Hiện tượng học

Giới thiệu và định nghĩa hiện tượng học

 

GIỚI THIỆU VÀ ĐỊNH NGHĨA HIỆN TƯỢNG HỌC

TRẦN THÁI ĐỈNH

 


Trần Thái Đỉnh. "Giới thiệu và định nghĩa hiện tượng học" trong Hiện tượng học là gì? Nxb. Hướng Mới, 1968.


             

Hiện tượng học là gì?

Nhìn vào bản văn của Merleau-Ponty  bàn về hiện tượng học, người ta nhận thấy được chia làm 6 phần như sau: I. – Giới thiệu và định nghĩa hiện tượng học, - II- Lập trường của hiện tượng học, III – Phương pháp Giảm trừ htth, - IV. – Những bản chất hiện tượng học, - V- Ý hướng tính, bản chất của ý thức con ngn, VI. – Vấn đề chân lý.

Chúng tôi sẽ chú giải 6 đề tài này trong 6 chương theo thứ tự của tác giả. Mỗi chương, nếu cần, sẽ được chia thành nhiều tiết. Sự phân chia thành chương thành tiết này do chúng tôi hoàn toàn, với mục đích giúp bạn đọc dễ hiểu những trang chi chít những chữ và những lập luận của Merleau-Ponty.


 

“Hiện tượng học là gì? Nửa thế kỷ sau những tác phầm đầu tiên của Husserl mà còn phải đặt câu hỏi này, xem có vẻ dị kỳ làm sao. Tuy nhiên câu hỏi này vẫn chưa được giải đáp gì hết.

Hiện tượng học là khoa nghiên cứu về những bản chất, và đối với khoa này thì tất cả mọi vấn đề đều quy về việc xác định những bản chất: chẳng hạn bản chất của tri giác, bản chất của ý thức. Nhưng hiện tượng học cũng là một triết học đặt các bản chất lại nơi hiện hữu, và nó quyết rằng chúng ta không thể hiểu được con người và thế giới, nếu không khởi sự từ những kiện tính của chúng. Đó là một thứ triết lý siêu nghiệm chủ trương gạt bỏ những phán quyết của thái độ tự nhiên ra một bên để dễ bề lãnh hội chúng, nhưng đó cũng là một triết thuyết cho rằng thế giới “đã có đấy rồi”, trước khi ta phản tỉnh: thế giới đã có đấy như một hiện diện không tài nào chối bỏ được, và tất cả nỗ lực của ta là tìm lại cái cuộc gặp gỡ ngây thơ đó với thế giới để rồi đặt cho nó một quy chế triết lý.”

Có mấy danh từ chuyên môn cần hiểu rõ trước khi đi sâu vào nội dung của đoạn văn trên đây. Trước hết là danh từ “bản chất” (essences, Wesen). Husserl và trao lưu hiện tượng học hiểu bản chất là quan niệm thâu đạt được do kinh nghiệm sống của ta; họ không hiểu bản chất như kiểu bản tính vĩnh cửu, và bất biến của triết học Hy lạp và triết học cổ điển. Chẳng hạn khi ta nói cái bàn, con chó, cây dừa, thì triết Hy lạp cho rằng đó là những quan niệm phổ quát và bất biến (phổ quát vì ai cũng thấy như thếp; bất biến vì vu trụ Hy lạp vĩnh cửu, cho nên thời nào con người cũng sẽ có quan niệm y hệt về vạn vật): bởi thế, vẫn theo triết Hy lạp, thì những danh từ như bản tính, quan niệm, định nghĩa, mô thể … được coi là đông nghĩa nhau. Trái lại hiện tượng học chủ trương rằng nói thế giới vĩnh cữu và bất biến là nói một điều phi lý, nghịch với khoa học: khoa học cho thấy vũ trụ biến đổi và con người không ngừng tiến hóa, cho nên tri thức ta có về vạn vật không thể là những quan niệm bất biến. Quá trình tiến hóa của con người, từ trạng thái hầu nhân, qua giai đoạn Homo faber (giống người biết chế tác dụng cụ), rồi giai đoạn Homo sapiens (giống người biết suy nghĩ) ăn lông ở lỗ, cho tới thời kỳ hiện đại, thực là khác nhau quá xa và chứng tỏ những biến đổi quá quan trọng. Đừng nói gì xa xôi, hãy nhìn vào cái nhà ở của cha ông ta một trăm năm trước đây, và quan niệm của cha ông chúng ta về con người, về gia đình, về xã hội, vói quan niệm của thanh niên ngày nay cũng về những thực tại đó: thực khác xa nhau chừng nào! Như vậy không có những bản tính ngàn đời và bất biên về nhà cửa cũng như về con người và xã hội; những quan niệm của ta không phải là những ý tưởng tự thân, những điển hình tự tại mà Platon gọi là những linh tượng. Quan niệm của ta chỉ là kết quả những kinh nghiệm tại thế của ta thôi.

Danh từ “bản chất” tự nhiên gợi lại ý niệm về những “bản tính” của triết cổ điển. Mà bản tính thì trừu tượng. Hơn nữa, xét như bản tính được coi là mô thể của sự vật, thì nó biệt lập đối với chất thể của sự vật. Triết cổ điện nói “bàn” là bản tính của mọi chiếc bàn: có bàn lớn, bàn bé, bản gỗ, bàn sắt, v.v…, tuy nhiên lớn bé, sắt gỗ chỉ là chất thể, tức thành phần không đáng chú ý như mô thể của chúng là: bàn. Hiện tượng học chống lại cách nhận định như vậy và quyết rằng kinh nghiệm của ta, tri thức của ta, quan niệm của ta bắt nguồn nơi sinh hoạt tại thế của ta, tức sinh hoạt thực sự của ta ở thế giới này, cho nên bản chất mà hiện tượng học tìm hiểu là những bản chất cụ thể. Nói bản chất cụ thể, vì kinh nghiệm chỉ cho ta tri thức và có quan niệm về những gì chính ta đã có kinh nghiệm sống. Đó là ý nghĩa câu “hiện tượng học là thứ triết đặt lại các bản chất nơi hiện hữu, và nó quyết rằng chúng ta không thể hiểu được con người và thế giới, nếu không khởi sự từ những kiện tính của chúng”.

Thực vậy, ta không có những ý tưởng ngàn đời và cũng không có những quan niệm phổ quát: ta chỉ tri thức những gì chính ta đã kinh nghiệm. Đây merleau-ponty dùng chữ “kiện tính” (facticité), nghĩa là tính cách sự kiện, tính cách thực nghiệm của một hiện hữu hoặc của một sinh hoạt.

Vậy mục đích của hiện tượng học là đạt được những bản chất cụ thể, tức hình ảnh trung thực của những kinh nghiệm sống. Phải đi từ kiện tính rồi mới tìm cách gỡ lấy những bản chất cụ thể: nói cách khác, phải trở lại kinh nghiệm sống của ta và thận trọng nghiên cứu xem ta đã ý thức sự vật nó, tình trạng kia thế nào. Nói theo danh từ của Husserl: chúng ta phải trở lại kinh nghiệm đã sống của ta để dò xem ta đã “nhắm thế giới” với ý hướng nào, tình cảm nào, thái độ nào. Tuy nhiên với việc này không dễ chút nào: ta thường chỉ để nhận thức những gì mà ta đã chủ ý, vậy mà sinh hoạt tại thế của ta lại hoàn toàn có tính chất “chưa phản tỉnh” (préréflexif). Husserl gọi đó là “sinh hoạt ngây thơ”, “cuộc gặp gỡ ngây thơ giữa ta và thế giới”. Ngây thơ vì ta chưa phản tính: ta nói con nít sống ngây thơ, vì chúng không biết “nghĩ”, chúng chỉ sống thôi. Tại sao Hiện tượng học gọi sinh hoạt tại thế của ta là ngây thơ? Thưa vì “thế giới đã có đấy rồi, trước khi ta phản tỉnh”: như vậy là sinh hoạt của ta có trước khi ta phản tỉnh. Khi tôi say mê (sinh hoạt) một cái gì khác, và khi tôi biết (phản tỉnh) mình say mê thì khác; khi tôi đếm tiền thì khác, và khi tôi trả lời rằng tôi đếm tiền thì lại khác. Khi tôi đếm tiền, thì ý thức tôi nhắm những đồng tiền hoặc những tờ giấy bạc; còn khi tôi trả lời cho người khác rằng tôi đếm tiền thì ý thức tôi không nhắm những đồng tiền nữa, mà lại nhắm tôi và hành vi của tôi, cho nên khi trả lời như thế chắc tôi không đếm được nữa. Tại sao? Tại vì tôi đã phản tỉnh và phản tỉnh là rứt mình ra khỏi sinh hoạt tại thế. Khi tôi say mê cũng vậy: ý thức của tôi không quay lại tôi (phản tỉnh), nhưnh nhắm sự vật hoặc người mà tôi say mê; còn khi tôi biết mình say mê, thì đó là lúc tôi biết mình: như vậy tôi đã phản tỉnh, đã hết mê.

Tóm lại, có sinh hoạt rồi mới có phản tỉnh, vì phản tỉnh có nghĩa là phản tỉnh về một quãng đời đã sống, về một hành vi đã làm. Như ta vừa thấy, sinh hoạt tại thế là sinh hoạt chưa phản tỉnh (vì thế Husserl gọi đó là ngây thơ), cho nên Merleau-Ponty mới quả quyết “Phản tỉnh là phản tỉnh về cái phần chưa phản tỉnh”. Cái phần chưa phản tỉnh này rất bao la, vì nó chiếm tất cả lãnh vực sinh hoạt chưa phản tỉnh của ta, từ bước chân ta đi, đến những lời ta đang nói và cho đến những giấc mơ khi ta ngủ. Khi ta đối chất với kẻ thù, hoặc khi nói chuyện với một người mà ta biết rõ đang dò thám từng ý tứ của ta, thì lời nói của ta vô cùng thận trọng: những khi đó đúng là ta “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói ra”, cho nên những lời của ta hầu như đã được nói lên một lần hoặc hai lần trong tâm tư trước khi được nói to lên cho người đối thoại nghe. Ngoài những trường hợp đó, chúng ta “nghĩ thế nào nói như thế”, và nghĩ đây không phải là suy nghĩ (phản tỉnh), nhưng là cảm thấy, tri giác (sinh hoạt). Bởi vậy sự ăn nói giữa ta với người trong gia đình và với bạn bè đâu có giống kiểu “quân tử nhất ngôn”, vì nói với những người này cũng là như ta nói với chính mình để tìm ra điều hay lẽ phải, cho nên câu nói sau thường sửa chữa câu nói trước hoặc làm cho nó rõ hơn, rồi những câu sau này lại chữa cho câu nói sau hết vừa đây: câu nói thứ hai là ý thức phản tỉnh của ta đối với câu nói thứ nhất, nhưng chính nó lại chưa phản tỉnh về nó để xác nhận hoặc sửa chữa. Rồi như sự kiện ta mơ màng khi ngủ: mơ có phải là sinh hoạt của ta không? Ta có ý thức về giấc mơ của mình không? Thường người ta nghĩ rằng những hành động của ta khi thức thì ta biết, chứ ta biết làm sao được mình mơ? Nhưnh hiện tượng học sẽ hỏi ta: nếu anh không biết anh mơ, vậy thì ai nói cho anh biết những điều anh đã mơ? Anh kể rằng anh mơ chuyện này, anh mơ thế kia đêm qua: như thế là anh đã ý thức về những chuyện anh mơ đó, nếu không thì anh không thể nào biết rằng anh đã mơ như vậy. Giấc mơ khi ngủ cũng như mơ mộng khi thức và cũng như khi ta sinh hoạt say mê, thảy đều là sinh hoạt chưa phản tỉnh. Chưa phản tỉnh, nhưng có ý thức lắm (thứ ý thức chưa phản tỉnh, cũng gọi là ý thức sinh hoạt). Hiện tượng học phân biệt rõ ràng hai thứ ý thức ấy (hay đúng hơn, hai hình thái khác nhau của ý thức): ý thức sinh hoạt và ý thức phản tỉnh. Ý thức trước nhắm thế giới sinh hoạt của ta; ý thức sau nhắm hành vi đã hoàn thành của ta.

Điều can hệ là: hiện tượng học đề cao ý thức chưa phản tỉnh, coi đó là sự  gặp gỡ đầu tiên giữa ta và thế giới. Chính ý thức chưa phản tỉnh này (cụng gọi là ý thức tri giác) làm cho có đối tượng, tức có thế giới cho ta (trong bộ danh từ hiện tượng học, chữ “thế giới” thường chỉ có nghĩa là đối tượng nói chung). Nỗ lực của hiện tượng học là, “tìm ra một quy chế triết lý cho sự gặp gỡ ngây thơ này” tức cho sinh hoạt chưa phản tỉnh của ta cho tri giác của ta.

“Đó chính là tham vọng của một triết thuyết muốn được coi là một “khoa học chính xác”, nhưng đó cũng là bản tường trình về không gian, thời gian và về thế giới, ta đã có kinh nghiệm sống. Đó là sự cố gắng mô tả trực tiếp cái kinh nghiệm của ta cho thực đúng, bất chấp những giải thích theo kiểu nhân quả hoặc theo kiểu truy nguyên tâm lý học do nhà bác học, nhà sử học hoặc nhà xã hội học có thể đưa ra về vấn đề này, dẫu rằng trong những tác phẩm cuối cùng của ông, Husserl có nói tới một khoa hiện tượng học hình thành” (Phénoménologic génétique) và một “hiện tượng học kiến tạo” (Phénoménologic constructive). Chúng ta có thể gạt những mâu thuẫn đó đi bằng cách phân biệt giữa hiện tượng học của Husserl và hiện tượng học của Heidegger chăng? Nhưng ta biết tất cả cuốn “Sein und Zeit” (Hiện thể và thời gian) đã phát xuất do một chỉ dẫn của Husserl, và xét cho cùng thì cuốn này chỉ là sự khai triển cái “ý niệm tự nhiên về thế giới” cũng gọi là “thế giới của kinh nghiệm sống” mà Husserl về cuối đời đã đặt làm đề tài số một cho khoa hiện tượng học. Như vậy mâu thuẫn lại hiện ra ngay trong chính triết của Husserl?”

Merleau-Ponty tiếp tục giới thiệu khuôn mặt của khoa hiện tượng học. Ông dùng lời của Husserl để gọi hiện tượng học là khoa học chính xác (science rigoureuse). Husserl đã viết hẳn một cuốn sách để chứng minh rằng chỉ có hiện tượng học xứng danh là khoa học đích xác và chính xác, vì Hiện tượng học nghiên cứu về sự hình thành của đối tượng mà ta có kinh nghiệm sống, trong khi đó thì các khoa học thực nghiệm chỉ dựa vào đối tượng của tri giác để xây dựng tri thức của chúng. Tuy nhiên chính xác đây không có nghĩa là lựa chọn một số những sự kiện dễ kiểm chứng như ta thấy trong khoa lý hóa chẳng hạn, nhưng hiện tượng học vừa chính xác lại vừa có tham vọng ghi lại một cách trọn vẹn tất cả kinh nghiệm sống của con người: về thời gian và không gian là khung cảnh sống của ta cũng như về chính sinh hoạt muôn mặt của ta. Và để làm việc này, Hiện tượng học sẽ không dựa vào những thành quả, tuy chắc chắn và tốt đẹp, của các khoa học như tâm lý, xã hội và sử, bởi vì các khoa này đến sau khoa hiện tượng học và đã sử dụng đối tượng của tri giác mà không phê phán gì. Vì hiện tượng học nghiên cứu về sự hình thành của thế giới tri giác, tức thế giới uyên nguyên, cho nên nó phải làm lấy công việc một mình, không thể nhờ gì những khoa học thực nghiệm kia. Dưới đây, Merleau-Ponty sẽ trở lại vấn đề thế giới uyên nguyên này dài hơn. Các khoa học thưc nghiệm đều nói về đối tượng, về những vật trong thế giới, nhưng các khoa này tuyệt nhiên không biết làm sao con người lại có những đối tượng đó, làm sao thế giới tri giác của ta lại hình thành như vậy: các khoa này chấp nhận tri giác, chấp nhận kinh nghiệm mà không tìm hiểu, không phê bình. Chỉ riêng hiện tượng học làm công việc tìm hiểu và phê bình này.

Hiện tượng học nhấn mạnh về tầm quan trọng của kinh nghiệm sống: trên kia Merleau-Ponty đã nói “hiện tượng học là khoa nghiên cứu về những bản chất”, tức những bản chất cụ thể, cũng gọi là những bản tường trình về kinh nghiệm sống của ta. Thế giới đã hình thành cho ta trong kinh nghiệm này, bởi vậy khi ta phản tỉnh, khi ta rứt mình ra khỏi thế giới sinh hoạt để nhìn nó như một đối tượng (khách quan) thì ta thấy nó “đã có đấy từ bao giờ rồi”. Hơn nữa, vì bản chất của con người là một hiện-hữu-tại-thế, cho nên thế giới là một hiện diện mà ta không thể nào chối bỏ được, cũng như ta không thể chối bỏ chính bản thân ta. Merleau-Ponty sẽ nói: thế giới là thân của ta. Thế giới không những là mẹ nuôi ta về vật lý, nhưng còn là môi trường sinh hoạt tâm lý và tinh thần của ta nữa. Tất cả những gì ta biết đều do kinh nghiệm sống của hiện hữu tại thế của ta. Đó là biển mênh mông, là nguồn vô tận mà hiện tượng học sẽ giúp ta khai thác.

Đến đây Merleau-Ponty nêu lên một vấn nạn: phải chăng có mâu thuẫn giữa Husserl và Heidegger? Hay là có mâu thuẫn ngay trong học thuyết của Husserl? Ông nêu lên vấn nạn vì có học giả dám quyết rằng Husserl duy tâm, hoặc Husserl duy nhiên. Sở dĩ có ngộ nhận, vì Husserl nói đến một hiện tượng học hình thành (mà nói hình thành theo kiểu thông thường là nói một hiện tượng phát sinh trong thiên nhiên) và ông còn nói đến một hiện tượng học kiến tạo (mà theo nghĩa thông thường thì kiến tạo là tác thành đúng theo mô hình mà tâm trí ta đã họa sẵn trước), Theo Merleau-Ponty thì những ngộ nhận này cũng như nhiều ngộ nhận khác đều do người ta “đọc vội vàng”, hoặc chỉ đọc theo thiên kiến. Thực ra không có mâu thuẫn căn bản giữa hiện tượng học của Husserl và hiện tượng học của Heidegger vì tác phẩm nồng cốt của ông này cuốn “Sein und Zeit”, đã chỉ là một sự khai triển và quãng diễn cái ý niệm của Husserl về thế giới. Khi Husserl nói đến một “ý niệm tự nhiên về thế giới” thì chữ tự nhiên đây không có nghĩa duy nhiên chút nào: tự nhiên đây chỉ có nghĩa là không chủ ý, là ngây thơ, là chưa phản tỉnh, cho nên “thế giới của ý niệm tự nhiên” cũng chính là “thế giới của kinh nghiệm sống”.

Husserl đã cho sự nghiên cứu tường tận về “thế giới của kinh nghiệm sống” là công việc quan trọng nhất và là đề tài số một của hiện tượng học. Tri giác của ta, kinh nghiệm của ta về thế giới là những hiện tượng ngây thơ nhưng vô cùng quan trọng cho việc hiểu biết con người: chính tri giác đã làm xuất hiện một thế giới cho mỗi người chúng ta. Cho nên chủ đích của Hiện tượng học là đặt một căn bản khoa học, “tìm một quy chế triết học”, cho tri giác, tức sinh hoạt chưa phản tỉnh của con người.

“Những độc giả hấp tấp sẽ từ chối không quy kết gì về cái học thuyết đã nói tất cả này, và họ còn tự hỏi rằngm triết thuyết không tự định nghĩa được như thế có đáng người ta bàn luận sôi nổi như vậy về nó không, và phải chăng đây chỉ là một huyền thoại, một cái “mốt”. Mà có thể đi nữa, thì chúng ta cũng phải tìm hiểu uy tín của huyền thoại này và nguồn gốc của cái “mốt” này. Thái độ nghiêm chỉnh và triết lý sẽ diễn tả tình trạng này bằng cách nói rằng hiện tượng học đã được chúng ta sử dụng và chấp nhận như một phương thế, một kiểu cách: nó là một trào lưu trước khi đạt tới mức một ý thức triết học hoàn toàn. Hiện tượng học đã khởi hành từ lâu, các đồ đệ của nó gặp thấy nó khắp nơi, nơi Hegel và dĩ nhiên nơi Kierkegaard cũng như nơi Marx, nơi Nietzsche và nơi Freud. Đem giảng giải các văn kiện theo đường lối từ ngữ học sẽ không mang lại gì hết: chúng ta chỉ gặp nơi các bản văn những gì chính mình ta đã đặt vào đó; và nếu có lịch sử nào cần gọi đến sự bình giải của chúng ta, thì đó là lịch sử triết học. Chính nơi chúng ta, chúng ta mới tìm thấy sự nhất thể của khoa hiện tượng học và ý nghĩa đích thực của nó. Vấn đề không phải là đếm số những câu văn được trích dẫn cho bằng xác định và nêu rõ xem ta hiểu hiện tượng học là gì, bởi vì khi đọc Husserl và Heidegger, nhiều người thời ta không có cảm tượng gặp một thứ triết lý mới cho bằng nhận ra những gì mà chính họ vẫn hằng mong đợi. Phải nhờ phương pháp hiện tượng học, chúng ta mới đi tới hiện tượng học được. Vậy chúng ta hãy quyết tâm nối lại những đề tài thời danh của hiện tượng học, in như chúng đã tự nhiên nối kết với nhau trong sinh hoạt. Như thế may ra chúng ta sẽ hiểu tại sao khoa hiện tượng học đã dừng lại lâu trong tình trạng phôi thai, tình trạng vấn đề và tình trạng một ước mong”.

Đó, cái tệ thứ nhất là người ta đã đọc vội vàng, rồi quyết đoán hấp tấp, nhân đó khi thì người ta cho rằng Husserl tự mâu thuẫn với mình, khi thì người ta lại chê hiện tượng học là mơ hồ như một huyền thoại, hoặc sôi nổi và rỗng tuếch như một trào lưu. Cái tệ thứ hai và tai hại hơn: người ta thấy Husserl không khác các triết gia trước kia mấy, thế rồi người ta góp nhặt những câu của Hegel, của Marx, của Nietzsche v.v… để đúc nên những khoa hiện tượng học. Merleau-Ponty nhắc cho họ rằng: cách giảng văn như thế chỉ là cách mượn chữ của người khác để nói lên ý của mình, “chúng ta chỉ gặp nơi những câu văn trích dẫn những gì ma chính ta đã đặt vào đó”.

Thực ra hiện tượng học đã làm một công việc mà thoạt trông ai cũng nghĩ mình làm được. Công việc đó là tìm lại kinh nghiệm sống của mình. Ai chả có kinh nghiệm sống, vì thế mà nhiều người đã tưởng mình chả cần học với Husserl mà cũng có thể có cái nhìn trung thực về kinh nghiệm sống đó. Cũng như ở Sài gòn những năm gần đây đã có người tưởng rằng hễ có căn bản ngoại ngữ, đọc làu tiếng Pháp hoặc hiểu được tiếng Đức, là có thể viết sách triết, chẳng khác gì thời các cụ ba bốn chục năm trước đây, hễ ông nào có chữ hán mà dạy học không thành thì quay bốc thuốc bắc… Người ta gọi các ông là lang thang. Nếu y khoa là một khoa học thì triết cũng là một khoa học, một thứ khoa học nhân văn đòi hỏi nhiều học tập chuyên môn. Về hiện tượng học, Merleau-Ponty nhắc lại một nguyên tắc cơ bản: “Phải nhờ phương pháp hiện tượng học, chúng ta mới đi tới hiện tượng học được”, bởi vì coi thế chứ hiện tượng học là một khoa rất khó hiểu và không dễ sử dụng đâu. Khi đã học hỏi về phương pháp hiện tượng học và nhờ đó mà hiểu hiện tượng học là gì, chúng ta sẽ thấy tại sao nó đã ở quá lâu trong tình trạng phôi thai, tình trạng vấn đề, tình trạng một ước mong; nói cách khác, tại sao hiện tượng học không rõ rệt và dứt khoát như Duy tâm hay Duy vật chẳng hạn? Thưa chỉ vì tri giác là sinh hoạt tại thế của ta, mà trong sinh hoạt này ý thức ta không thể phân ly khỏi thân thể ta, cũng như thân ta không thể được coi là một hiện hữu biệt lập với thế giới. Ý tưởng thì bao giờ cũng rõ, nhưng tri giác không phải là một ý tưởng sinh hoạt tại thế của ta không phải là một ý tưởng. Muốn có ý tưởng về một phong cảnh, một con người một cảnh huống, thực là dễ. Nhưng muốn gặp lại kinh nghiệm sống của ta trước phong cảnh đó, với người đó, trong hoàn cảnh nhất định nào đó, thực không dễ chút nào. Merleau-Ponty đã nói một câu sâu sắc: “Không gì khó bằng biết thực hiện đúng cái ta nhìn.” (Phénoménologie de la perception, trong, 71). Không gì khó biết một cách đích đáng bằng tri giác của ta: khi nói lại kinh nghiệm sống của ta, ta thường mượn lời và ý của các văn gia và triết gia, vì dầu sao ta cũng dễ chịu ảnh hưởng của họ; ngoài ra, ta còn vướng vào cái Merleau-Ponty gọi là “thiên kiến chế giới” (préjugé du monde), nó làm ta tưởng thế giới là một tự thân, cho nên muôn đời và bất cứ ai từng thấy thế giới như vậy mãi. Dưới đây, phương pháp Giảm trừ hiện tượng học sẽ dạy ta gạt bỏ những dư luận của người khác (Husserl gọi như thế là Giảm trừ triết học), rồi gạt bỏ luôn tính chất tự thân của thế giới (Husserl gọi đây là Giảm trừ bản chất, hay Giảm trừ ý-tính), có thể ta mới hy vọng nhận thấy sự vật đúng như khi nó xuất hiện là đối tượng tri giác của ta.

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Đặng thai qui đặng - 14:55 21/09/2016
Theo tôi nghĩ : Hiện tượng bắt đầu từ những sự kiện . Sự kiện xảy ra khiến ta vô cùng vui sướng hay vô cùng đau khổ . Hiện tượng học phải phân tích được điều này . Lấy ví dụ : Chúa trời giáng cơ xuống Đạo Pháp quay lại năm không ( 0 ) ( zero year ) . Hiện tượng học giải thích điều này như thế nào ?
Mọi liên lạc và góp ý xin gửi về: dinhhongphuc2010@gmail.com.
Bản quyền: www.triethoc.edu.vn
Chịu trách nhiệm phát triển kỹ thuật: Công ty TNHH Công Nghệ Chuyển Giao Số Việt