Chủ nghĩa Marx

Vai trò của đối kháng trong mâu thuẫn

 

BÀN VỀ MÂU THUẪN

(Tháng Tám 1937)

 

MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976)

 


Mao Trạch Đông. Bàn về thực tiễn. Bàn về mâu thuẫn. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1966. | Nguyên bản tiếng Trung | Bản dịch tiếng Anh | Bản dịch tiếng Pháp.


 

6. VAI TRÒ CỦA ĐỐI KHÁNG TRONG MÂU THUẪN

Trong vấn đề tính đấu tranh của mâu thuẫn bao gồm vấn đề: đối kháng là gì? Chúng tôi trả lời: đối kháng là một hình thức đấu tranh của mâu thuẫn, chứ không phải là tất cả mọi hình thức đấu tranh của mâu thuẫn.

Trong lịch sử loài người, có sự đối kháng giai cấp, đó là một biểu hiện riêng biệt của sự đấu tranh giữa các mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, bất cứ trong xã hội nô lệ, trong xã hội phong kiến, hay trong xã hội tư bản chủ nghĩa, hai giai cấp mâu thuẫn nhau, cùng tồn tại lâu dài trong một xã hội, đấu tranh với nhau, nhưng phải chờ đến khi mâu thuẫn giữa hai giai cấp phát triển đến một giai đoạn nhất định, hai bên mới dùng hình thức đối kháng bên ngoài, phát triển thành cách mạng. Trong xã hội có giai cấp, sự chuyển hóa từ hòa bình sang chiến tranh cũng như vậy.

Lúc quả bom chưa nổ là lúc mà do điều kiện nhất định, những vật mâu thuẫn cùng ở chung với nhau trong một thể thống nhất. Cho đến khi có điều kiện mới (châm ngòi), thì nó mới nổ. Trong giới tự nhiên, tất cả những hiện tượng đến lúc cuối cùng phải dùng hình thức xung đột bên ngoài để giải quyết mâu thuẫn cũ, làm nảy ra sự vật mới, đều có tình hình tương tự như vậy.

Nhận thức tình hình ấy là điều rất quan trọng. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng: trong xã hội có giai cấp, cách mạng và chiến tranh cách mạng là không thể tránh được, bỏ điều ấy thì không thể hoàn thành bước nhảy vọt của sự phát triển xã hội, không đánh đổ được giai cấp thống trị phản động, làm cho nhân dân giành được chính quyền. Người cộng sản phải vạch trần luận điệu tuyên truyền lừa bịp của bọn phản động cho rằng không cần có cách mạng xã hội và cũng không thể có cách mạng xã hội, v.v., phải giữ vững học thuyết cách mạng xã hội của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, phải làm cho nhân dân hiểu rằng cách mạng xã hội chẳng những hoàn toàn cần thiết, mà còn hoàn toàn có thể làm được, toàn bộ lịch sử loài người và thắng lợi của Liên-xô đều đã chứng minh chân lý khoa học ấy.

Nhưng chúng ta phải nghiên cứu cụ thể tình hình đấu tranh giữa các mâu thuẫn, chứ không nên đem công thức nói trên mà chụp vào tất cả mọi sự vật một cách không thỏa đáng. Mâu thuẫn và đấu tranh là phổ biến, là tuyệt đối, nhưng phương pháp giải quyết mâu thuẫn, tức là hình thức đấu tranh thì khác nhau, vì tính chất của mâu thuẫn khác nhau. Có những mâu thuẫn có tính chất đối kháng công khai, có những mâu thuẫn thì lại không như vậy. Căn cứ vào sự phát triển cụ thể của sự vật, có những mâu thuẫn từ chỗ vốn không đối kháng mà phát triển thành đối kháng; cũng có những mâu thuẫn từ chỗ vốn có tính đối kháng mà phát triển thành không đối kháng.

Như trên đã nói, khi còn giai cấp, mâu thuẫn giữa tư tưởng đúng và tư tưởng sai trong đảng cộng sản là phản ánh của mâu thuẫn giai cấp vào trong đảng. Mâu thuẫn ấy, khi mới bắt đầu hoặc trên những vấn đề cá biệt, thì không nhất định lập tức biểu hiện thành đối kháng. Nhưng cùng theo với sự phát triển của đấu tranh giai cấp, những mâu thuẫn ấy cũng có thể phát triển thành đối kháng. Lịch sử Đảng cộng sản Liên-xô dạy chúng ta rằng: mâu thuẫn giữa tư tưởng đúng đắn của Lê-nin, Sta-lin và tư tưởng sai lầm của Tơ-rốt-ski, Bu-kha-rin, v.v., khi mới bắt đầu còn chưa biểu hiện thành hình thức đối kháng, nhưng về sau thì phát triển thành đối kháng. Lịch sử Đảng cộng sản Trung-quốc cũng có tình hình như vậy. Mâu thuẫn giữa tư tưởng đúng đắn của nhiều đồng chí trong Đảng ta với tư tưởng sai lầm của Trần Độc-tú, Trương Quốc-đào, v.v., lúc đầu cũng chưa biểu hiện thành hình thức đối kháng, nhưng về sau đã phát triển thành đối kháng. Hiện nay, mâu thuẫn giữa tư tưởng đúng đắn và tư tưởng sai lầm trong Đảng ta, không biểu hiện thành hình thức đối kháng ; nếu đồng chí phạm sai lầm có thể sửa chữa sai lầm của mình, thì sẽ không thể phát triển thành đối kháng. Vì vậy, một mặt Đảng phải đấu tranh nghiêm khắc chống những tư tưởng sai lầm, mặt khác Đảng lại phải để cho các đồng chí phạm sai lầm có đầy đủ cơ hội để họ tự giác ngộ. Trong tình hình như vậy, đấu tranh quá trớn rõ ràng là không thỏa đáng. Nhưng nếu những người phạm sai lầm vẫn khư khư giữ lấy sai lầm, và mở rộng nó ra, thì mâu thuẫn ấy cũng có thể phát triển thành cái có tính đối kháng.

Mâu thuẫn về kinh tế giữa thành thị và nông thôn, trong xã hội tư bản chủ nghĩa (ở đó, thành thị do giai cấp tư sản thống trị, bóc lột tàn khốc nông thôn), trong khu vực thống trị của Quốc dân đảng ở Trung-quốc (ở đó, thành thị do chủ nghĩa đế quốc bên ngoài và giai cấp đại tư sản mại bản trong nước thống trị, bóc lột nông thôn một cách rất dã man), đó là mâu thuẫn hết sức đối kháng. Nhưng ở nước xã hội chủ nghĩa, ở khu căn cứ cách mạng của chúng ta, mâu thuẫn đối kháng đó lại biến thành mâu thuẫn không đối kháng, và khi đến xã hội cộng sản thì mâu thuẫn ấy sẽ hết.

Lê-nin đã nói: « Đối kháng và mâu thuẫn khác hẳn nhau. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, đối kháng không còn, nhưng mâu thuẫn vẫn còn »[1]. Nghĩa là: đối kháng chỉ là một hình thức đấu tranh của mâu thuẫn, chứ không phải là tất cả mọi hình thức đấu tranh của mâu thuẫn, cho nên không thể ở đâu cũng lắp công thức ấy vào.

7. KẾT LUẬN

Đến đây, chúng tôi có thể nói tóm lại mấy câu. Quy luật mâu thuẫn của sự vật, tức quy luật thống nhất của các mặt đối lập, là quy luật căn bản của tự nhiên và xã hội, do đó cũng là quy luật căn bản của tư duy. Quy luật ấy trái hẳn với vũ trụ quan siêu hình. Đối với lịch sử nhận thức của loài người, việc tìm ra quy luật ấy là một cuộc cách mạng lớn. Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mâu thuẫn tồn tại trong tất cả mọi quá trình của sự vật khách quan và của tư duy chủ quan, mâu thuẫn quán xuyến tất cả từ đầu đến cuối mọi quá trình, đó là tính phổ biến và tinh tuyệt đối của mâu thuẫn. Những sự vật mâu thuẫn nhau, và mỗi một mặt của nó đều có đặc điểm của nó, đó là tính riêng biệt và tính tương đối của mâu thuẫn. Dựa vào những điều kiện nhất định, những sự vật mâu thuẫn nhau đều có tính đồng nhất, cho nên có thể cùng tồn tại trong một thể thống nhất, lại có thể chuyền hóa sang mặt trái ngược lại, đó cũng lại là tính riêng biệt và tính tương đối của mâu thuẫn. Những đấu tranh của các mặt mâu thuẫn thì không ngừng, không kể là trong lúc chúng cùng tồn tại với nhau, hay trong lúc chúng chuyển hóa lẫn nhau, bao giờ cũng có đấu tranh, nhất là lúc chúng chuyển hóa lẫn nhau, thì biểu hiện của đấu tranh lại càng rõ rệt, đó cũng lại là tính phổ biến và tính tuyệt đối của mâu thuẫn. Khi nghiên cứu tính riêng biệt và tỉnh tương đối của mâu thuẫn, chúng ta phải chú ý phản biệt mâu thuẫn chủ yếu và không chủ yếu, phân biệt mặt chủ yếu và mặt không chủ yếu của mâu thuẫn; khi nghiên cứu tính phổ biến và tính đấu tranh của mâu thuẫn, chúng ta phải chú ý phân biệt các hình thức đấu tranh khác nhau của mâu thuẫn; nếu không, thì sẽ phạm sai lầm. Nếu trải qua nghiên cứu mà thật sự hiểu được những điểm quan trọng nói trên, thì chúng ta có thể đánh tan được những tư tưởng giáo điều chủ nghĩa trái với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và không lợi cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta; chúng ta cũng có thể làm cho những đồng chí có kinh nghiệm chỉnh lý được những kinh nghiệm của mình, làm cho những kinh nghiệm đó có tính chất nguyên tắc và tránh mắc lại sai lầm của chủ nghĩa kinh nghiệm. Đó là mấy kết luận đơn giản trong việc chủng ta nghiên cứu quy luật mâu thuẫn.

 

HẾT



[1] Trích trong bài Bình luận cuốn "Kinh tế trong thời kỳ quá độ » của Bu-kha-rin của Lê-nin (Tháng 5 năm 1920).

 


5. Tính đồng nhất và tính đấu tranh giữa các mặt của mâu thuẫn

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt