mao Trạch Đông. Bàn về thực tiễn. Bàn về mâu thuẫn. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1966. | Nguyên bản tiếng Trung | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.
5. TÍNH ĐỒNG NHẤT VÀ TÍNH ĐẤU TRANH GIỮA CÁC MẶT CỦA MÂU THUẪN
Sau khi đã hiểu vấn đề tính phổ biến và tính riêng biệt của mâu thuẫn, chúng ta còn phải nghiên cứu vấn đề tính đồng nhất và tính đấu tranh giữa các mặt của mâu thuẫn. Tính đồng nhất, tính thống nhất, sự nhất trí, sự thấm qua lẫn nhau, sự thông suốt lẫn nhau, sự lệ thuộc lẫn nhau (hoặc sự nương tựa vào nhau để tồn tại), sự liên kết với nhau hoặc sự hợp tác với nhau, tất cả những danh từ khác nhau đó đều cùng một ý nghĩa, đều là nói lên hai tình hình sau đây: thứ nhất, mỗi mặt trong hai mặt của mỗi một mâu thuẫn trong quá trình phát triển của sự vật đều lấy mặt đối lập với nó làm tiền đề tồn tại của chính nó, hai mặt đều cùng ở trong một thể thống nhất; thứ hai, mỗi mặt trong hai mặt của mâu thuẫn đều dựa vào những điều kiện nhất định mà chuyển hóa sang mặt ngược lại với nó. Như thế gọi là tính đồng nhất. Lê-nin đã nói: « Phép biện chứng là học thuyết vạch ra rằng những mặt đối lập làm thế nào mà có thể và thường là (và trở thành) đồng nhất, lại vì sao thành ra đồng nhất ... trong những điều kiện nào chúng là đồng nhất bằng cách chuyển hóa từ mặt đối lập này sang mặt đối lập kia — tại sao lý trí con người không nên xem những mặt đối lập là chết, cứng đờ, mà là sinh động, có điều kiện, hoạt động, chuyển hóa lẫn nhau »[1]. Ý nghĩa những lời nói đó của Lê-nin là gì? Các mặt mâu thuẫn nhau trong mọi quá trình, vốn là bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau, đối lập với nhau. Trong quá trình của mọi sự vật trên thế giới và trong tư tưởng người ta, đều có những mặt mang tính chất mâu thuẫn như thế, không trừ một sự vật nào. Quá trình đơn thuần thì chỉ có một cặp mâu thuẫn, quá trình phức tạp thì có từ một cặp mâu thuẫn trở lên. Giữa những cặp mâu thuẫn ấy, lại mâu thuẫn lẫn nhau. Cứ thế mà hợp thành tất cả mọi sự vật của thế giới khách quan và tư tưởng của người ta, và thúc đẩy sự vật và tư tưởng vận động. Như thế, thì chỉ là rất không đồng nhất, rất không thống nhất, chứ sao lại nói là đồng nhất, hoặc thống nhất? Số là các mặt mâu thuẫn nhau không thể tồn tại một cách cò lập được. Nếu không có mặt mâu thuẫn ghép thành cặp với nó, thì tự nó cũng mất điều kiện tồn tại. Thử nghĩ xem, bất cứ một mặt nào của mọi sự vật mâu thuẫn nhau, hoặc của những khái niệm mâu thuẫn nhau trong đầu óc người ta có thể tồn tại một cách độc lập được không? Không có sống, thì chết cũng không có; không có chết, thì sống cũng không có. Không có trên, thì không có gì gọi là dưới; không có dưới, thì cũng không có gì gọi là trên. Không có họa, thì không có gì gọi là phúc, không có phúc, thì cũng không có gì gọi là họa. Không có thuận lợi, thì không có gì gọi là khó khăn; không có khó khăn, thì cũng không có gọi là thuận lợi. Không có địa chủ, thì không có tá điền ; không có lá điền, thì cũng không có địa chủ. Không có giai cấp tư sản, thì không có giai cấp vô sản; không có giai cấp vô sản, thì cũng không có giai cấp tư sản. Không có áp bức dân tộc của chủ nghĩa đế quốc, thì không có thuộc địa và nửa thuộc địa; không có thuộc địa và nửa thuộc địa, thì cũng không có áp bức dân tộc của chủ nghĩa đế quốc. Tất cả mọi thành phần của đối lập đều như vậy, do những điều kiện nhất định, một mặt thì đối lập lẫn nhau, một mặt lại liên kết với nhau, thông suốt với nhau, thấm qua lẫn nhau, lệ thuộc lẫn nhau, tính chất ấy gọi là tính đồng nhất. Vì những điều kiện nhất định mà tất cả các mặt mâu thuẫn nhau đều có tính không đồng nhất, cho nên gọi là mâu thuẫn. Song, lại có tính đồng nhất, nên nó liên kết với nhau. Lê-nin nói phép biện chứng nghiên cứu « mặt đối lập làm thế nào mà có thể là đồng nhất », tức là nói tình hình ấy. Vì sao mà có thể? Vì chúng là điều kiện tồn tại lẫn cho nhau. Đó là ý nghĩ thứ nhất của tính đồng nhất. Song, chỉ nói hai mặt mâu thuẫn làm điều kiện tồn tại lẫn cho nhau, giữa hai mặt có tính đồng nhất, cho nên có thể cùng tồn tại trong một thể thống nhất, như vậy đã đủ chưa? Vẫn chưa đủ. Không phải chỉ là hai mặt của mâu thuẫn dựa vào nhau để tồn tại như thế là hết; điều quan trọng hơn là sự chuyển hóa lẫn nhau của những sự vật mâu thuẫn nhau. Nghĩa là: hai mặt mâu thuẫn nhau bên trong sự vật, do những điều kiện nhất định, mà chuyển hóa sang mặt ngược lại với mình, chuyển hóa vào địa vị của mặt đối lập với mình. Đó là ý nghĩa thứ hai của tính đồng nhất của mâu thuẫn. Tại sao ở đây cũng có tính đồng nhất? Ta hãy xem, giai cấp vô sản là giai cấp bị thống trị, trải qua cách mạng, chuyển hóa thành kẻ thống trị, còn giai cấp tư sản, nguyên là kẻ thống trị, lại chuyển hóa thành kẻ bị thống trị, chuyển hóa vào địa vị trước kia của đối phương. Liên-xô đã làm như vậy, toàn thế giới cũng sẽ làm như vậy. Thử hỏi, nếu trong đó không có sự liên hệ và tính đồng nhất trong những điều kiện nhất định, thì làm sao lại có thể có sự biến hóa như vậy? Ở một giai đoạn nhất định trong lịch sử cận đại Trung quốc, Quốc dân đảng đã từng có một vai trò tích cực nhất định, nhưng vì tính giai cấp vốn có của nó, và vì chủ nghĩa đế quốc lôi kéo (những cái đó là điều kiện) mà sau năm 1927 nó chuyển hóa thành phản cách mạng; lại vì mâu thuẫn giữa Trung-quốc và Nhật-bản sâu sắc thêm lên, và do chính sách mặt trận thống nhất của Đảng cộng sản (những cái đó là điều kiện), mà Quốc dân đảng buộc phải tán thành chống Nhật. Giữa những cái mâu thuẫn nhau, cái này biến thành cái kia, chính là có mang tính đồng nhất nhất định. Cuộc cách mạng ruộng đất mà chúng ta đã tiến hành, đã là và sẽ còn là một quá trình như sau: giai cấp địa chủ có ruộng đất chuyển hóa thành giai cấp mất ruộng đất, còn nông dân đã từng mất ruộng đất chuyển hóa thành người tư hữu nhỏ giành được ruộng đất. Do những điều kiện nhất định, giữa có và không, được và mất đều liên hệ lẫn nhau, hai mặt ấy đều có tính đồng nhất. Trong điều kiện xã hội chủ nghĩa, chế độ tư hữu của nông dân lại chuyển hóa thành chế độ công hữu của nông nghiệp xã hội chủ nghĩa, Liên-xô đã làm như vậy, toàn thế giới cũng sẽ làm như vậy. Giữa của riêng và của công có cái cầu từ phía này sang phía khác, trong triết học gọi nó là tinh đồng nhất hoặc chuyển hóa lẫn nhau, thấm qua lẫn nhau. Củng cố chuyên chính vô sản hoặc chuyên chính nhân dân, chính là chuẩn bị điều kiện để thủ tiêu những nền chuyên chính đó, đi đến giai đoạn cao hơn là xóa bỏ mọi chế độ Nhà nước. Xây dựng và phát triển đảng cộng sản, chính là chuẩn bị điều kiện để xóa bỏ đảng cộng sản và tất cả các chế độ chính đảng. Xây dựng quân đội cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo, tiến hành chiến tranh cách mạng, chính là chuẩn bị điều kiện để vĩnh viễn xóa bỏ chiến tranh. Những cái trái ngược nhau ấy, đồng thời lại là những cái tạo thành nhau. Mọi người đều biết, chiến tranh và hòa bình chuyển hóa lẫn nhau. Chiến tranh chuyển hóa thành hòa bình, như cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất chuyển hóa thành hòa bình sau chiến tranh, cuộc nội chiến ở Trung-quốc hiện nay cũng đã đình chỉ, xuất hiện hòa bình trong nước. Hòa bình chuyển hóa thành chiến tranh, như sự hợp tác Quốc—Cộng năm 1927 chuyển hóa thành chiến tranh, cục diện hòa bình thế giới hiện nay cũng có thể chuyển hóa thành đại chiến thế giới lần thứ hai. Vì sao lại như vậy? Vì trong xã hội có giai cấp, hai sự vật mâu thuẫn nhau, như chiến tranh và hòa bình, trong những điều kiện nhất định đều có tính đồng nhất. Tất cả những cái mâu thuẫn nhau lại liên hệ lẫn nhau, chẳng những cùng ở chung trong một thể thống nhất trong những điều kiện nhất định, mà lại còn chuyển hóa lần nhau trong những điều kiện nhất định, đó là toàn bộ ý nghĩa của tính đồng nhất của mâu thuẫn. Điều mà Lê-nin nói: « Làm thế nào mà có thể và thường là (và trở thành) đồng nhất... trong những điều kiện nào chúng là đồng nhất bằng cách chuyển hóa từ mặt đối lập này sang mặt đối lập kia... », tức là với ý nghĩa đó. « Tại sao lý trí con người không nên xem những mặt đối lập là chết, cứng đờ, mà là sinh động, có điều kiện, hoạt động, chuyển hóa lẫn nhau? » Tại vì sự vật khách quan vốn là như thế. Tính thống nhất hoặc đồng nhất của các mặt mâu thuẫn trong sự vật khách quan, vốn không phải là chết, là cố định, mà là sinh động, có điều kiện, có thể biến đổi, tạm thời, tương đối, tất cả mọi mâu thuẫn đều dựa vào những điều kiện nhất định mà chuyển hóa thành mặt đối lập với nó. Tình hình ấy phản ánh vào tư tưởng người ta, tạo thành vũ trụ quan duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác. Chỉ có giai cấp thống trị phản động hiện nay và trong lịch sử, cùng phái siêu hình phục vụ cho chúng, mới không coi sự vật đối lập là sinh động, có điều kiện, có thể thay đổi, chuyển hóa lẫn nhau, mà coi nó là chết, cứng đờ; hơn nữa chúng lại đem quan điểm sai lầm ấy tuyên truyền khắp nơi, mê hoặc quần chúng nhân dân để đại mục đích tiếp tục thống trị của chúng. Nhiệm vụ của những người cộng sản là vạch trần tư tưởng sai lầm của bọn phản động và phái siêu hình, tuyên truyền phép biện chứng vốn có trong sự vật, thúc đẩy sự chuyển hóa của sự vật, để đạt tới mục đích cách mạng. Nói tính đồng nhất của mâu thuẫn trong điều kiện nhất định, tức là: mâu thuẫn mà chúng ta nói là mẫu thuẫn có thực, là mâu thuẫn cụ thể và sự chuyển hóa lẫn nhau của mâu thuẫn cũng là có thực, cụ thể. Nhiều chuyện biến hóa trong thần thoại, như những truyện « Khoa Phụ đuổi theo mặt trời »[2] trong Sơn hải kinh, truyện « Hậu Nghệ bắn chín mặt trời »[3] trong Hoài Nam tử, truyện bảy mươi hai phép biến hóa của Tôn Ngộ-không trong Tây du ký [4] và truyện hồ ly biến thành người trong Liêu trai chí dị [5], v.v.; những sự biến hóa lẫn nhau đó của mâu thuẫn nói trong thần thoại, là những biến hóa ấu trĩ, tưởng tượng, ảo tưởng chủ quan, do những sự biến hóa lẫn nhau của vô số những mâu thuẫn có thực và phức tạp gây ra trong đầu óc người ta, đó không phải là những biến hóa cụ thể do mâu thuẫn cụ thể biểu hiện ra. Mác nói: « Bất cứ một câu chuyện thần thoại nào cũng đều khắc phục, khống chế và tạo thành các lực lượng của tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng; do đó nó sẽ không biến mất khi người ta thực sự khống chế được các lực lượng này »[6]. Những truyện thiên biến vạn hóa đó trong thần thoại (và cả trong truyện cổ tích nữa), tuy được người ta ưa thích vì nó tưởng tượng ra những việc con người chinh phục sức thiên nhiên, v.v., hơn nữa, những truyện thần thoại hay nhất có « sức hấp dẫn lâu dài » (Mác), nhưng thần thoại không căn cứ vào điều kiện nhất định của mâu thuẫn cụ thể, cho nên nó không phải là phản ánh khoa học của hiện thực. Nghĩa là, các mặt tạo thành mâu thuẫn trong thần thoại hoặc truyện cô tích, không phải là tính đồng nhất cụ thể, mà chỉ là tính đồng nhất ảo tưởng, cái mà phản ánh một cách khoa học tính đồng nhất của những biến hóa hiện thực, chính là phép biện chứng của chủ nghĩa Mác. Tại sao trứng gà có thể chuyển hóa thành gà con, mà hòn đá lại không thể chuyển hóa thành gà con ? Tại sao chiến tranh và hòa bình có tính đồng nhất, còn chiến tranh và hòn đá thì không có tính đồng nhất? Tại sao người có thể đẻ ra người chứ không thể đẻ ra vật gì khác ? Không có gì khác, chính là vì tính đồng nhất của mâu thuẫn chỉ có thể có trong những điều kiện tất yếu nhất định. Thiếu điều kiện tất yếu nhất định, thì không thể có tính đồng nhất nào cả. Vì sao ở Nga, cuộc Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai 1917 và Cách mạng vô sản xã hội chủ nghĩa tháng Mười cùng năm đó trực tiếp liên hệ với nhau, còn cuộc cách mạng tư sản Pháp không trực tiếp liên hệ với cách mạng xã hội chủ nghĩa, và Công xã Pa-ri [7] năm 1871 cuối cùng lại bị thất bại? Vì sao chế độ du mục ở Mông-cổ và vùng Trung Á lại trực tiếp gắn liền với chủ nghĩa xã hội? Vì sao cách mạng Trung-quốc có thể tránh con đường tư bản chủ nghĩa, có thể trực tiếp gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không cần phải đi theo con đường lịch sử cũ của các nước phương Tây, không cần kinh qua một thời kỳ chuyên chính tư sản? Không có gì khác, đều là do những điều kiện cụ thể lúc bấy giờ. Khi mà điều kiện tất yếu nhất định đã đầy đủ, thì quá trình phát triển của sự vật sẽ phát sinh những mâu thuẫn nhất định, và loại mâu thuẫn ấy hoặc những mâu thuẫn ấy dựa vào nhau mà tồn tại, lại chuyển hóa lẫn nhau, nếu không thì không thể có gì cả. Vấn đề tính đồng nhất là như thế. Còn tính đấu tranh là gì? Mối quan hệ giữa tính đồng nhất và tính đấu tranh như thế nào? Lê-nin đã nói: « Sự thống nhất (phù hợp, đồng nhất, tác dụng ngang nhau) của các mặt đối lập là có điều kiện, tạm thời, thoáng qua, tương đối. Sự đấu tranh của các mặt đối lập bài trừ lẫn nhau là tuyệt đối, cũng như sự phát triển, sự vận động là tuyệt đối".[8] Ý đoạn này của Lê-nin là thế nào? Tất cả mọi quá trình đều có bắt đầu và kết thúc, tất cả mọi quá trình đều chuyển hóa thành cái đối lập với nó. Tính chất không thay đổi của tất cả mọi quá trình là tương đối, còn tính biến đổi của quá trình này chuyển hóa thành quá trình khác, lại là tuyệt đối. Sự vận động của bất cứ một sự vật nào cũng đều có hai trạng thái: trạng thái đứng im tương đối và trạng thái biến đổi rõ rệt. Sự vận động của hai trạng thái đó là do hai nhân tố mâu thuẫn nhau bên trong sự vật, đấu tranh lẫn nhau gây nên. Khi sự vận động của sự vật ở vào trạng thái thứ nhất, nó chỉ biến đổi về số lượng, không biến đổi về tính chất, cho nên nó có vẻ như là đứng im. Khi sự vận động của sự vật ở vào trạng thái thứ hai, thì nó đã từ sự biến đổi về số lượng trong trạng thái thứ nhất đạt tới một điểm cao nhất nào đó, dẫn tới sự chia sẻ của vật thống nhất, mà sinh ra biến đổi về tính chất, cho nên xuất hiện sự biến đổi rõ rệt Trong đời sống hàng ngày, những cái mà chúng ta thấy như: thống nhất, đoàn kết, liên hiệp, điều hòa, cân bằng, cầm cự, yên lặng, bình thường, đều nhau, ngưng tụ, hấp dẫn, v.v., đó đều là bộ mặt của sự vật ở vào trạng thái biến đổi về lượng. Còn khi vật thống nhất bị chia sẻ, trạng thái đoàn kết, liên hiệp, điều hòa, cân bằng, cầm cự, yên lặng, bình thường, đều nhau, ngưng tụ, hấp dẫn, v.v., bị phá hoại, biến thành trạng thái ngược lại, thì đó đều là bộ mặt của sự vật trong trạng thái biến đổi về chất, trong sự biến hóa từ một quá trình này chuyển sang một quá trình khác. Các sự vật đều luôn luôn không ngừng chuyển hóa từ trạng thái thứ nhất sang trạng thái thứ hai, mà trong cả hai trạng thái ấy đều có sự đấu tranh của mâu thuẫn, và kinh qua trạng thái thứ hai mà đi đến giải quyết mâu thuẫn. Cho nên nói rằng, sự thống nhất của đối lập là có điều kiện, là tạm thời, là tương đối, còn sự đấu tranh của đối lập, bài trừ lẫn nhau, thì lại là tuyệt đối. Ở trên chúng ta đã nói, giữa hai cái trái ngược nhau, có tính đồng nhất, cho nên hai cái đó có thể cùng ở trong một thể thống nhất, lại có thể chuyển hóa lẫn nhau, đó là nói về tính điều kiện, tức là nói rằng trong điều kiện nhất định thì những cái mâu thuẫn nhau có thể thống nhất lại, và có thể chuyển hóa lẫn nhau; không có điều kiện nhất định đó thì không thể trở thành mâu thuẫn, không thể cùng tồn tại, cũng không thể chuyển hóa lẫn nhau. Do điều kiện nhất định, mới tạo ra tính đồng nhất của mâu thuẫn, cho nên nói: tinh đồng nhất là có điều kiện, là tương đối. Ở đây, chúng ta lại nói: sự đấu tranh của mâu thuẫn quán xuyến từ đầu đến cuối quá trình, và làm cho quá trình này chuyển hóa thành quá trình khác, sự đấu tranh của mâu thuẫn không đâu là không có, cho nên nói tính đấu tranh của mâu thuẫn là không điều kiện, là tuyệt đối. Tính đồng nhất có điều kiện, tương đối, và tính đấu tranh không điều kiện, tuyệt đối, kết hợp với nhau, tạo nên sự vận động mâu thuẫn của tất cả mọi sự vật. Người Trung-quốc chúng ta thường nói: « Tương phản tương thành »[9]. Nghĩa là những cải trái nhau có tính đồng nhất. Câu nói đó là biện chứng, nó trái hẳn với siêu hình. « Tương phản » nghĩa là hai mặt của mâu thuẫn bài trừ lẫn nhau, hoặc đấu tranh lẫn nhau. « Tương thành » nghĩa là, trong điều kiện nhất định, hai mặt của mâu thuẫn liên kết với nhau, mà có được tính đồng nhất. Tính đấu tranh nằm trong tính đồng nhất; không có tính đấu tranh, thì không có tính đồng nhất. Trong tính đồng nhất có tính đấu tranh, trong tính riêng biệt có tính phổ biến, trong tỉnh riêng có tính chung. Như Lê-nin đã nói: « Trong cái tương đối có cải tuyệt đối »[10]. [1] V. Lê-nin : Bút ký triết học. Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội, 1963, tr. 118. [2] Sơn hải kinh là một bộ sách thời Chiến quốc ở Trung-quốc (403 – 221 trước công lịch). Khoa Phụ là một vị thần trong Sơn hải kinh. Theo truyền thuyết: “Khoa Phụ đuổi theo mặt trời. Vào tới chỗ mặt trời, khát muốn uống nước, liên uống ở sông Hà, sông Vị. Sông Hà, sông Vị không đủ, đi lên phía Bắc uống ở hồ lớn. Chưa đến, giữa đường khát mà chết. Bèn vứt gậy đi, hóa thành rừng Đặng-lâm" (Hải ngoại bắc kinh). [3] Hậu Nghệ là một anh hùng trong truyền thuyết cổ của Trung-quốc, “bắn mặt trời" là truyện nổi tiếng về tài bắn giỏi của ông ta. Theo cuốn Hoài Nam tử do người đời Hán là Lưu An (quý tộc ở thế kỷ thứ II trước công lịch) viết, thì : « Thời vua Nghiêu, mười mặt trời cùng mọc, đốt cháy lúa thóc, phá hoại cây cối, dân không có gì ăn. Nhiều dã thú, như khiết du, tạc xỉ, cứu anh, đại phong, phong hy, tu xà (tên những dã thú thời cò thường gây tai hại cho loài người lúc bấy giờ – N.D.), đều làm hại dân. Vua Nghiêu bèn sai Nghệ... trên thì bắn mười mặt trời, dưới thì giết các khiết du... Muôn dân đều mừng”. Đời Đông Hán có Vương Dật (nhà văn ở thế kỷ thứ II sau công lịch) chú thích bài thơ Thiên vấn của Khuất Nguyên rằng : “ Hoài Nam nói, thời vua Nghiêu, mười mặt trời cùng xuất hiện, cây cối cháy khô. Vua Nghiêu sai Nghệ ngắm bắn mười mặt trời, trúng chín mặt trời... còn lại một mặt trời». [4] Tây du ký là một bộ tiêu thuyết thần thoại của Trung quốc ở thế kỷ XVI, Tôn Ngộ không là vai chính trong Tây du ký, Tôn Ngộ-không là con khi thần, có 72 phép biến hóa, có thể tùy ý biến thành chim, thú, sâu, cá, cỏ, cây, đồ vật hoặc người. [5] Liêu trai chí dị là một bộ tiểu thuyết do người đời Thanh là Bồ Tùng-linh (thế kỷ XVII) thu thập các truyền thuyết trong dân gian mà viết ra, gồm 431 truyện ngắn, phần lớn là truyện thần tiên ma quỷ. [6] C. Mác : Góp phần phê phán chính trị kinh tế học, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1964, trị 312. [7] Công xã Pa-ri là tổ chức chính quyền đầu tiên của giai cấp vô sản trong lịch sử thế giới. Ngày 18 tháng Ba 1871, giai cấp vô sản Pháp đã tiến hành khởi nghĩa ở Pa-ri, giành lấy chính quyền. Ngày 28 tháng Ba đã thành lập Công xã Pa-ri do giai cấp vô sản lãnh đạo bầu ra. Công xã Pa-ri là kiểu mẫu đầu tiên của cách mạng vô sản đập tan bộ máy Nhà nước tư sản, là một sáng kiến vĩ đại dùng chính quyền vô sản thay thế cho chính quyền tư sản đã bị đập tan. Do giai cấp vô sản Pháp lúc bấy giờ còn chưa thành thục, họ không chú ý đoàn kết với quân đồng minh là đông đảo nông dân, lại quá rộng rãi với bọn phản cách mạng, chưa kịp thời thực hành việc tiến công bằng quân sự một cách kiên quyết. Điều đó đã làm cho những thế lực phản cách mạng có thể do chỗ hở mà tập hợp những lực lượng đã bị tan rã nổi lên gây ra cuộc tàn sát hết sức điên cuồng đối với quần chúng khởi nghĩa. Ngày 28 tháng Năm Công xã Pa-ri tuyên cáo thất bại. [8] V. Lê-nin : Bút ký triết học, Nhà xuất bản Sự thật, Hà-nội, 1963, tr. 382. [9] Câu nói đó đầu tiên thấy ở tập Văn nghệ chí, quyển 30, phần sách đời Tiền Hán do Ban Cố (nhà sử học nổi tiếng của Trung quốc ở thế kỷ I) viết, về sau rất được lưu hành. Nguyên văn của Ban Cố như sau : “Mười nhà chư tử, đáng chú ý chi có chín nhà. Những nhà ấy đều nói lên trong lúc vương đạo đã suy yếu, các chư hầu tranh quyền, những vị vua chúa lúc bấy giờ tốt xấu khác nhau. Cho nên học thuật của chín nhà ấy ùn ùn đưa ra, mỗi nhà giữ một đầu mối, đề cao cái hay của mình, lấy đó đi du thuyết các nước đề các chư hầu theo học thuật của mình. Những học thuật đó tuy khác nhau như nước với lửa, có thể tiêu diệt lẫn nhau, nhưng lại có thể giúp ích cho nhau. Nhân với nghĩa, kính với hòa, tuy tương phản nhưng lại tương thành". [10] V. Lê-nin. Bút ký triết học, Nhà xuất bản Sự thật, Hà nội, 1963, tr. 383.
|
Ý KIẾN BẠN ĐỌC