GƯƠNG MẶT NGƯỜI LẠ
EMMANUEL LÉVINAS*
Một nhà triết học lỗi lạc Pháp suy nghĩ về quá trình thức tỉnh về đạo lý khi quan sát gương mặt người khác.
Quá trình suy nghĩ khi quan sát gương mặt một người khác không phải là một suy nghĩ về, tức là một biểu hiện, mà ngay tức khắc là một suy nghĩ vì, tức là một thái độ không thờ ơ đối với người khác, phá vỡ sự cân bằng của tâm hồn bình thản và lặng lẽ của tri thức thuần túy. Đó là một sự thức tỉnh hiểu ra tính duy nhất của người khác mà tri thức không thể nhận biết, một bước nhích lại gần người mới đến như một kẻ vừa duy nhất vừa là đồng loại. Tôi muốn nói đến gương mặt, trước mọi biểu hiện đặc thù nào, gương mặt tồn tại bên dưới mọi biểu hiện che đậy sự trần trụi của nó. Nhìn vào gương mặt theo cách ấy không phải gỡ bỏ sự che đậy mà là sự trần trụi của một cái gì đó bị phơi trần, không gì bảo vệ, trần trụi như bản thân cái chết. Đó là tình trạng bấp bênh tột độ của một cái gì duy nhât, sự bấp bênh của kẻ lạ mặt. Phơi trần hoàn toàn là do nó không chỉ là một ý thức mới về cái quen thuộc được phơi ra dưới ánh sáng chân lý; nó là một hình thức biểu hiện, một ngôn ngữ nguyên sơ, một lời kêu gọi, một sự triệu tập. Gương mặt không chỉ là cái chuyển tải sự biểu lộ ấy. Trong cuốn Cuộc đời và số phận của Vassili Grossman (phần 3, chương 23), có nói đến những gia đình, những người vợ, người thân của những tù chính trị đến nhà tù Lubianka tại Mátxcơva hỏi tin tức người thân. Người đến thăm xếp hàng nối đuôi nhau trước cửa sổ, người đứng sau chỉ nghìn thấy lưng người đứng trước. Một phụ nữ chờ đến lượt mình. “Người đàn bà ấy chưa bao giờ nghĩ rằng lưng người lại có thể biểu cảm đến vậy và truyền đạt sinh động đến vậy tâm trạng con người. Những người khi tiến đến gần cửa sổ có một cách nhô vai, vươn cổ, dài lưng riêng như có lò xo và đôi vai dường như cũng kêu khóc, nức nở”. Cái được truyền đạt là sự bấp bênh tột độ của những người ấy, và một cảm nghĩ là sự thanh thản nằm ở chỗ ý thức được điều ấy. Bởi vì sự thẳng thắn tột cùng của gương mặt đó và sự biểu hiện của nó đặt ra những đòi hỏi với những chỗ sâu thẳm nhất trong tôi. Hàm chứa trong sự thẳng thắn ấy là một cái quyền đối với tôi. Điều liên quan đến bản thân tôi là tình huống cụ thể trong cái quyền ấy có ý nghĩa. Như thể cái chết vô hình mà gương mặt kia đối diện là việc của tôi, như thể cái chết ấy liên quan đến tôi. Trong việc nhắc nhở này đến trách nhiệm của tôi bằng gương mặt có quyền đối với bản thân tôi, người xa lạ là người đồng loại. Xuất phát từ sự thằng thắn ấy của gương mặt người khác, tôi đã từng viết rằng sự bấp bênh và không phương kế tự vệ của nó vừa là cái cám dỗ người ta giết hại vừa là lời kêu xin được thanh thản, là lời “Người không được giết hại nữa”. Gương mặt ấy đã là một lời tố cáo, có sự hoài nghi trong đó, nhưng cũng là một lời kêu gọi lặng lẽ. Quyền của con ngời là ở đó, trong sự thẳng thắn phơi bày, kêu gọi và ra lệnh, một cái quyền cổ xưa hơn mọi sự ban phát vinh sự và mọi đức tính. Sự gần gũi với người đồng loại, cái sự thanh thản do gần gũi như vậy mà có, là trách nhiệm của tôi đối với kẻ khác, là cái thế không thể nào để cho người khác phải một mình đương đâu với điều bí ẩn của cái chết. Nói cụ thể, điều đó dẫn đến thái độ sẵn sàng chết vì người khác. Sống hòa bình với người khác có thể đi tới mức như vậy. Đó là tất cả sự nghiêm trọng của tình yêu đối với đồng loại, một tình yêu không vị kỷ. Sự thanh thản đạt được bằng tình yêu đồng loại không phải là sự thanh thản của yên tĩnh thuần túy, nó làm ta mạnh thêm trong bản sắc của ta, và nó luôn luôn thách thức cái bản sắc ấy, sự tự do vô hạn của nó và sức mạnh của nó.
Trích E. LÉVINAS, «Gương mặt người lạ», trong Người đưa tin UNESCO số tháng 7-8 (1992). Phiên bản điện tử do bạn Bùi Quốc Việt thực hiện.
* Emmanuel Lévinas, người Pháp, là một trong những nhà triết học lớn thời nay. Tư tưởng ông, kết hợp truyền thống Do Thái với hiện tượng luận của Đức, đã có một ảnh hưởng quan trọng đối với tư duy đương đại. Ông là tác giả của khoảng hai chục cuốn sách trong đó có Ethique et infini (1982), Humanisme de l’autre homme (1975) và Entre-nous-Essais sur le penser-à-l’autre (1991) |
Ý KIẾN BẠN ĐỌC