Chủ nghĩa Marx

Tính riêng biệt của mâu thuẫn

 

BÀN VỀ MÂU THUẪN

(Tháng Tám 1937)

 

MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976)

 


Mao Trạch Đông. Bàn về thực tiễn. Bàn về mâu thuẫn. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1966. | Nguyên bản tiếng Trung | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

 

3. TÍNH RIÊNG BIỆT CỦA MÂU THUẪN

 

Mâu thuẫn tồn tại trong quá trình phát triển của tất cả mọi sự vật, mâu thuẫn quán xuyến từ đầu đến cuối quá trình phát triển của mỗi một sự vật, đó là tính phổ biến và tính tuyệt đối của mâu thuẫn, trên kia đã nói rồi. Bây giờ nói đến tính riêng biệt và tính tương đối của mâu thuẫn.

Cần nghiên cứu vấn đề này trong mấy loại tình hình. Trước hết là: mâu thuẫn trong các hình thức vận động của vật chất, đều có tính riêng biệt. Người ta hiểu biết vật chất, tức là hiểu biết các hình thức vận động của vật chất; vì ngoài vật chất vận động ra thì thế giới không có cái gì nữa, mà sự vận động của vật chất thì phải có những hình thức nhất định. Đối với mỗi một hình thức vận động của vật chất, phải chú ý đến chỗ giống nhau giữa nó với các loại hình thức vận động khác. Nhưng điều quan trọng nhất, điều làm cơ sở cho ta nhận thức sự vật, là phải chú ý đến chỗ riêng biệt của mỗi hình thức vận động, nghĩa là chú ý đến sự khác nhau về chất giữa nó với các hình thức vận động khác. Chỉ có chú ý đến điều đó thì mới có thể phân biệt được sự vật. Bất cứ hình thức vận động nào, bên trong nó cũng đều bao gồm những mâu thuẫn riêng biệt của bản thân nó. Những mâu thuẫn riêng biệt đó tạo nên bản chất riêng biệt phân biệt sự vật này với sự vật khác. Đó là nguyên nhân bên trong hoặc gọi là căn cứ làm cho các sự vật trên thế giới có sự khác nhau thiên hình vạn trạng. Trong giới tự nhiên có nhiều hình thức vận động, như vận động máy móc, tiếng động, ánh sáng, hơi nóng, luồng điện, phân giải, hóa hợp, v.v. Tất cả những hình thức vận động đó của vật chất đều dựa lẫn nhau mà tồn tại, nhưng lại khác nhau về bản chất. Bản chất riêng biệt của mỗi hình thức vận động của vật chất, do mẫu thuẫn riêng biệt của nó quy định Chẳng những trong giới tự nhiên như thế, mà trong những hiện tượng xã hội và hiện tượng tư tưởng cũng như thế. Mỗi một hình thức xã hội và mỗi một hình thức tư tưởng đều có mâu thuẫn riêng biệt và bản chất riêng biệt của nó.

Sự phân biệt các ngành nghiên cứu khoa học là căn cứ vào tính mâu thuẫn riêng biệt vốn có của đối tượng các ngành khoa học. Vì vậy, việc nghiên cứu loại mâu thuẫn nào đó đặc biệt của một lĩnh vực hiện tượng nào đó, tạo nên đối tượng của ngành khoa học đó. Ví như: số dương và số âm trong toán học, tác dụng và phản tác dụng trong cơ học, điện dương và điện âm trong vật lý học, phân giải và hóa hợp trong hóa học, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giai cấp và đấu tranh giai cấp trong khoa học xã hội, tấn công và phòng ngự trong khoa học quân sự, chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, quan điểm siêu hình và quan điểm biện chứng trong triết học, v.v., tất cả những cái đó đều vì có mâu thuẫn riêng biệt và bản chất riêng biệt nên mới tạo thành đối tượng nghiên cứu của những khoa học khác nhau. Cố nhiên, nếu không nhận thức được tính phổ biến của mâu thuẫn thì không tìm thấy được nguyên nhân phổ biến hoặc căn cứ phổ biến của sự phát triển vận động của sự vật; nhưng nếu không nghiên cứu tính riêng biệt của mâu thuẫn, không xác định được bản chất riêng biệt làm cho sự vật này không giống với sự vật khác, không tìm thấy được nguyên nhân riêng biệt hoặc căn cứ riêng biệt của sự phát triển vận động của sự vật, cũng không phân biệt được sự vật, và không phân biệt được các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Đứng về trình tự vận động của nhận thức người ta mà nói, thì bao giờ cũng từ chỗ nhận thức sự vật cả biệt và riêng biệt mà tiến dần đến nhận thức sự vật nói chung. Đầu tiên, bao giờ người ta cũng nhận thức bản chất riêng biệt của nhiều sự vật khác nhau, rồi sau mới có thể tiến tới việc khái quát và nhận thức bản chất chung của các loại sự vật. Sau khi đã nhận thức bản chất chung đó, thì dùng nhận thức chung đó để chỉ đạo, tiếp tục nghiên cứu những sự vật cụ thể chưa nghiên cứu, hoặc chưa nghiên cứu sâu, và tìm ra bản chất riêng biệt của nó; như thế mới có thể bổ sung, làm phong phú và phát triển sự nhận thức về bản chất chung đó, và làm cho sự nhận thức về bản chất chung đó khỏi thành cái khô khan, cứng nhắc. Đó là hai quá trình của sự nhận thức: một cái là từ riêng đến chung, một cái là từ chung đến riêng. Sự nhận thức của loài người bao giờ cũng tiến hành bằng cách tuần hoàn theo vòng xoáy ốc như vậy và mỗi một lần tuần hoàn (nếu nghiêm chỉnh dựa vào phương pháp khoa học) đều có thể nâng cao nhận thức của loài người thêm một bước, làm cho sự nhận thức của loài người không ngừng sâu sắc thêm. Sai lầm của những người giáo điều chủ nghĩa của chúng ta về vấn đề này là: một mặt, họ không hiểu rằng phải nghiên cứu tính riêng biệt của mâu thuẫn, phải nhận thức bản chất riêng biệt của các sự vật khác nhau, thì mới có thể nhận thức được đầy đủ tính phổ biến của mâu thuẫn, mới có thể nhận thức được đầy đủ bản chất chung của các sự vật; mặt khác, họ không hiểu là sau khi đã nhận thức được bản chất chung của sự vật, còn phải tiếp tục nghiên cứu những sự vật cụ thể chưa nghiên cứu sâu hoặc những sự vật mới xuất hiện. Những người giáo điều chủ nghĩa của chúng ta là những kẻ lười biếng, họ không chịu khó nghiên cứu những sự vật cụ thể, họ coi chân lý chung thành một cái gì từ trên trời rơi xuống, hoặc biến chân lý chung đó thành công thức thuần túy trừu tượng mà người ta không thể mò đến được, họ phủ nhận hoàn toàn và làm đảo lộn trình tự bình thường của sự nhận thức về chân lý của loài người. Họ cũng không hiểu mối liên hệ lẫn nhau giữa hai quá trình nhận thức của loài người – từ riêng đến chung, rồi lại từ chung đến riêng, họ hoàn toàn không hiểu nhận thức luận của chủ nghĩa Mác.

Chẳng những phải nghiên cứu những mâu thuẫn riêng biệt của các hình thức vận động của vật chất trong mỗi một hệ thống lớn, và bản chất do những mâu thuẫn đó quy định, mà còn phải nghiên cứu mâu thuẫn riêng biệt của mỗi một quá trình trong con đường phát triển dài của mỗi một hình thức vận động vật chất, đồng thời nghiên cứu bản chất do những màu thuẫn riêng biệt ấy quy định. Trong mỗi một quá trình phát triển thực tại, chứ không phải là tưởng tượng ra, của tất cả các hình thức vận động, đều có sự khác nhau về chất. Công tác nghiên cứu của chúng ta phải chú trọng điểm đó và phải bắt đầu từ điểm đó.

Phải dùng phương pháp khác nhau về chất, mới có thể giải quyết được những mâu thuẫn khác nhau về chất. Ví dụ: mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, thì phải dùng phương pháp cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải quyết; mâu thuẫn giữa đông đảo quần chúng nhân dân và chế độ phong kiến thì phải dừng phương pháp cách mạng dân chủ đề giải quyết; mâu thuẫn giữa thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc thì phải dùng phương pháp chiến tranh cách mạng dân tộc để giải quyết; mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa thì phải dùng phương pháp tập thể hóa nông nghiệp và cơ khi hóa nông nghiệp đề giải quyết; mâu thuẫn trong đảng cộng sản thì phải dùng phương pháp phê bình và tự phê bình đề giải quyết; mâu thuẫn giữa xã hội và tự nhiên thì phải dùng phương pháp phát triển lực lượng sản xuất đề giải quyết. Về quá trình biến hóa, quá trình cũ và mâu thuẫn cũ mất đi, quá trình mới và mâu thuẫn mới sinh ra, thì phương pháp giải quyết mâu thuẫn cũng vì thế mà khác nhau. Những mâu thuẫn do Cách mạng tháng Hai và Cách mạng tháng Mười ở Nga đã giải quyết và những phương pháp mà hai cuộc cách mạng ấy dùng để giải quyết mâu thuẫn, đều khác nhau về căn bản. Dùng phương pháp khác nhau để giải quyết những mâu thuẫn khác nhau, đó là một nguyên tắc mà những người theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin phải nghiêm chỉnh tuân theo. Những người giáo điều chủ nghĩa không tuân theo nguyên tắc đó, họ không biết sự khác nhau của các loại tình huống cách mạng, cho nên họ cũng không hiểu rằng phải dùng phương pháp khác nhau để giải quyết những mâu thuẫn khác nhau, ở đâu họ cũng chỉ nhất luật dùng một mẫu công thức mà họ tự cho là không thể thay đổi được, như thế thì chỉ có thể làm cho cách mạng bị tổn thất, hoặc làm cho những việc đáng lẽ tốt cũng hóa ra xấu.

Muốn phát hiện ra tính riêng biệt của các mâu thuẫn trên tổng thể của chúng, về mối quan hệ lẫn nhau của chúng trong quá trình phát triển sự vật, nghĩa là phát hiện ra bản chất của quá trình phát triển sự vật, thì phải phát hiện ra tính riêng biệt của các mặt mâu thuẫn trong quá trình; không làm như vậy thì không thể phát hiện được bản chất của quá trình ; đó cũng là điểm chúng ta cần phải hết sức chú ý trong khi làm công tác nghiên cứu.

Một sự vật lớn, trong quá trình phát triển của nó, bao hàm nhiều mâu thuẫn. Ví dụ : trong quá trình cách mạng dân chủ tư sản ở Trung-quốc, có mâu thuẫn giữa các giai cấp bị áp bức trong xã hội Trung-quốc với chủ nghĩa đế quốc, có mâu thuẫn giữa đông đảo quần chúng nhân dân với chế độ phong kiến, có mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, có mâu thuẫn giữa nông dân và giai cấp tiểu tư sản thành thị với giai cấp tư sản, có mâu thuẫn giữa các tập đoàn thống trị phản động với nhau, v.v., tình hình rất là phức tạp. Những mâu thuẫn ấy, chẳng những mỗi cái đều có tính riêng biệt của nó, không thể nhất luật coi như nhau, mà trong hai mặt của mỗi mâu thuẫn, thì mỗi mặt cũng lại có đặc điểm của nó, cũng không thể nhất luật coi như nhau. Chúng ta là những người làm cách mạng ở Trung-quốc, chẳng những phải hiểu tính riêng biệt trên tổng thể của các mâu thuẫn, tức là mối liên hệ lẫn nhau giữa các mâu thuẫn, mà chỉ có bắt tay nghiên cứu từ các mặt mâu thuẫn, thì mới có thể hiểu được tổng thể của các mâu thuẫn. Nói hiểu các mặt của mâu thuẫn, nghĩa là hiểu được mỗi mặt của mâu thuẫn có một địa vị đặc biệt gì, mỗi mặt đó, bằng hình thức cụ thể gì mà phát sinh những quan hệ nương tựa lẫn nhau, lại mâu thuẫn lẫn nhau với mặt kia; trong khi nương tựa lẫn nhau và mâu thuẫn lẫn nhau, và sau khi sự nương tựa lẫn nhau bị tan vỡ, thì mỗi mặt đó lại đấu tranh chống lại đối phương bằng phương pháp cụ thể gì. Nghiên cứu những vấn đề ấy là việc rất quan trọng. Lê-nin đã nói: cái bản chất nhất của chủ nghĩa Mác, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là sự phân tích cụ thể những tình hình cụ thể. [1] Chính là nói ý đó. Những người giáo điều chủ nghĩa của chúng ta đã làm trái với chỉ thị của Lê-nin, từ trước đến nay, họ không dùng bộ óc để phân tích cụ thể bất cứ sự vật gì, họ viết hoặc họ nói, đều là lời lẽ sáo rỗng không có nội dung cụ thể, đã gây nên một tác phong rất xấu trong Đảng ta. Khi nghiên cứu vấn đề gì, phải tránh chủ quan, phiến diện và hời hợt. Chủ quan nghĩa là không biết xem xét vấn đề một cách khách quan, cũng tức là không biết dùng quan điểm duy vật để xem xét vấn đề. Điểm này tôi đã nói trong bài Bàn về thực tiễn. Phiến diện tức là không biết xem xét vấn đề một cách toàn diện. Ví dụ: chỉ hiểu phía Trung-quốc, không hiểu phía Nhật bản; chỉ hiểu phía Đảng cộng sản, không hiểu phía Quốc dân đảng; chỉ hiểu phía giai cấp vô sản, không hiểu phía giai cấp tư sản; chỉ hiểu phía nông dân, không hiểu phía địa chủ ; chỉ hiểu phía tình hình thuận lợi, không hiều phía tình hình khó khăn; chỉ hiểu phía quá khứ, không hiểu phía tương lai; chỉ hiểu phía riêng, không hiểu phía chung; chỉ hiểu phía khuyết điểm, không hiểu phía thành tích; chỉ hiểu phía nguyên cáo, không hiểu phía bị cáo; chỉ hiểu phía công tác bí mật của cách mạng, không hiểu phía công tác công khai của cách mạng, v.v... Nói tóm lại, là không hiểu đặc điểm của các mặt mâu thuẫn. Như thế gọi là xem xét vấn đề một cách phiến diện. Hoặc gọi là, chỉ thấy cục bộ, không thấy toàn thể, chỉ thấy cây, không thấy rừng. Như vậy thì không thể tìm được phương pháp giải quyết mâu thuẫn, không thể hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, không thể làm tốt được công tác mình làm, không thể phát triển đúng đắn cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng. Bàn về quân sự. Tôn tử đã nói: "Biết người biết mình, trăm trận trăm thắng" [2]. Tức là phải hiểu cả hai phe trong cuộc chiến tranh. Ngụy Trưng đời Đường nói: "Nghe nhiều thì sáng, tin lệch một phía thì mờ" [3]. Ông ta cũng hiểu rằng: phiến diện là sai. Nhưng các đồng chí chúng ta khi nhìn vấn đềthường hay phiến diện, những người như thế thường hay vấp váp. Trong Truyện Thủy hử, Tống Giang ba lần đánh Chúc-gia-trang, thất bại hai lần vì không rõ tình hình, phương pháp không đúng. Sau đó, thay đổi phương pháp, bắt tay điều tra tình hình, vì vậy mà biết rõ đường Bàn-đà, đã bẻ gẫy sự liên minh giữa Lý-gia-trang, Hồ-gia-trang với Chúc-gia-trang, và đã bố trí được phục binh ngay trong dinh lũy kẻ địch, đã dùng phương pháp giống như kế ngựa gỗ [4]; của truyện cổ tích nước ngoài, vì vậy mà lần thứ ba thì thắng trận. Trong Truyện Thủy hử có rất nhiều ví dụ về phép biện chứng duy vật, truyện ba lần đánh Chúc- gia-trang nói trên là một trong những ví dụ hay nhất. Lê nin đã nói: "Muốn thật sự hiểu biết một đối tượng, phải nắm vững và nghiên cứu mọi mặt của nó, mọi mối liên hệ và "môi giới" của nó. Chắc chắn là chúng ta sẽ không thể hoàn toàn đạt được điều đó, nhưng cần phải xem xét toàn diện thì mới tránh khỏi sai lầm, tránh khỏi cứng nhắc" [5]. Chúng ta nên ghi nhớ lời của Lê-nin. Hời hợt là không xem xét toàn diện mâu thuẫn và đặc điểm trong các mặt của mâu thuẫn, phủ nhận sự cần thiết phải đi sâu vào sự vật đề nghiên cứu kỹ lưỡng đặc điểm của màu thuẫn, chỉ đứng xa mà nhìn qua loa đại khái, thấy một chút hình dáng của mâu thuẫn, đã muốn bắt tay vào việc giải quyết mâu thuẫn (giải đáp vấn đề, giải quyết xích mích, giải quyết công việc, chỉ huy chiến tranh). Cách làm như vậy, không tránh khỏi tai họa. Các đồng chí mắc bệnh giáo điều chủ nghĩa và kinh nghiệm chủ nghĩa ở Trung quốc sở dĩ phạm sai lầm, là vì phương pháp xem xét sự vật của họ chủ quan, phiến diện và hời hợt. Phiến diện, hời hợt cũng là chủ quan, vì tất cả mọi sự vật khách quan đều có liên hệ lẫn nhau và có quy luật bên trong của nó, nếu như người ta không phản ánh tình hình đó đúng như trong thực tế, mà chỉ xem xét nó một cách phiến diện, hời hợt, không hiểu mối liên hệ lẫn nhau của sự vật, không hiểu quy luật bên trong của sự vật, thì phương pháp như thế là chủ quan chủ nghĩa.

Chúng ta chẳng những phải chủ ý đến những đặc điểm vận động của mâu thuẫn trong toàn bộ quá trình phát triển của sự vật, trong sự liên hệ lẫn nhau của nó, trong tình hình các mặt của nó, mà còn phải chú ý đến những đặc điểm trong các giai đoạn phát triển của quá trình.

Mâu thuẫn căn bản của quá trình phát triển sự vật và bản chất của quá trình do mâu thuẫn căn bản ấy quy định, vẫn chưa thể mất đi, khi nào quá trình còn chưa kết thúc; song mỗi giai đoạn phát triển trong cả quá trình dài của sự phát triển của sự vật, thì tình hình lại thường có khác nhau. Đó là vì tính chất của màu thuẫn căn bản trong quá trình phát triển của sự vật, và bản chất của quá trình tuy chưa biến đổi, nhưng ở mỗi một giai đoạn phát triển trong quá trình dài, mâu thuẫn căn bản đã dần dần mang hình thức kịch liệt thêm. Hơn nữa, trong nhiều mâu thuẫn to nhỏ bị mâu thuẫn căn bản quy định hoặc ảnh hưởng đến, có cái thì gay gắt thêm, có cái thì đã giải quyết tạm thời hoặc cục bộ, hoặc là đã hòa hoãn, lại có cái mới sinh ra, do đó mà nổi rõ tính giai đoạn của quá trình. Nếu người ta không chú ý đến tính giai đoạn trong quá trình phát triển của sự vật, thì không thể giải quyết mâu thuẫn của sự vật một cách thích đáng.

Ví dụ: khi chủ nghĩa tư bản của thời đại tự do cạnh tranh phát triển thành chủ nghĩa đế quốc, thì tính chất của hai giai cấp căn bản mâu thuẫn với nhau là giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, và bản chất tư bản chủ nghĩa của xã hội đó chưa biến đổi; nhưng mâu thuẫn giữa hai giai cấp đã kịch liệt hơn, màu thuẫn giữa tư bản độc quyền và tư bản tự do đã nảy ra, mâu thuẫn giữa chính quốc và thuộc địa đã kịch liệt hơn, và mâu thuẫn giữa các nước tư bản chủ nghĩa với nhau, tức là mâu thuẫn sinh ra vì trạng thái các nước phát triển không đều nhau, biểu hiện ra đặc biệt sâu sắc; do đó đã hình thành giai đoạn đặc biệt của chủ nghĩa tư bản, hình thành giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Chủ nghĩa Lê nin sở dĩ trở thành chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, chính là vì Lênin và Stalin đã trình bày một cách đúng đắn những mâu thuẫn ấy, và đã nêu ra một cách đúng đắn lý luận và sách lược của cách mạng vô sản nhằm giải quyết những mâu thuẫn ấy.

Ở Trung-quốc, chỉ xét tình hình quá trình cách mạng dân chủ tư sản bắt đầu từ cuộc cách mạng Tân hợi cũng có mấy giai đoạn riêng biệt. Nhất là cách mạng trong thời kỳ giai cấp tư sản lãnh đạo và cách mạng trong thời kỳ giai cấp vô sản lãnh đạo, phân biệt thành hai giai đoạn lịch sử khác nhau rất lớn. Đó là : do giai cấp vô sản lãnh đạo, mà bộ mặt của cách mạng đã thay đổi một cách căn bản, mối quan hệ giai cấp đã có sự sắp xếp mới; cách mạng nông dân được phát động rộng lớn, cuộc cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến có tính chất triệt để, cách mạng dân chủ có thể chuyển biến sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, v.v.. Tất cả những điều đó đều không thể xuất hiện được trong thời kỳ giai cấp tư sản lãnh đạo cách mạng. Mặc dù tính chất của mâu thuẫn căn bản trong suốt cả quá trình, tính chất cách mạng dân chủ chống đế quốc, chống phong kiến của quá trình (mặt trái của nó là tỉnh chất nửa thuộc địa, nửa phong kiến), vẫn không thay đổi; song trong thời kỳ lâu dài đó, đã trải qua nhiều sự biến lớn như: cách mạng Tân hợi thất bại và sự thống trị của bọn quân phiệt Bắc-dương; mặt trận thống nhất dân tộc lần thứ nhất thành lập và cuộc cách mạng 1924–1927; mặt trận thống nhất tan rã và giai cấp tư sản chuyển sang phía phản cách mạng; chiến tranh giữa bọn quân phiệt mới; chiến tranh cách mạng ruộng đất; mặt trận thống nhất dân tộc lần thứ hai thành lập và chiến tranh chống Nhật, v.v., trong vòng hơn 20 năm đã trải qua mấy giai đoạn phát triển. Trong những giai đoạn ấy, có những tình hình đặc biệt: có những màu thuẫn đã trở nên kịch liệt (như chiến tranh cách mạng ruộng đất và Nhật-bản xâm lược bốn tỉnh Đông-Bắc[6]); có những mâu thuẫn đã tạm giải quyết được hoặc giải quyết từng bộ phận (như bọn quân phiệt Bắc-dương bị tiêu diệt, chúng ta đã tịch thu ruộng đất của địa chủ); có những mâu thuẫn lại phát sinh trở lại (như chiến tranh giữa bọn quân phiệt mới; sau khi các khu căn cứ cách mạng ở miền Nam bị mất, bọn địa chủ lấy lại ruộng đất), v.v..

Khi nghiên cứu tính riêng biệt của mâu thuẫn ở mỗi một giai đoạn phát triển trong quá trình phát triển của sự vật, chẳng những phải xem xét mối liên hệ và tổng thể của nó, mà còn phải xem xét các mặt của mâu thuẫn trong mỗi một giai đoạn.

Ví dụ: hai đảng Quốc, Cộng. Về phía Quốc dân đảng, trong thời kỳ mặt trận thống nhất lần thứ nhất, vì nó đã thực hành ba chính sách lớn của Tôn Trung-sơn là liên Nga, liên Cộng, giúp đỡ công nông, nên nó là cách mạng, có sức sống dồi dào, nó là liên minh cách mạng dân chủ của các giai cấp. Từ năm 1927 trở về sau, Quốc dân đảng đã biến thành trái ngược hẳn lại, thành tập đoàn phản động của giai cấp địa chủ và đại tư sản. Sau sự biến Tây-an[7] tháng Chạp 1936, nó lại bắt đầu chuyểnsang phía chấm dứt nội chiến, liên hiệp với Đảng cộng sản cùng nhau chống Nhật. Đó là đặc điểm của Quốc dàn đảng trong ba giai đoạn. Cố nhiên, do nhiều nguyên nhân mới hình thành những đặc điểm ấy. Về phía Đảng cộng sản Trung-quốc, thì trong thời kỳ mặt trận thống nhất lần thứ nhất, còn là một đảng non trẻ, Đảng đã anh dũng lãnh đạo cuộc cách mạng 1924 – 1927 ; nhưng về mặt hiểu biết tính chất, nhiệm vụ và phương pháp của cuộc cách mạng, thì Đảng đã biểu lộ tính non trẻ của nó, vì vậy chủ nghĩa Trần Độc-tú phát sinh trong thời kỳ cuối của cuộc cách mạng đó, đã có thể gây tác hại, và làm cho cuộc cách mạng đó bị thất bại. Sau năm 1927, Đảng lại anh dũng lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng ruộng đất, thành lập quân đội cách mạng và khu căn cứ cách mạng, nhưng nó lại phạm sai lầm của chủ nghĩa mạo hiểm, làm cho quân đội và khu căn cứ bị thiệt hại rất nhiều. Sau năm 1935, nó lại sửa chữa được sai lầm mạo hiểm chủ nghĩa, lãnh đạo mặt trận thống nhất mới, chống Nhật, cuộc đấu tranh vĩ đại này hiện đang phát triển. Trong giai đoạn này, Đảng cộng sản là một đảng đã trải qua hai đợt thử thách của cách mạng, đã có kinh nghiệm dồi dào. Đó là những đặc điểm của Đảng cộng sản Trung-quốc trong ba giai đoạn. Sự hình thành những đặc điểm ấy, cũng có nhiều nguyên nhân. Không nghiên cứu những đặc điểm ấy, thì không thể hiểu được những mối quan hệ riêng biệt giữa hai đảng trong các giai đoạn phát triển : mặt trận thống nhất thành lập, mặt trận thống nhất tan rã, rồi mặt trận thống nhất lại thành lập. Mà muốn nghiên cứu các đặc điểm của hai đảng, điều căn bản hơn nữa là phải nghiên cứu cơ sở giai cấp của hai đảng, và nghiên cứu sự đối lập mâu thuẫn đã hình thành trên cơ sở đó giữa hai đảng với các mặt khác trong mỗi thời kỳ. Ví dụ: về Quốc dân đảng, trong thời kỳ liên hiệp lần thứ nhất với Đảng cộng sản, một mặt nó có mâu thuẫn với chủ nghĩa đế quốc bèn ngoài, vì vậy nó chống chủ nghĩa đế quốc; mặt khác, nó có mâu thuẫn với đông đảo nhân dân trong nước, tuy ngoài miệng nó hứa đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân lao động, nhưng thực tế thì nó chỉ mang lại rất ít lợi ích cho nhân dân, hoặc thật sự chẳng mang lại gì cả. Trong thời kỳ nó tiến hành chiến tranh chống cộng, thì nó hợp tác với chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến, chống lại đông đảo nhân dân, xóa sạch mọi quyền lợi mà đông đảo nhân dân vốn đã giành được trong cách mạng, làm gay gắt thêm sự mâu thuẫn giữa nó với đông đảo nhân dân. Trong thời kỳ chống Nhật hiện nay, Quốc dân đảng có mâu thuẫn với đế quốc Nhật, một mặt nó muốn liên hiệp với Đảng cộng sản, nhưng đồng thời nó vẫn không buông lơi việc đấu tranh và chèn ép Đảng cộng sản và nhân dân trong nước. Đảng cộng sản thì bất cứ ở thời kỳ nào, cũng đứng về phía đông đảo nhân dân, chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến; nhưng trong thời kỳ chống Nhật hiện nay, vì Quốc dân đảng tỏ ý chống Nhật, cho nên Đảng cộng sản cũng dùng chính sách hòa hoãn đối với Quốc dân đảng và thế lực phong kiến trong nước. Do các tình hình ấy, cho nên có lúc thì hai đảng liên hiệp với nhau, có lúc thì hai đảng đấu tranh với nhau, mà ngay trong thời kỳ hai đảng liên hiệp với nhau thì cũng có tình hình phức tạp là vừa liên hiệp, vừa đấu tranh. Nếu không nghiên cứu đặc điểm của các mặt mâu thuẫn ấy, thì chúng ta chẳng những không thể hiểu mối quan hệ của mỗi đảng với các mặt khác, mà cũng không thể hiểu mối quan hệ lẫn nhau giữa hai đảng.

Do đó, ta thấy rằng bất cứ nghiên cứu đặc tính của mâu thuẫn nào – màu thuẫn của các hình thức vận động của vật chất, mâu thuẫn của các hình thức vận động trong các quá trình phát triển, các mặt của mâu thuẫn trong các quá trình phát triển, mâu thuẫn trong các giai đoạn phát triển của các quá trình phát triển, và các mặt của mâu thuẫn trong các giai đoạn phát triển, việc nghiên cứu tất cả đặc tính của những mâu thuẫn ấy đều không thể chủ quan tùy tiện, mà phải phân tích chúng một cách cụ thể. Không phân tích cụ thể thì không hiểu biết được đặc tính của bất cứ mâu thuẫn nào. Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ lời Lê-nin: phải phân tích cụ thể những sự vật cụ thể.

Mác và Ăng-ghen là những người đầu tiên đã cho chúng ta những kiểu mẫu rất tốt về cách phân tích cụ thể đó. Khi áp dụng quy luật mâu thuẫn của sự vật vào việc nghiên cứu quá trình lịch sử của xã hội, Mác và Ăng-ghen đã nhìn thấy mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, nhìn thấy mâu thuẫn giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột và mâu thuẫn do những mâu thuẫn trên sinh ra – giữa cơ sở kinh tế với kiến trúc thượng tầng gồm chính trị, tư tưởng, v. v., và những mâu thuẫn ấy không sao tránh khỏi sẽ gây ra những cuộc cách mạng xã hội khác nhau trong những xã hội có giai cấp khác nhau.

Khi áp dụng quy luật ấy vào việc nghiên cứu kết cấu kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, Mác thấy màu thuẫn cơ bản của xã hội ấy là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội của sản xuất và tính chất tư nhân của chế độ chiếm hữu. Mâu thuẫn này biểu hiện ở mâu thuẫn giữa tính chất có tổ chức của sản xuất trong từng xí nghiệp riêng rẽ với tính chất vô tổ chức của sản xuất trong toàn xã hội. Biểu hiện giai cấp của mâu thuẫn đó là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.

Vì phạm vi các sự vật cực kỳ rộng lớn, sự vật lại phát triển vô hạn, cho nên có cái ở trường hợp nhất định này là tính phổ biến, mà ở trường hợp nhất định khác lại biến thành tính riêng biệt. Trái lại, có cái ở trường hợp nhất định này là tính riêng biệt, mà ở trường hợp nhất định khác lại biến thành tính phổ biến. Mâu thuẫn giữa việc xã hội hóa sản xuất và chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất trong chế độ tư bản chủ nghĩa là chung cho tất cả các nước có chủ nghĩa tư bản tồn tại và phát triển; đối với chủ nghĩa tư bản mà nói, đó là tính phổ biến của mâu thuẫn. Nhưng mâu thuẫn đó của chủ nghĩa tư bản lại là mâu thuẫn trong một giai đoạn lịch sử nhất định của sự phát triển xã hội có giai cấp nói chung, đối với mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội có giai cấp nói chung, thì đó lại là tính riêng biệt của mâu thuẫn. Nhưng sau khi Mác đã mổ xẻ tính riêng biệt của tất cả các mâu thuẫn trong xã hội tư bản chủ nghĩa, đồng thời Mác cũng vạch ra tính phổ biến của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội có giai cấp nói chung một cách cao hơn, đầy đủ hơn, hoàn toàn hơn.

Vì sự vật riêng biệt và sự vật phổ biến liên hệ với nhau, vì bên trong mỗi sự vật chẳng những có tính riêng biệt của mâu thuẫn, mà còn có tính phổ biến của mâu thuẫn, tính phổ biến tồn tại trong tính riêng biệt, cho nên khi chúng ta nghiên cứu một sự vật nhất định nào, chúng ta phải phát hiện cả hai mặt đó và mối liên hệ lẫn nhau giữa hai cái đó; phát hiện hai mặt tính riêng biệt và tính phổ biến bên trong mỗi sự vật và sự liên hệ giữa chúng với nhau, phát hiện sự liên hệ lẫn nhau giữa sự vật này với nhiều sự vật khác ngoài nó. Trong tác phẩm nổi tiếng Nguyên lý chủ nghĩa Lê-nin, khi nói rõ nguồn gốc lịch sử của chủ nghĩa Lê-nin, Sta-lin đã phân tích hoàn cảnh quốc tế đẻ ra chủ nghĩa Lê-nin, phân tích các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến tột cùng trong điều kiện của chủ nghĩa đế quốc, và những mâu thuẫn ấy đã làm cho cách mạng vô sản trở thành vấn đề thực tiễn trực tiếp, và đã tạo nên điều kiện tốt để trực tiếp đánh vào chủ nghĩa tư bản. Chẳng những thế, Sta-lin lại còn phân tích vì sao nước Nga trở thành quê hương của chủ nghĩa Lê-nin, phân tích vì sao nước Nga Sa hoàng lúc đó là nơi tập trung tất cả các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc, và phân tích nguyên nhân làm cho giai cấp vô sản Nga có thể trở thành đội tiên phong của giai cấp vô sản cách mạng quốc tế. Như vậy là Sta-lin đã phân tích tính phố biến của mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc, nói rõ chủ nghĩa Lê-nin là chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản; Sta-lin lại phân tích tính riêng biệt của chủ nghĩa đế quốc của Nga hoàng trong những mâu thuẫn chung đó, nói rõ nước Nga đã thành quê hương của lý luận và sách lược của cách mạng vô sản, mà trong tính riêng biệt ấy đã bao gồm tính phổ biến của mâu thuẫn. Cách phân tích đó của Sta-lin là kiểu mẫu cho chúng ta về việc nhận thức tính riêng biệt và tính phổ biến của mâu thuẫn và mối liên hệ lẫn nhau giữa hai cái đó.

Khi áp dụng phép biện chứng vào việc nghiên cứu hiện tượng khách quan, Mác và Ăng-ghen, rồi Lê-nin và Sta-lin cũng vậy, đều dạy chúng ta không nên có chút gì chủ quan tùy tiện, mà phải từ điều kiện cụ thể trong sự vận động của thực tế khách quan để tìm ra những mâu thuẫn cụ thể trong những hiện tượng ấy, địa vị cụ thể của các mặt mâu thuẫn, và mối quan hệ lẫn nhau cụ thể giữa các mâu thuẫn. Vì không có thái độ nghiên cứu như thế, cho nên những người giáo điều chủ nghĩa của chúng ta luôn luôn sai lầm. Chúng ta phải lấy sự thất bại của những người giáo điều chủ nghĩa làm điều răn, học tập thái độ nghiên cứu nói trên, ngoài cách đó không có phương pháp nghiên cứu nào khác.

Mối quan hệ giữa tính phổ biến và tính riêng biệt của mâu thuẫn, chính là mối quan hệ giữa tính chung và tính riêng của mâu thuẫn. Tính chung của mâu thuẫn là: mâu thuẫn tồn tại trong tất cả các quá trình, quản xuyến tất cả các quá trình từ đầu đến cuối, mâu thuẫn tức là vận động, tức là sự vật, tức là quá trình, cũng tức là tư tưởng. Phủ nhận mâu thuẫn của sự vật tức là phủ nhận tất cả. Đó là một quy luật phổ biến, đông tây, kim cổ, đều không có ngoại lệ. Cho nên nó là tính chung, là tính tuyệt đối. Song, tính chung ấy đã có ở trong tất cả các tính riêng, không có tính riêng thì không có tính chung. Nếu loại bỏ hết tính riêng đi, thì có còn gì là tính chung nữa? Bởi vì những cái riêng biệt của mâu thuẫn tạo thành tính riêng. Tất cả những tính riêng đều tồn tại có điều kiện, tạm thời, cho nên nó là tương đối.

Luận điểm về tính chung và tính riêng, về tuyệt đối và tương đối, là cốt tủy của vấn đề mâu thuẫn của sự vật; không hiểu nó thì cũng như vứt bỏ phép biện chứng.

 


  • MỤC 5

 

 


[1] Xem bài Chủ nghĩa cộng sản của Lê-nin (12-6-1920). Trong bài này Lê-nin đã phê bình nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Hung ga-ri Ben-la Cun rằng: - Ông ta đã vứt bỏ cái bản chất nhất của chủ nghĩa Mác, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác là phân tích cụ thể những tình hình cụ thể.

[2] Xem thiên Mưu công, trong Tôn tử, q. 3.

[3] Ngụy Trưng (580 – 613), nhà hoạt động chính trị và nhà sử học đầu đời Đường. Câu này trích ở bộ Tư trị thông giám, 4. 192.

[4] Kế ngựa gỗ là một chuyện nói tiếng trong thần thoại Hy-lạp. Theo truyền thuyết, người có Hy-lạp đánh thành Tơroa mãi không hạ được. Về sau họ giả rút lui, còn để lại dưới thành một toán lớn ngựa gỗ và giấu trong bụng ngựa một số dùng sĩ. Người Tơ-roa không biết đó là mưu kế của kẻ địch, kéo ngựa gỗ vào thành làm chiến lợi phẩm. Đến khuya, đám dũng sĩ chui ra khỏi ngựa gỗ lợi dụng lúc người Tơ-roa không đề phòng, phối hợp với quân đội ngoài thành, đã nhanh chóng đoạt lấy thành.

[5] Trích trong bài Lại bàn về công đoàn, tình hình hiện nay và sai lầm của Tơ-rốt-ski và Bu-kha-rin, của Lênin (tháng Giêng 1921).

[6] Bốn tỉnh Đông-Bắc là chỉ các tỉnh Liêu-ninh, Cát làm, Hắc-long-giang, Nhiệt-bà của miền Đông-Bắc Trung-quốc lúc ấy, tức là ba tỉnh Liêu-ninh, Cát-lâm, Hắc-long-giang với Trường thành miền Đông Bắc tỉnh Hà-bắc trở về phía Bắc và vùng miền Đông khu tự trị Nội Mông hiện nay. Năm 1931, sự biến 18-9 nổ ra, quân xâm lược Nhật chiếm 3 tỉnh Liêu-ninh, Cát-lâm Hắc-long-giang, năm 1933 lại xâm chiếm tỉnh Nhiệt hà.

[7] Quân đội Đông-Bắc của Quốc dân đảng do Trường Học-lương đứng đầu và lộ quân thứ 17 của Quốc dân đảng do Dương Hổ-thành cầm đầu, vì chịu ảnh hưởng của Hồng quân Trung quốc và của phong trào nhân dân chống Nhật, đã tán thành chính sách mặt trận thống nhất dân tộc chống Nhật do Đảng cộng sản Trung quốc đề ra, đòi Tưởng Giới thạch liên Cộng chống Nhật. Tưởng Giới thạch cự tuyệt yêu cầu đó, và làm trái ngược lại, tích cực sắp đặt quân đội "tiễu cộng", đàn áp phong trào chống Nhật của học sinh Tây-an. Ngày 12 tháng Chạp 1936, Trương Học-lương và Dương Hô-thành phát động sự biến Tây-an, bắt giam Tưởng Giới thạch. Sau khi sự biến xảy ra, Đảng cộng sản Trung-quốc tỏ rõ sự kiên quyết ủng hộ đối với những hành động yêu nước của Trương Học-lương, Dương Hồ thành, đồng thời chủ trương giải quyết sự biến đó trên cơ sở đoàn kết chống Nhật. Ngày 25 tháng Chạp, Tưởng Giới thạch bị bắt buộc phải tiếp thu điều kiện liên Cộng chống Nhật và được thả cho về Nam-kinh.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt