Hiện tượng học

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...

VỚI MARTIN HEIDEGGER 

"CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY..."

TRẠC TUYỀN

 

Trạc Tuyền (TT): Thưa Thầy, xin bắt đầu từ... mối tình đầu của Thầy với triết học...

Edmund Husserl (1859-1938)

 

M.H: Nên nói về... mối tình đầu của thầy tôi, Edmund Husserl (1859-1938), với triết học trước đã! Không có "mối tình" này, chưa chắc đã có Heidegger!

TT: Husserl xuất thân là nhà toán học chuyên nghiệp, cơ duyên nào...

M.H: Đúng, gốc Do Thái, sinh ra ở Moravia, thuộc Cộng hòa Séc ngày nay (bấy giờ thuộc đế quốc Áo-Hung), học toán tại các đại học Leipzig, Berlin, Vienna, đặc biệt với thầy Weierstrass và Kronecker. Nhận bằng tiến sĩ về toán năm 1882 ở Vienna với đề tài "Góp phần vào lý thuyết toán biến phân".

TT: "Định mệnh" đã chọn con đường khác cho Husserl?

M.H: Vào năm 1883! Nhờ uy danh của triết gia Franz Brentano (À, lại nhớ "món quà đầu đời" của Thầy! Đúng là kỳ ngộ!). Brentano thu hút cả hai chàng trai trẻ: Husserl lẫn Sigmund Freud! Quyển sách kinh điển của Brentano: "Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm"[1] có thể xem như ngọn cờ tiên phong cho hiện tượng học Husserl sau này.

TT: Thưa, vì sao thế ạ?

M.H: Lúc bấy giờ, triết học ngày càng thấy mình bị "hỏng chân" trước tiến bộ vượt bực của khoa học tự nhiên. Trước tình hình ấy, Brentano ra sức khai phá mảnh đất "đứng chân" riêng của triết học. Bằng cách nào? Đó là phải phân biệt rạch ròi những hành vi tâm trí (mental acts) với thực tại vật lý. Khác nhau chỗ nào? Thực tại vật lý thì khách quan, "vô hồn", trong khi những hành vi tâm trí thì luôn gắn liền với "tính ý hướng" (intentionality), một thuật ngữ thời trung cổ được Brentano làm cho hồi sinh. Tính ý hướng là gì? Dễ hiểu thôi! Là: mọi hành vi tâm trí đều hướng đến một đối tượng. Mỗi khi tôi nhìn, vui, buồn, lo âu! Nghĩa là: mọi hành vi tâm trí đều chứa đựng những đối tượng khác với chúng: chính sự hiện hữu, hay đúng hơn, sự "không hiện hữu mang tính ý hướng" này (bởi chúng không có "thịt xương" hữu hình, cụ thể như thực tại vật lý), theo cách nói của Brentano, đã tạo nên sự cắt đứt triệt để giữa thế giới tâm trí và thế giới vật lý. "Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần!"[2].

TT: Husserl đã tiếp thu cái... "không hiện hữu ý hướng tính" này ra sao, thưa Thầy?

M.H: Từ từ, để nhẩn nha kể chuyện cho nghe! Dưới ảnh hưởng mãnh liệt ấy của Brentano, Husserl bừng tỉnh và nhận ra rằng chính triết học mới là "sứ mệnh" của mình! Nhưng, "dưới trướng" Brentano không thoải mái tí nào! Nêu ý kiến gì ra cũng bị thầy bắc bẻ và bác bỏ thẳng thừng. Husserl thở phào khi được thầy Brentano gửi sang Halle để làm luận án hậu tiến sĩ với Carl Stumpf. Quan hệ với vị thầy mới rất tốt đẹp. Luận án bàn về khái niệm con số, dẫn đến việc công bố công trình đầu tay: "Triết học của Số học"[3]. Vào thời kỳ này, Husserl bắt đầu mơ về một cơ sở phổ quát mới mẻ cho triết học, một metasis generalis, đẩy mọi triết học trước đó vào... quá khứ!

TT: Thời kỳ Halle của Husserl có gì đáng nhớ, thưa Thầy?

M.H: Lúc đầu rất khó khăn! Từ 1887 đến 1901, Husserl chỉ giữ chân trợ giáo. Triển vọng không mấy sáng sủa, khiến ông chán nản, có lúc muốn từ giả cả triết học! Nhưng, bước ngoặt lớn đã tới, vào 1900-1901 với công trình đồ sộ nhiều tập: "Các Nghiên cứu lôgic"[4]. Phải thừa nhận đây là một trong số ít những thành tựu sáng giá nhất của triết học đương đại. Với tôi, bộ sách này gây nên nguồn cảm hứng bất tận. Và nó đánh dấu sự khai sinh của "hiện tượng học" Husserl. Danh xưng bất hủ ấy sẽ âm vang trong triết học suốt nhiều thập kỷ về sau, trên khắp thế giới.

TT: Bộ sách tập trung vào những chuyện gì, thưa Thầy?

M.H: Nên cố gắng tổ chức một cuộc giao lưu "trực tuyến" với Husserl để biết tường tận hơn, ở đây không thể nói nhiều! (Vâng ạ! Chúng em đang chờ Thầy Husserl hồi âm!) Tập I tấn công vào thuyết "duy tâm lý", tức lý thuyết lâu đời (từ David Hume!) cho rằng các quy luật lôgic thật ra chỉ là những quy luật tâm lý trong tâm trí con người. Nếu như thế, không thể lý giải và thiết lập tính khách quan và nghiêm ngặt của lôgíc học và triết học theo cao vọng của Husserl được. Phần còn lại, bàn về những lý thuyết cực kỳ phức tạp về ký hiệu ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, lý thuyết mới về cái toàn bộ và các bộ phận. Nhưng, trên hết, là đề ra mô hình mới của tính ý hướng, khác với mô hình của Brentano về nhiều phương diện.

TT: Xin Thầy nói rõ hơn về mô hình mới này!

M.H: Bên cạnh nhiều chỗ khác biệt, điểm cốt yếu là: theo Brentano, mọi tính ý hướng là một sự hình dung (Vorstellung/representation): sự hiện diện của một cái gì đó trước tâm trí ta. Husserl cải biến: mọi tính ý hướng là hành vi đối tượng hóa hay khách thể hóa (Objektivierung/objectifying), không chỉ bao hàm ý thức lý thuyết, mà cả những ý hướng "tối tăm" như ước muốn, sợ hãi, lẫn lộn, giận dữ..., tức tất cả những gì được Husserl đặt ngang hàng với sự quan sát lý thuyết có ý thức. Quan trọng hơn nữa, Husserl lưu ý rằng những đối tượng ý hướng tính không bao giờ hiện diện trọn vẹn, đầy đủ, vì chúng luôn chỉ cho ta thấy một mặt, một "trắc diện" (hay "sự che râm" / Abschattung / adumbration), trong khi che dấu nhiều trắc diện khác. Ví dụ dễ hiểu: cái cây, cái nhà không bao giờ hiện diện toàn thân, mà chỉ cho ta một nguyên tắc: hãy biết hợp nhất mọi tri giác khác nhau có thể có của ta về cái cây, cái nhà từ nhiều góc độ và khoảng cách.

TT: Em đoán biết rồi! Cả hai bước đột phá này của... "thái sư phụ" Husserl sẽ được Thầy đẩy đi xa hơn: quan tâm của Husserl về những hình thức mờ tối, âm u của tính ý hướng sẽ chuyển hóa thành lý thuyết của Thầy về những "cảm trạng" (Befindlichkeiten/moods), trong khi sự ẩn mình, vô hình vô ảnh của đối tượng ý hướng sẽ được triệt để hóa thành sự phân tích độc đáo và mới mẻ của Thầy về vật dụng. Em vẫn không quên... cái búa và cuộc điền dã!

M.H (cười): Chắc Trạc Tuyền không quên ép lá "thuộc bài" trong sách vở! Nhà toán học David Hilbert ái mộ Husserl, tha thiết đề nghị đại học Göttingen, nổi tiếng về toán học, mời Husserl. Năm 1901, Husserl nhận lời mời. Những năm buồn thảm ở Halle chấm dứt. Thời kỳ Göttingen rực rỡ và hạnh phúc nhất của Husserl bắt đầu!

Husserl trở thành trung tâm của một phong trào triết học toàn cầu, thu hút những môn đệ xuất sắc nhất. Lại có riêng một tạp chí danh giá của phong trào (năm 1927, "Tồn tại và Thời gian" của tôi được dành trọn một số!). Bản thân Husserl là tấm gương mẫu mực của tinh thần "hiện tượng học": khách quan, cởi mở, đón nhận mọi góc nhìn. Thầy hoan nghênh những ai phản bác Thầy: không vì quyền uy của tôi, các bạn hãy chỉ chấp nhận những gì các bạn tận mắt nhìn thấy! Một phong cách làm triết học tươi mới, hào hứng chưa từng có!

Rồi một bước ngoặt mới lại xảy ra năm 1913 với công trình: "Các Ý niệm dẫn đạo cho một Hiện tượng học thuần túy và Triết học hiện tượng học", thường viết tắt là "Ý niệm I" ("Ideen I/Ideas I)[5]. Hai tập bổ sung (II và III) công bố sau khi Husserl qua đời.



[1] Franz Brentano: Psychologie vom empirischen Standpunkt / Psychology from the Empirical Standpoint.

[2] Thơ Trịnh Cốc: Hoài Thủy biệt hữu nhân.

[3] E. Husserl: Philosophie der Arithmetik.

[4] E. Husserl: Logische Untersuchungen/Logical Investigations, 2 tập.

[5] E. Husserl: Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologische Philosophie/Ideas for a Pure Phenomenology and a Phenomenological Philosophy, 3 tập.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt