Hiện tượng học

Husserl và phương pháp hiện tượng học

 

HUSSERL VÀ PHƯƠNG PHÁP HIỆN TƯỢNG HỌC

 

THOMAS FLYNN

ĐINH HỒNG PHÚC dịch

 


Thomas Flynn. Chủ nghĩa hiện sinh – dẫn luận ngắn. Đinh Hồng Phúc dịch. Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2018.|| Phiên bản đăng trên triethoc.edu.vn đã có sự đồng ý của nhà xuất bản.


 

Mặc dù phương pháp hiện tượng học do Husserl phát triển vào khoảng 40 năm đầu thế kỷ XX đã được các nhà hiện sinh thời ấy chấp nhận theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhiều nhà hiện tượng học, có lẽ là hầu hết, không phải là nhà hiện sinh. Nhưng tất cả họ đều chấp nhận yêu sách nổi tiếng nhất và quan trọng nhất của lối tiếp cận này: ý thức là ý thức về một cái-gì-đó-khác-với-ý-thức. Nói cách khác, bản tính của ý thức là nhắm đến (‘có ý hướng’) một cái khác. Ngay cả khi nó hướng đến chính nó trong sự phản tư, ý thức được hướng đến như là hướng đến một ‘cái khác’. Điều này được gọi là nguyên tắc của tính ý hướng. Trong ngữ cảnh này, ‘tính ý hướng’ không liên quan gì đến ‘sự chủ định, hay chủ ý’. Nó là từ ngữ kĩ thuật dùng để chỉ những hành vi tinh thần của ta: vượt ra khỏi chính mình để hướng đến cái khác.

Nguyên tắc này có hai biểu nghĩa. Nó khắc phục vấn đề ‘cầu nối’ giữa các ý niệm ‘trong’ tinh thần và thế giới bên ngoài được coi là giống với chúng. Ta không có ‘con mắt thứ ba’ để so sánh cái trong tinh thần với cái bên ngoài tinh thần để khẳng định rằng ta biết thế giới bên ngoài ta. Đây chính là di sản của cha đẻ triết học hiện đại là René Descartes (1596-1650) và những người theo ông để lại. Trong quá trình tìm kiếm sự xác tín chống lại mối nghi ngờ của phái hoài nghi, Descartes kết luận rằng có một điều mà ông có thể biết chắc đó là việc ông đang suy tưởng, bởi lẽ hoài nghi là một hình thức của suy tưởng.[1] Điều này xem ra biện minh cho yêu sách trực quan của ông: “Tôi đang tư duy vậy tôi đang tồn tại’ (Cogito ergo sum)[2]. Nhưng sự xác tín khó khăn lắm mới đạt được này là một chiến thắng với giá quá đắt, vì nó để Descartes bị mắc kẹt lại ‘bên trong’ tinh thần của ông, trước vấn đề “lấp” khoảng cách giữa thực tại bên trong và thực tại bên ngoài. Làm sao ông có thể mở rộng sự xác tín này đến thế giới ‘bên ngoài’ được?

Theo nguyên tắc của tính ý hướng, đây là một vấn đề sai lầm, vì đối với ý thức, không có bên trong/bên ngoài nào cả. Bất cứ hành vi ý thức nào cũng đều ‘có ý hướng’ (hay có quan hệ về mặt tính ý hướng với) một đối tượng đã có sẵn ‘trong’ thế giới. Cách chúng ta ‘ý hướng’ đến các đối tượng này sẽ khác khi ta tri giác, hình dung, tưởng tượng, hay nhớ lại chúng, chẳng hạn, hay có quan hệ với chúng theo phương cách xúc cảm nào đó. Nhưng trong mọi trường hợp, tồn tại có ý thức là một phương cách tồn tại trong thế giới.

Hãy xét các hình ảnh của chúng ta chẳng hạn. Như Sartre chỉ ra trong một nghiên cứu ban đầu, các hình ảnh không phải là những vật thu nhỏ ‘trong tinh thần’ được phóng chiếu vào thế giới bên ngoài, bằng cách nêu vấn đề về sự tương ứng giữa cái bên trong và cái bên ngoài một lần nữa. Đúng hơn, ý thức đang tưởng tượng là phương cách ‘giải thực hóa’ thế giới của các tri giác chúng ta, thế giới ấy biểu hiện các đặc trưng khu biệt của nó trước lối mô tả hiện tượng học cẩn trọng. Nếu chúng ta tưởng tượng ra một trái táo mà chúng ta đã tri giác trước đó, chẳng hạn, thì sự mô tả cẩn thận về kinh nghiệm sẽ cho thấy việc tưởng tượng ra quả táo khác với việc tri giác chính quả táo ấy như thế nào. Trước hết, khác với trái táo được tri giác, trái táo được tưởng tượng chỉ có những đặc điểm nào mà chúng ta tìm cách gán cho nó. Các hình ảnh xét như là hình ảnh chẳng nói lên điều gì cả. Và với các hành vi ý thức khác của ta cũng vậy. Mỗi một hành vi bộc lộ những đặc điểm phân biệt của nó trước sự mô tả hiện tượng học.

Nhưng vì ý thức ‘ý hướng đến’ các đối tượng của nó theo những cách khác nhau như vậy nên chúng ta có thể dùng phương pháp mô tả hiện tượng học được gọi là “giảm trừ bản chất’ hay ‘biến thể tưởng tượng tự do của các ví dụ’ để đi tới dáng nét hay bản chất khả niệm của bất kỳ cái nào trong số các kinh nghiệm ý thức khác nhau này. Và nhiệm vụ tưởng tượng của sự mô tả chặt chẽ về cái ‘được mang lại’ cho ý thức theo các phương cách ‘được mang lại’ khác nhau của nó là cái mà các nhà hiện sinh ưa thích trong việc tổ chức các luận cứ cụ thể của họ. Như Husserl có lần nói, thực chất của phương pháp hiện tượng học không phải là giải thích (bằng cách tìm ra các nguyên nhân) mà là giúp ta thấy được (bằng cách trình bày các bản chất hay các dáng nét khả niệm).

Ta hãy xét cặp ví dụ. Một người tinh thông pháp y có thể phác họa ra hình ảnh người phạm tội để người làm chứng nhận dạng. Khi ông ta thêm vào hay rút bớt các nét của hình ảnh, người làm chứng sẽ đồng ý hay không đồng ý với tấm chân dung cho đến khi, một cách tốt nhất, người này nói ‘đúng rồi, chính là hắn; giống hệt hắn’. Đây là một loại suy đơn giản của sự mô tả bản chất vốn là lối mô tả sử dụng biến thể tưởng tượng tự do của các ví dụ để đạt tới sự thức nhận (insight), một sự nắm bắt trực tiếp đối tượng được nhắm đến.

Ta hãy xét ví dụ thứ hai, một ‘luận cứ’ hiện tượng học nổi tiếng trong Tồn tại và hư vô của Sartre, đây là luận cứ tôi coi là hình thức giảm trừ bản chất ít mang tính kĩ thuật. Một anh chàng thị dâm đang nhìn qua lỗ khóa xem một cặp đôi làm tình lúc đó anh ta chợt nghe có tiếng như những bước nhân sau lưng mình. Cũng một hành vi ấy thôi, anh ta nghiệm thấy thân thể anh ta ‘trở thành đối tượng nhìn’ của một ý thức khác. Sự bối rối ngày càng tăng của anh ta, vẻ mặt đỏ tía của anh ta, là cái tương đương của luận cứ kép cho sự hiện hữu của tinh thần người khác (một nan vấn triết học cũ) và cho thân thể của anh ta như là có thể bị trở thành đối tượng theo cách anh ta không kiểm soát hết được. Ngay cả khi anh chàng thị dâm ấy sai lầm (âm thanh được tạo ra bởi gió trong những tấm màn cửa sổ), thì kinh nghiệm ấy vẫn biện minh cho việc ta tin có tinh thần của người khác một cách trực tiếp hơn nhiều với mức độ xác tín cao hơn so với bất cứ luận cứ dựa vào loại suy nào, vốn là luận cứ chứng minh của thuyết duy nghiệm chuẩn tắc. Đây là tác dụng của một cách ‘giảm trừ bản chất’ thành công. Nó nắm bắt cái bản chất hay dáng nét khả niệm của kinh nghiệm về một chủ thể khác xét như là chủ thể chứ không chỉ đơn thuần như là đối tượng.

Điểm mạnh và điểm yếu tiềm tàng của những luận cứ theo mô tả hiện tượng học hay sự biến thể tưởng tượng tự do của các ví dụ đó là chúng nhắm đến cái mà tôi gọi là ‘dáng nét khả niệm’ (‘intelligible contour’). Đây là một loại nắm bắt trực tiếp sự hiện diện của ‘bản thân sự vật’, như Husserl đã nói. Nó giống với kinh nghiệm ‘ờ há!’[3] ở phần cuối của sự chứng minh toán học hay lôgic học (bằng Tiến sĩ của Husserl là toán học). Giả định đó là nếu sự mô tả được tiến hành một cách chặt chẽ thì người nghiên cứu sẽ chỉ tự mình tìm hiểu lấy. Điểm yếu tiềm tàng, dĩ nhiên, đó là, khi phản ứng lại tuyên bố ‘Tôi không thấy nó’, nhà hiện tượng học có thể chỉ trả lời ‘thế thì hãy nhìn cho kĩ hơn’. Nhưng trên thực tế, chúng ta thường hiểu được thực chất của vấn đề; chúng ta thành công trong việc thấy được ‘bản chất’ bất biến qua một loạt các biến thể. Và những luận cứ bằng ví dụ như thế không chỉ cung cấp cho nhà hiện sinh phương thức lập luận cụ thể mà ông ta đang tìm kiếm, chúng hầu như khẩn cầu đến sự hiện thân trong văn chương, điện ảnh và kịch nghệ có tính tưởng tượng.

Tôi đã nói rằng nhiều nhà hiện tượng học không phải là nhà hiện sinh. Nói ngược lại cũng đúng: trong khi các nhà hiện sinh thế kỷ 20 chấp nhận khái niệm tính ý hướng của Husserl bởi lẽ nó mở ra một lĩnh vực rộng lớn cho phương pháp mô tả của họ, họ chống lại đặc điểm khác của tư tưởng sau này của ông là không thể so sánh với cái mà chủ nghĩa hiện sinh đang nói đến, cụ thể là dự phóng của ông về sự hiện hữu ‘trong vòng ngoặc’. Husserl nói về thái độ tự nhiên, thái độ ấy có thể được mô tả là ngây thơ và tiền triết học trong việc nó chấp nhận một cách thiếu phê phán cái thế giới thực tồn của kinh nghiệm hàng ngày. Khi nỗ lực muốn biến hiện tượng học thành một khoa học chính xác đồng nghĩa với bản thân triết học, Husserl nhấn mạnh rằng ta phải tạm gác thuyết duy thực ngây thơ của thái độ tự nhiên và không quan tâm đến, hay để trong vòng ngoặc, câu hỏi về sự hiện hữu hay tồn tại của các đối tượng của mô tả hiện tượng học. Husserl gọi đây là ‘giảm trừ hiện tượng học’, hay epochē, và ông nghĩ nó có thể bỏ qua các đối tượng hoài nghi mà thái độ tự nhiên có thể chịu ảnh hưởng. Ông thừa nhận rằng ta có thể tiến hành ‘giảm trừ bản chất’ trong thái độ tự nhiên và đạt được một thứ tâm lý học ‘bản chất’. Nhưng sau này ông cho rằng điều này vẫn không giải quyết được câu hỏi hoài nghi, ‘Cái bạn đang mô tả có đúng trong thế giới thực tồn không?’ Luận điểm của Husserl là nếu bạn tạo ra sự giảm trừ bổ sung này và cho vào vòng ngoặc cái ‘câu hỏi tồn tại’ của các đối tượng nghiên cứu của bạn (bằng cách gạt sang một bên câu hỏi chúng hiện hữu ‘trong thực tại’ hay ‘trong tinh thần’) thì bạn đã tước vũ khí của nhà hoài nghi nào nghi ngờ việc bạn có thể bao giờ cũng đạt được ‘thực tại’ bằng những mô tả của bạn. Thực chất của giảm trừ hiện tượng học đó là để mọi thứ như là có lợi cho mục đích của nhà hiện tượng học ngoại trừ sự tồn tại của các đối tượng ‘được giảm trừ’, hay được gọi là ‘các hiện tượng’. Khi bạn treo lửng câu hỏi tồn tại, bạn giữ lại tất cả những kinh nghiệm và các đối tượng tương ứng của chúng mà bạn đã có trước đó (các tri giác, hình ảnh, ký ức, v.v.), nhưng giờ đây như là ý thức-quan hệ, nghĩa là, như là các hiện tượng. Theo nghĩa nào đó, bạn có giai điệu giống như trong thái độ tự nhiên nhưng bây giờ trong một giai điệu khác. Để phòng ngừa sự hoài nghi của chủ nghĩa hoài nghi – đây từng là một sức mạnh tiêu cực dẫn dắt triết học khởi từ người Hy Lạp – bạn có thể tiến hành những lối phân tích mô tả chặt chẽ về bất cứ hiện tượng nào. Các mô tả tự chúng sẽ tìm ra giải pháp cho sự khác nhau giữa quả táo được tri giác, chẳng hạn, với quả táo chỉ trong trí tưởng tượng. Xem ra đây là một cách thức tài tình trong việc đẩy sự hoài nghi của triết học ra ngoài lề và đảm bảo cho nhận thức chắc chắn nào đó của ta về thế giới. Đó là giấc mơ của Husserl.

Các nhà hiện sinh đưa ra hai lý do để phản bác sự giảm trừ hiện tượng học của Husserl. Một là, nó làm cho mối quan hệ cơ bản của ta với thế giới trở thành lý thuyết hơn là thực hành, như thể chúng ta được sinh ra là nhà lý thuyết rồi sau đó được học cách thực hành. Học trò của Husserl, Martin Heidegger, trái lại, nhấn mạnh rằng ngay từ đầu chúng ta đã ở ‘trong thế giới’ về mặt công cụ qua những mối bận tâm thực hành của chúng ta và triết học phải phân tích ý thức ‘tiền-lý thuyết’ này để có thể thâm nhập vào tồn tại. Tương tự như thế, Sartre, như chúng ta thấy, nhấn mạnh rằng mọi nhận thức đều được ‘dấn thân’. Và Merleau-Ponty nói về một ‘tính ý hướng thao tác’ nào đó của những cơ thể sống trải của chúng ta, vốn là những cơ thể đã tương tác với thế giới trước khi chúng ta có quan niệm hóa phản tư. Thậm chí Husserl, ở giai đoạn sau, dường như thừa nhận những yêu sách này bằng cách đưa khái niệm ‘thế giới cuộc sống’ vào như là cơ sở tiền-lý thuyết cho sự phản tư lý thuyết của chúng ta.

Nhưng luận cứ phản bác chủ yếu của nhà hiện sinh đó là tồn tại tự nó không phải là ‘bản chất’ phục tùng sự giảm trừ và, như câu nói nổi tiếng của Merleau-Ponty, ‘một sự giảm trừ [hiện tượng học] hoàn chỉnh là không thể có được’ bởi lẽ bạn không thể ‘giảm trừ’ ‘người giảm trừ’ đang hiện hữu. Cá nhân đang hiện hữu là cái gì đó nhiều hơn ‘định nghĩa’ của mình như ta có thể hi vọng nắm bắt trong một khái niệm lý thuyết. Như Sartre lập luận, có ‘các hiện tượng của tồn tại’, như kinh nghiệm của ta về buồn nôn, cho thấy rằng ta đang tồn tại và ta không cần tồn tại (‘sự bất tất’ của ta). Nhưng một kinh nghiệm như thế không mang tính nhận thức. Đúng hơn, đó là vấn đề về xúc cảm hay ý thức cảm xúc – chất liệu của những sự mô tả hấp dẫn và tiểu thuyết.

 

 

 



[1] Ở đây ta phân biệt hai sự hoài nghi: hoài nghi thuộc lĩnh vực siêu hình học của chủ nghĩa hoài nghi và hoài nghi thuộc về vấn đề phương pháp luận. Hoài nghi trước phủ nhận năng lực nhận thức của con người khi khẳng định rằng về nguyên tắc ta không thể chắc chắn được điều gì cả, hoài nghi sau là một thao tác phương pháp làm điều kiện cho việc ta tiến tới chỗ không còn nghi ngờ điều gì nữa, và nó thường được gọi là ‘hoài nghi của Descartes’ (‘Cartesian doubt’). (Ng.d)

[2] Cách dịch thông dụng “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” khá mơ hồ, vì nó chứa đến 3 nghĩa: (1) “Tôi đã tư duy, vậy tôi đã  tồn tại”; (2) “Tôi đang tư duy, vậy tôi đang tồn tại”; và (3) “Tôi sẽ tư duy, vậy tôi sẽ tồn tại” . Mệnh đề này, Descartes dùng theo nghĩa (2), chứ không theo nghĩa (1) và (3): tôi chỉ biết chắc rằng hiện giờ tôi đang suy tưởng và bao lâu tôi còn [đang] suy tưởng thì bấy lâu tôi còn tồn tại, còn những gì đã qua, tức nghĩa (1) hay những gì chưa tới, tức nghĩa (3), thì tôi không thể chắc được; tôi không có cách gì để phân biệt được chúng là thật hay là mơ. (Ng.d)

[3] Tức là kinh nghiệm về việc ta chợt phát hiện hay thức nhận ra điều gì đó. (Ng.d)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt