Hiện tượng học

Triết học như một khoa học đích xác

Tạp chí ĐẠI HỌC

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25
26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40                    
                                                 

 

TRIẾT-HỌC NHƯ MỘT KHOA-HỌC ĐÍCH XÁC

 

EDMUND HUSSERL (1959-1938)

TRẦN-THÁI-ĐỈNH dịch

 

Lời dịch giả:

Từ cuối thế-kỉ XVII và nhất là trong hai thế-kỉ XVIII và XIX, khoa-học thực-nghiệm đã tiến những bước dài và chắc chắn, thành thử dần dần người ta có ý nghĩ rằng chỉ khoa-học thực-nghiệm là khoa-học đích thực thôi, và để trở thành khoa-học, tất cả các khoa khác đều phải đi vào con đường của khoa-học thực-nghiệm. Cho nên triết-học và tâm-lí-học cũng phải dùng phương-pháp thực-nghiệm, thì mới trông có ngày bước lên đài danh-dự của khoa-học thực sự. A. Comte đã đi vào nẻo đó khi ông khai sinh cho cái gọi là “triết-học thực-nghiệm” (philosophie positive). Và một số đông các tâm-lí-gia như Wundt, Weber, Fechner, v.v… cũng đã quyết tâm dùng phương-pháp của khoa-học thực-nghiệm để làm cho tâm-lí-học trở thành một khoa học đích thực. Người ta đã muốn nghiên-cứu tâm-linh con người như kiểu nhà vật-lí nghiên-cứu một quặng than: nói thế, vì khoa tâm-lí tự xưng là tâm-lí thực-nghiệm đã nhất định mang phương-pháp thực-nghiệm áp dụng và tâm-lí-học.

Husserl tố cáo lập-trường đó. Ông gọi nó là lập-trường duy-nhiên (naturalisme). Theo ông, tâm-linh con người không phải là một vật-thể, và những sinh-hoạt của tâm-thức không có quy-chế của những hiện-tượng vật-lí. Thuyết Duy-nhiên chính là thuyết muốn đồng-hóa tâm-thức và vật-thể. Còn Husserl lại nhất quyết chủ-trương sự khác biệt căn-bản giữa hai loại hiện tượng tâm-lí và vật-lí: đã thế, không thể dùng phương-pháp của khoa-học vật-lí để nghiên cứu về tâm-lí được. Quặng than, cục sắt, hòn đá là những cái có một bản-tính: và bản-chất của một bản-tính là nó để cho ta tùy ý thí nghiệm nó nhiều lần, vì bao giờ nó cũng có đủ những đặc-tính như thế mãi. Trái lại, thực-tại của tâm-linh ta (mà Husserl thường gọi tắt là cái tâm-thể) không chút chi giống như bản-tính của một vật-thể hết: cái tâm-thể xuất-hiện rồi tan biến, chớ không “nằm mãi trong hiện-hữu” như vật thể. Vì thế, đối với những hiện tượng tâm-lí, thì “hiện hữu và xuất-hiện cũng là một” nghĩa là chỉ hiện-hữu trong giây phút xuất-hiện mà thôi. Sự xuất-hiện này chính là bản-chất của những hiện-tượng tâm-lí. Để nói lên sự khác biệt đó, Husserl viết: “Các hiện-tượng tâm-lí không có một bản-tính nào hết, nhưng chúng có một bản-chất”. Sau này, khi trình bày thêm về bản-chất của những hiện-tượng tâm-lí, Husserl sẽ cho biết những hiện-tượng này chẳng qua chỉ là những hình-thái luôn luôn biến thể của tâm-thức: do đấy tâm-lí-học sẽ được gọi là khoa-học về những bản-chất, hoặc cũng gọi là “trực-quan những bản-chất” (vision des essences). Tóm lại, bản-chất của hiện-tượng tâm-lí không phải là một bản-tính vật-thể nhưng chỉ là hình-thái của tâm-thức khi tâm-thức là tương-đồng-thể (le corrélat) của sự vật mà nó ý-thức (noème).

Nếu theo phương-pháp thực-nghiệm để xây dựng Tâm-lí-học là một điều phi-lí, thì chúng ta phải theo phương-pháp Hiện-tượng-học. Và đây là dịp cho Husserl nêu cao vai trò của Hiện-tượng-học: ông coi nó như khoa học đích xác (science rigoureuse). Vậy các khoa-học thực-nghiệm chưa đích xác ư? Husserl quả quyết rằng chưa: các khoa-học thực-nghiện đều xây trên kinh-nghiệm, và đều coi kinh-nghiệm nguyên-khởi của mọi tri-thức. Nhưng, theo Husserl, đó còn là ngây thơ. Ngây thơ vì chưa tìm hiểu chính kinh-nghiệm, chưa nghiên-cứu xem tại sao chúng ta có ý-niệm khác hẳn Newton về cơ-cấu vũ-trụ, cũng như Newton đã có ý-niệm khác hẳn Aristotle? Như thế nghĩa là khi ta tri-giác, ta không thu nhận hình-ảnh của một vũ trụ đã có hình-thể như thế, nhưng hình-thể đó là chính kết-quả do sự gặp gỡ giữa tâm-thức ta và vũ-trụ vật-lí. Trong ý đó, các nhà hiện-tượng-học chủ trương rằng vũ-trụ là cái tôi tri-giác (le monde est ce que je percois): đó là vũ-trụ duy nhất mà tôi biết và tôi nói tới. Như vậy hiện tượng vũ-trụ không có trước tri-giác tôi, không có trước kinh-nghiệm của tôi về vũ-trụ; vũ-trụ là hiện-tượng phát-sinh do sự gặp gỡ giữa tâm-thức tôi và cái vũ-trụ vật-lí (vũ trụ này được Merleau-Ponty gán cho cái tên tiền-vũ-trụ, pré monde, nghĩa là chưa là vũ-trụ mà tôi biết và nói tới).

Như vậy, Hiện tượng học là khoa-học về những hiện tượng kiểu đó, tức những hiện-tượng tâm-lí. Tuy nhiên, chúng ta đừng vội tưởng Husserl dừng lại khoa Tâm-lí. Husserl chống lại tất cả mọi hình-thức của thuyết Duy-tâm-lí (Psychologisme). Khoa học mà Husserl gọi là khoa-học đích-xác đây là: Hiện-tượng-học. Hiện-tượng-học là khoa học về các bản-chất: áp-dụng vào những ngành nghiên cứu khác nhau, chúng ta sẽ có “khoa học về hiện tượng-tâm-lí” (Tâm-lí-học), rồi “khoa-học về hiện-tượng xã-hội” (Xã hội học) v.v… Tóm lại, Hiện-tượng-học giúp ta nhận ra bản-chất của những loại hiện-tượng mà ta tìm hiểu, và nhận ra chúng đúng như chúng xuất hiện nơi ý thức ta. Tuy nhiên, như lời Husserl mà chúng ta đọc trong bản dịch này, “Hiện-tượng-học là khoa học vĩ đại, đặt nền cho một khoa tâm-lí-học hoàn toàn có tính cách khoa học, đồng thời cũng là môi-trường cho một khoa phê-bình lí-trí đích thực”, cho nên tương quan giữa Tâm-lí-học và Hiện-tượng-học rất chặt chẽ.

“Triết-học như một khoa-học đích-xác” là một tiểu-luận của Husserl in trong bộ Logos I năm 1911. Về số trang, nó không đáng bao nhiêu, nhưng nó giữ một địa vị quan-trọng trong quá-trình của tư-tưởng Husserl, vì nó đánh dấu khúc quặt của ông tiến về phía hiện-tượng-học cụ-thể. Đàng khác, nó gọn ghẽ và rõ ràng, nên đã được coi như cửa mở vào những sách vở rất khó đọc của Husserl. Khó đọc, vì chuyên môn quá. Vì là một bài in trong bộ Logos, cho nên rất khó tìm ra nguyên văn tiếng Đức; chúng tôi đã tìm hỏi nơi các giáo-sư người Đức, và những giáo sư Việt chuyên về triết-học Đức ở Việt-Nam, nhưng không ai có bản tiếng Đức, cho nên vì sự khẩn-cấp muốn cống hiến bạn đọc một tài-liệu căn-bản về Hiện-tượng-học, chúng tôi mạo muội đưa ra bản dịch tạm này. Hi vọng một ngày gần đây chúng tôi sẽ có nguyên-văn tiếng Đức, khi đó sẽ có thể cùng với Giáo-sư Trần-Văn-Toàn cống hiến mộ bản dịch giá-trị hơn.

Bài “Triết-học như một khoa-học đích xác” có hai phần: phần I phê bình thuyết Duy-nhiên (Naturalisme), phần II phê-bình thuyết Duy-sử (Historicisme). Đây chúng tôi chỉ dịch phần I, có liên hệ đến khoa tâm-lí thôi. Và trong phần I này, chúng tôi cũng bỏ qua vài chi tiết nhỏ, có tính chất bút chiến, không cần cho việc hiểu luận đề của Husserl.

I.  HUSSERL VẠCH TRẦN TÍNH CHẤT NGÂY THƠ CỦA KHOA-HỌC THỰC-NGHIỆM (1)

Dĩ nhiên đây tôi không nhằm phê bình những cảm-nghĩ có thể gọi được là bình-dân của những nhà bác học, khi các ông này nói chuyện triết-học. Chúng tôi chỉ chú ý đến cái triết-học thông thái đang trình diện với chúng ta dưới bộ mặt khoa-học đích thực: tôi có ý nói đến cái phương pháp và cái bộ-môn nhờ đó mà triết thuyết kia tưởng mình đã thực sự đạt tới hàng khoa học xác thực (science exacte). Triết-thuyết đó tin chắc như thế, và nó khinh tất cả các triết-lí khác. Theo nhóm đó, tất cả các triết-lí khác đều phải quy về cách của họ là cách xác thực và có tính-chất khoa-học, cũng như khoa triết-học về thiên-nhiên đầy mơ-hồ của thời Phục-Hưng đã phải quy về khoa Cơ học xác thực của Galilei đang thời tươi tốt của khoa học này; và cũng như thuật luyện-kim (alchimie) phải quy về khoa Hóa-học xác thực của Lavoisier.

Khi chúng ta hỏi cái khoa triết-học xác-thực được đặt ngang hàng với khoa Cơ-học xác-thực đó là khoa triết-học nào, thì người ta trỏ cho chúng ta khoa Tâm-lí-học tâm-vật-học (Psychologie psycho-physique) cũng gọi là Tâm-lí-học thực-nghiệm, một khoa mà không ai chối cãi được là đã đạt tới hàng khoa-học xác-thực, người ta nói rằng đó là khoa Tâm-lí-học có tính-chất khoa-học đích-thực mà nhân-loại tìm kiếm đã lâu, và ngày nay đã trở thành sự thực. Nhờ khoa học Tâm-lí-học đó, các khoa Luận-lí-học, Tri-thức-học, Thẩm-mĩ-học, Đạo-đức-học và khoa sư-phạm đã có nền-tảng khoa-học của chúng, và nhờ đó chúng đang thực sự trở thành những bộ-môn thực-nghiệm. Người ta còn nói thêm rằng khoa Tâm-lí-học đích-xác kia tất nhiên phải được coi là nền tảng của tất cả các khoa-học về tinh thần và của khoa Siêu-hình-học nữa. Riêng về khoa Siêu-hình-học người ta nhận rằng khoa Tâm-lí-học không phải là nền tảng duy-nhất, bởi vì khoa Vật-lí-học cũng chung phần trong việc đặt nền cho cái khoa-học về thực-tại phổ-quát đó.

Đáp lại tất cả những điều trên đây, chúng tôi chỉ xin đối lại rằng: trước hết phải nhận-thức rằng: khoa Tâm lí nói chung là một khoa-học về sự-kiện, cho nên nó không có thể đặt nền cho những bộ-môn triết-học có nhiệm vụ nghiên-cứu về những nguyên-lí thuần-túy (chi-phối các khoa khác), chẳng hạn khoa luận-lí-học thuần-túy, khoa giá-trị-học thuần-túy, v.v… Chúng ta không cần phải đưa ra nhiều chi-tiết hơn nữa, sợ rằng chúng sẽ đưa chúng ta tới những phản-nghĩa hoài-nghi mà chúng ta đã bàn luận rồi. Chỉ nói riêng về khoa Tri-thức-học mà chúng tôi muốn biệt ra khỏi khoa luận-lí-học thuần-túy (chúng tôi muốn coi khoa đó như một Mathesis Universalis, toán-học phổ quát): chúng ta có thể đưa ra nhiều điều chống lại cái chủ-trương muốn xây khoa tri-thức-học trên nền-tảng thuyết Duy-tâm-lí (Psychologisme) và thuyết Duy-vật-lí (Physicisme). Đây xin trình bày vài nét:

Xét theo phương diện khởi-điểm của chúng, tất cả các khoa-học về thiên-nhiên đều ngây-thơ. Thiên-nhiên mà chúng ta muốn nghiên-cứu vẫn có kia (est là), thế thôi. Tất nhiên các sự vật có đấy: những sự vật tĩnh, động, chuyển dịch trong không gian vô hạn, và những sự vật có bản chất thời-gian trong thời gian vô hạn. Chúng ta tri-giác chúng, mô tả chúng bằng những phán đoán đơn sơ phát sinh do kinh nghiệm. Khoa học về thiên nhiên có chủ đích nhận xét những dữ-kiện hiển nhiên đó một cách có giá trị khách quan và đích thực khoa-học. Cũng phải nói như thế về chữ thiên-nhiên theo nghĩa rộng nhất, nghĩa tâm-sinh-lí, và các khoa-học nghiên-cứu thiên-nhiên theo nghĩa đó như khoa Tâm-lí-học. Lãnh vực tâm linh không phải là một vũ trụ tự-quy (pour soi); nó là một dữ kiện cũng như bản ngã (le moi) và như kinh-nghiệm sâu xa mà ta có về Bản-ngã (theo một nghĩa khác lắm), và như vậy lãnh vực tâm linh tỏ ra chịu quyền cái luật kinh-nghiệm, nghĩa là có liên đới với các sự vật vật-lí mà ta gọi là vật thể (corps). Đó là một dữ-kiện thường nghiệm hiển-nhiên. Như vậy nhiệm vụ của khoa Tâm-lí-học là nghiên cứu cái tâm-thể (ce psychique) đó trong toàn-bộ tâm-vật-lí của thiên nhiên một cách khoa-học, vì cái tâm-thể tất nhiên nằm trong toàn-bộ đó, rồi xác định nó một cách có giá trị khách quan, và tìm ra những định luật của sự thành hình và biến thể của nó, những định luật của sự xuất hiện và biến mất của nó. Tất cả mọi xác định tâm-lí-học đều tất nhiên có tính chất tâm vật lí, theo cái nghĩa rộng nhất của chữ tâm-vật-lí (mà chúng ta chấp nhận tự đây), nghĩa là bao giờ nó cũng có một ý-nghĩa vật-lí đi theo nó. Cả khi khoa Tâm-lí-học – Tâm-lí-học thực nghiệm - chỉ chú trọng xác định những biến-cố thuần-túy của ý-thức và không quan tâm chi đến những tương quan tâm-vật-lí theo nghĩa thông thường và nghĩa chặt, thì những biến-cố kia cũng vẫn được quan-niệm như thuộc về thiên nhiên, nghĩa là thuộc về những tâm-thức người hay tâm-thức súc vật, và người ta thấy một cách hiển nhiên rằng những tâm thức đó gắn liền với những thân xác con người hay thân xác con vật. Bỏ mất sự lệ thuộc và thiên nhiên đó, tức là làm cho cái tâm-thể mất hẳn tính chất của nó là sự kiện thiên nhiên có thể xác-định cách khách quan và trong thời gian, tức là bỏ mất tính chất sự kiện tâm-lí của nó. Như vậy, nên nhớ rằng: tất cả các nhận định tâm-lí đều mang trong mình nó sự nhận-định có thiên nhiên, hoặc cách minh nhiên hoặc không.

Bởi vậy cách lí-luận sau đây thực là hiển nhiên: nếu có những luận-chứng chắc chắn để chứng-minh rằng khoa-học vật-lí về thiên-nhiên không thể là khoa triết-học theo nghĩa đặc-biệt của danh từ này, nó không bao giờ lại có thể định dùng làm nền tảng cho khoa triết-học và chỉ có được một giá trị triết học để xây dựng khoa siêu-hình-học khi nó dựa vào một triết-học khác đi trước nó, thì chúng ta cũng phải áp dụng một luận-chứng như thế cho khoa tâm-lí-học.

Vậy mà những luận-chứng như thế không thiếu.

Chỉ cần nhắc lại tính chất “ngây thơ” của khoa-học về thiên nhiên ta đã nói đến rồi, ngây thơ vì khoa học về thiên nhiên đã chấp nhận thiên-nhiên như một dữ kiện. Có thể nó tính ngây thơ này không bao giờ trừ được nơi khoa học về thiên nhiên, vì nó được lặp lại ở mỗi chặng đường mới của hoạt động nó: nó chỉ nại đến kinh nghiệm mà thôi, và kết cục nó quy tất cả các phương pháp của khoa học thực nghiệm về chính kinh nghiệm đó. Quả thực, khoa học về thiên nhiên cũng có tính chất phê-bình theo cách của nó. Kinh nghiệm đơn giản của mỗi người, dẫu là kinh-nghiệm nhiều lần đi nữa, vẫn chỉ được khoa học đó coi là rất ít giá trị. Chính nhờ sự xếp đặt và đối-chiếu các kinh-nghiệm một cách có phương-pháp, chính nhờ cái nhịp luân-phiên đã ấn định một cách hợp lí và chặt chẽ giữa kinh-nghiệm và suy-tưởng, mà người ta phân biệt đâu là những kinh nghiệm có giá trị và đâu là những kinh nghiệm không có giá trị, và nhân đấy mỗi kinh nghiệm nhận được phần giá-trị nhiều ít của nó và làm xuất hiện một tri thức (tức khoa-học về thiên-nhiên) có giá trị khách quan. Mặc dầu kiểu phê-bình kinh-nghiệm này có thể làm hài lòng chúng ta, theo chỗ chúng ta còn đứng trong khoa-học thiên nhiên và chúng ta còn suy-tưởng theo thái-độ của khoa-học đó, tuy nhiên còn có thể có và cần phải có một lối phê bình khác nữa đối với kinh-nghiệm: tức là lối phê-bình có nhiệm vụ đặt lại vấn-đề cho toàn thể kinh nghiệm, đồng thời đặt vấn-đề cách suy tưởng của khoa học thực-nghiệm.

VẤN-ĐỀ KHOA HỌC VỀ TÂM-THỂ

Tâm-lí-học và khoa-học thực-nghiệm

Làm sao kinh-nghiệm xét như một hành-vi của ý-thức lại có thể cho hoặc gặp thấy một đối tượng? Làm sao những kinh nghiệm lại có thể nhờ những kinh nghiệm khác để tự biện-minh và tự sửa chữa lẫn nhau, chứ không chỉ tự nhận là vô giá trị hoặc tự nhận là vững giá trị một cách chủ quan? Và cái ý-thức mà thể thức luận-lí là luận-lí về kinh-nghiệm, cái ý-thức đó phải làm thế nào dẫn đưa ra những mệnh đề có giá trị khách quan, có giá trị cho những sự vật tự tại và tự-quy? Tại sao những luật lệ của bộ máy ý-thức lại không phải là không thể áp dụng cho các sự vật? Làm sao khoa-học về thiên-nhiên lại phải trở nên hữu-lí một cách tuyệt đối trong mọi trường-hợp xét theo chỗ nó luôn luôn đặt ra và nhận thức một bản-tính (thiên-nhiên) tự tại, tự tại đối với dòng chủ-thể của ý-thức? Khi chúng ta thận trọng chú-ý suy nghĩ, thì những câu hỏi trên đây đều trở thành những điều bí ẩn cho ta. Người ta biết rằng khoa tri-thức-học là bộ môn có nhiệm-vụ trả lời những câu hỏi đó, nhưng cho đến nay, mặc dầu bao công lao của những nhà bác học đại danh đã nỗ lực vào đó, khoa tri-thức-học vẫn chưa mang lại cho những câu hỏi kia một trả lời có tính chất khoa-học rõ ràng, dứt khoát và đơn nghĩa (2)

Chỉ cần trung thành một cách đích xác và thủy-chung với cách đặt vấn-đề như thế (điều này, tất cả những khoa tri-thức học trước đây thực ra đã không đạt được), cũng đủ nhận ra tính-chất vô-lí của tất cả những “tri-thức-học phát sinh do khoa-học về thiên nhiên” và do Tâm-lí-học. Đành rằng một ít điều bí ẩn nói chung vẫn nằm sẵn trong khoa học về thiên-nhiên, nhưng người ta phải nhận rằng sự giải quyết chúng theo những tiền đề và những kết luận là việc vượt quá tầm của khoa-học về thiên nhiên. Người ta sẽ lẩn quẩn trong vòng vô lí, nếu người ta muốn nhờ chính khoa-học về thiên-nhiên giải quyết cái vấn-đề có liên can đến khoa-học đó, xét như nó là khoa-học về thiên nhiên, và đó là vấn-đề gắn liền với nó từ khởi đầu cho đến tận cùng của nó. Và người ta cũng sa vào chỗ vô lí nếu người ta tưởng rằng khoa-học đó có thể mang đến bất cứ câu tiền đề nào để giúp vào việc giải quyết vấn đề đó.

Một điều hiển nhiên là: tất cả mọi giải quyết khoa-học hay tiền khoa-học (pré-scientifique) về thiên-nhiên, và những mệnh-đề có bao hàm những quyết đoán về hiện hữu của các sự vật trong không gian, của thời gian, của nguyên-nhân-tính (causalité), v.v… đều phải gạt ra ngoài, khi ta xây dựng một khoa tri-thức-học có giá trị đơn nghĩa. Điều này phải áp dụng cho tất cả mọi thể hiện-hữu của Dasein (3) người nghiên-cứu, hay của những tài năng tâm-lí của người ấy.

Đàng khác, nếu khoa tri-thức-học muốn nghiên-cứu những vấn-đề về tương quan giữa ý-thức và hữu-thể, thì nó chỉ có trước mắt cái hữu thể xét như tương-đồng-thể (corrélat) của ý-thức mà thôi, nghĩa là xét như một cái chi được ý-thức nhắm theo một cách nào đó: như được tri-giác; được nhắc lại, được mong chờ, được biểu tượng trong một hình ảnh, được tưởng tượng, được nhận là đúng, nhận là khác, được tin tưởng, được giả thiết, được đánh giá v.v… Như vậy, người ta thấy rằng sự nghiên cứu phải đạt tới một tri-thức khoa-học về bản-chất của ý-thức, nghĩa là cái mà ý-thức là, theo bản chất nó, trong tất cả các hình thái khác nhau của nó; đồng thời nghiên cứu về cái ý-thức “nêu ý nghĩa” (signifier) cùng là những hình thái khác nhau của ý-thức tương-quan đến bản-chất của những hình-thái kia, nhờ đó mà ý-thức nhắm vũ-trụ khách quan, - bản chất rõ hay không rõ, đối-diện (présentant) hay đối-diện-hóa (présentifier), nêu ý nghĩa hay là mang hình ảnh, trực tiếp hay nhờ trung-gian của suy-tưởng, trong hình-thức này hay hình-thức khác của chú-ý, như vậy là trong một lượng số vô cùng những hình thái khác nữa, - và trong những hình thái đó, ý-thức “chứng minh” rằng có vũ trụ khách quan xét như là một cái gì có giá trị, thực tại…

Chính ý-thức phải làm cho ta thấy hiển nhiên rằng có khách-thể-tính (khách thể tính có thực) và khác thể tính hiện lộ một cách để ta dễ nhận thấy nó có và có như thế. Muốn thế, cần phải nghiên-cứu về toàn thể ý-thức, bởi vì nhờ những hình thái khác nhau của nó, mà có chân trong tất cả các chức-vụ của tri-thức. Nhưng, xét như mỗi hành-vi ý-thức đều là ý-thức về, sự nghiên-cứu về bản-chất của ý-thức phải bao hàm sự nghiên-cứu về ý-thức-hàm-nghĩa (4) và ý-thức khách-thể-tính (5) trong bản-chất của chúng (comme telles). Nghiên cứu bất cứ loại khách-thể-tính nào theo bản-chất phổ quát của nó (một nghiên cứu có thể theo đuổi những mục-đích ngoài lề khoa tri-thức-học và khoa-học về ý-thức) có nghĩa là chú ý đến những hình thái của nó xét như nó là một hữu-thể dữ-kiện và tát cạn cái nội dung của bản-chất nó theo những phương –sách thích-hợp để khai minh. Mặc dầu ở đây thái-độ chưa phải là thái-độ nghiên cứu những hình thái của ý-thức và nghiên-cứu bản chất của những hình thái ấy, nhưng phương-pháp khai minh đòi rằng ngay cả trong trường hợp này, chúng ta cần phải suy nghĩ về những hình thái của hữu thể bị nhắm và hữu-thể dữ-kiện. Nhưng, đàng khác, sự khai-minh những hình thái nền tảng của khách-thể-tính cũng cần thiết cho công việc phân tích ý-thức, và như vậy thì khách-thể-tính cũng gồm trong ý-thức; nhưng chỉ là trong sự phân tích đúng theo tri-thức học, khi khoa này đặt tất cả nhiệm vụ của nó trong sự nghiên cứu những tương-đồng-thể (corrélat). Cho nên chúng tôi gồm tất cả những nghiên cứu đó dưới danh từ “Những nghiên-cứu hiện-tượng”, mặc dầu theo phương diện khác, chúng ta phải phân biệt chúng.

Làm như thế chúng ta sẽ gặp được một khoa-học mà người thời ta chưa biết chi về tầm quan trọng của nó. Thực vậy, đây là một khóa-học về ý-thức, tuy nhiên không phải là một khóa tâm-lí, nhưng là một khoa hiện-tượng-học về ý-thức, đối lập với khoa-học thiên-nhiên về ý-thức. Đã hẳn, vì ở đây không phải chỉ giống nhau hời hợt, nên người ta có quyền hi-vọng rằng hiện-tượng-học và tâm-lí-học liên-kết với nhau rất chặt-chẽ, vì cả hai đều chuyên chú nghiên cứu ý-thức, mặc dầu bằng những phương-tiện và “thái độ” khác nhau. Điều chúng tôi muốn nói chính là: tâm-lí-học chuyên chú về “ý thức thường-nghiệm” ý-thức trong trạng-thái thực-nghiệm; xét như ý thức đó nằm trong bình diện thiên-nhiên; trong khi đó hiện-tượng-học chuyên chú về ý-thức “thuần túy” nghĩa là ý-thức trong trạng-thái hiện-tượng-học.

Nếu quả đúng như thế thì ta không thể chối bỏ sự thật này là: tâm-lí-học và khoa-học thiên-nhiên cùng không phải và cùng không thể là triết-học được. Vậy, kết cục, vì những lí-do thiết yếu, nghĩa là nhờ hiện-tượng-học, tâm-lí-học phải tự nhận thấy rất gắn với triết-học và số mệnh của nó liên kết chặt chẽ với triết học. Sau cùng, người ta sẽ vươn tới chỗ linh-cảm thấy rằng: tất cả lí-thuyết duy-tâm-lí về tri-thức sở dĩ tồn tại được là vì người ta đã không am hiểu ý-nghĩa đúng đắn trong việc đặt vấn-đề khoa-học về tri-thức, cho nên người ta đã lẫn lộn tri-thức thuần-túy với tri-thức thường nghiện (một sự lẫn lộn rất dễ hiểu), và nói trắng ra, người ta đã “nhiên hóa” ý-thức.

Thực ra, đây mới chỉ là nhận xét của tôi và tôi sẽ minh chứng trong những giải thích sau đây:

BẢN-CHẤT KHÁC NHAU CỦA VẬT-THỂ và TÂM-THỂ

Cái gây nên rối loạn liên tiếp trong tâm lí học, kể từ giai đoạn phôi-thai của nó ở thế kỉ XVIII, chính là hình ảnh xảo trá của phương-pháp có vẻ vừa khoa-học vừa thiên-nhiên, rất thích hợp với kiểu phương-pháp lí-hóa. Chúng ta tin chắc rằng phương pháp của tất cả các khoa-học thực-nghiệm, xét theo tính cách phổ-quát về nguyên-tắc, đều hoàn toàn giống nhau, và như thế phương-pháp của tâm-lí-học cũng chính là phương-pháp của khoa-học vật-lí. Nếu khoa siêu hình học đã phải đau khổ quá lâu vì bắt chước một cách sai lạc, lúc thì phương-pháp hình học, lúc thì phương pháp vật-lí, thì cũng vậy, chính kiểu cách đó vẫn còn được lặp lại trong khoa tâm-lí-học. Không phải tình cờ mà những tay thầy của khoa tâm-lí-học thực-nghiệm đều là những nhà vật-lí và sinh lí. Phương-pháp đích thực phải là phương-pháp theo sát bản tính của những sự-vật mà ta muốn nghiên-cứu và chúng ta phải gạt bỏ những thiên kiến và tiền-tri-giác về chúng. Từ tính-cách chủ-quan hàm hồ của những sự vật, với ngoại diện khả giác ngây thơ, khoa-học thiên-nhiên đã vạch ra những sự vật có tính cách khách-quan với những đặc-tính khách-quan xác thực. Cũng thế, người ta tự nhủ, tâm-lí-học cũng phải đưa dần vật-thể mơ hồ, của cách giải thích ngây thơ, tới một sự xác định có giá-trị khách-quan và hiển-nhiên: phương-pháp khách quan để thực-hiện công việc đó là chính phương-pháp thực-nghiệm khoa-học về thiên-nhiên, một phương pháp đã từng được bảo-đảm một cách rực rỡ nhờ những thành-quả nhiều vô kể.

Tuy nhiên vấn-đề cần phải thấu triệt là tại sao những dữ kiện của kinh-nghiệm lại có thể vươn tới tính cách xác định khách-quan được, và những danh-từ như “tính cách khách-quan”, “xác-định khách-quan” phải được hiểu như thế nào ở mỗi lúc, cũng như trong mỗi giai-đoạn khác nhau, phương pháp thực-nghiệm giữ nhiệm-vụ nào, điều đó tùy thuộc ý nghĩa riêng biệt của các dữ-kiện hay tùy thuộc vào ý nghĩa mà ý-thức thường nghiệm (chúng ta đang nói đây) gán cho những dữ-kiện đó theo yếu-tính của ý-thức (ý-thức xét như nó chỉ là sự nhắm ý nghĩa này chứ không phải một ý nghĩa nào khác). Hễ theo kiểu mẫu khoa-học về thiên nhiên thì nhất định là phải biến ý-thức thành một sự vật. Điều đó lập tức đưa chúng ta tới chỗ phi-lí: từ đó luôn luôn kế tiếp phát sinh sự đi tới những lập-trường phi lí về vấn đề, đồng thời nó cũng dẫn tới những chiều hướng sai lạc trong công việc tìm kiếm. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu vấn-đề đó một cách cặn-kẽ hơn.

VẬT THỂ. – Chỉ có vũ-trụ vật-thể trong thời-gian và không-gian là bản tính (nature) đúng theo đầy đủ ý nghĩa của danh từ. Tất cả mọi Dasein khác, tức tâm-thể, phải hiểu theo ý nghĩa thứ hai của danh-từ bản-tính, và sự kiện đó minh-định những khác biệt căn-bản sâu xa giữa phương-pháp khoa-học thiên-nhiên và phương pháp tâm-lí. Theo nguyên-tắc, chỉ có hữu-thể vật-chất là có thể được ta kinh nghiệm như đồng-nhất một cách cá biệt trong nhiều kinh-nghiệm trực tiếp, nghĩa là trong nhiều tri-giác. Vậy khi nhiều tri-giác thực-hiện trên những “chủ-thể” khác nhau, thì chỉ có hữu thể vật chất là có thể được tri-giác như đồng-nhất một cách cá-biệt đối với nhiều chủ thể và được mô-tả như một hữu-thể liên-chủ-thể. Cũng những vật thể ấy (vật-thể và cách-thức v.v…) trình-diện trước mặt mọi người chúng ta và chỉ có chúng mới có thể được chúng ta xác định theo “bản-tính” của chúng. Nhưng “bản-tính” của chúng chứng tỏ rằng: đang khi trình diện với ta trong kinh-nghiệm với những “ngoại diện có tính cách chủ-thể là những cái thay đổi không những theo nhiều cách, chứng tỏ ra hoàn toàn là những đơn vị thời gian có đặc-tính tĩnh hay động và được nhận thấy như nhập thể trong toàn-khối (Zusammenhang) vũ-trụ vật-chất, cùng một thời gian và cùng một không-gian, và cái toàn-khối này nối kết tất cả những vật thể đó lại với nhau. Chúng chỉ là chúng trong khối nhất-thể đó. Chúng có đồng-nhất cá biệt (substance) và chúng duy-trì cái đồng nhất cá biệt đó như là một cái gì mang những “đặc-tính thực-tại” duy nhất trong tương quan hỗ-tương về nhân-quả-tính. Tất cả những đặc tính thực-tại một cách vật chất đều có tính cách nhân quả. Tất cả các hữu thể vật-chất (Daseiende) đều phải tuân theo những định luật của những sự biến-thể mà chúng có thể có và những định luật này liên-hệ đến đối-tượng đồng-nhất, đối tượng này không phải vật-thể xét như vật-thể, nhưng vật-thể trong toàn-khối duy-nhất thực-tại và khả-hữu của thiên-nhiên độc-nhất. Mỗi vật thể có “bản tính” của mình (như quan niệm toàn thể về cái mà nó là, tức cái đồng nhất), vì mỗi vật là điểm giao-tuyến của những chuỗi nhân quả, trong lòng khối thiên-nhiên duy-nhất kia. Những tính-chất thực-tại (tính chất của những vật thể thực-tại và vật-chất) là một huy-hiệu về sự có thể biến-thái mà vẫn giữ đồng-nhất-tính, đã được hoạch định trước theo những luật nhân-quả; vì thế sự biến-thái có tính-cách đồng-nhất chỉ được xác định nhờ sự nại đến những định luật này. Tuy nhiên, những vật thể đều là những dữ-kiện xét như những đơn vị của kinh-nghiệm trực tiếp, hay xét như những đơn-vị của nhiều ngoại-diện khả-giác. Những tính-cách vững-chắc, hoặc biến đổi hay tương quan với biến đổi mà ta có thể nhận biết được nhờ cảm-giác, đều luôn luôn hiến cho tri-thức một sự hướng dẫn, và nhờ tương-quan với những tính chất trên, chúng giữ địa-vị một môi-trường bất định, ở đó bản tính thực sự và khách quan, tức bản tính xác thực của vật-lí-học, được trình-diện; và cũng chính qua môi-trường đó, óc suy luận khoa-học, xét như một suy tưởng thực nghiệm có tính cách khoa-học, minh định và xây dựng các xác thực.

Tất cả cái đó không phải là một cái gì người ta gán ghép cho những sự vật của kinh-nghiệm và cũng không phải một cái gì người ta gán-ghép cho kinh-nghiệm về các sự vật, nhưng là một cái gì thuộc về yếu-tính của chúng một cách bất-khả phân-li, đến nỗi tất cả nhận xét có tính cách trực-giác và quy kết về bản-chất đích-thực của vật thể (vật thể trong kinh-nghiệm luôn luôn xuất hiện như một cái gì, như đang là đấy, như đã được xác định và đồng thời có thể xác định, nhưng như đang luôn luôn đổi khác trong sự thay đổi những ngoại-diện của nó và trong sự thay đổi những trường hợp xuất hiện) sẽ dẫn một cách tất yếu tới những tương-quan nhân-quả và hoàn thành trong sự xác định những tính-chất khách-quan tương ứng, xét như lệ thuộc và những định luật. Khoa học thiên-nhiên chỉ có việc tuân theo một cách quy-kết cái ý nghĩa mà vật thể muốn có, xét như vật thể được kinh-nghiệm, và có thể nói được rằng: với một kiểu cách khá mờ ảo, vật thể tự đề ra những phương sách của mình, chẳng hạn như loại trừ những phẩm tính đệ-nhị, những yếu-tố hoàn toàn chủ-quan về ngoại-diện để chỉ giữ lại “những phẩm-tính đệ-nhất” mà thôi. Thực ra, bảo rằng: đây là một sự trình bày lẫn lộn thì chưa đủ, nhưng còn phải bảo: đây là một lí thuyết sai lạc mặc dầu có phương sách tốt.

TÂM THỂ. – Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại “vũ-trụ” của “tâm thể” và khảo cứu những “hiện-tượng tâm-linh” mà tâm-lí-học mới nhìn nhận như là đối tượng của mình. Như thế, trước tiên, chúng ta hãy gạt ra một bên những vấn-đề liên-quan đến linh-hồn và cái Tôi. Chúng ta thử hỏi: trong mỗi tri-giác của tâm-thể cũng như trong ý nghĩa của mỗi kinh nghiệm vật-lí và mỗi tri-giác về thực-tại, người ta có nhận thấy hàm chứa một khách-thể-tính nào đáng gọi là bản-tính không? Chúng ta nhận thấy ngay lập tức rằng: những tương quan trong lãnh-vực Tâm-linh hoàn toàn khác biệt với những tương quan trong lãnh vực vật-lí. Tâm-thể được phân chia (nói một cách ám chỉ chứ không phải một cách siêu hình) thành những đơn-tử không có một cửa sổ nào và chỉ được giao-dịch nhờ nội-cảm (intropathie, Einfuhlung). Hữu thể tâm-linh, hữu-thể xét như là “hiện tượng” theo nguyên-tắc, không phải một đơn-vị có thể được kinh-nghiệm trong nhiều tri-giác khác nhau như là đồng nhất-tính cá-biệt, cũng không thể được kinh-nghiệm trong những tri giác của cùng một chủ-thể. Nói khác đi, trong lãnh-vực tâm-linh, không có sự phân-biệt nào giữa xuất-hiện và hiện-hữu và nếu người ta hiểu thiên nhiên như một hữu-thể được trình-diện nhờ những ngoại-diện thì chính những ngoại-diện này (nhà tâm-lí-học cho những ngoại-diện này thuộc tâm-thể) sẽ không tạo nên một hữu-thể có thể xuất hiện qua những ngoại-diện kia. Mọi suy-tư về tri-giác, bất xét là tri-giác ngoại-diện nào đều chứng tỏ chắc chắn nhận xét trên. Vậy, thật là rõ ràng: nói cho đúng ra, chỉ có bản-tính mới được trình-diện trong những ngoại diện của sự vật. Theo nghĩa rộng nhất của tâm-lí-hóc, tất cả những gì chúng ta gọi là một hiên-tượng tâm-linh, xét theo bản tính của nó, chắc chắn phải là một hiện-tượng chứ không phải một bản-tính.

SO SÁNH GIỮA VẬT-THỂ VÀ TÂM-THỂ

Do đó một hiện-tượng không phải là một đơn vị “có bản thể”. Hiện-tượng không có một chút “đặc-tính thực-tại” nào. Nó không dính líu một chút thực-tại cũng không một chút biến-thể thực-tại hay nhân-quả-tính nào, vì tất cả những danh-từ này chỉ hiểu được trong ý nghĩa của triết-học về thiên-nhiên (bản-tính). Gán ghép thiên-nhiên và những hiện-tượng, tìm kiếm những thành-phần tổ-hợp thực-tại, những tương-quan nhân-quả cho những hiện-tượng, chính là làm một điều vô lí hoàn toàn, giống như đòi hỏi những tính chất nhân-quả và những tương-quan v.v…cho các con số. Nhiên-hóa một vật-thể nào mà yếu-tính của nó khác hẳn với hữu-thể xét như là thiên-nhiên, tức là làm một việc phi-lí. Vật-thể là cái mà nó là, và ngàn đời vẫn nằm trong đồng-nhất-tính của nó. Thiên-nhiên luôn vĩnh-tồn. Những đặc tính hay những biến thể của những đặc tính đều quả là thuộc về vật-thể khả-giác của đời sống thực-hành nghĩa là vật-thể xét như “nó được trình-diện một cách khả-giác”. Những đặc tính hay những biến-thể trên có thể được minh-định bằng phương-pháp có giá-trị khách-quan, cũng như được xác nhận hay bị sửa chữa trong những kinh-nghiệm luôn luôn đổi mới. Trái lại, vật thể tâm-linh, tức “hiện-tượng” xuất hiện và biến mất. Nó không duy-trì một hữu thể liên tục đồng nhất nào là cái có thể gọi là như thế ấy và được xác định một cách khách-quan theo ý-nghĩa của Khoa-học về thiên-nhiên, chẳng hạn như có thể bị chia một cách khách-quan thành những thành phần hay có thể “phân-tích” được, theo đúng ý nghĩa chuyên-môn đặc biệt của danh từ.

TÂM-LÍ-HỌC LÀ KHOA-HỌC VỀ CÁC HÌNH-THÁI CỦA Ý-THỨC

Kinh-nghiệm không thể nói cho ta biết tâm-thể là cái gì, như nó đã có thể nói về cái vật-thể. Bởi vì tâm-thể không được nghiệm như một cái chi đang xuất-hiện trước mắt ta, nhưng nó chỉ là “cái đã được ta sống” (Erlebniss); nó là cái đã sống và đang được ta nhìn thấy trong hồi-tưởng; chính nó xuất-hiện đó, và nó xuất-hiện bằng chính mình nó, trong triều-lưu tuyệt-đối (flux absolu): nó xuất-hiện như đang có đó và như “đang hết hiện-hữu”, và người ta thấy rõ ràng nó đang rơi vào cái đã qua. Cái tâm-thể cũng có thể là một cái được hoài-niệm và như vậy nó là cái ta “đã kinh nghiệm” theo một nghĩa hơi khác; trong cái “được hoài-niệm” này, ta thấy xuất hiện “cái ta đã tri-giác”. Nó có thể là hoài-niệm được nhắc đi nhớ lại nhiều lần trong nhiều hoài-niệm quy-tụ trong cùng một tâm-thức: hoặc tâm-thức nhớ lại một cái gì nó cần phải nhớ lại, hoặc tâm-thức vẫn nhớ luôn mãi. Trong tương-quan này, và chỉ trong tương-quan này mà thôi, cái a priori tâm-thể (tức cái bản-chất mà tâm-linh ta có về sự vật) có thể được coi như được ta “kinh nghiệm” và được ta xác nhận là đồng nhất với cái đồng-nhất của những lần nhắc lại khác nhau. Như vậy chúng ta có thể nói một cách hiển-nhiên rằng: tất cả những gì ta kinh-nghiệm trong tâm-linh như thế đều được bao hàm trong cái toàn-thể thông-suốt, tức cái nhất-thể “đơn tử” (unité monandique) của tâm thức là cái nhất thể không chutschi liên can đến không-gian, thời gian, bản-thể-tính hay nhân-quả-tính, bởi vì tâm-thức có “những hình-thái” vô cùng độc-đáo của nó. Tâm-thức là một triều-lưu những hiện-tượng, triều-lưu vô biên cả phía trước và phía sau, và với một đường ý-hướng-tính xuyên qua, đường ý-hướng-tính này chính là dấu-hiệu của tính-chất nhất-thể nó thâm nhập vào tất cả, tức tính-chất nhất thể của “thời-gian nội tại” một thời gian không có khởi điểm và cũng không có chỗ cùng, thời gian mà không một đồng-hồ nào đo được.

Khi quan sát triều-lưu những hiên-tượng (le flux des phénomènes) trong đời sống tự-nội, chúng ta đi từ hiện-tượng này qua hiện-tượng khác, mỗi hiện-tượng là một đơn vị được quan-niệm trong triều lưu và trong chính động-tác của triều-lưu, và chúng ta không đạt tới một cái chi khác ngoài những hiện tượng như thế. Chỉ khi nào cái nhắm tự nội (visée immanente) và kinh-nghiệm về đối tượng đi tới chỗ tổng hợp, thì khi đó hiện tượng được nhắm và đối-tượng được kinh-nghiệm mới liên lạc chặt chẽ với nhau. Nhờ kinh-nghiệm ta có về sự vật và kinh-nghiệm về mối tương-quan giữa sự vật và hiện tượng, một nội-cảm (einfiihlung, intropathie) khởi dậy tức khắc như một cái nhìn gián-tiếp về cái ở trong tâm-linh…

CÁC BẢN-CHẤT (WESENS) VÀ TRỰC-GIÁC CÁC BẢN-CHẤT (WESENSSCHAU)

Nếu tâm-thể tự-nội không phải là thiên nhiên, nhưng chỉ là cái đáp lại thiên-nhiên, thì chúng ta coi cái gì là bản-chất của tâm-thể? Nếu cái tâm-thể không được xác định như một “đồng nhất tính có tính-cách khách-quan”, như đơn vị thuộc bản-thể với những tính chất thực tại mà phương-pháp khoa học thực nghiệm luôn luôn đạt được, xác định và chứng minh; nếu cái tâm-thể thu gọn vào triều lưu vĩnh cửu và nếu nó không thể trở thành đối tượng có giá trị tương-chủ-tính, thì chúng ta sẽ nắm được cái gì, sẽ xác định và ấn định được cái chi khách quan trong tâm-linh chăng? Và tất cả những cái đó phải được hiểu theo kiểu cách nào, để chúng ta đứng vững trong phạm vi hiện-tượng-học thuần-túy và gạt ra ngoài phạm-vi khảo sát đó tất cả những gì tương quan với thân thể mà người ta thí-nghiệm theo kiểu cách một vật-thể, và bỏ tất cả những gì tương quan với thiên nhiên. Vậy câu trả lời là: nếu các hiện tượng không có một bản-tính (thiên nhiên) nào hết, thì chúng vẫn có một bản-chất (das Wesen) người ta có thể lãnh hội được và lãnh hội một cách trọn vẹn trong một cái nhìn trực-giác. Tất cả những mệnh-đề mô-tả các hiện-tượng bằng quan niệm trực tiếp, sẽ thực hiện được công việc đó, mỗi khi những mệnh-đề đó có giá trị, nghĩa là mỗi khi chúng dùng những ý nghĩa có thể lãnh hội được bằng những danh từ; những ý nghĩa này được bộc lộ trong những trực-giác bản-chất.

Cần phải hiểu một cách đứng đắn cái nền tảng này của phương pháp Tâm-lí-học. Sự câu-thúc của thái-độ duy-nhiên đã làm chúng ta bất lực không rứt mình ra khỏi cái thiên-nhiên để nhìn nhận cái tâm-thể như đối-tượng của một nghiên-cứu thuần túy trong một thái-độ thuần-túy, chứ không trong thái-độ tâm-vật-lí: sự câu thúc kia đã ngăn cản chúng ta tiến tới một khoa-học đích-thực, nền tảng của tất cả những khoa Tâm-lí-học đáng gọi là khoa-học đích-thực, và còn là nền tảng cho khoa-học về tri-thức nữa. Sự câu thúc của thái độ duy-nhiên còn làm chúng ta khó nhìn thấy những “bản chất”, nghĩa là sự câu-thúc đó đã làm ta nhiên-hóa những “bản chất” đó, thay vì nhận thức đúng bản-chất chúng…

Vậy cần phải hiểu biết một cách dứt khoát rằng “trực giác các bản-chất” không phải là một “kinh-nghiệm” theo nghĩa tri-giác hay hoài-niệm, hoặc những hành-động về loại đó; và trực-giác đâu cũng không phải là sự tổng-quát-hóa cái thường-nghiệm theo cách lấy những sự kiện lẻ tẻ của thường-nghiệm để ghép lại cho thành một Dasein (hữu-thể cá-biệt). Trực-giác coi bản-chất (essence) như là hiện-hữu bản-chất (eetre-essence), và không coi bản-chất là một hữu-thể cá-biệt. Bởi thế, khi tri-thức bản-chất, ta không tri-thức một cái chi thuộc loại sự kiện, tri-thức của trực-giác không hàm chứa một phán đoán nào có liên can đến hữu-thể thiên-nhiên hết. Nền tảng, hay nói đúng hơn, hành động nguyên-thủy của một trực giác bản-chất (chẳng hạn bản-chất của tri-giác, của hoài-niệm, của phán-đoán…) có thể là tri-giác của một tri-giác, tri-giác của hoài-niệm, tri-giác của phán-đoán; nhưng cũng có thể là một tưởng tượng thuần túy mà “rõ ràng”, và như vậy trực-giác không phải là một kinh-nghiệm, không tiếp-nhận một hữu-thể cá-biệt nào hết. Công-việc nắm bản-chất này (Wesenserfassung) không hề vương tới sự kiện: nó chỉ là trực giác, vì nó nắm bản-chất mà thôi, vì thế mà “xem” ở đây có nghĩa hoàn toàn khác với xem bằng kinh-nghiệm. Dĩ nhiên, những bản-chất có thể được biểu-lộ một cách mờ mờ, biểu-lộ bằng những kí-hiệu và nhận định sai lầm: khi đó chúng là những bản-chất được nhắm thôi, và chúng mang nhiều mâu-thuẫn, như chúng ta dễ nhận thấy nơi tính-chất không thể duy-nhất-hóa của chúng. Tuy-nhiên tình trạng không rõ ràng này vẫn có thể được củng-cố cho thành giá-trị, nếu ta trở lại với trực-giác những dữ-kiện của bản-chất.

Bản-chất, dữ-kiện tuyệt-đối.

Tất cả những phán đoán dùng quan-niệm chắc chắn để diễn-đạt cách thỏa mãn những gì đã nắm được trong bản-chất (chẳng hạn những bản-chất về loại này gần với những bản-chất khác thế nào, thí dụ “trực giác” (Anschauung) gần với “ý-hướng trống rỗng” (leere Meinung) thế nào, và gần với “tri giác” và “quan niệm” thế nào, và chúng nhất thiết phải duy-nhất-hóa với nhau vì những yếu-tố này hay yếu-tố nọ thế nào, chúng hòa hợp với nhau như “ý hướng” hòa hợp với “thỏa mãn”, hay trái lại, chúng không hòa hợp được với nhau và vì thế đã tạo nên “ý-thức bị phỉnh lừa”, tất cả những phán đoán như thế đều là những tri-thức tuyệt-đối, có giá-trị phổ-quát như bản-chất của phán-đoán, một bản-chất mà ta sẽ phi-lí nếu ta muốn dùng kinh-nghiệm để đặt nền, củng-cố hay phi-bác.

Sự phán đoán ấn-định một “tương quan giữa những ý-tưởng”, một a priori theo đúng nghĩa mà Hume đã nhìn thấy trước mắt ông, nhưng rồi tất nhiên nó đã tuột khỏi tay ông bởi vì ông đã lầm lẫn bản chất với ý-hướng (ông coi ý-tưởng là cái chi thuộc loại những ấn-tượng). Nếu chu-nghĩa duy-cảm của ông đã không làm ông mù quáng đối với tất cả lãnh vực ý-hướng-tính của “ý-thức-về”, - nếu ông đã biết coi lãnh-vực này là cái chi dành cho nghiên-cứu bản-chất, thì ông đã không trở thành một nhà hoài-nghi vĩ-đại, nhưng đã trở thành vị sáng lập một học-thuyết “duy-nghiệm” đích-thực về lí-trí. Tất cả những vấn-đề đã làm Hume say mê trong cuốn Treatise của ông, và đã dẫn ông hết lầm lẫn này qua lầm lẫn khác, - những vấn đề mà, trong thái độ của ông, ông không đặt nổi một cách đích đáng và thuần túy, - những vấn đề đó đều hoàn toàn thuộc quyền khoa Hiện-tượng-học. Không trừ một vấn đề nào, tất cả những vấn-đề đó đều phải giải quyết theo những tương-quan bản chất của những hình-thái ý-thức, cũng như của những thể-thức tổng-quát của những hình-thái ý-thức, trong một sự lãnh-hội giống như một cái nhìn tổng quát là cái nhìn không bỏ qua một vấn-đề hàm-nghĩa (sinnvoll) nào. Như vậy, vấn đề bao la về đồng-nhất-tính của đối-tượng qua nhiều ấn-tượng hay nhiều tri-giác, cũng phải được giải-quyết như thế. Thực vậy, làm sao nhiều tri-giác tức nhiều ngoại diện, lại có thể đi tới chỗ làm xuất-hiện một vật-thể duy-nhất và đồng-nhất mãi, đến nỗi ta nhận rằng vật-thể đó chính là nó cho nó và cho ý-thức: đó là một vấn-đề chỉ có thể được đặt ra và giải đáp một cách rõ ràng nhờ sự nghiên-cứu của khoa hiện-tượng-học về bản-chất mà thôi. Muốn dựa vào một khoa-học như kiểu khoa-học thực-nghiệm về thiên-nhiên để trả lời cho vấn-đề này là không hiểu vấn-đề và gán cho nó một ý-nghĩa phi-lí. Tại sao một tri-giác cũng như bất cứ kinh-nghiệm nào, lại có thể là tri-giác chính cái sự vật ấy, theo lối nhìn ấy, có màu sắc ấy, có hình thức ấy v.v…, đó là vấn-đề bản-chất của tri-giác, bất cứ sự vật kia được xét theo phương diện nào của “hiện-hữu” nó.

Làm sao ta lại có một tri-giác liên-tục không do tự-tiện, như khi cùng một sự vật luôn luôn trình diện với ta qua những hướng nhìn luôn luôn thay đổi của ta v.v…, đó cũng là vấn-đề bản-chất như trên kia. Tóm lại, đây là những lãnh-vực lớn lao dành cho việc “phân-tích ý-thức” (những lãnh vực mà văn-chương chưa có khai-thác mấy); trong lãnh vực này, cần phải mở rộng phạm-vi dành cho chữ “ý thức” cũng như chúng ta đã dành cho chữ tâm-thể trên kia, để chữ ý-thức có thể bao hàm tất cả những gì nội-tại trong tâm thức và tất cả những gì mà ý-thức nhắm, bất cứ theo chiều hướng nào. Sau khi thoát khỏi thuyết Duy-nhiên lầm lạc kia, những vấn-đề về nguyên-khởi mà người ta tranh-luận từng nhiều thế kỉ, sẽ trở thành những vấn-đề hiện-tượng-học. Chẳng hạn vấn-đề nguyên-khởi của “không-gian biểu-tượng”, của những biểu-tượng về thời-gian, về sự vật, về con số, về nhân quả v.v… Những vấn-đề thường-nghiệm về sự phát xuất những biểu-tượng đó xét như chúng là những biến-cố của tâm-thức con người, sẽ chỉ có ý-nghĩa khoa-học và có những giải đáp thỏa mãn, khi nào chúng được truy-nhận là những vấn-đề thuần-túy, được đặt ra và giải-đáp một cách đúng nghĩa thực sự.

Nhưng tất cả những cái đó sẽ chỉ đúng, nếu người ta nhận thấy và thành thực chấp nhận rằng: cũng trực-tiếp như khi chúng ta nghe một âm-thanh, thì chúng ta cũng có thể trực-giác một bản-chất, thí-dụ bản-chất “âm thanh”, bản-chất “ngoại-diện của sự vật”, bản-chất “sự vật hữu-hình”, bản-chất “biểu-tượng bằng hình-ảnh”, bản chất “phán-đoán” hay “ý chí”; và trong khi trực giác bản-chất như thế, người ta có thể đưa ra một phán-đoán về bản-chất. Nhưng đàng khác, tất cả những điều nói trên đây chỉ sẽ đích-thực, nếu người ta tránh được sự lẫn lộn riêng biệt của Hume, nghĩa là tránh đừng lẫn lộn cái nhìn hiện-tượng-học với phương-pháp “nội-quan”, tức kinh-nghiệm nội-tâm; tóm lại là đừng lẫn cái nhìn hiện-tượng học với những hành-động thay vì nhìn vào những bản-chất, lại đã chỉ nhìn vào những đơn-vị cá-biệt tương-ứng với những bản-chất đó.

HIỆN-TƯỢNG-HỌC THUẦN-TÚY VÀ CÁI CÁ-BIỆT

Bao lâu Hiện-tượng-học còn thuần túy và không đả động chi tới phương-diện hiện hữu của thiên-nhiên, thì nó là một khoa-học để nghiên-cứu những bản-chất mà thôi, chớ không nghiên-cứu về hiện-hữu. Tất cả những gì là “nội-quan” và tất cả những phán-đoán dựa trên “kinh-nghiệm” như thế, sẽ bị gạt ra ngoài phạm vi của hiện-tượng-học. Xét theo phương diện tự-nội (immanence) thì cái cá-biệt chỉ có thể là cái này cái nọ (thí dụ tri-giác uyển-chuyển này, hoài-niệm nọ v.v…), và như vậy nó chỉ có thể được nêu lên và nhất là chỉ được bao hàm trong những quan-niệm chặt chẽ về bản-chất, là những quan-niệm đã được rút ra tự những phân-tích về bản-chất. Nói thế, vì cái cá-biệt không là bản chất, nhưng nó có một bản-chất, và người ta có thể nêu lên bản-chất đó về cá-biệt ấy một cách chắc chắn hiển nhiện. Nhưng xác định cái cá-biệt đó như một cá-thể, cho nó một vị-trí trong cái “thế-giới” của hữu-thể cá-biệt, lấy những quan-niệm về bản-chất để chụp lên cái cá-biệt như thế, tất nhiên chưa phải là vạch rõ được nó. Đối với hiện-tượng-học, cái cá-biệt sẽ muôn đời là cái vô-định (apeiron). Hiện-tượng-học chỉ có thể nhận-thức một cách có giá-trị khách-quan, những bản-chất và những tương-quan bản-chất. Trong lãnh-vực này, Hiện-tượng-học thuần-túy có thể chu toàn, và chu toàn một cách mĩ mãn tất cả những gì cần thiết để chúng ta có một sự thông-hiểu rành-mạch về những tri-thức thường-nghiệm và tri-thức nói chung: nhìn nhận rành mạch về “nguyên-khởi” của tất cả những “nguyên-lí” hình-thức luận-lí và những nguyên-lí tự-nhiên luận lí, - nhìn rành mạch tất cả những vấn-đề liên-can đến mối tương-đồng (corrélation) giữa bản-chất (bản-chất của thiên-nhiên, bản-chất của giá-trị) và ý-thức…

Duy khoa Hiện-tượng-học triệt-để và có hệ-thống, nghĩa là khi nó không bị coi như một hành-động phụ tạp, suy nghĩ lẻ tẻ, nhưng được coi như một sự đổ hết tâm lực vào những vấn đề vừa nhiều vừa phức tạp của tâm-thức, - duy khoa Hiện-tượng-học được hướng dẫn với một tinh-thần thong dong và không bị mù quáng bởi một thiên-kiến duy-nhiên nào, - duy khoa Hiện-tượng-học như thế mới có khả năng dẫn chúng ta tới chỗ am-tường cái tâm-thể, - trong lãnh-vực tâm-thức cá-nhân hay tâm-thức chung. Khi đó, lần đầu tiên, tất cả công trình thực-nghiệm của thời ta, cùng với đầy đủ những sự kiện thường nghiệm đã được thu-thập và những định-luật đôi khi rất lí-thú, sẽ sinh-hoa kết quả xứng đáng, nhờ sự đánh giá có phê bình và sự phân-giải có tính-chất tâm-lí-học. Khi đó người ta sẽ nhận thấy điều mà người ta không thể nhận thấy nơi khoa Tâm-lí-học hiện-đại, là: khoa tâm-lí-học liên lạc mật thiết, vô cùng mật thiết, với khoa triết-học.

Bản dịch của

L.M. TRẦN-THÁI-ĐỈNH VÀ TRỊNH HÙNG.

 

Chú thích

(1) Sự phân phối các tiêu đề là do chúng tôi

(2) Đơn nghĩa: univoque. Có nghĩa như tuyệt đối

(3) Dasein: Hữu-thể nọ, hiện hữu cá-biệt

(4) Ý-thức-hàm-nghĩa: Conscience-signification (= noèse, phương diện chủ thể)

(5) Khách-thể-tính: Conscience-objectivité (= noème, phương diện khách thể)

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt